Từ bỏ một công việc ổn định, thu nhập tốt để bước đi trên một con đường mới lạ, đầy chông gai, họa sĩ Red đã hai lần nhận giải thưởng Silent Manga Audition của Nhật Bản và được nhiều độc giả yêu mến qua bộ truyện tranh Việt Twins – Con nhà lính.
Họa sĩ Red trò truyện về bộ sách Twins – Con nhà lính cũng như về truyện tranh Việt Nam.
Họa sĩ Red, tác giả bộ truyện tranh Việt Twins – Con nhà lính. Ảnh: Wings Books. |
“Sáng tác truyện tranh là công việc mình tự tin nhất, hạnh phúc nhất”
– Cơ duyên nào đưa bạn đến nghề vẽ truyện tranh?
– Red bắt đầu đọc những cuốn truyện tranh đầu tiên từ cuối năm lớp một và say sưa vẽ “nhái” những trang truyện kiểu Doraemon suốt những năm đầu tiểu học.
Ban đầu vẽ truyện tranh chỉ là thú vui, nhưng sau khi được bạn bè cổ vũ, Red đã mơ đến việc trở thành một tác giả truyện tranh nổi tiếng.
Tuy nhiên, khi lớn lên vì nhiều lý do cơm áo gạo tiền, đã có lúc Red cho rằng sáng tác truyện tranh chỉ nên là một sở thích nên ngành học và công việc sau này của Red không liên quan đến việc vẽ vời.
Để rồi trải qua bốn năm với công việc ấy, dù thu nhập tốt và nhiều trải nghiệm đẹp, Red đã nhận ra điều mà mình tự tin nhất, hạnh phúc nhất khi làm không gì khác là vẽ, là sáng tác.
– Với “Twins – Con nhà lính”, tại sao bạn lại chọn kể cuộc sống đời thường của những đứa trẻ con nhà lính mà không phải những chủ đề cổ trang, giả tưởng, huyền bí như nhiều truyện tranh ăn khách?
– Nếu theo dõi các tác phẩm của Red, bạn đọc có thể nhận thấy hầy hết chúng đều có đề tài gia đình. Đây có thể coi là sở trường của Red, khiến Red luôn tràn đầy cảm hứng.
Tuổi thơ của Red – một đứa trẻ “con nhà lính” – cũng chính là nguồn chất liệu Red muốn khai thác từ lâu, đến khi sáng tác Twins – Con nhà lính, Red mới có thể thực hiện.
Red cho rằng để thành công, ta nên chuyên tâm vào những gì mình thực sự yêu thích và tự tin. Còn nếu cứ theo trào lưu, bám theo những đề tài không phải sở trường của mình thì rất dễ cho ra đời những tác phẩm gượng ép, không đảm bảo chất lượng.
– Bộ “Twins – Con nhà lính” được vẽ theo thể loại truyện tranh 4 khung, thể loại truyện tranh này có gì khác với truyện tranh truyền thống?
– Truyện tranh 4 khung hay yonkoma không phải là một thể loại mới tại Nhật Bản nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều người làm.
Nếu ở truyện tranh truyền thống, số khung truyện là không cố định thì với truyện tranh 4 khung, như tên gọi của nó, mỗi trang truyện chỉ có 4 khung hoặc 2 cột 4 khung đều nhau.
Nhìn thì tưởng đơn giản nhưng thực tế truyện tranh 4 khung đòi hỏi tác giả phải tư duy tốt hơn để làm sao có thể gói gọn một phân đoạn hoàn chỉnh vào chỉ trong 4 khung đó.
Với cách làm này, truyện tranh 4 khung thường súc tích, ngắn gọn, gây bất ngờ, rất phù hợp với thể loại truyện hài hước hoặc đời thường như Twins – Con nhà lính.
Twins – Con nhà lính kể về những câu chuyện đời thường của những đứa trẻ con nhà lính. Ảnh: Wings Books. |
Độc giả nên được “đọc thử” truyện tranh Việt
– Red có đăng miễn phí các chương truyện của “Twins – Con nhà lính” trên fanpage. Chị có sợ người đọc không mua bản sách giấy, hoặc thậm chí đăng tải lậu nội dung truyện trên mạng?
– Đúng vậy, Twins – Con nhà lính hiện vẫn được Red đăng tải 3/5 phần nội dung miễn phí trên fanpage RED World và đảm bảo những độc giả online vẫn có thể theo dõi series này mà không khó hiểu.
Theo Red, việc để độc giả đọc miễn phí thoải mái đó thực chất lại đem đến hiệu ứng tích cực, giúp bộ truyện đến được với nhiều độc giả hơn và nhờ đó giúp bản sách giấy bán chạy hơn.
Điều này giống như việc để khách hàng được “ăn thử” trước khi quyết định rút ví và chỉ khi “người bán” thực sự tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình thì mới dám làm như vậy.
Và để đáp lại tình cảm, sự ủng hộ của những bạn sẵn sàng bỏ tiền cho Twins – Con nhà lính, bản sách giấy với nội dung đầy đủ luôn đầy ắp những bất ngờ thú vị, đảm bảo không để các độc giả phải thất vọng.
– Hiện nay, các trang dịch lậu manga nước ngoài vẫn ngang nhiên hoạt động, và độc giả vẫn ưa chuộng đọc không mất phí hơn. Việc này có ảnh hưởng đến sự phát triển của truyện tranh Việt Nam?
– Red cho rằng không chỉ riêng truyện tranh mà các sản phẩm trí tuệ khác như game, phim ảnh, âm nhạc… sẽ còn rất lâu nữa mới có thể được người Việt đón nhận ngay lập tức bằng hình thức trả phí.
Đây là vấn đề thói quen tiêu dùng, mà đã là thói quen thì cần rất nhiều thời gian để thay đổi. Chưa kể truyện tranh Việt Nam vẫn là một khái niệm khá mới mẻ và chưa tạo được niềm tin ở độc giả như những tác phẩm nước ngoài.
Vậy nên trước mắt, như Red đã chia sẻ, để tạo niềm tin vào truyện tranh Việt Nam, chúng ta nên để độc giả “đọc thử” như cách Red đang làm với Twins – Con nhà lính.
Tất nhiên Red vẫn luôn chờ đến một ngày, khi mà việc có mặt ở những hiệu sách để mua truyện tranh Việt bên cạnh những tác phẩm ngoại sẽ là một thói quen hết sức tự nhiên của độc giả Việt Nam.
Họa sĩ Red cho rằng nền truyện tranh Việt Nam vẫn thiếu cơ chế hỗ trợ tác giả đề nghề vẽ truyện tranh trở thành một “nghề” đúng nghĩa. Ảnh: Wings Books. |
– Nhiều tác phẩm truyện tranh Việt gần đây đã gây được tiếng vang, chuyển thể điện ảnh hoặc đoạt giải quốc tế. Là một họa sĩ, bạn đánh giá tiềm năng của truyện tranh Việt Nam như thế nào?
– Từ trước đến giờ, Red luôn có một nhận định không thay đổi đó là nền truyện tranh Việt Nam không thiếu nhân tài. Những người có khả năng sáng tác truyện tranh ở Việt Nam là không hề thiếu và kỹ thuật không hề thua kém bạn bè quốc tế.
Cái truyện tranh Việt Nam còn thiếu chính là một cơ chế hỗ trợ các tác giả. Ai cũng biết sáng tác truyện tranh chưa bao giờ là một việc đơn giản, công việc này đòi hỏi rất cao về tất cả các khả năng viết, vẽ, dẫn truyện… và cần đầu tư rất nhiều thời gian.
Vẽ truyện tranh cần được trở thành một “nghề” đúng nghĩa.
Họa sĩ Red
Tuy nhiên, mức thu nhập từ việc vẽ truyện tranh khó có thể giúp các tác giả sống được với nghề và vì vậy không có nhiều người mặn mà với công việc này.
Nếu như các tác giả được tạo điều kiện để có một mức thu nhập ổn định, được đóng bảo hiểm và có các quyền lợi như người lao động bình thường việc vẽ truyện tranh có thể trở thành một “nghề” đúng nghĩa.
Red tin rằng đó ít nhất cũng sẽ là nguồn động viên tinh thần lớn để các tác giả vững tay bút và từng bước đưa truyện tranh Việt đi lên.
Tất cả những bức tường dù có khổng lồ cũng đều được xây dựng từ những viên gạch nhỏ. Red rất mong chờ một ngày, sẽ có người sẵn sàng đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển này và khi đó nhất định truyện tranh Việt sẽ là một công trình với tốc độ xây dựng thần tốc.
Họa sĩ Red sinh năm 1991 tại Hà Nội. Cô là tác giả của một số tác phẩm truyện tranh được yêu thích như A Sunny Day (2011), To Give (Giải ba Cuộc thi Silent Manga Audtion 2013), Định nghĩa của một người cha (Giải nhất cuộc thi Thế Giới Ước Mơ 2013), The Touch (Giải 5 cuộc thi Silent Manga Audition 2015) và Twins – Con nhà lính.