Nhờ nỗ lực miệt mài tự học và quyết tâm theo đuổi những giá trị của tri thức, dịch giả Nguyễn Bích Lan đã tuyên chiến với những bất công của số phận.
Vì vậy, khi bắt tay vào dịch cuốn tự truyện Được học của Tara Westover, chị rất đồng cảm với tác giả. Dịch giả Nguyễn Bích Lan trò chuyện về cuốn sách thú vị này.
Để giành thế chủ động trong cuộc đời, phụ nữ phải có tri thức
– “Được học” là cuốn tự truyện khá dày, nội dung trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Điều này có khiến chị gặp khó khăn trong quá trình chuyển ngữ?
– Tôi khẳng định rằng cuốn đó không dễ dịch chút nào. Câu chuyện mà Tara Westover trải ra trong các trang sách khá phức tạp. Đặc biệt, ngôn ngữ dịch phải chuyển tải được dòng chảy cảm xúc không êm đềm của sách.
Dịch cuốn sách đó là việc theo chân tác giả quan sát bằng tâm trí để hiểu và tường thuật, kể lại hàng nghìn tình huống và ý nghĩ bằng tiếng mẹ đẻ của mình cho bạn đọc nước mình.
Trong quá trình dịch tôi phải nạp thêm kiến thức về giáo phái Mormon (Mặc Môn), về chứng rối loạn lưỡng cực, về khí hậu vùng núi Idaho, quần thể kiến trúc của trường Cambridge…
Tôi cũng dành khá nhiều thời gian “nghiên cứu” tác giả qua các bài viết, những cuộc trả lời phỏng vấn, các chương trình giao lưu với độc giả của cô ấy. Thậm chí, tôi còn đọc các phản hồi của độc giả nói tiếng Anh về cuốn sách này, để đảm bảo mình hiểu tác giả của cuốn tự truyện mà mình đang dịch.
Chắc chắn bản dịch của tôi có chỗ chưa đạt, nhưng sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả Việt Nam đã chứng tỏ tinh thần của cuốn sách, sức hấp dẫn của nó đã được bảo tồn khá tốt trong phiên bản tiếng Việt.
Bạn biết đấy, chỉ sau 15 ngày ra mắt bạn đọc, 2.000 bản sách đã bán hết, và trong vòng một năm bản dịch tác phẩm này của tôi đã được in tới bốn lần.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan. |
– Theo chị, những thông điệp mang tính xã hội trong tác phẩm có phải là điểm hấp dẫn khiến cuốn sách tạo được tiếng vang lớn?
– Khi tôi bắt đầu dịch cuốn sách đó, nó đã nổi tiếng khắp thế giới, đứng trong bảng xếp hạng sách bán chạy nhất của New York Times và Amazon trong nhiều tuần liên tiếp. Sách này cũng lọt vào con mắt kén đọc của tỷ phú Bill Gates.
Nó gây tiếng vang cũng là điều dễ hiểu, bởi đó là câu chuyện lạ lùng về sự tìm kiếm giáo dục đầy gian nan ở nước Mỹ, nơi tưởng chừng như cả thế giới đổ xô đến học, nơi mà dường như cơ hội giáo dục có sẵn cho mọi người.
Việc bạn được đến trường như một lẽ tự nhiên, được thầy cô, cha mẹ ủng hộ, chăm lo cho sự giáo dục, chẳng phải là một diễm phúc hay sao?
Dịch giả Nguyễn Bích Lan
Cuộc đấu tranh để được học của Tara Westover khiến người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: Từ ngạc nhiên, sửng sốt, phẫn nộ đến xót xa, khâm phục, và hy vọng.
Nó khiến chúng ta nhận ra rằng ở bất cứ đâu trên thế giới này, dù ở những nước văn minh nhất, vẫn có những con người phải đấu tranh bằng tất cả lòng dũng cảm, sự quyết tâm mới được đi học. Để đổi lấy sự giáo dục, đôi khi, họ phải chấp nhận sự hy sinh đầy đau đớn.
Và như thế, việc bạn được đến trường như một lẽ tự nhiên, được thầy cô, cha mẹ ủng hộ, chăm lo cho sự giáo dục, chẳng phải là một diễm phúc hay sao?
– Ngoài câu chuyện về hành trình tìm kiếm tri thức của cô gái trẻ, cuốn tự truyện này gửi thông điệp gì về hành trình tìm kiếm tự do và giá trị bản thân?
– Phải đọc nó bạn mới hiểu được Tara Westover đã bị giam cầm trong một nhà tù vô hình như thế nào. Ở đó, suốt những năm tuổi thơ, suy nghĩ của cô bị ông bố đúc khuôn. Cô hiểu về thế giới bên ngoài như thế nào đều là theo ý muốn chủ quan của bố, chứ không phải hiểu thế giới như nó vốn thế.
Quan điểm của người bố và những người thân chịu ảnh hưởng nặng nề của ông trong gia đình đã góp phần tạo nên bức tường vô hình giam hãm Tara, cản trở cô sống một cuộc đời tự do.
Trong sự giam hãm đó, cô tự coi mình là đứa con gái dốt nát, tự ti, mặc cảm và dằn vặt về những chuyện vặt vãnh không đâu. Nhưng khi cô được sống tự do trong thế giới học thuật của trường Cambridge, được tự do trong suy nghĩ, cô viết ra những bài luận xuất sắc và các giáo sư đã nói với cô: “Em là vàng ròng!”.
Tác giả Tara Westover. Ảnh: Vanityfair. |
Tri thức chính là ánh sáng của tương lai
– Theo chị, tác phẩm này có thể tác động ra sao tới nhận thức của xã hội về giáo dục, nhất là ở những nơi vẫn tồn tại quan niệm “trọng nam khinh nữ”?
– Có lẽ, tác động tích cực nhất mà bất cứ ai đọc cuốn sách này cũng có thể cảm nhận được đó là sự nhắc nhở về tầm quan trọng của giáo dục đối với sự thay đổi số phận một con người.
Tôi muốn lan tỏa câu chuyện của tác giả tới bạn đọc, nhất là những người trẻ tuổi và các bậc phụ huynh.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan
Nếu không thoát ra khỏi sự giam cầm về tinh thần để bước ra thế giới thì Tara bây giờ, có lẽ chẳng khác chị gái cô bao nhiêu, sẽ là một phụ nữ với đàn con đủ nhiều để cùng lúc cõng một đứa, bế một đứa, có một đứa bám chân, một đứa lôi áo.
Suốt đời, cô sẽ quanh quẩn ở chân núi nơi mình sinh ra, phụ thuộc những người mà mình chịu ảnh hưởng như cha và chồng, từ suy nghĩ cho đến cách sống, mù tịt về những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài.
– Là người đã tự thay đổi số phận của mình bằng con đường học vấn, sự đồng cảm giữa chị và tác giả có giúp ích gì cho quá trình chuyển ngữ?
– Tôi chỉ được đi học đến hết lớp 8. Bệnh nan y loạn dưỡng cơ đã cắt đứt con đường đến trường của tôi và kể từ đó, tôi hoàn toàn là tự học.
“Tự học” chỉ gồm hai từ ngắn ngủi, nhưng việc thực hiện nó lâu dài và để đạt được thành quả, đòi hỏi bạn phải có sự nỗ lực, ý chí, sự kiên nhẫn và lòng nhiệt tình ở mức độ cao.
Chính vì bản thân tôi kiếm được từng con chữ một cách rất khó khăn nên khi gặp câu chuyện của Tara, sự đồng cảm dành cho cô ấy đã mách bảo tôi phải tìm cách chia sẻ, lan tỏa câu chuyện này tới các bạn đọc của mình, nhất là những người trẻ tuổi và các bậc phụ huynh.
Tôi biết rất rõ cái cảm giác cô ấy mệt nhoài khi học đến hai giờ sáng, và tôi cũng hiểu vì sao cô ấy dành nhiều giờ ở thư viện đến thế. Không chăm chỉ như vậy làm sao cô ấy làm sao có được thành công của ngày nay?
Có thể nói, chúng tôi khá giống nhau ở nhiều điểm. Có thể sự can đảm, lòng quyết tâm vượt qua khoảng tối của hoàn cảnh để đi tới vùng sáng hơn là một trong những điểm chung lớn nhất của chúng tôi.
Giải thưởng Sách Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba sẽ diễn ra vào 20h ngày 9/10 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội. Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Sungroup, Công ty Phú Long và HDBank.