Sự phát triển của công nghệ đang khiến đời sống kinh tế, xã hội thay đổi với tốc độ đáng kinh ngạc. Điều này đòi hỏi mỗi người, mỗi tổ chức cần phải thích ứng một cách mạnh mẽ, mới có thể chạm tới hay duy trì được sự tồn tại, thành công.
Việc phải tự xóa bỏ định kiến, thoát khỏi những lối mòn trong tâm trí để có thể sáng tạo hơn, thành công hơn chính là thông điệp mà tiến sĩ Ken Robinson muốn gửi đến độc giả trong cuốn sách Từ tâm trí – Sức mạnh của sự sáng tạo.
Sách Từ tâm trí – Sức mạnh của sự sáng tạo. Ảnh: T. V. |
Ai cũng có thể sáng tạo
Trong cuốn sách Từ tâm trí – Sức mạnh của sự sáng tạo, TS Ken Robinson sẽ giúp độc giả trả lời 3 câu hỏi quan trọng: (1) Tại sao cần phải thúc đẩy sự sáng tạo trong giáo dục, cũng như các tổ chức? (2) Tại sao nhiều người nghĩ rằng họ không sáng tạo? (3) Các công ty, trường học và tổ chức có thể làm gì để phát triển sự sáng tạo và đổi mới một cách có chủ đích và có hệ thống?
Theo TS Robinson, chỉ cần nhìn lại 20 năm qua, ai cũng thấy thế giới thay đổi một cách chóng vánh như thế nào. Gần 20 năm trước, thế giới không có điện thoại thông minh, IPod hoặc IPad; không có bất kỳ phương tiện truyền thông xã hội nào làm biến đổi cuộc sống và công việc như ngày nay.
Tốc độ gia tăng dân số, các tác động ngày càng tăng lên môi trường… cũng khiến thế giới đang trở nên phức tạp và khó đoán hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh này, sự sáng tạo, đổi mới để có thể thích ứng được một cách nhanh chóng, làm chủ được sự thay đổi chính là yêu cầu sống còn đối với mỗi cá nhân, tổ chức muốn hướng tới thành công và sự phát triển bền vững.
Các công ty, tập đoàn lớn như IBM, GE, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ như Google, Facebook… luôn đặt ra ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy sự sáng tạo một cách có hệ thống trong toàn bộ tổ chức của họ, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới khi các cơ hội mới xuất hiện.
Trong bối cảnh này, các công ty, tập đoàn thỉnh thoảng mới có một ý tưởng mới là không đủ. Để duy trì tính cạnh tranh, họ cần phát triển nền văn hóa nơi sáng tạo, đổi mới là thói quen của toàn công ty, tập đoàn.
Tuy vậy, nhiều cá nhân, tổ chức có quan niệm sai lầm về sự sáng tạo. Một số người tin rằng sự sáng tạo là một quá trình không thể dạy được. Một số lại nghĩ rằng đó khả năng của những người đặc biệt, hoặc các hoạt động đặc biệt.
Trong cuốn sách Từ tâm trí: Sức mạnh của sự sáng tạo, với những lập luận và ví dụ sắc nét, TS Robinson đã chỉ ra rằng những quan niệm này hoàn toàn sai lầm và mọi người đều có tiềm năng sáng tạo. Khả năng sáng tạo có thể được phát triển trong mọi loại hoạt động, theo các cách hết sức thiết thực.
Lập luận của tác giả xuyên suốt sách là sự sáng tạo có thể được phát triển một cách có hệ thống, đặc biệt là nó buộc phải phát triển trong giáo dục và kinh doanh. Điều này vừa giúp cá nhân, tổ chức phát huy hết tài năng thực sự của mình, vừa đáp ứng nhiều thách thức mà chúng ta phải đối mặt.
TS Sir Ken Robinson. Ảnh: Sebastiaan ter Burg. |
Thúc đẩy sáng tạo từ giáo dục
TS Robinson cho rằng mô hình giáo dục chỉ tập trung vào ngôn ngữ, toán học, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, hoàn toàn coi nhẹ các môn xã hội nghệ thuật, đã giết chết khả năng sáng tạo ở trẻ em nhiều thế hệ, rất nhiều người bây giờ đã, đang và sẽ là lực lượng lao động chính trong xã hội.
Thực tế quy trình đào tạo này thích hợp để tạo ra lực lượng lao động phù hợp xã hội công nghiệp cách đây hơn chục năm trở về trước. Nó không phải xã hội công nghiệp hiện tại và tương lai – nơi nền kinh tế đòi hỏi lực lượng lao động không chỉ có kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật tốt; mà còn phải có khả năng sáng tạo, đổi mới tốt, vốn cần được nuôi dưỡng từ các môn học xã hội, nghệ thuật như đã nhắc ở trên.
Vì vậy, về mặt vĩ mô, TS Robinson đề xuất cần phải có sự thay đổi trong phương pháp, chương trình giáo dục của các cấp chính quyền. TS Robinson xác định và mô tả ba nhiệm vụ của việc giảng dạy cho sự sáng tạo gồm: Khuyến khích, xác định và bồi dưỡng (chương 10 của cuốn sách).
Với các công ty, tổ chức cần xây dựng và phát triển nền văn hóa đổi mới sáng tạo, các gợi ý của tác giả trong chương 9 của cuốn sách sẽ là những lời khuyên cho bất cứ nhà lãnh đạo nào.
Thực tế, những chiến lược nhằm thúc đẩy sự sáng tạo một cách có hệ thống trong giáo dục cũng như kinh doanh đã được TS Robinson đề xuất và áp dụng cho nhiều quốc gia như Vương quốc Anh, Bắc Ireland, Singapore, cũng như nhiều bang của Mỹ.
Đây cũng là cuốn sách hữu ích đối với các nhà lãnh đạo, quản lý, các thầy cô giáo cũng như bậc cha mẹ học sinh, từ đó lựa chọn được xu thế, con đường giáo dục tốt nhất cho con em mình.
TS Ken Robinson là nhà lãnh đạo, chuyên gia được công nhận trong việc phát triển sáng tạo, đổi mới nguồn nhân lực trong giáo dục và kinh doanh. Ông cũng là một trong những diễn giả về chủ đề này. Các bài nói chuyện TEDx Talks của ông có chục triệu lượt xem, đặc biệt là các bài nói chuyện về chủ đề giáo dục và sáng tạo.
Năm 2003, ông đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ vì những đóng góp trong giáo dục. Năm 2011, ông được tạp chí Fast Company vinh danh là “một trong những nhà tư tưởng ưu tú trên thế giới về sự sáng tạo và đổi mới”.