Phan Lê Nhật Minh (THPT chuyên ĐH Vinh) tiếp xúc và mê game từ nhỏ. Nhưng thay vì sa đà vào đó, Nhật Minh biến game thành cảm hứng để theo đuổi ngành lập trình. Chi tiết này cũng được nam sinh Nghệ An đưa vào bài luận để ứng tuyển vào đại học Mỹ.
“Em tự nhận thấy bài luận đã thể hiện được em là người có kỷ luật bản thân khá tốt và điều này đã thuyết phục ban tuyển sinh của trường”, Nhật Minh chia sẻ về việc trúng tuyển ĐH Washington và ĐH Illinois Urbana-Champaign – hai trường nằm trong top 5 trường tốt nhất ở Mỹ top 30 thế giới về đào tạo ngành Khoa học máy tính.
Ngoài hai trường ĐH Washington và ĐH Illinois Urbana-Champaign, Nhật Minh còn trúng tuyển 6 đại học khác ở Mỹ. Ảnh: N.M. |
Hành trình ghi tên vào trường Mỹ
Phan Lê Nhật Minh có ý định du học từ năm lớp 9. Em luôn muốn khám phá những nền văn hoá mới, gặp gỡ mọi người đến từ các nền tảng văn hóa khác nhau. Vì thế, Nhật Minh đặt mục tiêu học đại học ở Mỹ – đất nước nổi tiếng với nhiều dân tộc và văn hoá khác nhau đến từ khắp thế giới.
Tiếp đó, nam sinh Nghệ An nỗ lực để thực hiện ước mơ đặt chân đến Mỹ. Em thi vào trường THPT chuyên ĐH Vinh. Bên cạnh việc học, Nhật Minh còn tham gia một số hoạt động nghiên cứu, tổ chức một số sự kiện liên quan đến khoa học. Em là chủ nhiệm câu lạc bộ khoa học của trường (KC STEME). Đây được coi là một trong những yếu tố giúp chàng trai xứ Nghệ “lấy điểm” trước ban tuyển sinh các trường.
Ngoài ra, Nhật Minh còn đạt IELTS 8.0 và SAT 1480 (mức điểm khá). Em thi thêm SAT Math II và đạt 800 điểm để hồ sơ ứng tuyển của mình có thêm sức nặng.
Tuy nhiên, Nhật Minh thừa nhận trong cuộc cạnh tranh vào đại học Mỹ, em có điểm yếu nằm ở việc thiếu các giải thưởng học thuật như giải học sinh giỏi quốc gia, sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Để bù lại, nam sinh trường chuyên ĐH Vinh dồn sức cho bài luận chính. Với em, đây cũng là phần khó khăn nhất trong quá trình làm hồ sơ xét tuyển. Em trăn trở rất nhiều để tìm ý tưởng như thế nào để vừa độc đáo vừa thể hiện được tố chất bản thân, thuyết phục thành viên ban tuyển sinh rằng mình là người phù hợp với trường.
Khi đã có ý tưởng, quá trình trau chuốt bài viết về mặt ý tứ, câu chữ cũng mất khá nhiều thời gian.
Cuối cùng, mọi nỗ lực đều được đền đáp xứng đáng. Phan Lê Nhật Minh trúng tuyển ĐH Washington cùng 7 trường khác, gồm ĐH Illinois Urbana-Champaign, ĐH Purdue, ĐH Massachusetts-Amherst, ĐH Minnesota, ĐH bang Ohio, Viện Bách khoa Worcester, ĐH bang Michigan.
“Lá thư từ Massachusetts-Amherst để lại cho em nhiều cảm xúc nhất vì đây là ‘phát súng’ đầu tiên của em trong kỳ tuyển sinh. Trường cũng khá tốt trong lĩnh vực đào tạo ngành Khoa học máy tính. Lúc nhận thư, em rất vui sướng và ngay lập tức chạy đến, thông báo kết quả với bố mẹ”, Nhật Minh tâm sự.
Chọn học trường hàng đầu về Khoa học máy tính, Nhật Minh hy vọng sau này, em có thể đóng góp cho cộng đồng. Ảnh: N.M. |
Sẽ theo đuổi ngành Khoa học máy tính
Lá thư trúng tuyển từ 8 đại học Mỹ giúp Nhật Minh giảm bớt gánh nặng thi đại học. Dù vậy, cuộc sống của em không thay đổi nhiều.
Hàng ngày, nam sinh vẫn lên lớp, hoàn thành việc học, cố gắng để đạt thành tích tốt trong cuộc thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Tranh thủ thời gian rảnh, Nhật Minh đọc sách lịch sử hay các bài báo khoa học và tập gym để rèn luyện sức khỏe.
Sau khi hoàn thành việc học ở Việt Nam, Phan Lê Nhật Minh dự định chọn ngành Khoa học máy tính. Nam sinh tin tưởng việc theo đuổi ngành học có ảnh hưởng sâu rộng ở mọi lĩnh vực, em có cơ hội tối đa để đóng góp cho cộng đồng trong kỷ nguyên số.
Ngành này cũng hợp với Nhật Minh – chàng trai có khả năng tự học tốt, biết xem xét vấn đề nhiều góc cạnh, hướng nội nhưng quyết đoán.
Nam sinh 18 tuổi kỳ vọng nhiều vào khoảng thời gian học đại học. Em mong muốn được tiến hành hoạt động nghiên cứu cùng với các giáo sư trong trường và tiếp tục tham gia các hoạt động liên quan đến khoa học kỹ thuật thông qua câu lạc bộ, sự kiện…
Tự nhận là người biểu đạt kém trong giao tiếp, Nhật Minh hy vọng các hoạt động này không chỉ giúp em tích lũy kinh nghiệm liên quan đến ngành học mà còn trau dồi kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo.
Nếu mọi việc thuận lợi, tình hình dịch được kiểm soát, mùa thu năm nay, Phan Lê Nhật Minh sẽ sang Mỹ để bắt đầu chặng đường mới. Nhìn lại hành trình đã qua, chàng trai 18 tuổi cảm thấy hài lòng. Hành trình thực hiện ước mơ du học của em không có những suất học bổng “khủng” nhưng em có thể theo đuổi ngành học mình thích tại ngôi trường phù hợp với mình.
Nhật Minh chia sẻ điều em thích nhất trong quá trình ứng tuyển là các đại học ở Mỹ không chỉ dùng điểm số mà còn đặt ưu tiên vào các hoạt động ngoại khoá và các bài luận.
“Thế nên, trong quá trình ‘cày’ hồ sơ, ứng viên không chỉ hướng đến mục tiêu vào trường top hoặc giành học bổng cao (hoặc cả hai) mà còn có cơ hội theo đuổi những gì mình đam mê và thể hiện các tố chất của bản thân”, nam sinh Nghệ An nói.