Gia đình Fiori có 5 thành viên, nhưng không ai trong số họ được sinh ra tại cùng một quốc gia. Trong vòng 10 năm kể từ khi lên đường, họ đã chuyển nhà 8 lần qua 4 nước khắp châu Á, châu Phi và châu Âu. Hảo Phạm Fiori gọi đó là cuộc sống “du mục”.
Ảnh bốn mẹ con Hảo Phạm Fiori và Baba, Bubu, Bilbo ở Uzbekistan. Ảnh: Hảo Phạm Fiori. |
Gia đình đa ngôn ngữ
Năm 2003, Hảo Phạm, cô gái gốc Hà Nội học ngành Kiến trúc – Thiết kế đã phải lòng Andrea Fiori, một anh chàng người Italy.
Năm 2009, họ quyết định từ bỏ cuộc sống bình lặng ở đất nước châu Âu xinh đẹp để bắt đầu di chuyển khắp nơi theo các dự án nhân đạo của Tổ chức Bác sĩ không biên giới.
Trên hành trình trải nghiệm của gia đình Fiori, ba đứa trẻ lần lượt được ra đời. Con gái lớn Baba sinh năm 2009 tại Thái Lan, con trai thứ hai Bubu sinh năm 2010 tại Kenya và con trai út Bibo sinh năm 2016 tại Uzbekistan.
Từ khi kết hôn đến nay, họ đã sống ở Việt Nam, rồi sang Italy. Khi bắt đầu cuộc sống “du mục”, họ từng định cư ở Thái Lan, Kenya, Uzbekistan và Sudan. Những đứa trẻ được lớn lên trở thành công dân toàn cầu, có cái nhìn cởi mở với mọi màu da và chủng tộc.
Lũ trẻ nói tiếng Việt với mẹ, nói tiếng Italy với bố và nói tiếng Anh với nhau trong hơn 4 năm. Chúng còn nói tiếng Pháp ở trường học, nói tiếng Nga với các bạn hàng xóm khi còn ở Uzbekistan, nói tiếng Ả Rập với những người bán hàng khi đi chợ.
Dù ở bất cứ đâu, cả gia đình Fiori đều biết cách sống hòa nhập với từng quốc gia đó. Không chỉ học ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa để thấu hiểu, họ còn thích nghi với môi trường, với thời tiết. Khí hậu khô nóng của châu Phi hay mùa đông lạnh giá ở Uzbekistan cũng không làm khó 5 thành viên nhà Fiori.
Những trải nghiệm quý giá này đều được ghi chép lại trong trong hai cuốn sách của Hảo Phạm Fiori mang tên Chuyện lạ Phi châu và Uzbekistan – Giấc mơ màu lam ngọc.
Có một châu Phi lạ kỳ
Châu Phi hiện ra trong tưởng tượng của phần lớn mọi người sẽ là một vùng đất khô cằn, nóng nực, điều kiện vệ sinh không đảm bảo hay đầy rẫy những tệ nạn. Nhưng qua những ghi chép của Hảo Phạm Fiori, châu Phi dường như còn có nhiều hơn thế.
Baba chơi đùa cùng trẻ em Kenya mà không hề tỏ vẻ sợ sệt hay kỳ thị. Ảnh: Hảo Phạm Fiori. |
Vấn đề chính trị bạo loạn ở các quốc gia châu Phi cũng vô cùng phức tạp. Gia đình Fiori đã phải nhiều lần chạy bom tại các khách sạn hay trung tâm thương mại, hay di tản để tránh các cuộc đảo chính tại Sudan.
Công việc tại tổ chức nhân đạo của Andrea Fiori trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, để cứu chữa cho những người dân nơi đây chống chọi với bệnh tật và chiến tranh.
Những chuyện mà bà Fiori kể lại là những chuyện mắt thấy tai nghe thường ngày mà khó có cuốn cẩm nang du lịch nào giới thiệu cho những vị khách nước ngoài.
Đó là hình ảnh những người phu kéo tay được gọi là Mkokoteni xuất hiện đầy trên đường phố Nairobi, thủ đô Kenya. Hay chuyện thi bằng lái xe ở châu Phi kéo dài 8 tiếng đồng hồ đầy khó khăn và quan liêu tại đây. Còn có những tục lệ cưới xin truyền thống của người châu Phi khi người Maasai được có tối đa 14 bà vợ.
Tuy vậy, sau hơn gần 5 năm sinh sống, Kenya trở thành ngôi nhà thứ hai của gia đình. Họ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thảo nguyên xa van mênh mông, những bầu trời lồng lộng với hàng nghìn vì sao lấp lánh. Trên tất cả, đó là tình cảm gắn bó với những con người nơi đây đã để lại cho họ những trải nghiệm vô giá.
Hai cuốn sách ghi lại hành trình sống “du mục” 10 năm của gia đình Fiori. Ảnh: Wings Books. |
Xứ sở ”Nghìn lẻ một đêm” huyền bí
Khi còn đang ở Kenya, gia đình Fiori có cơ hội được chuyển đến Uzbekistan. Đó là khi Andrea tham gia dự án điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV.
Nơi đây có thể coi là vương miện của Trung Á với nhiều nét văn hóa kiến trúc đặc sắc và những câu chuyện Nghìn lẻ một đêm. Những mái vòm cổ kính, những sa mạc rộng lớn hay những khu chợ sầm uất hấp dẫn hiện ra qua lời kể của Hảo Phạm Fiori.
Nhưng điều đó cũng không làm che mờ đi những khó khăn họ phải trải qua nơi đây. Vào mùa động, nhiệt độ tại Uzbekistan có thể xuống âm 6 độ C, người dân nơi đây giữ ấm bằng việc uống vodka và ăn mỡ muối. Hảo Phạm Fiori cũng học được cách mặc ấm cho riêng mình và cho những đứa con để có thể vượt qua thời tiết khắc nghiệt.
Uzbekistan là đất nước Hồi giáo với hầu hết người dân theo đại Hồi. Dù văn hóa nơi đây đã trở nên cởi mở hơn khi xưa, nhưng những người nước ngoài như gia đình Fiori cũng phải tìm cách hòa nhập với thế giới tín ngưỡng tại đây.
Việc hôn nhân và giáo dục các bé gái vẫn còn nhiều vấn đề nhưng dù muốn, bà Fiori cũng không thể thay đổi được các phong tục tập quán tại đất nước này.
Khoảng thời gian tại Uzbekistan tuy ngắn ngủi, gia đình Fiori đã kịp làm quen được những người bạn mới, tìm hiểu được một nền văn hóa mới, và quan trọng hơn hết, họ tự tin với sự hòa nhập của mình ở bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào.
Cuộc sống “du mục” của gia đình Fiori mới chỉ kéo dài một thập kỷ, nhưng phía trước họ là những cuộc phiêu lưu mới, những trải nghiệm mới và thách thức mới. Một khi đã bắt được nhịp điệu của mỗi vùng đất, họ có thể sống ở bất cứ nơi đâu.