Vào thời Lê sơ, thám hoa Lương Nhữ Hộc đi sứ phương Bắc, học được nghề khắc in trên ván gỗ, truyền dạy cho dân hai làng Hồng Lục – Liễu Chàng. Ông được thờ làm tổ nghề khắc ván in tranh. Với dòng tranh dân gian Hàng Trống, gốc tích cho sự ra đời còn chưa minh định hoàn toàn.
Hiện nay Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn lưu giữ bản khắc tranh Hàng Trống khắc họa tích truyện kèm theo minh văn: “Quý Mùi lục nguyệt khởi Minh Mạng tứ niên”, tức năm 1823.
Từ cứ liệu đó, sách Dòng tranh dân gian Hàng Trống đoán định tranh Hàng Trống ra đời thế kỷ 18 hoặc 19. Qua tác phẩm này, lịch sử dòng tranh đất Kẻ Chợ được tìm hiểu cặn kẽ.
Cửa hàng bán trống và tranh Hàng Trống, Hà Nội năm 1892. Ảnh: Pierre Dieulefils. |
Dòng tranh phố thị điển hình
Theo tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa, tranh Hàng Trống nổi tiếng bởi sự thanh mảnh trong nét khắc, lão luyện trong việc tô màu, cản màu cho tranh.
Ra đời ở đất kinh kỳ, tranh Hàng Trống được xem là dòng tranh đáp ứng nhu cầu cho tầng lớp thị dân, hoặc các cơ sở tín ngưỡng, nhất là tục thờ Mẫu. Đây là dòng tranh phố thị điển hình, đại diện cho trung tâm chính trị, văn hóa, có lúc cả kinh tế của miền Bắc và cả nước một thời gian dài.
Nói đến tranh Hàng Trống, có thể phân biệt với những dòng tranh khác bởi đặc trưng riêng như: In ván ngửa, chỉ in nét đen trên nền giấy trắng, sau đó tô màu; chủ yếu đáp ứng nhu cầu thờ cúng và trang hoàng nhà cửa cho cư dân đô thị và ngoại ô Hà Nội.
Từ khi ra đời đến nay, tranh dân gian Hàng Trống chịu ảnh hưởng của nhiều phối hưởng khác nhau, những minh họa kinh Phật, tranh thờ Đạo giáo…
Trong các dòng tranh dân gian hiện diện ở Việt Nam, tranh dân gian Hàng Trống có đặc điểm là khuôn khổ lớn, dài, tập hợp các tranh dọc thành bộ, treo dàn ngang với nhiều thể thức nhất – nhị bình, tam bình, tứ bình, ngũ bình…
Chia sẻ về việc sản xuất tranh, tác giả sách Dòng tranh dân gian Hàng Trống cho hay đây là dòng tranh duy nhất hoàn thiện mọi công đoạn cho đến tận khâu hoàn chỉnh sản phẩm.
Cụ thể là thêm các loại giấy và lụa vân để bồi biểu tranh (cho dày và đẹp hơn), kẻ hai đường màu chàm đậm (nay màu vàng) hai bên diềm dọc tranh coi như khung (đối với các tranh có bố cục thoáng, không in sẵn khung vuông hay chữ nhật), dùng trục gỗ tiện sẵn (hoặc tre, trúc) để làm thành trục trên và dưới, thậm chí cả dây dệt sang trọng để làm dây treo tranh.
Và vẫn chỉ có ở riêng dòng tranh Hàng Trống, đây vừa là đồ họa vừa là hội họa. Đồ họa được thể hiện ở ván khắc nét in ra hình hài cơ bản của tranh, bước này nghệ nhân tự do nhân bản mà tạo hình không thay đổi; còn chất hội họa nằm ở màu sắc và độ đậm nhạt do vẽ tay, cản màu của người thực hiện, tạo ra hiệu quả vờn tỉa, luyến láy biến ảo, tinh xảo cho tranh.
Về các công đoạn thực hiện, tranh dân gian Hàng Trống được tiến hành với các công đoạn sáng tác mẫu, khắc ván, in tranh, vẽ tranh, dát vàng, bồi tranh… Mỗi công đoạn lại có kỹ thuật thực hành đậm chất chuyên môn mà nếu không được giải thích, người xem thực khó tường tận được.
Tản vàng cho các hoa văn cần dát trên tranh dân gian Hàng Trống. |
Những biến đổi thích nghi với dòng chảy thời gian
Hiện diện ở trung tâm văn hóa của cả nước, tranh dân gian Hàng Trống là tranh của dân tộc Kinh sống chủ yếu ở đồng bằng. Tuy nhiên, chủ nhân của dòng tranh này còn mở rộng đối tượng phục vụ lên tận miền ngược khi vẽ cả tranh thờ miền núi, đặc biệt là các tranh đòi hỏi chất lượng cao cho các thầy cúng người Dao.
Qua sách Dòng tranh dân gian Hàng Trống, độc giả sẽ được hiểu thêm về việc sản xuất tranh với đủ những công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, kỹ thuật điêu luyện cùng tấm lòng của người thợ, nghệ nhân với tranh. Và để ý kỹ, bạn sẽ thấy tranh dân gian Đông Hồ được phân ra các dòng tranh theo chủ đề khác nhau rất dễ phân định.
Tranh Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận. |
Dòng tranh thờ trong tranh dân gian Hàng Trống gồm: Tranh thờ Phật giáo, tranh thờ Đức Thánh Trần, tranh thờ Đạo Mẫu, tranh thờ Đạo giáo của người Kinh và dân tộc thiểu số, tranh thờ các gia thần và tín ngưỡng tổ tiên. Dòng tranh này chiếm một số lượng lớn và có nhiều bức quen thuộc như những tranh thờ Mẫu Tam phủ công đồng, Tứ phủ công đồng, Ngũ vị Tôn ông…
Trong khi đó, dòng tranh lịch sử số lượng thực sự ít ỏi nhưng độc đáo với tranh Đinh Tiên Hoàng tập trận, Trận chiến Sơn Tây, Trận chiến Bắc Ninh… Điểm dễ nhận thấy là những bức này vẽ công phu với cảnh trí đông người và là cảnh động.
Dòng tranh trang trí lại được phân vai thành tranh sinh hoạt xã hội, tranh chúc tụng ngày Tết, tranh trang trí cảnh sắc con người, thiên nhiên, tranh cảnh vật, tranh tích truyện… Trong đó, nhiều bức đẹp hút hồn người thưởng tranh như bộ tứ bình Ngư, tiều, canh, mục, Tố nữ, Tùng, cúc, trúc, mai…
Cùng sự biến thiên của lịch sử, tranh dân gian Hàng Trống có những vận động thích nghi qua thời gian chứ không bất động về chủ đề. Ngoài những chủ đề quen thuộc Lý ngư vọng nguyệt, Bịt mắt bắt dê… đã xuất hiện những chủ đề mới như thời Pháp thuộc có tranh Tố nữ, Công Cử – Hiểu Dụ, Duyệt binh, Hội Tây bên hồ Hoàn Kiếm…
Hiện nay, trước sự xâm thực ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ, văn hóa ngoại lai và những yếu tố kinh tế thị trường, tranh dân gian Hàng Trống không nằm im đợi thời mà có những chuyển đổi cùng thời cuộc.
Đèn lồng được trang trí bằng các bức tranh dân gian như tranh Tố nữ của dòng tranh dân gian Hàng Trống. |
Đã có nhiều hướng đi được thực hiện để đưa tranh dân gian Hàng Trống gần hơn với đại chúng như đưa các hình tượng tranh dân gian vào những sản phẩm ứng dụng, văn hóa phẩm, trang trí nội thất và thời trang…
Những chủ đề “Ngũ hổ”, “Ông hoàng”, “Tố nữ”… được vẽ lên vách đèn lồng, in vào bookmark, bìa sổ trang trí; những hình ảnh của tranh dân gian Hàng Trống được phóng và chuyển chất liệu lên tường phố bích họa Phùng Hưng (Hà Nội)…
Có những bộ sưu tập áo dài đã lấy cảm hứng, chất liệu, chủ đề từ chính tranh dân gian Hàng Trống tạo thành những nét mới, sáng tạo đầy thanh lịch. Những tranh Tướng canh cửa hay Đám cưới chuột ngày xưa giàu đường nét dân gian trên giấy dó thì nay còn nhập hồn vào màu men lam đơn sắc của gốm sứ…