Tranh Sơn Nam – Người giữ lửa của họa sĩ Lê Sa Long
1 Thật lạ lùng, có những trang văn càng lùi xa thời gian ta lại càng tìm thấy vẻ đẹp của nó, với Sơn Nam là một thí dụ. Thuở sinh thời, chỉ kiếm sống bằng nghề duy nhất: cầm bút, chưa bao giờ Sơn Nam là cây bút “thời thượng”, “ăn khách” được các NXB vì lợi nhuận mà “săn đón” ồn ào…
Chỉ lặng lẽ nằm trên kệ sách. Khiêm tốn về số lượng. Thế nhưng những ai đã đọc, đã “chịu” văn phong, cách kể chuyện cùng thủ pháp nghệ thuật của ông thì lại mê đắm. Mê tít thò lò. Và, lập tức trở thành độc giả trung thành của ông.
Thật lạ, câu văn ông bình dị, câu chuyện ông kể không “đao to búa lớn” với nhiều tình tiết ly kỳ gay cấn nhưng lại có sức hấp dẫn riêng. Tôi nghĩ, cũng tựa như cách ăn mắm của người Việt, một khi đã thích thì khó có thể quên đi hương vị của nó. Hương vị này có cả mùi đất, mùi thiên nhiên, mùi sông nước, mùi nghĩa tình của tấm lòng cần lao chịu thương chịu khó…
Đó là biệt tài của Sơn Nam.
2 Tìm đọc ông, tôi mạo muội nghĩ rằng đó là lúc bạn đọc tìm về một thời khẩn hoang, mở đất của ông bà mình đi về phương Nam. Các sinh hoạt đó, nay đã mất, thế thì, trước đó nó từng tồn tại thế nào? Sơn Nam đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu cần thiết này.
Vì lẽ đó, từ tháng 4-2003, khi mua toàn bộ bản quyền của Sơn Nam, sách tái bản nhiều lần nhưng có điều thú vị là hễ vào dịp vui xuân đón tết, sách của ông lại ra mắt phiên bản mới với hình thức mới.
Tết Tân Sửu này cũng vậy. Ngày 22-1, chúng tôi đã có mặt tại nhà lưu niệm Sơn Nam Tiền Giang nhân dịp NXB Trẻ gửi tặng loạt sách vừa tái bản gồm 20 tựa sách – có sửa chữa, bổ sung và chia theo thể loại truyện ngắn, truyện dài, ghi chép, biên khảo, bút ký… của từng chủ đề.
Không chỉ có thế. Lần này, bổ sung thêm hiện vật tại đây, còn là bức tranh ký họa màu nước của họa sĩ Lê Sa Long – khổ 75 x 100cm, chất liệu acrylic và pastel.
Tranh vẽ nhà văn Sơn Nam cầm bó nhang đi ngang qua trước Lăng Ông Bà Chiểu, sở dĩ có bố cục này, họa sĩ cho biết: “Nơi đây, tôi gặp nhà văn Sơn Nam lần đầu tiên khi ông đi cúng tế ở lăng. Nhớ khi ấy, ông dặn sinh viên chúng tôi là cẩn trọng khi vào lăng vẽ, nam không nói bậy, nữ không mặc xếch – xy… rồi ông còn giải thích nghĩa các chữ Hán trên lăng và trên bia trong lăng nữa. Thật thú vị”.
Xem tranh, ta thấy Lê Sa Long đã vẽ Sơn Nam cầm trên tay bó nhang lúc đi ngang qua Lăng Ông và đặt tên bức tranh “Sơn Nam – người giữ lửa” là thế. Trao đổi với chúng tôi, chị Đào Thúy Hằng – con gái nhà văn Sơn Nam – cho biết hiện nay, tại nhà lưu niệm đã có ảnh chân dung của nhà thơ Kiên Giang – bạn “nối khố” của Sơn Nam; nhà văn Ngọc Linh – người đã âm thầm trợ cấp kinh tế cho gia đình khi ông bị tù; nhà giáo Đinh Công Tâm – người có công sưu tập, gìn giữ nhiều tác phẩm của Sơn Nam từ năm 1964, về sau trao lại cho nhà lưu niệm mà chính tác giả Hương rừng Cà Mau thuở sinh thời đã ghi lại thủ bút “người đã thương tôi hơn tôi thương tôi”…
Thì sắp tới sẽ có thêm ảnh chân dung của nhà văn Bình Nguyên Lộc – người đã gợi ý đề tài khi Sơn Nam mới chân ướt chân ráo từ chiến khu lên Sài Gòn lập nghiệp; nhà sưu tập Vương Hồng Sển – người đã cho ông mượn nhiều tài liệu khi khảo cứu về văn hóa miền Nam nói chung. Những chi tiết này dù nhỏ nhưng ít nhiều toát lên tinh thần đạo nghĩa, vốn là chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của Sơn Nam.
3 Khi thắp nén nhang tại nhà lưu niệm, “báo cáo” cùng “ông già Nam Bộ” qua loạt sách vừa tái bản còn thơm mùi giấy mới, nhà văn, ông Dương Thành Truyền – quyền giám đốc NXB Trẻ – chia sẻ đọc Sơn Nam cũng là lúc chúng ta cùng tìm về câu chuyện của văn hóa Nam Bộ. Và, nhà thơ Trương Nam Hương còn nhấn mạnh thêm ở một góc độ khác nữa:
Dáng ông gầy như lau sậy
Thong dong dọc cõi nhân tình
Thắp – nhang – bút gọi hồn cho đất
Trang văn còn thao thức cõi tâm linh…