Trong nhiều năm sáng tác về chủ đề người lính hải quân, tác giả trẻ Hồng Diệu đã cho ra đời hàng nghìn bài thơ viết về đề tài hậu phương người lính. Năm 2015, tập thơ đầu tay mang tên Những dặm sóng yêu thương (NXB Hội Nhà văn) gồm 84 bài thơ của chị đã được bạn đọc đón nhận và chia sẻ rộng rãi.
Sau 5 năm ấp ủ, chắt chiu, tập thơ tiếp theo mang tên Thư con gửi Trường Sa (NXB Quân đội Nhân dân) chính thức chào đời. Lễ ra mắt tập thơ sẽ được tổ chức sáng 27/6 tới tại Hà Nội.
Sách Thơ con gửi Trường Sa. |
Tri ân những người lính đảo
“Trường Sa trong tim mẹ nặng hai tiếng Quê hương / Dẫu chưa lần đặt chân, chưa lần ra thăm đảo / Nhưng nơi đó biết bao mùa giông bão / Bao trái tim hồng đã vượt gian lao…”
Trường Sa, nơi mà bất cứ ai được đặt chân đến đều có chung một cảm giác vừa tự hào trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên; vừa trân trọng những hi sinh của những người lính ngày đêm canh giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
Trong Thư con gửi Trường Sa của Hồng Diệu có cả hai cung bậc ấy. Và, những vần điệu mang dáng dấp của hậu phương – những người ở phía sau làm bến đỗ bình yên cho người lính hải quân trở về sau những tháng ngày lênh đênh trên sóng nước trùng khơi.
Tập thơ Thư con gửi Trường Sa gồm 33 bài thơ không chỉ dành tặng chiến sĩ 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa mà còn dành tặng con của những cán bộ, chiến sĩ hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển, dành tặng những ai đã gắn bó với biển, đảo quê hương bằng tình cảm thiết tha nhất.
Thư con gửi Trường Sa như trang nhật ký của con trẻ viết trong những ngày xa bố, như nỗi niềm thầm lặng của người vợ lính được con thơ nói hộ lòng mình, cùng sự khát khao, nhung nhớ của người chiến sĩ đang nặng trên vai nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đối với gia đình, với con thơ, hay những cột mốc sống đang hiện hữu trên đảo nhỏ tiền tiêu…
Có lẽ vì vậy mà mỗi bài thơ của Hồng Diệu đều thu hút sự quan tâm của công chúng, và được những người lính biển đón nhận.
Trong thơ có tiếng em thơ bi bô tập nói, có người vợ tảo tần thay chồng gánh vác tổ ấm, có cảnh vật và con người nơi đảo nổi, đảo chìm cách đất liền hàng trăm hải lý…
Tất cả đã tạo sức mạnh cho những người lính hải quân vượt qua mọi sóng gió biển khơi, vượt qua nỗi lo toan thường nhật để cống hiến hết mình cho lý tưởng cao đẹp mà các anh đang theo đuổi.
Thơ Hồng Diệu sáng tác trong sáng, chân thật, giống như nhưng câu chuyện được viết lên từ đời thực, là câu hỏi ngây ngô của bé về biển, đảo nơi bố đóng quân, là cảm nhận của bé về tình thương bố dành cho mình từ nơi ấy đảo xa những ngày bé ốm, hay những ước mơ hồn nhiên của bé mai này lớn lên được tiếp bước cha làm một người lính hải quân anh hùng…
Những bài thơ như Áo cha, Quà của cha… hiện lên những món quà dung dị của người lính từ nơi đầu sóng về cho con. Trong những ngày lễ tết, trung thu, chiếc áo hải quân, vầng trăng tháng 8 chợt trở thành món quà vô giá với bé thơ mang đầy niềm tự hào c bé, áo cha giúp con vượt qua những ngày ốm nặng. Đọc thơ Hồng Diệu, những người ở hậu phương cảm thấy được an ủi, chia sẻ nhiều hơn…
Tác giả Hồng Diệu. |
Chia sẻ với hậu phương người lính
Hồng Diệu (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hồng Diệu, sinh năm 1984 tại Nghệ An) là thành viên câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương. Cho tới nay, Hồng Diệu có hơn 50 bài thơ được phổ nhạc và biểu diễn đoạt giải cao trong các đợt phát động sáng tác về biển, đảo và người chiến sĩ…
Công chúng biết đến thơ của Hồng Diệu nhiều hơn qua các ca khúc như: Bình yên ngày mới, Phía ấy Hoàng Sa nằm trong album Sôi lên hào khí Việt Nam của nhạc sỹ Quỳnh Hợp; ca khúc Võ Nguyên Giáp trên ngọn sóng biển Đông (nhạc sĩ Hồ Hoàng) in trong ấn phẩm Võ Nguyên Giáp – Trang sử cuộc đời, ca khúc Bố yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu; Giữa Trường Sa anh hát, Ta đi, Mưa Trường Sa, Cờ Tổ quốc trên biển Hoàng Sa, Trường Sa ngày em đến, DK mùa giông bão (nhạc Hồ Hoàng); Thương về nơi đầu sóng, Nỗi nhớ Hoàng Sa (nhạc Thanh Hải), Lính nhà giàn, Dưới bóng cờ sao bay (nhạc Thanh Dũng)…
Trước đó, năm 2015, sau 5 tháng phát hành, tập thơ Những dặm sóng yêu thương (NXB Hội Nhà văn) của Hồng Diệu đã được Bộ tư lệnh Hải quân chọn đưa thơ vào phát hành trong hệ thống các thư viện hải quân trên toàn quốc, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và các nhà giàn, là món quà tinh thần giúp các chiến sĩ thêm vững vàng tay súng, hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương.
Với ước mong “một lần được đặt chân đến Trường Sa”, Hồng Diệu đã nộp đơn xin ra đảo. Và một năm sau, tháng 5/2016, Hồng Diệu đã được lên tàu HQ 996 tới Trường Sa. Trở về sau chuyến công tác 10 ngày, Hồng Diêu tiếp tục cho ra đời những bài thơ mới.
Thư con gửi Trường Sa là tập thơ tiếp theo cũng là thông điệp tác giả muốn gửi gắm với tất cả bạn đọc: “Hãy luôn yêu thương, chia sẻ, thông cảm với những hy sinh thầm lặng của người lính, những thiệt thòi của hậu phương người lính, đặc biệt là các em nhỏ, điều đó sẽ góp phần động viên các chiến sỹ thêm vững chắc tay súng bảo vệ sự bình yên cho biển đảo quê hương.
“Đối với tôi, những gì viết ra cũng là những dòng chấp bút cho muôn vàn tâm sự của hậu phương người lính. Tôi không gọi đó là thơ, tôi chỉ xem nó như những chia sẻ để cảm thông cùng họ, làm động lực cho người lính nơi đầu ngọn sóng thêm vững vàng tay súng”, Hồng Diệu nói.
Với Hồng Diệu, cuốn sách Thư con gửi Trường Sa giá trị về vật chất rất nhỏ nhưng giá trị về tinh thần là rất lớn. Tác giả có dự định sẽ bán sách để gây quỹ vì Trường Sa, mong tiếp tục được “đến Trường Sa, nơi trái tim tôi đã dành hơn phần nửa”.