Trong thị trường sách Tết năm nay, cuốn Phong vị xuân xưa (Tri Thức Trẻ Books và NXB Hội Nhà văn phát hành) có điểm riêng khi tìm về nét đẹp, văn hóa xưa. Sách tập hợp hơn 40 bài viết về phong tục ngày Tết của nhiều tác giả đăng trên một số sách, báo, tạp chí những năm 1920-1945.
Ông Nguyễn Văn Học (Lí Học) – đại diện nhóm biên soạn – chia sẻ về quá trình thực hiện ấn phẩm.
Tìm phong vị xuân xưa qua sách, báo
– Điều gì khiến nhóm biên soạn làm một cuốn sách Tết tuyển chọn tác phẩm xuất hiện trong giai đoạn 1920-1945? Tại sao lại là giai đoạn này, mà không phải là thời điểm khác?
– Có mấy lý do để chúng tôi lựa chọn các bài viết xuất hiện trong giai đoạn 1920- 1945: Thứ nhất, đây là giai đoạn khởi đầu và phát triển của dòng sách Tết. Như bạn biết đấy, trong cuốn Phong vị xuân xưa chúng tôi đã lựa chọn nhiều cuốn sách Tết của giai đoạn này như: Bút xuân Mậu Dần – 1938, Giai phẩm xuân 1943, Ăn tết – 1929, Sách xem Tết năm Canh Ngọ 1930, Sách chơi xuân năm Tân Mùi – 1931, Văn xuân Giáp Tuất 1934…
Ấy là chưa kể những tác phẩm sách Tết, báo Tết còn thiếu chưa đưa vào mà nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh có dẫn ra trong lời giới thiệu như: Nam Phong – 1918, Đông Dương thời báo 1928, Thần Chung Kỉ Tị 1929, Phụ nữ Văn xuân Canh Ngọ 1930, Công Luận xuân Tân Mùi 1931.
Lí do thứ hai, đây là giai đoạn xã hội Việt Nam có nhiều cây bút, học giả lớn, những người tích tụ hai nền văn hóa Đông – Tây, am hiểu và rất giỏi về chữ Pháp và chữ Hán-Nôm. Vì vậy, những bài viết của họ vừa có cái tình của người An Nam (Việt Nam), vừa có chiều sâu chữ nghĩa và rất có tính khoa học của phương Tây.
Trong đó, nhiều nhân vật mà ngày nay nhiều tuyến phố mang tên họ, nhiều công trình, trước tác của họ đã trở thành một tài sản quý giá của dân tộc như: Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Từ Ô Trần Văn Giáp, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Tô Ngọc Vân…
Đến 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công, xã hội ta chuyển sang một ngã rẽ khác.
Sách Phong vị xuân xưa. Ảnh: Minh Châu. |
– Những tác phẩm trong “Phong vị xuân xưa” vốn nằm trong sách báo cũ, cách chúng ta gần 100 năm. Để thực hiện cuốn sách này, nhóm biên soạn đã tìm kiếm tư liệu ra sao?
– Tôi có may mắn được tiếp xúc, học hỏi với nhiều bậc đàn anh là những người sưu tầm, chơi sách cũ ở trong Nam, ngoài Bắc vào khoảng hơn 15 năm trước, trên một diễn đàn rất sôi động hồi đó có tên là Sachxua.net.
Những hình ảnh về sách xưa, những bài giới thiệu và cả những cuộc tranh luận trong đó đã giúp tôi học hỏi, biết được nhiều hơn về những tài liệu “bị một lớp bụi thời gian” phủ lên, ít người biết đến.
Các hoạt động trên diễn đàn đó đã truyền cảm hứng, về sau tôi cùng những người bạn của mình tiếp tục theo hướng này và nhiều khi, sự tìm kiếm tư liệu phụ thuộc vào chữ “duyên”.
Ngoài việc tìm kiếm, nhờ những bậc đàn anh về sách cũ, nhóm chúng tôi thường tìm ở Thư viện Quốc gia Việt Nam và trang web của Thư viện Quốc gia Pháp. Nhờ chữ “duyên” mà chúng tôi có cơ may gặp những tài liệu này. Thật ra, công việc của sưu tầm và tuyển chọn như nhóm tôi làm chủ yếu ở sự đam mê, chăm chỉ và lọ mọ.
Bản quyền là vấn đề mà chúng tôi luôn phải có một “note” đặt trước máy tính của mình. Trong cuốn Phong vị xuân xưa, tại bản thảo lần đầu, chúng tôi lựa chọn nhiều bài, số trang nếu in hết có lẽ lên tới gần 300 trang chứ không dừng ở 188 trang như sách đã xuất bản.
Cũng vì vấn đề bản quyền mà chúng tôi tạm để lại cho những dự án sau, khi đã hoàn tất việc liên hệ với gia đình tác giả, đảm bảo chắc chắn nhất về bản quyền trong những bài viết đó. Tất nhiên là với một số lượng tác giả đến gần 40 người, hẳn chúng tôi vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết về bản quyền.
– Tiêu chí để lựa chọn tác phẩm cho cuốn sách này là gì?
– Nhóm biên soạn Phong vị xuân xưa không ai công tác tại các viện nghiên cứu. Thường thì chúng tôi lựa chọn những bài viết theo tiêu chí: Hay – độc – lạ.
Hay là ít nhất những người trong nhóm biên soạn cảm thấy hay trước đã. Độc là sự độc đáo, ít nơi có, ít sách biên soạn. Lạ là vì nó độc nên dẫn đến lạ.
Chúng tôi cố gắng để bạn đọc khi đọc xong cuốn sách sẽ cảm nhận rằng: Có những bài biết chưa gặp bao giờ. Đặt tiêu chí như vậy nhưng kết quả thế nào thì phải chờ sự đánh giá của bạn đọc.
Tác giả Nguyễn Văn Học. Ảnh: NVCC. |
Những mảnh ghép làm nên bức tranh Tết
– Giữa những cuốn sách Tết ra mắt dịp cuối năm nay, “Phong vị xuân xưa” có gì riêng biệt?
– Sự riêng biệt của cuốn sách, theo tôi nghĩ là tuyển chọn những bài viết trong một thời gian nhất định từ khoảng 1920 đến 1945 như đã nêu ở trên. Sự riêng biệt thứ hai là sách như một bức tranh về Tết, văn hóa, lịch sử với nhiều mảnh ghép.
– Ông đánh giá thế nào về phong trào làm sách Tết hiện nay? Theo ông, các nhà sách, người biên soạn cần làm gì để sách Tết ra được đều đặn, duy trì lâu dài chứ không mang tính thời vụ?
– Không phải bây giờ chúng ta mới làm sách Tết, mà cách nay gần 100 năm, các cụ ta đã làm rồi, thậm chí làm rất hay.
Bạn đọc có thêm nhiều lựa chọn. Lượng thông tin, bài vở về Tết đến với độc giả nhiều hơn qua những cuốn sách.
Tác giả Nguyễn Văn Học
Do vậy, việc làm sách Tết đang khởi sắc với nhiều đơn vị tham gia như hiện nay, tôi xin được nhắc lại từ của cố PGS Trần Đình Hượu, đó là hiện tượng “Lại giống” của dòng sách Tết.
Năm nay, nhiều nhà sách, nhà xuất bản làm sách Tết. Phong vị xuân xưa làm một cuốn sách nhỏ, góp thêm tiếng nói vào dòng sách đó mà thôi.
Nhiều dòng sách Tết, bạn đọc có thêm nhiều lựa chọn và lượng thông tin, bài vở về Tết đến với độc giả nhiều hơn. Tôi nghĩ điều đó rất tốt đối với các nhà sách cũng như độc giả, chúng ta cần khuyến khích để phát triển.
Sách Tết hay bất kì dòng sách nào khác, muốn duy trì và lâu dài thì phải hay, thiết kế đẹp, đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Người làm sách cố gắng hết sức để có một sản phẩm tốt ra thị trường, còn sức sống của sách thì lại phụ thuộc vào thị trường, bạn đọc.