Thạch Lam được độc giả hiện nay biết đến nhiều với những tác phẩm như Gió đầu mùa, Hà Nội băm sáu phố phường… Ông là một trong những thành viên của Tự lực văn đoàn, tác giả của nhiều đầu sách để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả với cách viết nhẹ nhàng, giàu tình cảm. Thạch Lam cũng có quan điểm về vai trò của sách trong đời sống xã hội.
Gương mặt sở trường về truyện ngắn
Viết về Thạch Lam cùng đời văn của ông, phần tiểu sử trong Tuyển tập Thạch Lam cho biết: Thạch Lam (1910-1942), tên thật Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân, bút danh Việt Sinh.
Ông hoạt động văn học từ năm 1936, là thành viên Tự lực văn đoàn, biên tập các báo Phong hóa, Ngày nay. Tập truyện ngắn đầu tiên của Thạch Lam là Gió đầu mùa in năm 1937.
Thông tin nhà văn gói gọn là vậy, nhưng trong ký ức và nhìn nhận của bạn văn đương thời về văn nghiệp, ông để lại ấn tượng riêng.
Với Nguyễn Tuân, nhắc đến Thạch Lam là nhớ đến truyện ngắn của ông, dù nhà văn có cả truyện dài Ngày mới. Đọc truyện ngắn Thạch Lam,”tôi cứ nghĩ đó là người tính tình nhẹ nhàng tinh tế, từng trải, vừa sống vừa lắng nghe chung quanh, cũng là lắng nghe mình phản ứng trước mọi diễn biến cả bên ngoài bên trong mình”.
Chân dung Thạch Lam trong sách Nhà văn hiện đại, quyển Tư của Vũ Ngọc Phan, Thăng Long xuất bản, 1960. |
Là người cùng thời, phê bình văn học mạnh tay và không câu nệ tên tuổi, Trương Chính trong Dưới mắt tôi khi đọc Gió đầu mùa đã cho rằng Thạch Lam là ngôi sao mới của Tự lực văn đoàn với chất văn rất riêng nơi ông:
“Thạch Lam có tâm hồn dễ rung động hơn. Ít tư tưởng và ít tâm lý, nhà văn ấy lại nhiều tình cảm… Ông Thạch Lam là nhà văn nghĩ bằng cảm giác”.
Với ấn tượng được tạo ra từ tập Gió đầu mùa, đi sâu vào cảnh đời, cảnh người rất thực, Trương Chính khen Thạch Lam: “Sau Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam đã hiểu biết NGƯỜI một cách đầy đủ và xác đáng hơn. Không một nét nào thừa và cũng không một nét nào quá đậm”.
Khi viết bộ Nhà văn hiện đại, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan cũng có những ý kiến tương đồng rất xác đáng với Nguyễn Tuân khi đánh giá Thạch Lam chủ yếu sở trường truyện ngắn.
“Trong các truyện ngắn, truyện dài của ông, tình cảm đều có một địa vị đặc biệt”, Vũ Ngọc Phan viết.
Xem những tác phẩm nhà văn của dòng họ Nguyễn Tường để lại, ta điểm thấy có Gió đầu mùa (NXB Đời nay, 1937); Nắng trong vườn (NXB Đời nay, 1938); Sợi tóc (NXB Đời nay, 1942). Đó đều là những tập truyện ngắn cả.
Ngoài ra, Thạch Lam còn có tiểu thuyết Ngày mới (1939), tiểu luận Theo giòng (1941), tập ký Hà Nội băm sáu phố phường (1943) và cả truyện thiếu nhi. Ấn tượng sâu đậm với độc giả, hẳn nhiên là truyện ngắn.
Sở trường truyện ngắn của ông có được, ứng với lời sau đây của Vũ Ngọc Phan: “Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp, những cảm tình, cảm giác con con nẩy nở và biểu lộ ở đủ các hạng người, mà ông tả một cách thật tinh vi”.
Chẳng thế mà đọc Hai đứa trẻ, ta nhớ đến chị em Liên; đọc Gió lạnh đầu mùa, ta nhớ đến Lan và Sơn…, cùng những cảnh đời quanh họ…
Sách giúp thay đổi xã hội
Là nhà văn, nhà báo, góp phần vào sự phát triển của văn hóa nước nhà, Thạch Lam cũng có lần nêu quan điểm về vai trò của sách. Quan điểm đó được ông tỏ bày rõ trên báo Phong hóa, số 189, ra ngày 29/5/1936 trong bài Một cái sức mạnh khác báo chí: Sách ảnh hưởng ở trong xã hội.
Theo đó, nhà văn Dưới bóng hoàng lan cho rằng sách, dù hay hoặc dở, đều có những ảnh hưởng rộng lớn tới xã hội. Ở đây, có thể hiểu là cái ảnh hưởng tích cực của sách hay và cái ảnh hưởng tiêu cực từ sách dở vậy.
Về vai trò của sách, vẫn ở bài viết trên, Thạch Lam nhận định: “Sách truyền bá tư tưởng một cách nhẹ nhàng, nhưng thấm thía hơn, không phải kích thích người ta, mà làm người ta xuy (suy) nghĩ – ảnh hưởng của sách, vì đấy, vừa xâu (sâu) xa, vừa lâu bền”.
Ấy là nhận định về vai trò của sách so với báo chí. Nếu như báo chí là phương tiện thông tin truyền thông nhanh nhạy, tức thời, sách với đặc trưng riêng của nó, có thể lưu giữ lâu dài, nên cái ảnh hưởng của nó có sự sâu đậm, lâu bền hơn.
Và cao cả hơn nữa, ông viết tiếp: “Sách là một khí cụ tốt nhất để gây nên một việc thay đổi trong xã hội”. Quan điểm ấy cũng được ông trình bày nơi bài “Vài ý nghĩ về sự đọc sách” trong tác phẩm Theo giòng, rằng đọc sách “là cái phương pháp hay nhất để hiểu biết thêm”.
Bài viết Một cái sức mạnh khác báo chí: Sách ảnh hưởng ở trong xã hội trên báo Phong hóa, số 189, ra ngày 29/5/1936. Ảnh: Đình Ba chụp từ file báo Phong hóa số 189. |
Muốn cho sách phát huy được công dụng xã hội của nó, vẫn theo Thạch Lam, dẫu các nhà viết sách như nhà văn, thơ có theo trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, có đối đầu trưởng giả hay bình dân, thì trên hết, tác giả, tác phẩm phải làm được những điều lớn lao.
Đó là “sách phải tháo gỡ được những sự giằng co ấy (tập tục, lề thói, tư tưởng cũ còn tồn tại – TĐB), phải làm cho tư tưởng người ta được thoát ly, phải làm cho người ta được tự do nẩy nở dưới ánh sáng Mặt Trời”.
Lời nhà văn dẫu cách ngày nay gần một thế kỷ, nhưng quan điểm về giá trị chung của tác phẩm, cụ thể là sách, thì đến nay vẫn thế.
Muốn có những cuốn sách hay đem đến bạn đọc, giữ vững được giá trị qua thời gian, ông cũng nêu rõ ý kiến của mình qua bài “Sự bền vững của một tác phẩm (nhân cuốn Tố Tâm tục bản)” trong cuốn Theo giòng về trách nhiệm của người viết, mà ở đây là nhà văn:
“Chỉ có những tác phẩm nào có nghệ thuật chắc chắn, trong đó nhà văn biết đi qua những phong trào nhất thời, để suy xét đến những tính tình bất diệt của loài người, chỉ những tác phẩm đó mới vững bền mãi mãi”.
Kết lại cảm nghĩ về sách, nhà văn của Hai đứa trẻ chiêm nghiệm qua Vài ý nghĩ về sự đọc sách như sau: “Đọc sách đối với chúng ta phải vừa là cái ham thích, vừa là công việc ích lợi, một nghệ thuật mà chúng ta biết thực hành”.