Có lẽ không ít thế hệ học sinh và những người yêu thơ, khi nghe đến tranh dân gian Đông Hồ, lại nhớ tới những lời ngân nga trong thi phẩm Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm:
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong / Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Những chủ đề của dòng tranh đất Kinh Bắc cũng hiện lên đâu đó trong thơ với nào “gà lợn nét tươi trong”, với “mẹ con đàn lợn âm dương”…
Ấn phẩm Dòng tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Gìn giữ di sản văn hóa cho hôm nay và mai sau
Đẹp và dân dã, quen thuộc là thế, hồn tranh dân gian Đông Hồ đã đi vào thơ Hoàng Cầm từ năm 1948. Nhưng đó là của quá khứ gần một thế kỷ.
Còn hiện nay, trước cơn lốc kinh tế thị trường tràn qua làng quê, những ngành nghề truyền thống, trong đó có làng nghề tranh dân gian Đông Hồ đối mặt nhiều thử thách trước sự mai một, thất truyền.
Bên cạnh việc duy trì phát triển nghề tranh, công tác thực hiện lưu giữ ký ức, lịch sử về dòng tranh dân gian Đông Hồ cũng trở nên cấp thiết.
Sách Dòng tranh dân gian Đông Hồ của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa, Trịnh Sinh và Lê Bích đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Chia sẻ về việc thực hiện tác phẩm, bà Thu Hòa – chủ biên sách Dòng tranh dân gian Đông Hồ – bày tỏ: “Chúng tôi làm việc này vì muốn lưu truyền, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể này cho hôm nay và mai sau”.
Một trong những động lực cho nhóm tác giả thực hiện cuốn sách là: “Chúng ta phải cảm ơn những người nước ngoài như Maurice Durand, Henri Oger… Họ đã sưu tầm, nghiên cứu về tranh dân gian Việt Nam quá tốt. Nếu không có những tư liệu của họ, thực khó để nghiên cứu, tìm hiểu về tranh dân gian Việt Nam”.
“Các tác giả nước ngoài họ làm được, thì không lý do gì mình là người Việt, mang hồn Việt, yêu và hiểu tranh dân gian mà lại không làm được”, tác giả Thu Hòa chia sẻ.
Trước những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dòng tranh này, năm 2012, tranh Đông Hồ đã được Nhà nước xếp hạng Di sản văm hóa phi vật thể quốc gia. Ngay từ xưa, ca dao đã có có câu: “Hỡi cô thắt lưng bao xanh, / Có về làng Mái với anh thì về. / Làng Mái có lịch có lề, / Có ao tắm mát, có nghề làm tranh”.
Làng Mái được nói tới ở đây chính là tên nôm của làng tranh Đông Hồ. Đông Hồ nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Làng nép mình bên bờ sông Đuống hiền hòa từ bao đời.
Gia phả dòng họ Nguyễn Đăng (trong sách Nghệ nhân họa sĩ Nguyễn Đăng Sần và dòng tranh dân gian Đông Hồ) cho biết làng tranh Đông Hồ có từ thời Lê sơ (1428-1527).
Đông Hồ không chỉ làm tranh, làng còn có nghề hàng mã, làm pháo, nhưng nổi tiếng và gắn với tên tuổi của làng hơn cả chính là nghề tranh.
Bộ tranh trổ giấy chủ đề bốn mùa trong sách Dòng tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Thổi hồn tranh vào giấy điệp
Lâu nay ta biết đến tranh Đông Hồ chủ yếu qua tranh khắc gỗ và vẽ tay. Qua tác phẩm Dòng tranh dân gian Đông Hồ, độc giả được biết tranh Đông Hồ còn có cả dòng tranh đồ thế phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh (chủ đề chủ yếu là voi, ngựa, thế nam, thế nữ…) và tranh trổ giấy.
Tranh trổ giấy độc đáo nhưng lại ít được biết đến. Trong ký ức các nghệ nhân Đông Hồ chỉ biết ở thời Pháp thuộc đã có những nghệ nhân trong làng trổ giấy các tranh tứ bình, nhị bình…
Tranh trổ giấy thường trổ thủng, mỏng manh và phải dán lên nền giấy trắng. Để ngắm tranh, tranh sẽ được dán lên cửa kính và xem ngược sáng.
Được biết đến nhiều hơn cả, chính là tranh khắc gỗ và vẽ tay. Cuốn sách giới thiệu đến độc giả mọi vấn đề quanh quy trình, chất liệu… làm tranh Đông Hồ.
Qua đó, ta thấy được sức sáng tạo vô biên của người làm tranh, hiểu thêm những vất vả, nhọc nhằn của họ với việc mưu sinh, giữ nghề.
Ảnh: Sách Dòng tranh dân gian Đông Hồ. |
Thống kê trong sách Tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand, các tác giả xác định được 127 chủ đề tranh thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ với đề tài đa dạng, phong phú từ tranh về sinh hoạt đời thường, lịch sử, nhân vật cho đến chủ đề văn học…
Các chủ đề quen thuộc với chúng ta về tranh dân gian Đông Hồ, có thể kể đến các bức như Đấu vật, Vinh quy bái tổ, Thầy đồ cóc, Đánh ghen… hoặc tranh Gà đàn, Lợn độc, Lợn đàn, Đám cưới chuột…
Kế thừa và sáng tạo qua thời gian, các nghệ nhân Đông Hồ tùy thời điểm cụ thể lại có những tranh mới phù hợp với hoàn cảnh đất nước, đời sống như tranh cổ động Bình dân học vụ năm 1945, tranh Hai miền diệt Mỹ, Hoan hô đường Chín anh hùng thời gian 1954-1975…
Tranh Gà đàn, Tam dương khai thái, Lợn lá ráy… trong sách Dòng tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Trong làm tranh, khâu làm mẫu được xem là khâu quan trọng. Khi tạo mẫu, nghệ nhân xác định ngay từ đầu mẫu nào để in và mẫu nào vừa in vừa tô màu hoặc tô nét.
Người làm tranh Đông Hồ coi ván in là đồ gia bảo, được truyền qua các thế hệ. Ngoài những mẫu cổ, hiện nay nhiều mẫu mới, mẫu cải tiến được thực hiện để phù hợp với thị hiếu.
Để làm được ra bản mẫu, nghệ nhân phải vẽ trên giấy rồi can lại rõ các mảng màu, các nét trên giấy bản trước khi dán lên ván gỗ đục, khắc tạo ra bản in.
Giấy để in tranh phải là loại giấy dó với độ bền cao. Một đặc trưng dễ nhận biết của tranh Đông Hồ chính là ở chất giấy.
Hoàng Cầm hẳn là người yêu tranh Đông Hồ lắm, nên lột tả được tính riêng của dòng tranh này qua câu “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, vì nền tranh Đông Hồ được quét điệp trên giấy dó tạo nên vẻ óng ánh rất riêng.
Với một lịch sử dài lâu cùng những thăm trầm của thời gian, tranh Đông Hồ đã chứng tỏ được giá trị văn hóa tốt đẹp khi góp phần phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội.
Chính vì thế, tác phẩm Dòng tranh dân gian Đông Hồ không chỉ là một phương thức gìn giữ vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc, mà cũng là một kênh để lan tỏa, giúp mọi người hiểu thêm về dòng tranh nổi tiếng của nước ta.