Nhắc tới lĩnh vực nghiên cứu dân tộc học nước ta, không thể không nói tới Nguyễn Văn Huyên và các công trình của nhà bác học này.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nhà giáo dục từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong gần 29 năm. Ông có nhiều đóng góp cho học thuật nước nhà, trong đó di sản nổi bật là những công trình nghiên cứu có giá trị lâu bền.
Sách Sinh hoạt của người Việt. Ảnh: Y Nguyên. |
Hai công trình nghiên cứu ở tuổi 29
Từ năm 1934, khi 29 tuổi, Nguyễn Văn Huyên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp với luận án chính “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” và luận án phụ “Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á”. Hai công trình được xuất bản thành sách ngay sau đó, được giới chuyên môn Pháp đón nhận.
Năm 1935, Nguyễn Văn Huyên về nước, ông dạy học rồi chuyển sang nghiên cứu, làm quản lý. Ông tiếp tục mở rộng đối tượng nghiên cứu: Lễ tết, phong tục trong năm, làng xã và nông dân, phong tục thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng làng, trang phục, lễ hội, chữ Nôm của người Tày Lạng Sơn…
Ông Nguyễn Văn Huyên khi trẻ. Ảnh chụp từ sách. |
Các công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên đã được công bố trong một số cuốn sách tiếng Việt. Vài năm gần đây, công ty sách Nhã Nam lần lượt phát hành những cuốn sách tập hợp các công trình của Nguyễn Văn Huyên theo từng chủ đề: Hội hè lễ tết của người Việt (2017), Văn minh Việt Nam (2018), và mới đây nhất là Sinh hoạt của người Việt (phát hành ngày 29/12/2020).
Sinh hoạt của người Việt là cuốn sách dày 661 trang, tập hợp hai công trình nghiên cứu “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam”, “Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á” và những chuyên khảo mở đường cho việc tìm hiểu các phương diện trong đời sống sinh hoạt của người Việt.
“Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” là nghiên cứu thơ và ứng tác thơ ở góc nhìn dân tộc học. Nguyễn Văn Huyên khảo sát sự ứng tác thơ diễn ra tại các lễ hội hát đối. Ông chọn Lim – trung tâm hội hè lớn nhất vùng châu thổ Bắc bộ – để quan sát và phân tích khả năng đối đáp của người bình dân.
Công trình cho thấy sự vận hành và tổ chức của thơ ca bình dân tiếng Việt, nghiên cứu hát đối trên nhiều phương diện: Âm nhạc trong các bài hát đối, các nhóm từ, thơ, ứng tác thơ, đề tài các bài hát, giao tiếp của nam – nữ khi hát đối…
Nếu “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” cho thấy sinh hoạt văn hóa thì “Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á” nghiên cứu về kiểu hình nhà ở. Tác giả nghiên cứu nhà sàn – kiểu nhà của nhiều dân tộc ở Đông Nam Á, chỉ ra những tương đồng và khác biệt của chúng.
Nghiên cứu không chỉ cho thấy sự đa dạng loại hình cư trú, kiến trúc, sự phân bố của nhà sàn ở khu vực Đông Nam Á, mà còn tiết lộ các đặc trưng, cá tính của cư dân bản địa.
Ba cuốn sách của Nguyễn Văn Huyên do Nhã Nam phát hành. Ảnh: Y Nguyên. |
Sự thông tuệ của Nguyễn Văn Huyên
Bên cạnh hai công trình nổi tiếng, sách Sinh hoạt của người Việt còn có các nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khác như: Người nông dân (Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ); ăn uống (Một cuộc điều tra về tình hình ăn uống của người Việt Nam); các hoạt động kiện cáo (Nghiên cứu về các vụ kiện cáo ở làng xã của nước Việt Nam xưa); các kiểu cư trú (Những kiểu nhà cư trú ở nông thôn Việt Nam, Một cuộc điều tra về nhà ở tại Đông Dương)…
Dựa trên những khảo sát, miêu tả kỹ lưỡng, kết hợp phân tích khoa học, tác giả cho ta thấy cách thức sinh hoạt của người Việt cũng như nguyên do đưa đến văn hóa, phong tục phong phú.
Những bài tiểu luận này sẽ đem lại cho người đọc những hiểu biết mới sau mỗi lần đọc lại, đồng thời nhắc nhở chúng ta về sự thông tuệ của Nguyễn Văn Huyên.
TS Frank Proschan
Trải qua năm tháng, những nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên vẫn giữ nguyên giá trị. TS Frank Proschan – nhà nhân học và văn hóa dân gian – đánh giá về Sinh hoạt của người Việt:
“Bộ sách […] tập hợp hai tác phẩm viết từ năm 1934, cùng những đóng góp quan trọng khác cho dân tộc học và lịch sử văn hóa Việt Nam.
Trong hai kiệt tác năm 1934, chúng ta thấy rõ cách thức mà sau này Nguyễn Văn Huyên sẽ tiếp cận các chủ đề khác, đưa ra bằng chứng và lập luận từ các góc độ ngôn ngữ học, lịch sử, xã hội học, biểu tượng học, kinh tế, địa lý, dinh dưỡng, môi trường và tôn giáo để bổ sung cho trọng tâm chính của ông về dân tộc học”.
TS Frank Proschan đánh giá: “Những bài tiểu luận này sẽ đem lại cho người đọc những hiểu biết mới sau mỗi lần đọc lại, mỗi lần lại cho thấy sự nghiên cứu công phu, phân tích kỹ lưỡng của ông, đồng thời nhắc nhở chúng ta về sự thông tuệ của Nguyễn Văn Huyên và những đóng góp vô song của ông cho ngành Việt Nam học”.
Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng độc giả ngày nay “sẽ nhận ra ở công trình này một lối viết thấm đẫm cảm xúc, tình yêu văn hóa và dân tộc Việt Nam của người trí thức trẻ tuổi. Lối viết không lèn chặt các khái niệm hàn lâm, mà ngược lại, chuyển hóa khéo léo tri thức mới trong cách biểu đạt hấp dẫn, sáng rõ và chặt chẽ”.