1. Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ): Thành lập năm 1861, MIT được đánh giá là “ông lớn” trong ngành giáo dục với khoảng 1.000 giảng viên và 11.000 sinh viên đại học, sau đại học. Theo xếp hạng của QS, trường xếp hạng 1 với điểm đánh giá tuyệt đối (100/100). Các nghiên cứu của MIT đi đầu trong các lĩnh vực về phát triển trí tuệ nhân tạo, khí hậu, HIV, ung thư và xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tìm ra những đột phá mới về khoa học, trong đó có phát triển radar, phát minh bộ nhớ lõi từ và tìm ra khái niệm về vũ trụ giãn nở. Với phương châm “Mind and Hand”, MIT đang hướng đến nâng cao kiến thức về khoa học, công nghệ để làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Ảnh: MIT News. |
2. Đại học Stanford (Mỹ): Được đánh giá 98.4 điểm, Đại học Stanford tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trên xếp hạng. Nhà sáng lập các tập đoàn Yahoo, Google, Hewlett-Packard… từng là sinh viên Stanford. Vì thế, trường được mệnh danh là “Nhà máy tỷ phú”. Thành lập năm 1885, Đại học Stanford là môi trường học tập lý tưởng dành cho những sinh viên yêu thích ngành Khoa học máy tính. Sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, Đại học Stanford có 19 người từng đoạt giải Nobel. Trường thường xuyên góp mặt trong top 10 các bảng xếp hạng đại học thế giới. Ảnh: New York Post. |
3. Đại học Harvard (Mỹ): Tiếp tục giữ vị trí số 3 trên xếp hạng, tuy nhiên điểm đánh giá của Đại học Harvard tăng nhẹ so với năm 2020 (từ 97.4 lên 97.9). Thành lập năm 1636, Harvard là tổ chức giáo dục đại học lâu đời nhất ở Mỹ, được đánh giá cao về tầm ảnh hưởng, danh tiếng trên toàn thế giới. Hiện, trường có khoảng 21.000 sinh viên, 11 đơn vị học thuật, 10 phân khoa đại học và Viện Nghiên cứu Cao cấp Radcliffe. Cựu sinh viên của Đại học Harvard gồm 8 tổng thống Mỹ, một số nguyên thủ quốc gia nước ngoài, 62 tỷ phú còn sống, 359 học giả Rhodes và 242 học giả Marshall. Ngoài ra, sinh viên trường từng giành được 108 huy chương Olympic các loại. Ảnh: The New Times. |
4. Viện Công nghệ California (Mỹ): Tăng 1 bậc so với năm ngoái, Viện Công nghệ California (CalTech) xếp hạng 4 với 97 điểm đánh giá. Trường thành lập năm 1891 với mục đích là trường dự bị dạy nghề, sau đó CalTech được phát triên với sứ mệnh “mở rộng kiến thức và mang lại lợi ích xã hội thông qua nghiên cứu kết hợp giáo dục”. Đầu thế kỷ 20, trường trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học chính của Mỹ. Hiện, trường là nơi vận hành Dự án tài liệu Einstein. Đây là sáng kiến nhằm bảo tồn, dịch và xuất bản các bài báo chọn lọc từ tác phẩm của Einstein. Ngoài ra, CalTech cũng thành lập trung tâm đổi mới năng lượng nhằm tìm ra các phương pháp mới để sản xuất năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Ảnh: ArchDaily. |
5. Đại học Oxford (Anh): Đạt 96.7/100 điểm, Đại học Oxford tụt 1 hạng và xếp thứ 5 trong danh sách năm nay. Hiện, trường có khoảng 22.000 sinh viên, hơn một nửa trong số đó là sinh viên bậc đại học, cùng 40% là sinh viên quốc tế. Bốn bộ phận học thuật của Oxford bao gồm: Nhân văn; Khoa học Xã hội; Toán học, Vật lý và Khoa học Đời sống; Khoa học Y tế. Thế mạnh đặc biệt của trường là khoa học và từng được xếp hạng 1 toàn thế giới về đào tạo Y học. Đại học Oxford có mạng lưới cựu sinh viên với hơn 250.000 cá nhân, trong đó có hơn 120 người đoạt huy chương Olympic, 26 người đoạt giải Nobel, 7 nhà thơ đoạt giải và hơn 30 nhà lãnh đạo thế giới. Ảnh: The Times. |
6. ETH Zurich – Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ (Thụy Sĩ): ETH Zurich thành lập năm 1855, là cơ sở giáo dục đại học về khoa học và kỹ thuật nằm ở Zürich, Thụy Sĩ. Năm 2021, trường tiếp tục xếp hạng 6 trong danh sách, nhưng tụt 0.9 điểm đánh giá so với năm ngoái (từ 95.9 xuống 95). Hiện, trường có 16 khoa đào tạo ở nhiều lĩnh vực từ Kỹ thuật, Kiến trúc đến Hóa học, Vật lý. ETH Zurich có 21 người đoạt giải Nobel, 2 người đoạt huy chương Fields, 2 người đoạt giải Pritzker và 1 người đoạt giải Turing. Đặc biệt, thiên tài Vật lý Albert Einstein từng là sinh viên Toán học và Khoa học Tự nhiên của trường (từ năm 1896-1900). Sau đó, ông làm việc 2 năm tại đây với tư cách giáo sư Vật lý lý thuyết. Ảnh: ETH Zürich Foundation. |
7. Đại học Cambridge (Anh): Dù điểm đánh giá thấp hơn năm ngoái, Đại học Cambridge vẫn giữ nguyên thứ hạng. Thành lập năm 1209, Cambridge là một trong những trường đại học tiên phong đào tạo ngành Khoa học máy tính trên thế giới. Với danh tiếng về chất lượng học thuật xuất sắc và các giá trị học thuật truyền thống, Đại học Cambridge thường được xếp hạng cao trong danh sách các trường đại học hàng đầu trên thế giới về giảng dạy, nghiên cứu và triển vọng quốc tế. Trường có 98 người đoạt giải Nobel, 15 thủ tướng Anh từng là sinh viên, giảng viên của trường. Ảnh: Airbnb. |
8. Imperial College London (Anh): So với năm 2020, Imperial College London tăng một bậc, xếp ở vị trí thứ 8, đạt 93.6/100 điểm đánh giá. Imperial College London là học viện độc nhất vô nhị ở Vương quốc Anh, chỉ tập trung vào Khoa học, Kỹ thuật, Y học và Kinh doanh. Trường cung cấp nền giáo dục dựa trên nghiên cứu, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận tri thức theo cách mới lạ và có cơ hội làm việc trong môi trường đa văn hóa, đa quốc gia. Ảnh: Imperial College London. |
9. Đại học Chicago (Mỹ): Được đánh giá 92.9/100 điểm, Đại học Chicago tăng 1 hạng và xếp thứ 9 trong danh sách năm nay. Theo QS, ngoài Ivy League, Chicago là một trong những trường đại học hàng đầu của Mỹ và luôn giữ vị trí top 10 trong các bảng xếp hạng quốc gia và quốc tế. Trường có khoảng 15.000 sinh viên, tỷ lệ trúng tuyển là 7,3%. Đến nay, Đại học Chicago có 98 người được trao giải Nobel (trong đó có 10 người đang là giảng viên), 49 học giả Rhodes và 9 người được Huy chương Fields. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng là giảng viên tại Trường Luật Đại học Chicago. Ảnh: Time Magazine. |
10. University College London (Anh): So với năm 2020, UCL tụt 2 hạng và chỉ xếp hạng 10, tổng điểm đánh giá là 92.9/100. Đây là trường đại học đầu tiên tại Anh cung cấp chương trình đào tạo cho sinh viên nữ và sinh viên thuộc mọi tôn giáo trên cả nước và thế giới. Hiện, trường có khoảng 18.000 sinh viên quốc tế đến từ hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. 29 cựu sinh viên, nhân viên trường từng đoạt giải Nobel. Ảnh: UCL. |
Năm 2021, QS công bố thứ hạng của 1.000 trường đại học trên khắp thế giới. Trong đó, có 47 trường lần đầu tiên lọt top. Viện Công nghệ Massachusetts lập kỷ lục khi giữ vị trí số 1 trong 9 năm liên tiếp.
Xếp hạng các trường đại học được QS đánh giá dựa trên 6 tiêu chí, bao gồm: Danh tiếng học thuật (40%), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ bài báo xuất bản trên giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%) và tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).