Bộ sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam gồm hai tập của tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng về lịch sử phát triển của báo chí Việt Nam thuở ban đầu cho đến hiện tại. Cùng với đó là các chế độ báo chí thể hiện qua các luật, sắc lệnh qua thời gian.
Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, được sự cho phép của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và hai tác giả, Zing lược trích sách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự phát triển của báo chí Việt Nam.
Ở phương Tây báo chí bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 17-18. Hiệp hội Báo chí thế giới (World Association of Newspapers) đã chính thức công nhận tuần báo Relation của Đức ra đời năm 1605 là tờ báo in đầu tiên trên thế giới.
Bộ sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam của tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, để đặt nền móng và củng cố nền cai trị ở vùng đất mới Nam Kỳ, trên lĩnh vực hoạt động truyền thông, chính quyền thực dân Pháp đã thiết lập, sử dụng hai phương tiện thông tin hiện đại hữu hiệu của phương Tây là mở mang đường dây thép và hệ thống báo chí.
Những tờ báo ở Việt Nam thuở ban đầu
Những tờ báo lúc đầu thể hiện bằng ba thứ tiếng. Báo chữ Pháp dành cho người Pháp, sĩ quan và binh lính trong quân đội Pháp và một số ít người bản xứ biết tiếng Pháp, những công chức làm việc cho Pháp. Báo chữ Hán Việt dành cho những nho sĩ, trí thức bản xứ từng được đào tạo trong chế độ phong kiến bản xứ, các quan lại của triều đình nhà Nguyễn. Trong giai đoạn trước 1881, báo chí ở Việt Nam gồm cả ba loại báo ấy.
Báo chữ Pháp có Le Bulletin Officiel de l’Expédition de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo – BOEC) là tờ báo đầu tiên ở Nam Kỳ, cũng là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam. Số 1 ra tại Sài Gòn ngày 29/9/1861, khổ 14 x 21,5cm, phát hành mỗi tuần một lần. BOEC thực chất là một tờ công báo phổ biến đến các sĩ quan, binh lính Pháp, cùng các nhân viên dân sự trong bộ máy cai trị biết để chấp hành. Ngoài ra, còn có các quảng cáo và lời rao thương mại được đăng ở một trang riêng.
Trang bìa tờ Courrier de Saigon ngày 20/11/1865. Ảnh: Phan Đăng Thanh. |
Courrier de Saigon (Tin tức Sài Gòn) là tờ báo tiếng Pháp thứ hai được thành lập ngày 1/1/1864, ra 2 lần một tuần. Đây cũng là một tờ công báo, song ngoài những công văn, nghị định, chỉ thị của Chính phủ, còn có những tin bài liên quan đến những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử, những tin tức ở địa phương và các nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan…
Le Bulletin du Comité Agricole et Industriel de la Cochinchine (Tập san của Ủy ban Nông nghiệp và Kỹ nghệ xứ Nam Kỳ). Đây là tập kỷ yếu đăng các công trình khảo cứu của Ủy ban Nông nghiệp và Kỹ nghệ xứ Nam Kỳ (Comité Agricole et Industriel de la Cochinchine) được thành lập theo Nghị định ngày 16/6/1865 của Quyền Thống đốc Roze, chuyên trách nghiên cứu kế hoạch khai thác Nam Kỳ về kinh tế.
Báo chữ Hán có Xã thôn công báo (Le Bulletin des Communes) là tờ báo thứ hai của Chính phủ Pháp lập ra ở Nam Kỳ vào năm 1862, song hành với tờ công báo chữ Pháp BOEC. Mục đích của tờ báo nhằm “Giúp cho người dân hiểu rõ quyền lợi và bổn phận của họ, những biện pháp thi hành của viên Thống đốc – Chỉ huy trưởng, hầu thiết lập một nền an ninh trật tự cho xứ sở và gây sự thịnh vượng chung cho toàn dân…”.
Tờ báo tiếng Việt đầu tiên: Gia Định báo
Gia Định báo (1865-1909) là tờ báo chữ quốc ngữ (tiếng Việt) đầu tiên ở Nam Kỳ, cũng là đầu tiên của cả nước – tờ báo chữ Việt duy nhất tồn tại ở Sài Gòn trong giai đoạn đầu tiên này. Tòa soạn báo nằm trong bộ phận thông ngôn của Nha Nội chính (Direction de l’Intérieur) Nam Kỳ. Địa chỉ tại số 59-61 đường De La Grandière (góc đường Đồng Khởi – Lý Tự Trọng ngày nay) Số đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 15/4/1865.
Gia Định báo ra đời theo Nghị định ngày 1/4/1865 của Chuẩn Đô đốc, Tổng tư lệnh, Quyền Thống đốc Nam Kỳ Pierre Gustave Roze. Theo đó, Ernest Potteaux – một viên thông ngôn người Pháp của Soái phủ Nam Kỳ được giao phó cho làm “Chánh Tổng tài” điều khiển báo này.
Một phần trang công báo Bulletin Officiel de la Cochinchine Française, số thứ tự 189 năm 1869, đăng Quyết định cử ông Trương Vĩnh Ký phụ trách ban biên tập Gia Định Báo. Ảnh: Phan Đăng Thanh. |
Đến tháng 9/1869, một người Việt – ông Trương Vĩnh Ký được chỉ định phụ trách tờ báo với chức vụ “Rédacteur en chef” (Chủ bút), lương hàng năm 3.000 francs, theo Quyết định ngày 16/9/1869 của Chuẩn Đô đốc, Tổng tư lệnh, Quyền Thống đốc Nam Kỳ Marie Gustave Hector Ohier.
Ngay từ những số Gia Định báo đầu tiên và sau đó đã có những cây bút thường xuyên xuất hiện như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Tôn Thọ Tường… Họ là những nhà báo tiên phong nổi tiếng, góp công lớn trong lịch sử xây dựng và phát triển nền báo chí Việt Nam.
Dấu ấn “Gia Định báo” và nhà báo Trương Vĩnh Ký
Nhiều ý kiến nhận xét Gia Định báo lúc đầu chỉ là một tờ công báo của chính quyền thực dân Pháp ở thuộc địa Nam Kỳ. “Từ năm 1865 đến năm 1869 dưới quyền điều khiển của E. Potteaux, tờ này chỉ giữ vai trò của một tờ công báo, gồm có hai phần:
Phần đăng các công văn, nghị định, những tài liệu chính thức… Phần tạp trở đăng những tin tức trong nước. Năm 1869, dưới sự điều khiển trực tiếp của Trương Vĩnh Ký, nội dung của tờ Gia Định báo có phần phong phú hơn. Người ta còn tìm thấy có những bài nghiên cứu về lịch sử, thơ, truyện cổ tích…”.
Chân dung nhà báo Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Sách Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ 1757 đến năm 1945). |
Lúc đầu, báo ra đều đặn hàng tháng vào ngày 15, gồm 4 trang khổ 25 x 32cm. Sau là bán nguyệt san và sau cùng chuyển thành báo tuần.
Gia Định báo là một trong những tờ báo tồn tại lâu đời nhất (trên 44 năm, từ 15/4/1865 đến 31/12/1909) ở Việt Nam, trong thời gian nửa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nghị định ngày 21/9/1909 của Thống đốc Nam Kỳ Gourbeil ấn định ngày chính thức đình bản của tờ Gia Định báo là 1/1/1910.
Từ lúc ra đời (1865) cho đến khi đình bản (1910), những người lần lượt được giao điều khiển Gia Định báo có thể tạm kể như: Ernest Potteaux (1865-1869), Trương Vĩnh Ký (1869-1872 hay 1873), J. Bonet (1872 hay 1873-1881), Trương Minh Ký (1881-1897), Nguyễn Văn Giàu (1897-1908), Diệp Văn Cương (1908-1909)…
Gia Định báo số 22, năm thứ ba mươi lăm, ra ngày 30/5/1899. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Dưới sự điều khiển của cây bút tài ba Trương Vĩnh Ký, tờ Gia Định báo có nhiều thay đổi quan trọng: báo ra tháng 4 số, nội dung khởi sắc và có nhiều bạn đọc hơn. Lần lượt trên mặt báo ngoài các chuyên mục trên, có đăng tải những bài khảo cứu, nghị luận, thơ ca của các danh sĩ Nam Kỳ như Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký…”
Nhìn chung, Gia Định báo ngay từ đầu cho đến khi “hoàn thành nhiệm vụ”, bản thân nó đã là một cơ quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật do chính quyền thực dân Pháp lập ra ở thuộc địa Nam Kỳ. Người viết Gia Định báo toàn là công chức công tác phục vụ cho chính quyền thực dân Pháp.
Gia Định báo số 19, năm thứ hai mươi sáu, ra ngày 13/5/1890 đăng “Như Tây nhựt trình” của Trương Minh Ký. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Ngoài vai trò phục vụ mục tiêu chính trị của nó, Gia Định báo đã mở đường và đặt nền móng cho sự phát triển báo chí Việt ngữ ở nước ta, góp phần phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí về nhiều lĩnh vực; đặc biệt với tư cách một tờ báo tiếng Việt đầu tiên, duy nhất lúc bấy giờ, Gia Định báo đã góp công to lớn trong việc truyền bá, hoàn thiện chữ quốc ngữ trong quá trình phát triển của văn học sử Việt Nam.