Bộ hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm 6 cuốn sách do nhà văn Hữu Mai chấp bút và 1 cuốn sách khác của Đại tướng – Ảnh: HỮU BÌNH
Chuyện tưởng như “bất công” với nhà văn Hữu Mai, nhưng câu chuyện phức tạp hơn thế.
Là người đại diện gia đình nhà văn Hữu Mai lên tiếng về việc này, ông Trần Hữu Bình (tác giả Bình Ca) chia sẻ cha ông – nhà văn Hữu Mai – đã dành 30 năm để viết (thể hiện) bộ hồi ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp với 6 cuốn sách: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử.
Nên công nhận đồng tác giả?
Tác giả Bình Ca nói theo Luật sở hữu trí tuệ, cha ông và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đồng tác giả các cuốn hồi ký này. Những năm cha ông còn sống, nhuận bút vẫn được chia theo tỉ lệ 50/50 cho hai bên. Nhưng từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, con trai đại tướng là ông Võ Điện Biên đã không chấp nhận nhà văn Hữu Mai là đồng tác giả.
Vừa qua, NXB Thông Tin Truyền Thông đã in 2 cuốn sách trong bộ hồi ký là Đường tới Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử mà không xin phép gia đình nhà văn Hữu Mai. Cuối năm 2020, NXB này đã gửi công văn xin lỗi gia đình nhà văn Hữu Mai, đồng thời gửi công văn tới gia đình Đại tướng đề nghị hủy hợp đồng xuất bản 2 cuốn sách này mà trước đó đã được ký trong 5 năm.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Chí Đạt – giám đốc, tổng biên tập NXB Thông Tin Truyền Thông – giải thích về việc hủy hợp đồng do hai gia đình chưa rõ ràng được về bản quyền.
Hỏi quan điểm về bản quyền trong bộ sách này, ông Đạt nói quyển sách đã được xuất bản nhiều lần với cụm từ “Hữu Mai thể hiện” thì có thể là Đại tướng khi ấy đã đọc cho nhà văn thể hiện hoặc nhà văn cũng tham gia vào xây dựng các ý tưởng, nội dung của bộ sách. Thực hư thế nào thì chỉ hai gia đình mới biết, nhưng với tư cách là đơn vị xuất bản, ông Đạt cho rằng trường hợp này nên để đồng tác giả là đúng nhất.
Một biên tập viên NXB Trẻ cũng đồng tình quan điểm này. Bà giải thích rất nhiều người chỉ biết cách kể thôi, không biết cách viết, nên trong những trường hợp chấp bút hồi ký, trừ khi có một thỏa thuận trước giữa hai người là người chấp bút chấp nhận khuất mặt khuất tên thì mới không có quyền tác giả nữa.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng bạn đọc nhìn vào bộ hồi ký có thể thấy ngoài phần Đại tướng kể lại cho nhà văn Hữu Mai thì còn có những phần người viết phải tổng hợp từ nhiều tư liệu và ngồi sáng tạo một lần nữa trên toàn bộ hiện thực đó để xây dựng một cuốn sách với văn phong riêng của ông.
Do đó, ông Thiều cho rằng bản quyền đó phải thuộc về hai người.
Hiểu thế nào về đồng tác giả?
Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác trong câu chuyện này. Tuổi Trẻ đã liên hệ với ông Võ Điện Biên và bà Võ Hạnh Phúc (hai người con của Đại tướng) để tìm câu trả lời, tuy nhiên cả ông Biên và bà Phúc đều không muốn chia sẻ.
“Gia đình chúng tôi không trả lời về việc này” – ông Võ Điện Biên nói với Tuổi Trẻ ngày 17-3. Bà Võ Hạnh Phúc nói: “Nhà tôi không nói chuyện này. Uy tín của gia đình tôi thế nào thì chúng tôi biết, mọi người biết”.
Một biên tập viên NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật cũng cho rằng nhà văn Hữu Mai không thể được coi là đồng tác giả mà chỉ là người thể hiện giúp những tư tưởng của nhân vật, không phải là tác giả ý tưởng.
Một nhà nghiên cứu uy tín và từng biết khá rõ về nhà văn Hữu Mai thì nói trường hợp này không đơn giản khẳng định là đồng tác giả được mặc dù ông biết những cuốn này đều do Hữu Mai nghe kể và đi tìm tư liệu viết toàn bộ.
Theo ông, nếu hiểu một cách đơn giản đồng tác giả là những người cùng tham gia vào việc viết lên tác phẩm thì có thể coi Hữu Mai là đồng tác giả. Nhưng nếu hiểu một cách sâu sắc về khái niệm đồng tác giả thì khó có thể coi Hữu Mai là đồng tác giả.
Ông dẫn ra một câu chuyện ở Liên Xô cũ làm đối sánh. Nhà vật lý nổi tiếng thế giới người Liên Xô từng được giải Nobel – Lev Landau – và cộng sự của ông ở phòng thí nghiệm là Evgeny Lifshitz đã cộng tác với nhau viết cuốn giáo trình vật lý rất hay. Cuốn sách đứng tên hai người, có thể coi là đồng tác giả.
Nhưng một người bạn của Lev Landau đã nói một câu mà mọi người đều thích thú và đồng tình rằng trong cuốn giáo trình ấy “không có một dòng nào của Landau nhưng cũng không có một tư tưởng nào của Lifshitz”.
“Rõ ràng trong một tác phẩm thì tư tưởng là quan trọng nhất, chuyện thể hiện không phải quan trọng. Cho nên các nhà nghiên cứu sau này trích dẫn những tư tưởng trong cuốn sách trên thì bao giờ người ta cũng bảo nó là của ông Landau, mặc dù Lifshitz được coi là đồng tác giả.
Lifshitz có công giúp Landau làm cuốn đó chứ không bao giờ là đồng tác giả theo nghĩa chặt chẽ của từ này. Trường hợp hồi ký chúng ta đang bàn cũng có thể nói là tương tự” – nhà nghiên cứu kỳ cựu nói.
Chuyện trước đó khi chia nhuận bút 50/50 cho hai bên, theo nhà nghiên cứu này, điều đó cũng không có giá trị pháp lý trong việc công nhận người chấp bút là đồng tác giả.
Ông Nguyễn Nguyên – cục trưởng Cục Xuất bản – không bình luận đúng sai, chỉ bày tỏ mong muốn các bên liên quan sẽ sớm đạt được thỏa thuận trên cơ sở thực hiện nghiêm Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật liên quan.
Từ câu chuyện này, liên hệ với giai đoạn hiện nay, khi thị trường sách hồi ký của người nổi tiếng ngày càng sôi động với những hợp đồng xuất bản có giá trị lớn, nhiều người nổi tiếng thuê người chấp bút, các chuyên gia về bản quyền cho rằng những người chấp bút và người thuê chấp bút rất cần có hợp đồng thỏa thuận rõ ràng ngay từ đầu để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh những tranh chấp bản quyền rất khó giải quyết về sau.
Cùng nhau giải quyết là tốt nhất
Luật sư Phạm Anh Tuấn (Công ty luật Phạm và cộng sự) cho biết Luật sở hữu trí tuệ không bảo hộ quyền tác giả cho những hỗ trợ kỹ thuật mà chỉ bảo hộ cho tác giả ý tưởng. Vì vậy, trong trường hợp này, cần phải xác định được người chấp bút đóng góp gì vào việc xây dựng lên bộ hồi ký, có thể hiện những dấu ấn cá nhân của ông trong đó không, có đưa văn phong và bình luận của ông vào tác phẩm không.
Luật sư này cho rằng chỉ có tòa án mới phán quyết được, khi họ đã tham khảo ý kiến từ hội đồng giám định tư pháp do tòa lập ra. Hội đồng này gồm các chuyên gia am hiểu luật, am hiểu lịch sử bối cảnh ra đời của tác phẩm, và hiểu về các nhân vật liên quan. Ông cũng cho rằng hai gia đình nên ngồi lại giải quyết với nhau là tốt nhất.