Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội ngày 21/7, bà Dương Hồng Loan, Giám đốc Đối ngoại chiến lược, Đại học RMIT, thông tin nhà trường có khoảng 600 sinh viên quốc tế.
Do ảnh hưởng của Covid-19, những em này chưa thể quay lại Việt Nam. Các em không được cấp visa và cũng không có chuyến bay nào để quay lại trường.
Nhiều sinh viên sống trong lo sợ
Bà Dương Hồng Loan cũng thông tin nhiều giảng viên nước ngoài chưa quay trở lại Việt Nam do chưa có chuyến bay thương mại. Các công việc như xin visa cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài RMIT, sinh viên nhiều trường khác đang mắc kẹt ở nhiều quốc gia khi học trao đổi một kỳ hay tham gia khóa thực tập, giao lưu. Không ít em đang đợi chuyến bay về nước, sống trong lo sợ khi chi phí một tháng ở nước ngoài đắt đỏ.
Từ thực tế trên, bà Loan mong Bộ GD&ĐT có ý kiến, đề xuất với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia, hỗ trợ, giúp nhóm giảng viên, sinh viên này. Đây cũng là cách để giúp các trường đại học.
Bà Dương Hồng Loan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: D.T. |
Ngoài ra, bà Loan thông tin khâu quan trọng nhất trong việc chuyển đổi tạo cơ hội cho sinh viên học giữa hai quốc gia là công nhận tín chỉ, bằng cấp. Bộ GD&ĐT cần “bật đèn xanh” để các trường đại học, cơ quan kiểm định chất lượng của các nước cùng ngồi làm việc, học tập và giao lưu.
Thông tin từ ĐH Việt Đức cho hay năm nay, kế hoạch nhà trường cho sinh viên qua Đức và nhiều em ở Đức muốn về Việt Nam đều phải dừng lại do Covid-19. Mỗi năm, trường có khoảng 20-30% sinh viên ra nước ngoài theo các chương trình hợp tác quốc tế.
Ông Lê Quang Sơn, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho hay trường có 900 sinh viên quốc tế nhưng chỉ 300 sinh viên Lào quay lại Việt Nam. Nhiều em mắc kẹt, chưa thể quay lại học tập trung.
Ông Lương Quang Sơn đề xuất Bộ GD&ĐT hỗ trợ trong việc cấp visa cho sinh viên quốc tế, cấp phép cho hội thảo quốc tế hiện gặp nhiều khó khăn.
Du học tại chỗ ở Việt Nam
Không chỉ trường đại học có trụ sở ở Việt Nam gặp khó khăn, Đại học Cornell, Mỹ, cho biết trường có 24.000 sinh viên, trong đó khoảng 4.500 sinh viên quốc tế. Những em này gặp khó khăn trong việc quay lại trường ở Mỹ. Cornell cần giải pháp sáng tạo để đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên, bằng cách hợp tác cùng VinUni.
Trước những khó khăn, thách thức trong mùa dịch, ĐH VinUni ký kết với ĐH Cornell (trường top 14 thế giới theo bảng xếp hạng QS) về hợp tác chương trình “Study Away”. Đây là chương trình du học dành cho sinh viên quốc tế của Cornell gặp khó khăn khi trở lại Mỹ.
Ông Rohit Verma – Hiệu trưởng ĐH VinUni – thông tin sẽ có khoảng 20 đến 100 sinh viên quốc tế của Đại học Cornell đăng ký học kỳ mùa thu tại VinUni.
Số sinh viên này chủ yếu ở Việt Nam, chuẩn bị nhập học hoặc đang học ở Cornell, nhưng về nước trong đợt Covid-19 vừa rồi. Học kỳ mùa xuân sẽ có nhiều đơn thư xin nhập học hơn từ cả sinh viên quốc tế của Đại học Cornell ở những nước khác.
Phía VinUni cho biết trước số lượng sinh viên quốc tế của Cornell sẽ đến học trong thời gian tới, trường không gặp khó khăn vì trong năm đầu tuyển sinh, chỉ lấy 300 em, trong khi quy mô đào tạo là 3.000 sinh viên.
Tuy nhiên, khó khăn chung là đường bay thương mại chưa mở để sinh viên quốc tế từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể tới Việt Nam. Thủ tục hành chính giúp sinh viên có visa, chuyến bay, lo sắp xếp chỗ cách ly, thủ tục nhập học cũng gặp nhiều trở ngại. Điều này cần sự quan tâm, tháo gỡ từ phía Bộ GD&ĐT và Chính phủ.
Đại học VinUni và Đại học Cornell có sáng kiến ký kết hợp tác chương trình “Study Away”. Ảnh: K.H. |
Ngoài sinh viên quốc tế của Đại học Cornell, VinUni cũng cho phép du học sinh Việt Nam đang học ở các trường uy tín trên thế giới về Việt Nam, hoặc ứng tuyển làm sinh viên VinUni theo quy trình tuyển sinh riêng.
Sinh viên Việt Nam đã có thư mời nhập học từ các đại học uy tín nước ngoài, nhưng không biết chắc chắn có du học được ngay học kỳ mùa thu hay không, có thể ứng tuyển và chọn ở lại “du học tại chỗ” tại VinUni.
Trước khó khăn của hàng loạt trường đại học, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói bộ đang làm việc với một số quốc gia để công nhận tín chỉ, sắp tới đẩy mạnh công bố thông tin để các em tự đối chiếu, chọn lựa ngành học.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho hay hiện nay, các chuyến bay về nước quá tải. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT ghi nhận ý kiến của các cơ sở đại học, sẽ làm đầu mối để báo cáo Chính phủ. Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất cấp visa, đưa giáo viên và học sinh nước ngoài trở về. Trong thời gian chờ đợi, các trường có thể dạy một số tín chỉ theo phương án online.
Tại Việt Nam, hiện, 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài, khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Trước đó, ngày 15/7, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc ký công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19.
Để hỗ trợ các du học sinh và sinh viên quốc tế có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường xem xét, tiếp nhận du học sinh và sinh viên quốc tế có nhu cầu. Những em này có đủ điều kiện học tập tại các chương trình đào tạo quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, liên kết đào tạo với nước ngoài.
Việc tiếp nhận này cần phù hợp điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của trường. Người học được tiếp nhận phải đáp ứng yêu cầu đầu vào, không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến.