Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh vừa qua, các chuyên gia tuyển sinh đã chia sẻ nhiều vấn đề đối với thí sinh.
Nói về điểm chuẩn, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn truyền thông, ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng điểm chuẩn là vấn đề rất khó đoán.
Những thí sinh tâm lý vững thì thường lấy điểm chuẩn các năm trước làm động lực. Nhưng nếu không, đó giống như vòng kim cô trói thí sinh. Do đó, phải vững tâm lý khi dò điểm chuẩn những năm trước.
Thí sinh nên tìm hiểu kỹ và bình tĩnh khi đăng ký xét tuyển sinh đại học. Ảnh: Tiền Phong. |
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương lấy ví dụ ngành Tài chính ngân hàng của trường năm 2020, điểm trúng tuyển lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT là 18. Điểm chuẩn xét kết quả học bạ đợt 1 là 18, nhưng đợt sau tăng lên 20-22 điểm.
Điều này là ví dụ rõ ràng nhất cho “cảnh báo” mà thạc sĩ Phương đã nói ở trên. Vì vậy, theo ông, thí sinh càng “dây dưa” về sau thì điểm chuẩn càng cao.
Theo TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân, quy chế tuyển sinh 2021 có nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, nếu thí sinh không khéo sẽ dính vào “cạm bẫy ngọt ngào”. Mỗi trường có đến 3-4 phương thức xét tuyển, về quy chế các phương thức xét tuyển hoàn toàn độc lập và có giá trị như nhau.
Các trường tự chủ tuyển sinh, tuy nhiên quy chế ghi rõ, khi đã xác định trúng tuyển vào một trường ĐH bằng bất kỳ phương thức nào thì coi quá trình xét tuyển vào ĐH năm 2021 kết thúc. Đây là điểm quan trọng thí sinh cần lưu ý.
Hiện nay, nhiều trường đã xét học bạ, sắp tới, kỹ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM diễn ra, nên khi có kết quả, nếu thí sinh đủ điểm thì hoàn toàn có thể nhập học.
“Vì vậy, cần hết sức bình tĩnh. Ngành học là quan trọng nhất. Nếu các em đã quyết tâm đi theo một ngành nào đó thì phải xem có bao nhiêu trường đào tạo và điểm mạnh của mỗi trường như thế nào. Đừng vội vàng chọn trường yêu thích mà quyết định có thể lựa chọn bất cứ ngành nào miễn là trúng tuyển”, TS Hải nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, lưu ý thêm thí sinh cần tìm hiểu kỹ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) vào do Bộ GD&ĐT công bố đối với các ngành sư phạm và các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và điểm sàn do các trường công bố khi điều chỉnh nguyện vọng.
Theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng vẫn phải sắp xếp nguyện vọng từ cao xuống thấp, nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất.
Trong đợt một, các trường xét tuyển các nguyện vọng bình đẳng như nhau không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng trong số nguyện vọng các em đã đăng ký.
Nếu đã trúng tuyển nguyện vọng trên, các nguyện vọng sau không được xét nữa. Do vậy, PGS Dũng lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các em hãy lựa chọn những nguyện vọng mong muốn ưu tiên xếp lên trên hết để có cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích nhất.