Các nhà thơ – liệt sĩ nói trên đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Trần Mai Ninh vẫn được đời sau nhắc đến qua bài thơ Nhớ máu, hay Nguyễn Mỹ sẽ mãi gắn tên tuổi của mình với Cuộc chia ly màu đỏ.
Nguyễn Mỹ với ‘Cuộc chia ly màu đỏ’
Nói đến Nguyễn Mỹ (1935-1971), hầu hết người yêu thơ đều nhớ đến bài thơ nổi bật của ông, Cuộc chia ly màu đỏ.
Nguyễn Mỹ mãi gắn tên tuổi của mình với Cuộc chia ly màu đỏ. |
Nguyễn Mỹ sinh ra ở Phú Yên, năm 16 tuổi, ông vào bộ đội, đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc, sau đó đi học lớp báo chí của Trường Tuyên huấn trung ương rồi về công tác ở nhà xuất bản Phổ thông.
Bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của ông ra đời giữa những năm 1960, đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Bài thơ đặc sắc đã được “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu hết lời khen ngợi và viết bài giới thiệu trên báo Văn nghệ, với những câu thơ đã in vào tâm trí nhiều thế hệ độc giả suốt hơn nửa thế kỷ qua:
“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ / Tươi như cánh nhạn lai hồng / Trưa một ngày sắp ngả sang đông / Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ / Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ / Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa / Chồng của cô sắp sửa đi xa / Cùng đi với nhiều đồng chí nữa / Chiếc áo đỏ rực như than lửa / Cháy không nguôi trước cảnh chia ly / Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia / Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy…”
Năm 1968, Nguyễn Mỹ trở lại chiến tường miền Nam, làm phóng viên báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ. Ông hy sinh ngày 16/5/1971 tại huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, trong một trận càn của giặc.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhận xét: “Đọc lại những bài thơ Nguyễn Mỹ ngay ở những bài chưa thành công, như thấy được những nhịp cánh vỗ chới với của hồn thơ đang tìm bay vào quỹ đạo của mình”.
Ngoài bài thơ nổi tiếng Cuộc chia ly màu đỏ viết năm 1964 đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông, trong di cảo thơ của ông, còn có bài thơ Hoa cúc tím cũng được bạn đọc yêu thích.
Nguyễn Mỹ đã sống đẹp như thơ của mình. Thơ ông để lại không nhiều, chỉ có tập Sắc cầu vồng (in chung với Nguyễn Trọng Định). Tuy nhiên, người yêu thơ vẫn nhớ mãi tên ông với những hình ảnh đậm màu đỏ rực như sắc lửa chói ngời trong Cuộc chia ly màu đỏ.
Trần Mai Ninh với ‘Nhớ máu’
Nói đến Trần Mai Ninh (1917-1947), cường ta cũng luôn gắn tên tuổi ông với bài thơ Nhớ máu, với những câu thơ dữ dội:
Tên tuổi Trần Mai Ninh còn mãi với bài thơ Nhớ máu. |
Ơ cái gió Tuy Hòa… / Cái gió chuyên cần / Và phóng túng / Gió đi ngang, đi dọc / Gió trẻ lại lưng chừng / Gió nghĩ / Gió cười / Gió reo lên lồng lộn…
Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh, ông sinh tại Thanh Hóa, lớn lên học Tú tài ở Hà Nội và tham gia viết báo yêu nước từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939)
Sau Cách mạng tháng Tám, Trần Mai Ninh tham gia kháng chiến ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Ông bị thực dân Pháp bắt và bị chúng tra tấn đến chết tại Nha Trang, năm 1948.
Theo tài liệu để lại, bài thơ Nhớ máu được Trần Mai Ninh sáng tác vào tháng 11/1946 tại Tuy Hòa, trong không khí cả nước đang sẵn sàng cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Là một nhà thơ, nhà báo tên tuổi, Trần Mai Ninh đã có khá nhiều tác phẩm được xuất bản, nhưng nhắc đến ông, người yêu thơ vẫn luôn nhớ về bài thơ Nhớ máu, và sau đó là bài Tình sông núi, với những câu thơ vang vọng như lời hiệu triệu nhân dân đánh giặc: Khi căm non nước với người đứng lên! / Có mối tình nào hơn thế nữa? / Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền…
‘Dáng đứng Việt Nam’ và tên tuổi Lê Anh Xuân
Nói đến Lê Anh Xuân (1940-1968), ai cũng nhớ đến bài thơ nổi tiếng Dáng đứng Việt Nam, được ông sáng tác dựa trên thực tế ông chứng kiến trong chiến dịch Mậu Thân lịch sử:
Tên Lê Anh Xuân còn mãi với Dáng đứng Việt Nam. |
Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất / Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng / Và anh chết trong khi đang đứng bắn / Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng… / Anh tên gì hỡi anh yêu quý / Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng / Như đôi dép dưới chân anh dẫm lên bao xác Mỹ / Mà vẫn một màu bình dị sáng trong!…
Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, quê ở Bến Tre. Ông tập kết ra Bắc, học Đại học Tổng hợp Hà Nội và năm 1961, từng được nhận giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ, Hội nhà văn với bài thơ Nhớ mưa quê hương. Năm 1964, ông lên đường vào Nam chiến đấu và hy sinh tháng 5/1968, trên chiến trường Long An.
Bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân còn đi sâu vào quần chúng qua bài hát cùng tên được nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ phổ nhạc, từng được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện thành công, từ Trung Kiên, Quang Thọ, Doãn Tần, đến Đăng Dương, Trọng Tấn… Bài hát đến ngày nay vẫn đang được người yêu nhạc thế hệ trẻ yêu thích, với những lời ca hào hùng:
Tên Anh đã thành tên đất nước / Ơi anh giải phóng quân!/ Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.
Trần Quang Long với ‘Thưa mẹ, trái tim’
Nhắc đến nhà thơ Trần Quang Long (1941-1968), người yêu thơ cũng luôn nhớ về bài thơ rực lửa yêu nước: Con sẽ vót nhọn thơ thành chông / Xuyên vào gan lũ giặc /… Nếu thơ con bất lực / Con xin nguyện trọn đời / Dùng chính quả tim làm trái phá / Sống chết một lần thôi…
Trần Quang Long ra đi nhưng để lại tác phẩm Thưa mẹ, trái tim bất hủ. |
Trần Quang Long nguyên quán ở Gia Lâm, Hà Nội, nhưng lớn lên ở Huế khi đất nước chia cắt. Ông hoạt động trong phong trào sinh viên ở Huế, và từng bị chính quyền VNCH bắt giam khi đang học dở khoa Văn, Đại học Sư phạm Huế.
Năm 1965, tốt nghiệp đại học, ông vào dạy trường Trung học Cường Để ở Quy Nhơn và lại bị địch bắt vì tổ chức các hoạt động chống chính quyền VNCH. Trong cuộc chiến Mậu Thân, Trần Quang Long là Ủy viên Mặt trận Liên minh Dân tộc Dân chủ Sài Gòn.
Bị quân địch truy lùng, ông trốn về Cần Thơ, rồi lên chiến khu, nhưng đã hy sinh trong một trận B-52 Mỹ rải thảm vào ngày 11/10/1968 ở Tây Ninh, khi mới 27 tuổi, để lại người vợ trẻ và đứa con ra đời mà không biết mặt cha.
Trần Quang Long qua đời, nhưng thơ ý chí chiến đấu của ông vẫn còn được nhớ mãi qua những vần thơ nóng bỏng: Trái tim là của con người / viết lịch sử mình trên mặt đất / bằng từng nét máu thắm tươi.