Cuốn sách gồm 60 bài viết từ những trang hồi ký đầy cảm xúc, sự kiện từ những người trong cuộc, nhân chứng lịch sử từng sống và chiến đấu tại Bời Lời (xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, vị trí chiến lược nối TP.HCM với Tây Ninh); đến công trình nghiên cứu của các đồng chí lãnh đạo, tướng lĩnh, nhà khoa học.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu sâu sắc về một mô hình chiến tranh nhân dân vĩ đại trên vùng căn cứ địa Bời Lời huyền thoại.
Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại đã đem đến cho độc giả những dữ kiện lịch sử về Bời Lời, một trong những chiến khu nổi tiếng trên chiến trường Nam Bộ.
Từ tiếng súng đầu tiên ở Suối Sâu ngày 8/11/1945 cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, chiến trường Tây Ninh trở thành biển lửa, một vùng đất “ra ngõ gặp anh hùng”.
Với địa thế chiến lược, hệ thống địa đạo vững chắc dài hàng nghìn mét của Bời Lời, ta đã đập tan các cuộc càn quét, đánh phá của địch, giữ vững vùng căn cứ địa, bảo toàn và phát triển lực lượng cách mạng suốt thời kỳ chống Pháp.
Với địa thế dễ ẩn, khó vào, dễ dàng cơ động về các vùng chiến lược trên toàn chiến trường, Tỉnh ủy Tây Ninh đã chỉ đạo củng cố và dần mở rộng căn cứ Bời Lời để tiếp giáp căn cứ Dương Minh Châu, nối liền căn cứ Bắc Tây Ninh, dang rộng ra các tỉnh miền Đông Nam bộ, sang Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một và vùng đất thép Củ Chi của Sài Gòn – Gia Định.
Thực dân Pháp liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, đánh phá ác liệt Bời Lời, đóng bót dày đặc ở Bùng Binh, Cầu Ván, Suối Bà Tươi, Bàu Đồn, Long Công, Bến Củi… nhưng Bời Lời vẫn hiên ngang đứng vững.
Biết bao công sức, xương máu của quân dân Bời Lời và người dân Trảng Bàng đã xây dựng nên một hệ thống địa đạo, hầm trú ẩn, làm nơi trú ngụ an toàn cho các cơ quan đơn vị trong kháng chiến.
Cũng tại đây, bằng sự mưu trí dũng cảm, lần đầu tiên, quân dân Bời Lời đã bắn rơi máy bay của giặc Pháp, phá nhiều xe tăng trên chiến trường Trảng Bàng, Tây Ninh và cả miền Đông Nam Bộ.
Hào khí Bời Lời lại càng phát huy mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Quân dân Bời Lời, nhân dân ta đã xây dựng thành công căn cứ địa cách mạng và hậu phương kháng chiến, trên cơ sở phát huy triệt để sức mạnh tổng hợp của các lĩnh vực hoạt động về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế kháng chiến.
Sức mạnh của căn cứ địa Bời Lời chính là thế trận lòng dân, sức mạnh vĩ đại của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh.
Năm 1970, tại đây, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định tổ chức lớp học Rừng Xanh, đào tạo những cốt cán của thanh niên, sinh viên học sinh nội thành Sài Gòn, nhằm huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ đoàn viên.
Những năm 1962-1969, mật khu Bời Lời còn là nơi thành lập, đứng chân của Cụm tình báo A20 anh hùng với bao chiến công hiển hách, đồng thời những âm mưu và ý đồ của kẻ thù được khai thác triệt để, phục vụ cho kháng chiến.
Với ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, những ký ức về căn cứ địa Bời Lời vẫn còn đó thật đẹp: “Tôi đã hai lần tới Bời Lời trong một thời gian ngắn, một lần chạy giặc và một lần về R. Bời Lời chẳng những ‘che bộ đội’, ‘vây quân thù’, mà còn góp phần nuôi quân, giúp cán bộ chiến sĩ ta được thực túc binh cường”.
Với đại tá tình báo, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), những hồi ức về những ngày ở Bời Lời như mới vừa hôm qua.
“Đó là nơi công tác đầu tiên của tôi khi trở về miền Nam. Một vùng giải phóng với nhiều lợi thế về địa hình hiếm nơi nào có được. Đó là nơi những cán bộ tình báo chúng tôi khởi đầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển mạng lưới tình báo trong điều kiện hết sức gian nan, chủ động chiến đấu nhiều trận ác liệt với địch để bảo vệ căn cứ, bảo toàn lực lượng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng ven rừng Bời Lời này, tôi được gặp lại vợ sau mười mấy năm xa cách, được gặp con gái mà tôi chưa hề biết mặt”, ông kể.
Với trách nhiệm và tình cảm của một thành phố nghĩa tình, nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM và tỉnh Tây Ninh đã kề vai sát cánh trong thực hiện bảo tồn di tích, phục hồi hệ sinh thái rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, thực hiện đền ơn đáp nghĩa đồng bào trên vùng căn cứ địa Bời Lời.
Hiện nay, hoạt động quy hoạch, chia vùng bảo vệ như khu di tích gốc, tái hiện các sự kiện lịch sử, khu bảo tồn hệ sinh thái, khu tham quan vui chơi giải trí… đang xúc tiến đầu tư xây dựng.
Ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, nhận định: “Bời Lời là căn cứ địa huyền thoại, một di tích kháng chiến chứa đựng nhiều sự kiện lịch sử có sức truyền cảm, lan tỏa mạnh mẽ và khả năng giáo dục tư tưởng, đạo đức, nhân sinh quan cách mạng cho nhiều thế hệ; niềm tự hào không chỉ của nhân dân tỉnh Tây Ninh mà của cả nhân dân TP.HCM và lực lượng vũ trang Quân khu 7.
Trong tương lai, Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Bời Lời sẽ được mọi người biết đến với những sắc thái riêng, gắn với Khu du lịch địa đạo Bến Dược – Củ Chi, nối thông lên hồ Dầu Tiếng, núi Bà Đen, khu vực Tòa thánh Cao Đài, lên Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, thành một dải du lịch về nguồn liên hoàn”.