Ưu tiên xét tuyển thí sinh giỏi ngoại ngữ vào học đại học (ĐH) là xu hướng ở rất nhiều trường, kể cả những trường tốp đầu. Phổ biến nhất là việc ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế bằng hình thức xét tuyển kết hợp (chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp THPT), trong đó, có trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Sinh viên học chương trình tiên tiến ngành điều dưỡng của ĐH Y Hà Nội trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Tiền Phong. |
Năm 2019, ĐH Y Dược TP.HCM lần đầu tiên đưa ra hình thức xét tuyển này. Trường chấp nhận chọn thí sinh giỏi ngoại ngữ dù có tổng điểm thi thấp hơn thí sinh không xét chứng chỉ. Trên thực tế, năm 2019, điểm chuẩn ngành y khoa cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế thấp hơn 2 điểm so với nhóm thí sinh chỉ xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm 2020, khoảng cách này được thu hẹp, nhưng vẫn lệch gần 1 điểm.
Đại diện nhà trường cho hay, sau 2 năm triển khai, số thí sinh trúng tuyển bằng phương thức kết hợp tăng lên. Từ chỗ không tuyển đủ 25% chỉ tiêu ngành y khoa và dược học năm đầu tiên đến năm 2020 đã tuyển đủ cho 3 ngành (trừ điều dưỡng).
Trường dự kiến sử dụng cách xét tuyển này cho năm 2021 và mở rộng từ từ ra nhiều ngành. Hiện các chương trình đào tạo của trường triển khai theo các dự án mới đòi hỏi người học có kỹ năng tiếng Anh để học tập, đặc biệt là đọc tài liệu tiếp cận kiến thức y học mới nhất của thế giới.
Bài học từ đào tạo chương trình tiên tiến
ĐH Y Hà Nội vừa tổ chức kỷ niệm 10 năm đào tạo chương trình tiên tiến ngành điều dưỡng. Đây cũng là ngành học duy nhất thuộc khối ngành sức khoẻ có chương trình tiên tiến và ĐH Y Hà Nội cũng là trường ĐH duy nhất ở Việt Nam đào tạo.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, cho biết sinh viên tốt nghiệp với bằng cấp được nước ngoài công nhận. Học nghề tại Việt Nam nhưng thi chứng chỉ hành nghề của châu Âu và làm việc tại châu Âu. Gần 50% sinh viên tốt nghiệp chương trình đang làm việc tại các bệnh viện lớn của Đức. Học phí không cao so với các ngành khác có chương trình tiên tiến nhưng trường luôn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Một trong những nguyên nhân là nhiều sinh viên lo ngại tiếng Anh kém, trong khi trường có nhiều sinh viên ở vùng nông thôn, chưa chú trọng học ngoại ngữ.
Ông Tú cho biết ĐH Y Hà Nội sẽ xây dựng tất cả chương trình của trường theo hướng dựa trên năng lực và tích hợp, có tham khảo các nước, đề cao năng lực tiếng Anh của người học.
Ví dụ, chương trình đào tạo bác sĩ y khoa sẽ tham khảo chương trình của ĐH Sydney (Australia) hay của Pháp. Vì vậy, mùa tuyển sinh 2021, ĐH Y Hà Nội sẽ điều chỉnh một chút để thu hút sinh viên giỏi ngoại ngữ.
Trao đổi với phóng viên, ông Tú thông tin phương thức tuyển sinh của trường năm nay không thay đổi so với năm 2020 (tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp 3 môn Toán, Hoá, Sinh) nhưng có điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh theo hướng chú trọng ngoại ngữ.
Trường dự kiến dành 10% tổng chỉ tiêu để xét tuyển theo hình thức kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Với hình thức này, trường vẫn lấy điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển, cộng với chứng chỉ tiếng Anh được dự kiến là IELTS 6.0. Trong đó, tổng điểm 3 môn của tổ hợp xét tuyển sẽ thấp hơn so với những thí sinh chỉ xét điểm thi.
Năm 2020, ĐH Y Hà Nội tuyển 1.120 chỉ tiêu. Năm 2021, trường dự định dành hơn 100 chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ đối với tất cả ngành, trong đó có Y đa khoa.