Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong đợt 1 xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT (tính theo kết quả chạy lọc ảo), cả nước có 161 trường đại học tuyển đủ chỉ tiêu.
83 trường (chủ yếu là trường ngoài công lập, trường thuộc các tỉnh, trường ở vùng sâu, vùng xa, trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục mầm non) có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ thực hiện xét tuyển bổ sung.
Sau khi thí sinh trúng tuyển đợt 1 đang xác nhận nhập học, nhiều trường đại học cả công lập từ tư thục đã thông báo xét tuyển bổ sung do chưa đủ chỉ tiêu như: Học viện Quản lý giáo dục, Đại học Thăng Long, Đại học Phenikaa, Đại học Điện lực, Đại học Tôn Đức Thắng… với hàng nghìn chỉ tiêu.
Cánh cửa cho thí sinh xét tuyển bổ sung vào trường top đầu sẽ hẹp lại. Ảnh minh họa: Minh Hường/VOV. |
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết: “Trường sẽ xét tuyển bổ sung 7 ngành là: Công nghệ may, thiết kế thời trang, công nghệ sợi dệt, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện- điện tử, marketing thời trang, quản lý công nghiệp với tổng chỉ tiêu là 260. Nhà trường xét tuyển theo 2 phương thức là xét kết quả thi THPT và điểm học bạ THPT”.
Các trường đại học xét tuyển bổ sung là cơ hội cho những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1, hoặc thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 nhưng từ chối nhập học. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung của các trường đưa ra đều không thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt 1.
Ông Lê Hiếu Học, Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa cho biết, trường đang thiếu gần 500 chỉ tiêu của 19 ngành đào tạo nên đã thông báo xét tuyển bổ sung để thí sinh tìm hiểu, chuẩn bị hồ sơ để nộp ngay sau khi kết thúc tuyển sinh đợt 1 vào ngày 15/10 tới.
“Tính cả số lượng thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Đại học Phenikaa đã tuyển được hơn 2/3 tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2020. Trường đã thông báo tuyển sinh bổ sung, mỗi ngành này, trường dự kiến tuyển từ 30 – 50 chỉ tiêu. Dù tuyển bổ sung nhưng Trường đại học Phenikaa vẫn quan tâm đến chất lượng tuyển sinh đầu vào và điểm xét tuyển bổ sung thì sẽ cao hơn so với ngưỡng điểm trúng tuyển của đợt 1”, ông Lê Hiếu Học cho hay.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, trong đợt xét tuyển bổ sung, các trường còn nhiều chỉ tiêu nhưng thí sinh cũng hết sức thận trọng và xem xét điểm chuẩn tại các trường vừa mới công bố. Do tâm lý muốn đỗ, nên sẽ có hiện tượng thí sinh đổ dồn vào các ngành còn chỉ tiêu của các trường “top” đầu và tính cạnh tranh cũng sẽ quyết liệt ở những ngành “hot”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Hà Nội cho rằng, thí sinh không nên trông chờ vào những trường top đầu xét tuyển bổ sung, hoặc những ngành hot của các trường công lập vì năm nay tỷ lệ thí sinh trúng tuyển không xác nhận nhập học trong đợt 1 rất ít.
“Chúng tôi dự đoán năm nay, tỷ lệ sinh viên đến nhập học sẽ đạt mức cao hơn năm ngoái, bởi do tình hình dịch Covid-19 cho nên cơ hội đi du học của các em bị thắt chặt và vì thế sinh viên trúng tuyển sẽ không có nhiều lựa chọn. Việc các em đỗ vào trường và đến xác nhận nhập học sẽ đạt tỷ lệ rất cao, nhà trường dự tính sau 4 ngày xác nhận nhập học thì sẽ hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh của năm nay và Hội đồng tuyển sinh của nhà trường cũng đã xác định không cần tuyển bổ sung”, ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Một số trường dù tuyển sinh đợt 1 chưa đạt 100% chỉ tiêu nhưng sẽ không thực hiện xét tuyển bổ sung để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Ông Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Xét tuyển bổ sung sẽ phụ thuộc vào số lượng thí sinh nhập học. Căn cứ vào số lượng thí sinh nhập học mới đề xuất các phương án có xét tuyển bổ sung hay không. Nhưng nhìn chung, những năm trở lại đây, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng không xét tuyển bổ sung nhiều”.
Các trường đại học có nhu cầu xét tuyển bổ sung nhận định, dù thời gian xét tuyển bổ sung kéo dài đến hết năm 2020, nhưng do tâm lý của thí sinh luôn muốn xét tuyển vào những ngành hot, những ngành dễ xin việc nên các trường sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu.
Những ngành khoa học cơ bản, ngành mới mở và nhóm ngành bị ràng buộc bởi ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT như Y dược, Sư phạm.