Đầu tháng 3, Nguyễn Hà Vi (19 tuổi, Hà Tĩnh) nhận thư từ ĐH Stanford. Nghĩ đây là thư báo trượt hoặc yêu cầu bổ sung tài liệu, Vi chưa vội đọc. Mấy hôm sau, nữ sinh click vào mail, không hồi hộp, lo lắng cũng không chờ mong hay sợ sẽ thất vọng.
“Thấy dòng ‘chúc mừng’, em giật mình, không tin, dở khóc dở cười. Lúc đó đã nửa đêm, em không biết nói với ai ngoài mẹ và bạn thân. Cả đêm, em vừa ngủ vừa cười”, Hà Vi nhớ lại cảm giác khi nhận tin trúng tuyển ĐH Stanford cùng học bổng 7,3 tỷ đồng.
Nguyễn Hà Vi tự nhận bản thân là ví dụ điển hình cho sự trầy trật, thất bại để rồi đi tiếp. Ảnh: H.V. |
Bắt đầu từ con số 0
Nguyễn Hà Vi, cựu học sinh lớp chuyên Anh, trường THPT chuyên Hà Tĩnh, bắt đầu săn học bổng từ năm lớp 11. Mọi việc không thuận lợi. Vi ứng tuyển học bổng UWC (United World Colleges) nhưng không được nhận.
Thất bại đầu đời khiến Nguyễn Hà Vi tự nhìn nhận lại bản thân xem liệu có đang nghiêm túc với hành trình đã chọn không. Nó cũng thôi thúc nữ sinh muốn đi, cống hiến và cho đi hết mức có thể.
Buồn đủ, khóc đủ, cô quyết định đứng lên, tiếp tục tìm kiếm cơ hội. Cuối năm lớp 11, Hà Vi tìm hiểu về học bổng du học Mỹ. Nữ sinh tự nhận bản thân bắt đầu từ con số 0 – không người hướng dẫn, không ai ủng hộ, không giải quốc tế, không ở trong đội tuyển quốc gia, cũng không nhận sự hỗ trợ từ trung tâm.
“Biết mình bắt đầu muộn lại không theo trung tâm tư vấn du học, em nỗ lực gấp 10, 20 lần. Những người xung quanh hoài nghi, cho rằng em đang mơ mộng. Em chấp nhận. Đây là con đường em muốn đi nên dù phải hy sinh nhiều thời gian, công sức hơn, em vẫn làm”, nữ sinh 19 tuổi tâm sự.
Nhưng không phải cứ nỗ lực, mọi chuyện sẽ như kỳ vọng. Năm đầu tiên, Hà Vi chỉ trúng tuyển vào một số trường với mức hỗ trợ rất ít. Vi quyết định dành thêm một năm và bắt đầu lại từ đầu.
Trong một năm đó, Nguyễn Hà Vi ôn thi chuẩn hóa, tham gia một vài cuộc thi quy mô quốc gia, quốc tế. Cô còn là thực tập sinh, nghiên cứu sinh, tình nguyện viên tại các tổ chức giáo dục, tâm lý, xã hội trong, ngoài nước, đồng thời thực hiện các dự án xã hội cá nhân về phụ nữ, trẻ em và giáo dục.
Một năm qua, nữ sinh Hà Tĩnh tự đặt câu hỏi “Tại sao lại là Mỹ? Tại sao lại là giáo dục? Tại sao lại là giấc mơ giúp những bạn gái và phụ nữ?”.
Nguyễn Hà Vi chia sẻ cô chọn Mỹ với rất nhiều nguyên nhân. Quan trọng nhất, cô thích học rộng trước khi học sâu và hệ thống giáo dục khai phóng ở Mỹ nổi tiếng với mô hình giáo dục này.
Cô nộp đơn ứng tuyển vào 23 trường. Lần này, con đường hướng tới giáo dục Mỹ thuận lợi hơn khi Vi nhận học bổng Trí Việt 2020 (học bổng tư vấn vào đại học Mỹ của APUS do những người đi trước ở Mỹ tổ chức).
Bên cạnh đó, trong quá trình làm hồ sơ, Hà Vi nhận sự giúp đỡ từ một số người đang học tập, làm việc tại Mỹ. Nhờ đó, cô gái Hà Tĩnh thành công chinh phục ĐH Stanford – ngôi trường hàng đầu thế giới.
Trải qua một năm với hơn 20 lá thư từ chối, bằng tinh thần lạc quan, Hà Vi bắt đầu lại từ đầu. Ảnh: H.V. |
Hơn 20 lá thư từ chối và học bổng 7,3 tỷ đồng
Trong quá trình làm hồ sơ, Nguyễn Hà Vi không đặt nặng xếp hạng của trường, chỉ chú trọng sự phù hợp, khả năng hòa nhập của bản thân nếu trúng tuyển. Stanford cũng không phải là mục tiêu trọng tâm. Vi ứng tuyển chỉ vì thích trường và hệ thống bài luận của trường.
Trong các bài luận đó, Hà Vi tập trung nói về giáo dục, phụ nữ, những trăn trở về thứ gọi là quy chuẩn của xã hội và cách mọi người đang bị bó hẹp trong giới hạn. Cô cũng viết về cách bản thân nhìn nhận cuộc sống cùng mối quan hệ giữa người với người qua các thời kỳ.
“Thú thực, em cũng không biết yếu tố chủ chốt làm trường thích mình. Em chỉ biết mình đã thể hiện chân thật nhất về bản thân và có thể, con người em phù hợp với cộng đồng sinh viên ở Stanford”, Hà Vi chia sẻ.
Kết quả từ ĐH Stanford khiến Vi nhẹ nhõm vì những nỗ lực bao năm qua không uổng phí, cô cũng không phụ sự trông đợi, tin tưởng từ người thân yêu.
Nữ sinh tự nhận bản thân là ví dụ điển hình cho sự trầy trật, thất bại, vấp ngã, để rồi lại đi tiếp. Cô tâm sự những gì mọi người nhìn thấy là lá thư gọi nhập học của Stanford. Nhưng những gì em và những người thân yêu thấy trong hơn một năm qua là hơn 20 lá thư từ chối từ các trường, hơn 20 email báo “không thể nhận vào thực tập” từ nhiều tổ chức khác nhau.
“Khi em chọn tự mình đi con đường này, em chấp nhận mất hết và bắt đầu lại từ đầu, chấp nhận luôn cả những ánh mắt hoài nghi mọi người đổ dồn lên em. Những lúc đó, chỉ cần có một người ủng hộ và tin em thôi cũng đủ”, Hà Vi bộc bạch.
Nhận thư trúng tuyển cùng mức hỗ trợ tài chính lớn từ trường danh tiếng, cuộc sống của Vi vẫn vậy. Cô tiếp tục với các dự án mình đang theo đuổi, cả về giáo dục, phụ nữ và một số dự án nghệ thuật riêng. Nữ sinh từ Hà Tĩnh vẫn tranh thủ lúc rảnh để chơi đàn, viết nhạc, vẽ, chụp ảnh, ở cạnh người thân hay thăm thú, tìm các hàng quán ngon.
Khác biệt duy nhất chắc là Vi được nhiều người biết đến hơn. Một số em khóa dưới tìm đến cô để trò chuyện. Vi coi đó là cơ hội tốt để lan tỏa những bài học mình nhận ra.
Cô hy vọng mọi người hiểu giáo dục là chuyện cả đời. Những quy định về số tuổi phải vào cấp 1, 2, 3 hay đại học đều do xã hội đặt ra, trong khi khả năng phát triển và con đường của mỗi người là khác nhau.
Với Hà Vi, học không chỉ bao gồm những giờ cày cuốc trên lớp, ở lò luyện thi hay những đêm không ngủ ôn bài. Học là việc mình hiểu và yêu lấy thế giới xung quanh, học cách yêu thương mọi người, tôn trọng sự khác biệt, vượt qua khủng hoảng, định kiến.
Và ở tuổi 19, trong khi phần lớn bạn bè bước lên năm 2, Nguyễn Hà Vi vẫn chờ đợi thư thông báo kết quả từ các trường đại học. Nếu theo học Stanford, Vi dự định học Tâm lý và Giáo dục. Nhưng mọi chuyện đều có thể thay đổi khi hết năm 2, cô mới chọn ngành và luôn sẵn sàng tiếp nhận thử thách ở lĩnh vực mới. Hiện tại, nữ sinh mong tình hình dịch ổn để tháng 8 hoặc tháng 9, cô có thể bay qua Mỹ học trực tiếp.