Thao túng cảm xúc (tác giả Chou Mu-Tzu) hướng dẫn cách tránh bị thao túng cảm xúc, đồng thời tránh vô tình trở thành người đi thao túng, bảo vệ cái tôi của bạn, giúp nó trưởng thành, mạnh mẽ bước đi trước vô vàn mối quan hệ cuộc đời.
Được sự đồng ý của Nhã Nam – đơn vị giữ bản quyền tiếng Việt cuốn sách – Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
Hai hôm trước, mẹ gọi điện thoại cho tôi, bà muốn tôi mua cho bà ít thức ăn nấu bữa tối. Bình thường, nếu có thể tan làm đúng giờ tôi đều mua giúp mẹ.
Rút cục tôi có vấn đề hay ông ấy có vấn đề
Nhưng hôm đó, công việc của tôi quá bận, phải làm tăng ca, nên tôi nói với mẹ rằng sếp con yêu cầu làm thêm giờ đột xuất, không giúp mẹ được.
Mẹ tôi nghe xong không được vui cho lắm. Bà nói: Công ty gần nhà như thế, con có thể mua thức ăn mang về nhà rồi quay về công ty làm tiếp cũng được mà. Tôi đành phải nói với bà là: Hiện giờ con rất bận, không chạy ra ngoài được, mẹ tự ra ngoài mua có được không? Kết quả, làm xong việc về đến nhà, thấy mặt mẹ tôi nặng như chì.
Sách Thao túng cảm xúc do NXB Hà Nội và Nhã Nam phát hành. |
Bà tức giận mắng tôi: “Đẻ ra đứa con như cô chẳng được tích sự gì, không biết thương mẹ vất vả, có mỗi việc nhỏ thế mà cũng không chịu làm cho mẹ, đúng là tôi nuôi cô thất bại quá, tôi đúng là một người mẹ thất bại”.
Nghe mẹ nói vậy, thực sự tôi không biết phải nói gì, cảm thấy bà chẳng chịu thông cảm cho mình gì cả, nhưng cũng nghĩ liệu có phải mình đã sai thật không? Trước những lời trách mắng của mẹ, tôi không biết phải thanh minh thế nào, đành ngậm ngùi nghe chửi.
Nhưng, những chuyện tương tự như vậy lại tiếp tục xảy ra. Mỗi lần về nhà, tôi rất căng thẳng, hầu như lúc nào cũng phải đáp ứng nhu cầu của mẹ, cứ như nếu không làm theo bà yêu cầu, tôi sẽ trở thành đứa con bất hiếu vậy.
Sếp thường giao cho tôi cả đống công việc vào lúc chuẩn bị tan làm, ngày nghỉ cũng yêu cầu tôi phải tăng ca, mà những ngày nghỉ bù cho những lúc tăng ca, cũng vẫn phải đi làm, khiến tôi rất khó chịu, trong khi ông ta rất hay nghỉ phép, thậm chí bỏ làm.
Sếp lúc nào cũng bảo tôi rằng: “Cô là người mới, có cơ hội vào đây là may mắn của cô, ngoài kia cạnh tranh khốc liệt lắm, không cẩn thận sẽ có người thay thế cô ngay”.
Có lúc tôi cũng thấy khối lượng công việc nhiều quá, áp lực lớn quá, nhưng hễ khéo léo nhắc chuyện thời gian làm việc và khối lượng công việc với sếp, ông ta lại thở dài: “Cô hơi một tí là kêu không tăng ca được, khối lượng công việc quá nhiều, lương quá ít, phải nghĩ rằng, đây đều là những cơ hội cho cô luyện tập. Tôi thấy cô có tiềm năng, muốn đào tạo cô, mới dành cho cô thêm cơ hội”.
Nghe những lời giáo huấn của sếp, tôi lại thấy mình có vẻ không biết hài lòng, không biết quý trọng cơ hội, đồng thời cũng thấy cái gì đó sai sai, nhưng không biết phải phản bác như thế nào.
Có một lần không chịu nổi nữa, tôi phản kháng lại, cho rằng mình không thể chấp nhận được lượng công việc vô lý như thế, ấy vậy mà ông ta bảo tôi là “không biết kiềm chế cảm xúc, không thích nghi được với áp lực công sở”, còn nói tôi “sẽ bị công sở đào thải”. Ôi trời đất ơi! Rốt cuộc là tôi có vấn đề hay ông ta có vấn đề?
Tranh minh họa: BrightSide. |
Đối phó với nhu cầu của người khác
Kể từ khi tôi có bầu, mẹ chồng tôi hết thẳng thừng lại bóng gió nhắc nhở tôi nên nghỉ việc, ở nhà chuyên tâm nuôi dạy con. Tôi rất yêu thích công việc của mình, nhưng thấy lời mẹ chồng nói cũng có lý: “Sinh con xong, nên dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và cho con”.
Nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng để làm một bà mẹ bỉm sữa toàn thời gian, vì thế tôi quyết định xin nghỉ hai tháng chăm con nhỏ trước, định rằng qua được giai đoạn đầu chăm con bận bịu, sẽ tìm kiếm một trung tâm chăm em bé thật tốt, sau đó dần dần quay lại với công việc.
Ai ngờ, mẹ chồng tôi khi biết tôi chỉ định nghỉ hai tháng nuôi con nhỏ, mà lại còn đang tìm trung tâm chăm trẻ thì rất tức giận, chỉ thẳng vào mặt tôi mà chửi, bảo tôi không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, tôi quá ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình. Bà còn chửi tôi là “tương lai của đứa bé đã bị tôi hủy hoại”.
Ôi trời cao đất dày ơi! Có nghiêm trọng đến thế không chứ? Nghe bà nói, tôi rất muốn bật lại, nhưng thấy bộ dạng bà tức giận như vậy, tôi lại quay sang nghi ngờ bản thân, liệu có phải tôi đúng là không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ không? Liệu tôi có đúng là rất ích kỷ không?
Kể từ khi yêu nhau, bạn trai tôi rất hay kiểm soát tôi. Anh yêu cầu tôi không được mặc váy, không được trang điểm, cũng không được tụ tập ăn uống với bạn bè. Nếu cần, thì nhất định phải có anh ấy đi cùng.
Anh muốn tôi phải ở bên anh ấy mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Nếu tôi không làm như ý anh, anh sẽ nổi giận với tôi, cho rằng tôi không coi trọng anh, không yêu anh nhiều như anh yêu tôi.
Anh ấy tức giận lên thì vô cùng đáng sợ, có lúc thậm chí còn đấm vào tường đến chảy máu tay, hoặc quát vào mặt tôi ở bất kỳ đâu, khiến tôi thấy mình thật tồi tệ.
Nhưng sau khi nổi giận, nếu như tôi chấp nhận những yêu cầu anh đưa ra, làm theo những gì anh muốn, anh sẽ khôi phục trạng thái dịu dàng vốn có, đối xử rất tốt với tôi, lúc nào cũng quan tâm tôi…
Song kỳ thực lúc nào tôi cũng sợ cảm xúc của anh, không biết đến lúc nào anh lại “bùng nổ”, do đó tôi chỉ biết cố gắng hết sức làm theo những gì anh muốn, từng giây từng phút ở bất kỳ đâu cũng phải chú ý đến biểu hiện của anh, tránh kích động anh. Cuộc tình này khiến tôi mệt mỏi, sau này mỗi lần nghĩ đến anh ấy, tôi chỉ thấy sợ hãi…
Những ví dụ trên đây, bạn có thấy quen thuộc không? Trong cuộc sống hàng ngày của bạn có phải có rất nhiều chuyện tương tự như vậy xảy ra hay không? Bạn có thấy cuộc đời của bạn toàn phải xử lý hay đối phó với các nhu cầu của người khác, để rồi bắt buộc phải quên đi nhu cầu hay cảm nhận của mình không?
Thế nếu bạn không làm như vậy thì sao?
Nếu bạn không làm vậy, liệu đối phương có trách mắng bạn bằng những lời nói hay hành động nào đó, khiến bạn thấy mình thật thất bại hoặc tội lỗi, thậm chí cảm thấy mình thật tồi tệ; sau đó, bạn sẽ sa lầy vào những cảm xúc này, giống như côn trùng bị mắc vào tơ nhện hay không?
Cả đời bạn chỉ để làm hài lòng người khác hay sao?
Thử hỏi mình câu hỏi này, nếu đáp án là đúng như vậy, thì lại tự vấn xem: Đã xảy ra chuyện gì khiến mình chấp nhận đem cả cuộc đời ra để làm người khác hài lòng?
Khi bạn bắt đầu tự hỏi mình câu hỏi này, có thể bạn sẽ dần phát hiện ra, mô thức giao tiếp giữa bạn và người khác dường như ngày càng sáng tỏ; bạn sẽ ngày một nhận ra mối quan hệ giữa bạn và họ là đối phương phụ trách “yêu cầu” bạn, còn bạn phụ trách “làm hài lòng” đối phương. Nếu không làm họ hài lòng sẽ có chuyện không hay xảy ra.
Nếu như bạn thấy những gì được mô tả phía trên giống với mối quan hệ giữa bạn và người khác, thì có vẻ như bạn đã rơi vào vòng tuần hoàn của “thao túng cảm xúc”.