Sáng 18/3, hội nghị tổng kết ngành in năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và tổng kết thi hành Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ được tổ chức tại TP.HCM.
Bên cạnh những số liệu khả quan của ngành in trong năm 2020, một vấn đề khó khăn được cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp nêu ra là nguồn nhân lực.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành in tích cực cho ý kiến để hoàn thiện hành lang pháp lý. Ảnh: Duy Anh. |
Nhân lực thiếu và yếu
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng lao động năm 2020 là 60.720 lao động (giảm 2,3%). Trong đó, số lao động nam chiếm 59,8%. Số lao động được đào tạo dưới mọi hình thức (từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng, đại học) dưới 60%.
Trong số lao động được đào tạo, trình độ trên đại học chưa tới 1%, đại học và cao đẳng chiếm khoảng 20%, trung cấp khoảng 10%, còn lại lại là sơ cấp nghề hoặc chưa qua đào tạo.
Cục Xuất bản, In và Phát hành đánh giá năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực có dấu hiệu giảm rõ rệt. Nguyên nhân là số lao động có trình độ tay nghề cao, bao gồm cả kỹ sư, công nhân bậc cao đào tạo tại nước ngoài, phần lớn đã hết tuổi lao động.
Số lao động lâu năm trong ngành lại khó khăn trong việc cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Do những khó khăn về kinh phí, ít doanh nghiệp đầu tư cho khâu đào tạo nhân lực.
Mặt khác, năng lực đào tạo hiện có của các trường chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động ngành in. Nội dung đào tạo chưa bám sát sự phát triển của công nghệ, thiết bị, gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp in.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội In Hà Nội, thừa nhận thực trạng đang diễn ra đối với ngành in là thiếu lao động được đào tạo. Các doanh nghiệp in trên cả ba miền Bắc – Trung – Nam đều rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, cũng như lao động phổ thông.
Ông dẫn ví dụ cuối năm 2020, Cao đẳng Công nghiệp In tổ chức tọa đàm về đào tạo và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp với sự tham gia của 20 doanh nghiệp in lớn và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đăng ký học các khóa rất ít.
Thiếu lao động dẫn đến tình trạng doanh nghiệp này câu kéo nhân công của doanh nghiệp khác bằng cách trả lương cao hơn để có người làm được ngay không phải mất công đào tạo.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Xuất bản, In và Phát hành đề nghị các đơn vị đào tạo đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in, gồm đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật.
Nội dung đào tạo cần bám sát sự phát triển của công nghệ, thiết bị, gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp in, để nhân lực được đào tạo khi ra trường có thể làm việc được ngay, tránh tình trạng vừa thiếu nhân lực có chất lượng cao, lại thừa nhân lực do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất mới.
Các trường phải tăng cường, thường xuyên hợp tác với quốc gia có ngành in phát triển để cử sinh viên, cán bộ đi học tập và đào tạo, chuẩn bị cho nguồn nhân lực cho ngành in phù hợp sự phát triển của thế giới.
Các cơ sở ngành in cũng phải chú trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm in của cơ sở.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông, tại hội nghị. Ảnh: Duy Anh. |
Sửa đổi, bổ sung nghị định
Tại hội nghị, đại diện nhiều đơn vị cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động in để phù hợp thực tiễn hoạt động của ngành in.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông, cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan quản lý trong năm 2021 là nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực in theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in; xây dựng phương án sửa đổi Luật Xuất bản năm 2012 nhằm thay đổi các quy định về in xuất bản phẩm theo hướng thông thoáng, mở rộng thị trường in, đối tượng in.
Các đơn vị phải tích cực góp ý sửa đổi để nghị định đáp ứng yêu cầu ngành in.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo
Về việc góp ý, sửa đổi các nghị định, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lưu ý các đơn vị ngành in phải tích cực cho ý kiến, góp ý, để nghị định đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, không xảy ra tình trạng nghị định mới ban hành vài năm đã phải sửa đổi, bổ sung.
Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP là hai văn bản tác động chính đến hoạt động in. Do vậy, trước xu thế phát triển như hiện nay, hai nghị định này cần phải bổ sung, điều chỉnh các nghị định, quy định pháp luật cần thiết cho phù hợp thực tiễn.
“Trên cơ sở những góp ý của các địa phương, doanh nghiệp, hai nghị định có nhiều vấn đề cần sửa đổi. Tuy nhiên, điều này cũng nói lên tính trách nhiệm của các cơ quan xây dựng pháp luật. Hiện nay, tính dự báo của các nghị định, quy định pháp luật chưa đạt yêu cầu, vì thế khi luật ban hành thì đã có những điểm lạc hậu. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung nghị định mới cần được làm kỹ để cần đảm bảo tính khả thi và lâu dài”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Bảo, việc sửa đổi, bổ sung các nghị định không chỉ là lắng nghe ý kiến, tình hình hoạt động thực tế của các doanh nghiệp, các đơn vị quản lý ngành in mà còn phải so sánh, đối chiếu với các luật khác có liên quan. Điều này giúp phát hiện những vấn đề chồng chéo, từ đó, cơ quan soạn thảo nghị định sửa đổi đưa ra những quy định mang tính tổng thể, hài hòa, căn cứ vào mục tiêu chiến lược và quy hoạch ngành.