Trước lo lắng của thí sinh về điểm chuẩn có thể tăng cao, GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái trên dưới 3 điểm.
Căn cứ vào tình hình chung, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành, số lượng chỉ tiêu, trường đang xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho phương thức tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội tuyển sinh 1.650 chỉ tiêu cho 32 ngành đào tạo. Trong đó, trường dành 1.485 chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 110 chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và 55 chỉ tiêu cho phương thức khác.
Ông Sơn cho hay mức điểm sàn dự kiến tăng 1-2 điểm. Trong khi đó, điểm trúng tuyển dự kiến tăng 1,5-3 điểm tùy theo số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành.
Điểm trúng tuyển vào trường các năm trước như sau:
Với phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, trường đã công bố kết quả tuyển sinh. Năm 2020, 217 thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này.
Trong đó, 3 em là từng tham gia cuộc thi tháng của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, có điểm trung bình chung học tập 5 học kỳ (năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) đạt từ 8 trở lên.
Ngoài ĐH Khoa học Tự nhiên, một số đơn vị khác thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hoặc dự kiến điểm sàn, điểm chuẩn cho kỳ tuyển sinh năm nay.
Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ, thông tin ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng vào trường tăng nhẹ so với năm ngoái.
Trong đó, điểm sàn dự kiến cho nhóm ngành Công nghệ thông tin (CN1) là 24 điểm. Các ngành như Máy tính, Robot, Kỹ thuật điều khiển, Tự động hóa, Khoa học máy tính (CN8, CN2, CN11) nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ 22 điểm. Ngành Điện tử viễn thông, Cơ điện tử chất lượng cao lấy điểm sàn 20 điểm. Các nhóm ngành còn lại lấy điểm sàn 18.
Với ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay năm ngoái, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nằm trong khoảng 15-19 điểm. Năm nay, mức điểm này dự kiến tăng 0,5-1 điểm.
“Năm nay, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường cùng chỉ tiêu tuyển sinh đều không thay đổi. Dự kiến, điểm chuẩn của các ngành tăng lên 0,5-1 điểm. Một số ngành có lượng hồ sơ lớn có thể tăng nhiều hơn”, ông Tuấn thông tin.
TS Nguyễn Hồng Oanh, Hiệu trưởng ĐH Việt Nhật, cho biết khi công bố đề án tuyển sinh, trường xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 18 điểm. Mức điểm đó được giữ nguyên. Ông dự đoán điểm trúng tuyển vào trường ở mức 20-21 điểm.
Bà Đỗ Thị Bích Nguyệt – Phó trưởng phòng Đào tạo & Công tác sinh viên, Khoa Luật – cho biết năm nay, khoa xác định điểm sàn 17 cho các ngành tuyển sinh. Điểm chuẩn có thể cao hơn năm ngoái nhưng không chênh lệch nhiều.
Bà Hà Lê Kim Anh, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ, cho hay điểm sàn các ngành đào tạo giáo viên sẽ theo mức điểm chung do Bộ GD&ĐT xác định. Với các ngành ngôn ngữ, trường dự kiến lấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 18 điểm.