Connect with us

Xuất Bản

Chống kỳ thị – đừng phủi tay bằng cách đổ cho bản chất con người

Được phát hành

,

Khi một vài cá thể thất bại, đó có thể là lý do cá nhân. Khi cả một cộng đồng có chỉ số trung bình thất bại, đó là vấn đề văn hóa và hệ thống.

Những ngày qua, nước Mỹ rung động bởi các cuộc biểu tình phản đối kỳ thị chủng tộc. George Floyd, người đàn ông da màu được cho là bị cảnh sát trấn áp, đè gối lên cổ trong suốt gần 9 phút, dẫn đến tử vong. Sự việc xảy ra ở Mỹ gây chia rẽ lớn trong dư luận.

Một bộ phận nhỏ cho rằng vấn đề kỳ thị đang bị thổi phồng, thậm chí cho rằng một số cộng đồng đáng bị khinh ghét vì họ mang trong mình nhiều tính xấu.

Trong loạt bài viết 3 kỳ, PGS.TS Nguyễn Phương Mai (ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan) phân tích những vấn đề nêu trên từ biên độ rộng hơn để bạn đọc rút ra kết luận cho riêng mình.

Một số thông tin trong bài viết được trích dẫn từ cuốn sách mới xuất bản của tác giả “Cross-Cultural Management with Insight from Brain Science” (Quản trị đa văn hoá và các đóng góp của ngành thần kinh não bộ).

Giải pháp đầu tiên là không chối bỏ sự thật rằng chúng ta sinh ra không bình đẳng về mặt cơ hội.

Môi trường giáo dục tốt, gia đình hạnh phúc, có điều kiện tập thể thao và phát triển kỹ năng, bố mẹ có sự nghiệp thành công… sẽ giúp con cái họ tiếp cận nhiều mối quan hệ có lợi hơn.

Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, biết gì không quan trọng bằng biết ai. Đó là lý do tại sao những tỷ phú tự thân luôn được ngưỡng mộ hơn những người giàu kiểu cha truyền con nối.

Chúng ta, về mặt DNA, cơ bản giống nhau (99,9%). Vì vậy, bất kỳ sự khác biệt trung bình nào về trí thông minh, sự thành đạt, độ lười biếng, xu thế bạo lực… của cộng đồng chủ yếu là sản phẩm của hệ thống văn hoá xã hội.

Thậm chí, hai em bé song sinh cùng trứng (100% DNA giống nhau) được nuôi dưỡng ở hai đất nước khác nhau, sẽ trở thành hai cá thể khác hẳn nhau.

Điều đó cũng có nghĩa khi ta phê phán, công tâm nhất là phê phán hành động, chứ không phải con người.

Đổ lỗi cho bản chất con người là cách phủi tay để ta không phải nhìn thẳng vào gốc rễ của vấn đề: Những lỗ hổng trong hệ thống. Đó có thể là các chương trình phúc lợi xã hội kém hiệu quả, chính sách hỗ trợ kinh tế yếu kém, hệ thống pháp luật sơ hở, bệ đỡ văn hoá lỏng lẻo, hay sự thất bại của lực lượng chấp pháp.

van nan ky thi anh 1

Sự đổi thay bền vững nhất là phương cách quản lý tổ chức xã hội và văn hoá chứ không phải đổ tội cho con người không có ý chí đổi thay. Ảnh minh họa: The Guardian.

Vì “hệ thống” là vấn đề trừu tượng và khó hiểu, lên án, phê phán và biểu tình chống lại một hệ thống đòi hỏi sự hiểu biết nhất định. Cách dễ hơn cả là chĩa mùi dùi vào nhóm người cụ thể trong vai trò con dê tế thần, với niềm tin ngây thơ rằng khi con dê chết thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Ví dụ, lỗi không phải chính sách di cư kém mà là dân di cư xấu. Các nhà lãnh đại dân tuý rất ưa dùng chiêu này vì họ có thể giấu giếm sự yếu kém trong quản lý bằng cách đổ lỗi cho nạn nhân hoặc nhóm người bị coi là “dê tế thần”.

Chấp nhận thực tế bất bình đẳng cơ hội cũng tức là chấp nhận rằng, sự đổi thay bền vững nhất là đổi thay phương cách quản lý tổ chức xã hội và văn hoá, chứ không phải đổ tội cho con người không có ý chí đổi thay. Ví dụ, những người nông dân thời hợp tác xã khi đất nước mạnh dạn đổi mới với khoán 10 đã đổi thay ngoạn mục, làm việc hết sức mình.

Khi một vài cá thể thất bại, sự thất bại ấy có thể là lý do cá nhân. Nhưng khi cả một cộng đồng chỉ số trung bình thất bại, đó là vấn đề văn hoá và hệ thống. Thay đổi văn hoá và hệ thống rất khó, nhưng là điều có thể.

Trở lại câu chuyện của George Floyd, sự kiện này dẫn tới một khoảnh khắc lịch sử tại nơi tôi đang sống. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chỉ mới năm trước còn cho rằng hồ sơ xin việc không đề tên (blind hiring) để tránh kỳ thị là điều ngớ ngẩn, thì hôm rồi đã chính thức công nhận kỳ thị xảy ra một cách – có – hệ – thống tại Hà Lan.

Khá ngạc nhiên vì Hà Lan thường bị phê phán là “dồn rác giấu dưới thảm”, khuất mắt trông coi mỗi khi động đến các vấn đề nhạy cảm như phân biệt chủng tộc. Ông Mark Rutte lên điểm sau tuyên bố đó.

Bởi chấp nhận đối mặt sự thật là bước quan trọng nhất để thay đổi tích cực thay vì đổ tội cho nạn nhân. Vậy thay đổi hệ thống như thế nào và mỗi chúng ta có thể làm gì để đóng góp cho sự thay đổi đó?

Kiến tạo sự an toàn

Phần một của loạt bài này giải thích rằng một trong hai nguồn gốc của kỳ thị bắt rễ sâu xa từ lòng yêu thương bầy đàn của chính mình mà đâm ra thù ghét và sợ hãi bầy đàn khác.

Trong câu chuyện của George Floyd, do yếu tố lịch sử, nước Mỹ có một thứ văn hoá khá đặc biệt là văn hoá súng đạn, gần như ai cũng có quyền mua súng.

Tỷ lệ nghi phạm bị cảnh sát bắn chết ở Mỹ (46/10 triệu người) cao ngang hoặc hơn các nước độc tài và nội bộ xung đột, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu thường duới 5.

Sự kỳ thị cộng đồng da đen cộng với văn hóa súng đạn khiến cảnh sát dễ dàng nổ súng và mạnh tay với người da đen hơn cũng vì họ sợ. Chỉ cần chậm một phần mấy của giây thôi, kẻ ngã xuống chính là cảnh sát. Sự thay đổi về mặt hệ thống cho nước Mỹ có lẽ bắt đầu theo gương Australia và New Zealand, là kiến tạo sự an toàn và dần dần thay đổi văn hoá súng đạn chăng?

Nỗi sợ cũng bắt nguồn từ sự phân chia lại cơ hội – nền tảng của sự bất công quyền lực (power structure) tích tụ theo chiều dài lịch sử. Hình minh hoạ sau nói về sự khác biệt giữa “cào bằng” và “công bằng”.

Trong một xã hội bất công về cơ hội, nếu ta đối xử cào bằng, ai cũng được hỗ trợ y như nhau (all lives matter), người yếu đuối sẽ muôn đời yếu đuối, người giàu có và quyền lực sẽ muôn đời giàu có và quyền lực.

Vậy nên, nước nào cũng có các chính sách ưu tiên (affirmative action) cho một số bộ phận dân chúng cần hỗ trợ để nhanh chóng đuổi kịp các tiêu chí chung của xã hội.

van nan ky thi anh 2

Trong một xã hội bất công về cơ hội, nếu ta đối xử cào bằng, ai cũng được hỗ trợ y như nhau (all lives matter), người yếu đuối sẽ muôn đời yếu đuối, người giàu có và quyền lực sẽ muôn đời giàu có và quyền lực. Ảnh: Story-Based Strategy.

Tuy nhiên, chính sách ưu tiên đôi khi cũng khiến những kẻ mạnh cảm thấy nguồn lực của chính mình bị san sẻ không công bằng. Đó là khi chiếc hộp mà gã cao to trong ảnh đang đứng bị kéo tuột sang cho gã thấp bé bên cạnh. Chính sách ưu tiên, nếu không có sự hiểu biết và đồng thuận từ xã hội, sẽ tạo ra cảm giác bất công, như đứa con cưng bỗng dưng bị cho ra rìa.

Ví dụ, khi tranh cử, ông Trump thu hút được khá nhiều phiếu từ một bộ phận nam giới da trắng Mỹ cảm thấy những cơ hội của họ đang dần dần bị “đánh cắp” bởi những kẻ mà trước đây vốn chỉ là cái bóng của chính mình: Người da màu, người nhập cư, phụ nữ, người trẻ tuổi, các sắc dân thiểu số có học.

Họ chưa bị thuyết phục bởi những lợi ích mà đa văn hoá đem lại. Họ cho rằng những cơ hội mà họ (có nguy cơ) bị mất không phải là sự dịch chuyển tất yếu của một nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hoá, mà là do bị nẫng tay trên.

Đó chính là lý do ông Trump chủ yếu được giới trung lưu ủng hộ, chứ không phải đại đa số lao động nghèo. Nghèo thì chả có gì để mất. Nhưng trung lưu mà sợ biến thành nghèo thì sẽ dễ bỏ phiếu cho ông ta hơn.

Đây cũng là bối cảnh của nhiều công ty đa quốc gia khi những chiếc hộp được phân chia lại. Nhưng ít ai kịp để ý đến sự hậm hực của những gã đàn ông da trắng vốn quen thấy mình luôn ở vị trí cao chót vót bỗng dưng thấy sợ hãi vì dân da màu và phụ nữ có thể thay mình lên nắm quyền, dù giỏi, nhưng vẫn bị cho là ngoi lên đỉnh nhờ sự bất công (cái hộp- cái hộp). Họ cũng không thể đàng hoàng gọi tên cái hộp vì sợ gắn mác phân biệt.

Để giải quyết tận gốc mọi vấn đề, chúng ta cần hỏi tại sao lại cần những cái hộp? Tại sao lại cần sự cơ cấu có bao nhiêu phụ nữ hay người thiểu số trong ban lãnh đạo? Tại sao một nhóm người lại được hưởng trợ cấp xã hội và ưu tiên? Thật ra, việc tồn tại những cái hộp là do có cái HÀNG RÀO. Nếu cái hàng rào còn, những cái hộp sẽ còn, và bao nhiêu cũng không đủ.

Vì vậy, giải pháp bền vững nhất là giữ các chính sách ưu tiên nhưng đồng thời phải hướng tới giải quyết bất công quyền lực và cơ hội (power structure), tiến tới bỏ chính sách ưu tiên khi bình quyền được thiết lập. Những hàng rào cần phá bỏ bao gồm kỳ thị văn hoá vùng miền, kỳ thị giới, kỳ thị tuổi tác, kỳ thị sức khoẻ, kỳ thị xuất thân…

Đoàn kết thay vì chia rẽ, dùng lợi ích thay vì dùng sự sợ hãi

Phần một của loạt bài giải thích rằng xu hướng bảo vệ và hy sinh cho cộng đồng của chính mình mạnh đến mức ta có thể vì yêu thương bầy đàn mình quá mà thành thù ghét kẻ khác.

Tuy nhiên, thú vị là con người cũng rất dễ dàng nhập bầy đàn mới hoặc thay đổi bầy đàn. Chia một nhóm người thành hai, đưa cho mỗi bên một cái vòng tay có màu sắc khác nhau là chỉ một lúc sau, đội đỏ đội xanh sẽ cạnh tranh với nhau.

Chính vì thế, phương pháp bền vững nhất để xoá bỏ kỳ thị là tạo ra môi trường để những người ghét nhau được ở bên nhau, làm việc, giao tiếp trong một team, hoặc tốt nhất là đấu tranh cho mục đích chung như cùng hoạt động vì môi trường, hoặc để hoàn thành dự án công việc… Điều này đúng kể cả với những kẻ mang trong mình thù hận từ ngàn đời.

van nan ky thi anh 3

Phương pháp bền vững nhất để xoá bỏ kỳ thị là tạo ra môi trường để những người ghét nhau được ở bên nhau, làm việc, giao tiếp trong một team… Ảnh: Mai Minh Hồng.

Những nhà lãnh đạo có tâm và có tầm nhất cũng là người chuyển đi thông điệp đoàn kết. Họ chỉ ra lợi ích của sự đa dạng thay vì dùng sự sợ hãi để kích động lòng trung thành.

Với tư cách cá nhân, đó cũng là điều mỗi chúng ta có thể làm. Đối mặt với hỗn loạn và căm ghét, mỗi lời nói hay hành động của bạn đều có thể truyền đi thông điệp chia rẽ hoặc hàn gắn.

Liên quan sự kiện George Floyd, hãy đọc lại những post gần đây nhất của mình và tự vấn bản thân, những lời bạn nói có năng lượng gì, tạo thêm hằn thù hay kiến tạo sự chung tay?

Đương nhiên, ta hoàn toàn có thể lên tiếng chỉ để thoả mãn cái tôi và chính kiến cá nhân. Nhưng một mục đích nhân văn hơn, vị tha hơn, đó hẳn là lên tiếng với tư cách người hàn gắn vết thương.

Điều này thật khó khăn, nhất là khi ta phải chứng kiến mặt trái của phong trào với bạo lực và cướp bóc. Càng khó khăn hơn nếu như chính cửa hàng của gia đình ta từng bị phá hoại.

Liệu ai có thể gạt qua một bên và coi đó là bom rơi đạn lạc? Liệu ai vẫn một lòng ủng hộ quyền bình đẳng của người thiểu số vì họ hiểu rằng thắng lợi của người da đen cũng có nghĩa là thắng lợi của cộng đồng da màu? Liệu ai có thể nhìn xa tới mức hiểu rằng những thay đổi có tính hệ thống mà phong trào da đen gặt hái được sẽ đem lại quyền lợi cho mọi cộng đồng thiểu số?

Chúng ta không nên quên rằng chính người da đen đã đấu tranh cho nhiều sắc dân tị nạn được nhập cư vào Mỹ. Họ đã trả giá bằng máu và sinh mạng cho những quyền bình đẳng cơ bản mà người da màu ngày nay đang tận hưởng. Cuộc chiến ấy chưa kết thúc, quá khứ chưa khép lại. Và đoàn kết sắc tộc chính là giải pháp bền vững nhất để có một tương lai mà kỳ thị màu da không còn chỗ đứng trong xã hội đa văn hoá như Mỹ.

Và bởi trên đời còn có những tấm lòng nhân hậu và khả năng tập trung đại cục đến mức như vậy, nên chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng cuộc chiến chống kỳ thị dù dai dẳng, thậm chí có bạo lực không mong muốn, nhưng rõ ràng đang tiến những bước dài.

Mỗi cá nhân chúng ta đều góp phần trong đó, là kẻ thờ ơ đi qua, là hòn đá cản đường hay người chạy tiếp sức.

Nếu ta còn băn khoăn, thì hãy nhớ rằng giá trị của một con người đôi khi không phải là khả năng của họ, mà là điều họ phải khó khăn lựa chọn.

Nguồn: https://zingnews.vn/chong-ky-thi-dung-phui-tay-bang-cach-do-cho-ban-chat-con-nguoi-post1095436.html

Xuất Bản

Liên hoan Văn chương Hòa bình ở Khu Phi quân sự

Được phát hành

,

Bởi

Nhà văn là nhân chứng sáng suốt, là người tỉnh táo, đủ trí tuệ để ghi lại rất nhiều sự kiện xảy ra trong cuộc sống.

Le Minh Khue anh 1

Nhà văn được giải Nobel Svetlana Alexievich và nhà văn Lê Minh Khuê tại liên hoan.

Lịch sử chỉ nói được về sự kiện đó trong vài dòng. Nhưng nhà văn nhìn sự kiện đó thấu đáo thông qua các số phận, ghi chép lại cho các thế hệ tiếp theo.

Văn chương hòa bình ở thành phố sách Pazu

Từ nhiều năm nay, có rất nhiều cuộc gặp gỡ văn chương được Hàn Quốc tổ chức, quy tụ nhiều nhà văn ở các nước đến để dự liên hoan và hội nghị về các vấn đề lớn. Các nhà văn thường đại diện cho những vùng đất ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin. Ít khi có khuôn mặt đại diện của châu Âu và Bắc Mỹ. Giáo sư Kim Jae Yong, người trong ban tổ chức các hội thảo nói với tôi: “Tôi thích đại biểu của châu Á, châu Phi và Mỹ Latin”.

Năm 2008, tôi được dự hội nghị có hàng trăm nhà văn nhiều màu da. Những cuộc gặp gỡ, những ý kiến khác nhau, nhiều tiếng nói của các miền đất. Nhưng cũng giống như các hội nghị trên thế giới, không ai biết người đang đối thoại của mình từng viết gì. Vui vẻ như vậy, và cũng biết là đã đến các cuộc gặp gỡ này thì ai cũng có “thành tựu” nào đấy, nhưng chẳng ai biết rõ về ai, cuộc sống, tài năng, công việc hàng ngày… Mà có lẽ như thế lại hay.

Nhìn thấy nhau đột nhiên thấy quý mến vì nụ cười, vì màu da, vì xa cách địa lý nhưng cũng có một công việc và cũng có sự quan tâm sâu sắc tới cuộc sống của đất nước mình.

Cuối tháng 11/2023, tôi được mời đến Liên hoan Văn chương Hòa bình ở Khu Phi quân sự DMZ (De-military Zone) do Quỹ văn hóa tỉnh Gyeong-gi chủ trì. Gyeong-gi là tỉnh lớn, một đơn vị hành chính rất quan trọng của Hàn Quốc, có 13 triệu dân, ở ngay cạnh Thủ đô Seoul. Liên hoan tổ chức ở thành phố xuất bản Pazu, nơi chỉ có các nhà xuất bản, và chỉ sách là sách. Khi nhận lời mời tôi nghĩ chắc liên hoan sẽ đặt trọng tâm vào vấn đề về chiến tranh. Chiến sự Nga – Ukraine đang ác liệt. Và từ mấy hôm trước chiến sự ở dải Gaza đang làm cả thế giới thấy bất an.

Đến dự liên hoan, người đầu tiên tôi chú ý nhìn là nhà văn Adania Shibli đến từ Palestine, một người phụ nữ gầy gò, khuôn mặt thông minh nhưng trông có gì đó như thảng thốt. Quê hương của cô ở dải Gaza đang hứng chịu bom đạn chết chóc, trẻ con chết hàng ngày. Tôi bắt tay cô, không nói với nhau được gì nhưng có vẻ cô thấu hiểu tình cảm của người chia sẻ.

Liên hoan có 12 tác giả nước ngoài và 38 tác giả Hàn Quốc, toàn người rất nổi tiếng. Sáu nhà văn trong ban tổ chức là các giáo sư kiêm tiểu thuyết gia, nhà phê bình, nhà thơ. Giáo sư Kim Jae Yong rất bận rộn. Ông có những giờ giảng bài ở các trường đại học nên khi đến muộn, ông bắt tay tôi rất chặt. Chúng tôi quen nhau từ năm 2008 và khi tôi tới Hadong nhận giải thưởng văn học quốc tế mang tên văn hào Byeong-ju Lee, ở xa ông đã gọi điện chúc mừng.

Các nhà văn đến từ Nigeria, Ấn Độ, Tunisia, Peru, từ Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Nhật Bản đều ở độ tuổi từ 50 đến 70. Nhà văn da đen Niyi Osundare là người gốc Nigeria nhưng là công dân Mỹ, sống ở bang Louisiana. Ông cười cởi mở, thân thiện với tôi và hát một bài hát gì đó mà điệp khúc nhắc đi nhắc lại Việt Nam… Việt Nam. Ông hát say sưa và bảo với tôi: Đấy, người dân châu Phi rất yêu quý Việt Nam. Ông cùng tuổi với tôi, có ba người con trai, ông hay khoác tay tôi và bảo: Nào, các ông bà già hãy ngồi xuống! Rồi nhắc đi nhắc lại: Việt Nam – Mọi chuyện đều ổn!

Những khi như vậy lại cứ tiếc là chưa được đọc tác phẩm của họ. Cô gái người Philippines cũng vậy. Xinh đẹp, sinh động, tuổi chỉ hơn 40, cô hỏi tôi: Đột nhiên chị gặp tôi ở Hà Nội thì chị sẽ thế nào? Rồi cười tươi tắn bảo: Tôi sẽ tới Việt Nam!

Tham luận của các nhà văn đều hướng đến những vấn đề ở đất nước họ. Xung đột vùng đất, sắc tộc, cách để tồn tại ở một nơi xa lạ. Tôi nói đến những người mẹ trong chiến tranh Việt Nam. Giáo sư Kim Jae Yong bảo tham luận của tôi rất gần với tiêu chí của hội thảo. Thực ra ở Việt Nam đề tài chiến tranh gắn kết với cuộc đời của nhiều thế hệ, cho đến rất lâu sau chiến tranh vẫn chưa thể ra khỏi vùng đất mà nhà văn đề cập.

Trong bữa sáng ở khách sạn, Priya Basil, nhà văn gốc Ấn Độ hiện sống ở Đức có hỏi tôi: Thế khi tham gia chiến tranh chị sợ ai nhất? Cô ấy hỏi ai chứ không hỏi cái gì. Tôi bảo tôi sợ cái chết. Chị có căm thù người Mỹ không? Không. Lúc ấy thì không. Tôi chỉ sợ hãi. Sợ hãi choán hết tâm trí con người. Còn căm thù thì có. Nó tới dần dần. Qua nhận thức, qua thời gian.

Ở Khu Phi quân sự, biên giới giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, trong khi đứng bên này nhìn sang phía Bắc Triều Tiên, hôm ấy mù trời, không thấy rõ, chỉ thấy thấp thoáng cánh đồng lúa, nhà văn người Ấn Độ nhìn tôi cười: Việt Nam có hoàn cảnh như thế này lâu không? Tôi bảo hơn hai mươi năm. Anh ấy trầm ngâm: Ừ, cũng phải bao nhiêu xương máu…

Diễn đàn khơi gợi ký ức

Mọi người đều có vẻ cảm thông, chia sẻ với nhau. Nhất là khi lúc này bom đạn đang làm thế giới chao đảo, bất ổn. Các bản tham luận đều nói tới ước mong hòa bình cho các vùng đất. Bản tham luận của nhà văn đoạt giải Nobel nói rất nhiều đến ký ức chiến tranh, khi nước Pháp bị xâm chiếm và đội quân xâm lược có những lúc như muốn lấy lòng người dân. Tên lính Đức đưa cho tác giả, lúc ấy còn bé, mấy thanh sôcôla. Lát sau bà ngoại của ông phải giấu vứt đi, vì sợ bị đầu độc. Ông nói nhiều tới ký ức chiến tranh trong các buổi giao lưu, ông nhắc tới những cuộc đối đầu với quân Đức và ký ức bạo lực hầu như theo ông suốt đời.

Le Minh Khue anh 2

Các nhà văn quốc tế dự Liên hoan Văn chương Hòa bình ở Khu Phi quân sự DMZ Hàn Quốc, tháng 11.2023

Jean-Marie Gustave Le Clézio – một cái tên không xa lạ với độc giả Việt Nam. Tôi đã đọc tiểu thuyết Sa mạc của ông. Đọc các truyện ngắn. Đặc biệt là tiểu thuyết Sa mạc, rất khác với các tiểu thuyết có vẻ hơi nhẹ nhõm bóng bẩy ở một số nhà văn Pháp, tiểu thuyết của ông tràn đầy chi tiết, sự kiện, dày đặc tình huống về đời sống trên sa mạc, rất hấp dẫn và không dễ đọc. Ông là một trong ba nhà văn Pháp nổi tiếng, tiêu biểu, là người đã xuất bản trên 30 tác phẩm.

Le Clézio nhận giải Nobel Văn chương năm 2008. Trong lần đi thăm Khu Phi quân sự DMZ, nơi chia cắt hai miền Triều Tiên, ông ngồi giữa hai người phụ nữ, chắc một người là thư ký. Ông cao dong dỏng, thẳng thớm, rắn rỏi, dù đã ngoài 80. Trông ông rất trẻ. Chắc thời trẻ ông cực kỳ hấp dẫn. Tôi chỉ nói được với ông hai ba câu, nhờ Choi Hana dịch qua tiếng Anh. Tôi nói ở Việt Nam sách của ông nhiều người đọc nhất là thanh niên. Ông bình thản gật đầu. Tôi hỏi ông có đọc một vài nhà văn gốc Việt ở Pháp không. Ông bảo ông biết Linda Lê. Ông hỏi sách của tôi có được dịch ở Pháp không? Không, tôi chỉ được in sách ở Mỹ. Ông bảo sắp tới ông sẽ đi Mỹ, ông sẽ tìm đọc…

Tôi biết đó là điều không thể, vì ông hiếm thời gian, vì đi tìm một cuốn sách in đã lâu là điều không thể. Và vì sự quan tâm đến một nhà văn xa lạ cũng rất không thể. Nhưng tôi cảm động vì cách cư xử lịch sự của ông, nó gây nên thiện cảm, sự ấm áp và trân trọng… Những ngày ở Hàn Quốc, giữa các cuộc hội thảo và tham quan, Le Clézio rất trầm lặng, thậm chí có vẻ xa cách. Cũng không thấy nhà văn của nước nào ngồi trò chuyện với ông ngoài các cuộc hội thảo ông ngồi trên diễn đàn, trả lời vài câu hỏi, bàn tới vấn đề chiến tranh – hòa bình và điều ông nói trong hội thảo cũng như trong bản tham luận làm ta suy nghĩ.

Ông nói đến những bi kịch lớn của lịch sử thế giới, những cuộc chinh phục thuộc địa, sự tàn sát người vô tội ở châu Mỹ da đỏ, buôn bán nô lệ từ châu Phi, các cuộc chiến tranh thế giới… Không điều nào trong số đó bị văn chương ngăn chặn. Có lẽ đó không phải là vai trò của văn chương. Nhà văn không phải là nhà tiên tri hay nhà chính trị. Trên hết họ là nhân chứng… Tác phẩm của họ cộng hưởng, đôi khi khuếch đại những sự kiện xảy ra cùng thời với họ, nhưng chúng không ảnh hưởng đến tiến trình chung…

Người cùng ngồi trên diễn đàn với ông là bà Svetlana Alexievich, nhà văn người Belarus được giải Nobel Văn chương năm 2015. Tôi chú ý khuôn mặt hiền hậu của bà, nhưng cái vẻ không khoan nhượng của bà giống như một đặc điểm của các nhà văn nữ hay quan tâm đến các đề tài khó như chiến tranh, như chính trị và thuyết phục người đọc bằng quan điểm cứng rắn. Tôi chú ý tìm bà ngay từ đầu khi bà đi ra cùng hai cô thư ký. Tôi nói với bà: Tôi là nhà văn Việt Nam. Tôi đã trải qua chiến tranh.

Đôi mắt bà nhìn rất nhanh qua tôi. Như nắm bắt nhanh một ấn tượng. Cái nhìn vừa như muốn quen biết vừa như dò hỏi. Nhưng thiện cảm thì rất rõ. Chúng tôi bắt tay nhau nhưng nói chuyện lại khó. Bà nói tiếng Nga. Phải có một phiên dịch tiếng Anh biết tiếng Nga. Đành chỉ biết cười vậy!

Svetlana Alexievich gây ấn tượng với tôi từ lâu khi tôi đọc quyển Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ của bà. Sách được ông Nguyên Ngọc chuyển ngữ thu hút người đọc Việt Nam hơn vì tác giả và dịch giả cùng trải qua chiến tranh, có sự đồng cảm lớn.

Trong quyển sách của bà có một chi tiết làm tôi xúc động ngay từ lần đọc đầu tiên. Một nhóm nữ du kích bị bọn Đức bắt giam. Những tên Gestapo độc ác. Một người phụ nữ có đứa con nhỏ hơn một tuổi chưa biết nói. Khi bọn lính lôi người mẹ đi, đứa trẻ lần đầu tiên trong đời hét lên: Mẹ!

Quyển sách sắp xuất bản của bà cũng thuộc thể loại văn xuôi phi hư cấu. […]

Rất nhiều câu chuyện Svetlana nói trên diễn đàn. Cuộc chiến đang diễn ra và chuyện của bà thu hút người nghe.

Những tác giả Nobel Văn chương đến Hàn Quốc là một sự kiện. Hội trường đông nghẹt người nghe. Buổi giao lưu quan trọng có vị phó tỉnh trưởng tỉnh Gyeong-gi cầm trịch. Vị quan chức của tỉnh là người rất am hiểu văn chương. Ông dẫn dắt, gợi ý, từ đại biểu đến thính giả đều như hướng về cách gợi mở của ông. Trong dàn người đông đúc khi chụp ảnh lưu niệm, ông nhìn về phía tôi rồi tiến tới hỏi tôi ở đâu. Tôi ở Việt Nam đến! Ông cười rạng rỡ, nói như chúc mừng: Chào Việt Nam!

Nhìn cách đón tiếp trân trọng, sự nể nang của mọi người mới thấy người được giải Nobel cực kỳ hạnh phúc. Những điều ông Le Clézio nói làm tôi vừa tâm đắc vừa lấy lại niềm tin vào công việc mà lâu nay mình đã xem nhẹ. Văn chương đích thực phải được nuôi dưỡng trong môi trường tương xứng. Không khí tinh thần ô nhiễm khiến người viết chán nản, tự rẻ rúng với nghề. Nhà văn ta cũng có nhiều sự đáng bị xem thường, nhưng nếu như cần lấy lại sự tôn trọng thì cần hiểu hơn nữa cái nghề mình theo.

Bởi theo nhà văn đoạt giải Nobel mà tôi gặp, văn chương không giúp ích trực tiếp cho bất kỳ một mặt nào của cuộc sống. Văn chương không ngăn cản được chiến tranh, không ngăn cản được đói nghèo, không làm dịu được sự phẫn nộ của thiên nhiên. Nhưng nhà văn là nhân chứng sáng suốt bậc nhất, là người tỉnh táo, đủ trí tuệ để ghi lại rất nhiều sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Lịch sử chỉ nói được về sự kiện đó trong vài dòng. Nhưng nhà văn nhìn sự kiện đó thấu đáo thông qua các số phận, ghi chép lại cho các thế hệ tiếp theo.

Nhà văn – có lẽ cũng là người cần thiết.

Nguồn: https://znews.vn/lien-hoan-van-chuong-hoa-binh-o-khu-phi-quan-su-post1453329.html

Tiếp tục đọc

Xuất Bản

Những dự án lan tỏa tình yêu sách

Được phát hành

,

Bởi

Không chỉ đầu tư nâng cao chất lượng sách, các đơn vị xuất bản còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm lan tỏa tình yêu sách, góp phần xây dựng thói quen đọc.

Du an tang sach anh 1

“Chia sẻ yêu thương – Chào xuân mới” là chương trình Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Ban Quản lý Phố sách Hà Nội và Câu lạc bộ Gia đình người tự kỷ Hà Nội tổ chức trong tuần này với mong muốn đáp ứng mong ước của các gia đình có con tự kỷ là được đưa con ra phố, để con mình vào nhịp sống thường nhật, và có một ngày hội để con được biểu diễn, được xem các tiết mục văn nghệ, được gặp gỡ nhau.

Ngày hội ấy còn là dịp để các phụ huynh và các giáo viên làm việc trong lĩnh vực giáo dục trẻ đặc biệt có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ thông tin, hỗ trợ và động viên nhau.

Đây chỉ là một trong số nhiều hoạt động vì cộng đồng mà NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức thường xuyên trong nhiều năm qua như đưa sách về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tặng sách đến các không gian đọc cộng đồng và các không gian đọc do những người khuyết tật quản lý, tổ chức các buổi trò chuyện chuyên đề và trao tặng sách tới các trại giam.

Đại diện NXB cho biết những năm gần đây, trung bình mỗi năm NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức khoảng 50 sự kiện khuyến đọc. Năm 2022, một Quỹ sách Cộng đồng cũng đã được NXB Phụ nữ Việt Nam cho ra mắt, từ đó nhận được sự đồng hành của nhiều cá nhân, tổ chức để có được nhiều chương trình trò chuyện khuyến đọc và tặng sách tới cộng đồng.

Điểm đặc biệt, không chỉ khuyến đọc ở vai trò của một đơn vị xuất bản mà nhiều cán bộ của NXB Phụ nữ Việt Nam cũng luôn mang trong mình một tình yêu với sách và truyền lửa đọc ấy đến xung quanh. Như một cán bộ truyền thông của NXB Phụ nữ Việt Nam đã thành lập Quỹ Khuyến đọc trong nhóm facebook “Mạng lưới cha mẹ” với mong muốn quyên góp sách tặng của nơi có sách tới nơi cần sách, quyên góp tiền ủng hộ mua sách, giá sách, các trang thiết bị liên quan tới việc đọc sách, và góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Hướng tới cộng đồng bằng Quỹ Chibooks Kết nối yêu thương, năm vừa qua Công ty sách Chibooks hoạt động mạnh mẽ với dự án xây dựng 300 tủ sách thư viện miễn phí vào các trường học trên cả nước, từ tiểu học, THCS, THPT đến các trường cao đẳng, đại học. Đây là dự án đã được triển khai từ năm 2011 đến nay với tổng kinh phí ước tính 12 tỷ đồng nhằm nâng cao ý thức đọc sách trong cộng đồng. Đọc sách để chúng ta thêm hiểu và yêu thương con người, mở rộng cánh cửa tâm hồn ra với thế giới xung quanh. Chibooks mong muốn dự án sẽ lan tỏa ảnh hưởng sâu rộng về ý thức đọc sách đến học sinh từ tiểu học, THCS, gieo mầm tìm hiểu, khát khao khám phá, mở rộng trí tưởng tượng và tri thức cho các em thông qua sách vở.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty sách Chibooks, cho biết: “Riêng năm 2023, Quỹ Chibooks Kết nối yêu thương đã trao tặng 32 tủ sách thư viện với 14.242 bản sách, tổng trị giá trên 1,61 tỷ đồng, trong đó gồm 14 tủ sách thư viện cho các trường học và trao tặng sách tới 18 thư viện cộng đồng, 15 thư viện của 15 nhà văn hóa bản”.

Với hoạt động tặng sách cho học sinh tại các trường học ở những nơi chưa đủ điều kiện để thiết lập tủ sách, chương trình “Sách đến tay em” là một trong những Dự án của Câu lạc bộ Vườn yêu thương Thái Hà được triển khai từ cuối tháng 7/2022. Bên cạnh đó, Thái Hà books cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến đọc như “Tết sách”, “Sách đồng hành cùng sinh viên”, “ATM sách miễn phí – phiên bản 2”, “Đổi sách lấy cây – gây quỹ khuyến đọc”…

Omega Plus books chọn hướng đi là hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các doanh nhân muốn xây dựng thư viện cho cộng đồng, doanh nghiệp, cho các cá nhân, nhóm muốn xây dựng thư viện cho gia đình, quê hương, dòng họ, thư viện cho bệnh viện hay thư viện cho trường học… Danh mục sách là các tác phẩm kinh điển, nền tảng do Omega Plus books tuyển chọn và xuất bản ở nhiều chủ đề khác nhau từ lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, chính trị, kinh tế, khoa học vật lý, văn học thiếu nhi, giáo dục, y học, nghệ thuật, âm nhạc…

Với NXB Kim Đồng, hoạt động khuyến đọc và trao tặng sách được tổ chức thường xuyên, liên tục như chương trình “Một triệu cuốn sách cho trẻ em nghèo”, tặng tủ sách cho các trường học ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cho cộng đồng trẻ em nghèo người Việt tại nước ngoài – những nơi còn khó khăn, không có điều kiện tiếp cận với sách vở, tài liệu trong nước; bảo trợ, thường xuyên tặng sách cho các thư viện, không gian đọc.

Mỗi đơn vị chọn một cách làm riêng nhưng điểm chung là đều hướng đến vì cộng đồng, đặc biệt với những cộng đồng còn khó khăn, nhằm mang tri thức đến với lớp trẻ, lan tỏa tình yêu sách và góp phần xây dựng thói quen đọc.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://znews.vn/nhung-du-an-lan-toa-tinh-yeu-sach-post1454645.html

Tiếp tục đọc

Xuất Bản

‘Hồn Trương Ba da hàng thịt’ – Một cách tiếp cận thế hệ công chúng mới

Được phát hành

,

Bởi

Kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Tsuyoshi Sugiyama là sự tiếp cận ráo riết thế hệ người xem mới, song gây ra tiếng thở dài cho phần công chúng còn luyến nhớ những mẫu mực.

Hon Truong Ba anh 1

Đạo diễn người Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama từng gây được dư luận ở Việt Nam với cách xử lý độc đáo hai vở kịch kinh điển Cậu Vanya (Anton Chekhov) và Hedda Gabler (Henrik Ibsen) ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Lần này, vẫn với tư duy sân khấu độc đáo đó, anh mang đến cho bản dựng Hồn Trương Ba da hàng thịt nhiều nét lạ.

Một tổng thể những nét lạ

Cái lạ đầu tiên là hóa trang và trang phục. Tất cả nhân vật đều ăn mặc khá hiện đại và có phần được Nhật hóa. Vợ chồng con cái nhà Trương Ba như những người nông dân đâu đó bên nước Nhật. Vợ anh hàng thịt, đặc biệt là đám tiên nữ nhà trời, không khác gì những vũ nữ tân thời trong một màn tạp kỹ (nói như một ông quan thiên đình trong kịch “thiên đình gì mà như cái chợ”, thì ở bản dựng này thiên đình gì mà như sân khấu tạp kỹ). Hai ông quan liêu tùy tiện ở thiên đình là Nam Tào Bắc Đẩu trang phục như công chức, nhưng được phân biệt với người hạ giới bằng cách đội trên đầu cặp sừng trâu và sừng dê, vừa như quỷ sống vừa như đám đầu trâu mặt ngựa.

Các nhân vật phần nhiều mang điểm nhấn hóa trang bôi mặt trắng như kiểu kịch Nô của Nhật, cũng có khi là những vạch vằn vện kiểu tuồng Tàu hoặc thổ dân đâu đó. Hóa trang và phục trang gây không khí Nhật hóa và gợi liên tưởng một câu chuyện dân gian không chỉ riêng một đất nước nào.

Cái lạ nữa là đạo diễn chuyển đổi giới tính cho một số nhân vật. Đế Thích cao cờ không phải là phi giới tính như cách thể hiện của nghệ sĩ Trần Tiến trong bản dựng đầu tiên gần bốn chục năm trước, mà là một… bà, bà tiên Đế Thích.

Lý trưởng bê bối tham nhũng ngày trước là nghệ sĩ Phạm Bằng thì nay là một người đàn bà, một bà có chức có quyền và cũng không hẳn là giới tính nữ. Một số nền văn minh cổ coi thần thánh mang trong mình cùng lúc nhiều giới tính, và kẻ tham nhũng trong kịch này có lẽ cũng đa sắc như vậy.

Đạo diễn dụng công tạo ra những mảng miếng lạ, chẳng hạn trong vở Cậu Vanya, ông để cho nghệ sĩ Lê Khanh và các diễn viên khác lăn lộn trong nhem nhuốc cát bụi. Cát thật. Cát mịt mù trên sân khấu. Còn ở Hồn Trương Ba da hàng thịt, lối sử dụng các nguyên vật liệu làm đạo cụ vẫn còn đó. Cái chậu tiết anh hàng thịt hất văng ra nhuộm đỏ một mảng sân khấu. Cốc nước của bà quyền chức cũng màu máu. Xô nước mà người con dâu hắt vào cái hồn-Trương-Ba-da-hàng-thịt để thức tỉnh phần hồn ông Trương Ba cũng là… nước thật.

Đạo diễn không ngần ngại để cho nước lênh láng trên sàn diễn, mà theo một quan niệm sân khấu nào đó thì không nhiều mỹ cảm. Nhưng chỉ có cách tự lý giải: đó là chủ ý của riêng đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama. Các động tác lên thiên đình xuống trần gian của Đế Thích và bà vợ Trương Ba là ước lệ không gian kiểu chiếu chèo nhưng cũng là phép ước lệ của sân khấu dân gian nhiều nước.

Cuộc giằng co giữa thể xác hàng thịt và linh hồn của Trương Ba được cụ thể bằng một vật kết nối như sợi dây thừng, lại cũng như những khúc dồi hoặc dây xúc xích của anh hàng thịt. Ấy vậy, người xem vừa tưởng như có thể kết luận rằng sử dụng ước lệ và biểu tượng là căn tính của đạo diễn thì lại va ngay vào những động tác hình thể quá cụ thể như động chạm cầm nắm sờ soạng. Diễn viên đã làm thật, như có dụng ý bác bỏ ước lệ mà khẳng định họ đang làm dạng kịch truyền hình trong nhà ngoài phố.

Nhiệt tình mang đến cái lạ cũng có thể đã làm cho kịch thiếu đi những khoảng lặng, những phút lắng lại, trầm sâu trong tâm tưởng và gieo vào người đọc những cảm xúc mà kịch bản đã sẵn có. Những yếu tố kỹ thuật tân thời và sự mải mê thủ pháp mảng miếng lạ có khi đã khiến cho kịch thiên về tính kỹ nghệ và duy lý.

Hon Truong Ba anh 2

Tạo hình tiên Đế Thích và bà vợ Trương Ba trong vở kịch. Ảnh: Se sẽ chứ.

Chiến trường của linh hồn và thể xác

Dù có tránh bớt liên tưởng đến cây cao bóng cả, thì cũng thấy sau mấy thế hệ của sân khấu kinh điển như Trọng Khôi, Mỹ Dung, Trần Tiến, Lan Hương (Quắm), Phạm Bằng… truyền thống dựng kịch kinh điển duy mỹ có thể đã dừng lại sau thế hệ của những Lê Khanh, Ngọc Huyền, Chí Trung, Anh Tú (và Thành Lộc ở Sài Gòn)…

Trong tình thế hiện nay, chạm đến những vở kịch kinh điển giàu tính biểu tượng và ẩn dụ, đạo diễn vẫn phải thỏa hiệp với lớp diễn viên mới để làm nên một thứ “tân cổ giao duyên” – chỉ nói về nghệ thuật diễn xuất. Phải chấp nhận pha trộn giữa động tác hình thể cách điệu và cách diễn tả thật, pha trộn lối diễn xuất giữa sân khấu và phim truyền hình. Đến thế mới thấy diễn viên đóng vai hồn-Trương-Ba-da-hàng-thịt nỗ lực rất nhiều mà cái gánh nặng ấy vẫn là quá sức.

Diễn viên không làm cho người xem thấy được cơn vật vã giằng giật của hồn bên trong xác, một khi hình thể khô cứng thiếu sinh sắc. Đài từ các diễn viên vốn quen được hỗ trợ khuếch âm của các phương tiện âm thanh hiện đại, khi bị khước từ dùng micrô, phải dùng giọng mộc, dùng âm thanh gốc, thì nỗi hoang mang không tự tin vào giọng mình bộc lộ qua những phát âm nhả chữ thiếu tròn vành, thậm chí nhiều khi díu và dính, nhòe và hụt hơi.

Trở lại với cách xử lý của đạo diễn. Kết thúc vở kịch, hồn ông Trương Ba chấp nhận cái chết và anh hàng thịt được sống lại. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khi xưa đã để cho anh ta vùng dậy, nhìn quanh rồi thô lỗ quát mắng cô vợ – ngựa quen đường cũ, thói xưa khó bỏ.

Nhưng đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama đã xử lý cách khác. Không chỉ ông Trương Ba chết, tất cả nhân vật từ anh hàng thịt, vợ chồng con cái nhà anh cho đến gia đình Trương Ba và bạn bè, cả tiên nữ và Đế Thích đều đi những bước giật lùi, họ đi ngược không gian và thời gian, để rồi tất thảy cùng đổ xuống, cùng lăn ra chết. Mới trước đó các nhân vật còn luận về chuyện hồn nọ xác kia, hồn không cần cậy nhờ cái xác, xác cũng chẳng phải mượn hồn, giờ thì hồn nào xác nào cũng chết. Tại sao vậy? Rằng không phải chỉ có một ông Trương Ba mới phải mượn thể xác người khác? Có khi cả thế gian này đều là hồn nọ xác kia, chẳng có ai được nguyên vẹn là mình, có khi ai ai cũng đều là những thực thể lắp ghép, để mà sống với đời?

Trên cái thế gian mà hóa ra chẳng có ai nguyên vẹn, chỉ còn lại một nhạc công ôm cây đàn ghi ta, đi như trên một bãi chiến trường sau trận đấu hồn và xác. Anh ta cũng là người dẫn chuyện bằng âm thanh trong suốt vở diễn. Và những âm thanh cuối cùng được cất lên, có thể là khúc cầu siêu, cũng có thể là khúc hoan ca.

Ở bản Hồn Trương Ba da hàng thịt của Tsuyoshi Sugiyama, đài từ và hình thể của các diễn viên nếu đạt chuẩn kịch kinh điển, sẽ chuyển tải nội dung trọn vẹn, và cái trải nghiệm sân khấu lạ lùng này sẽ thật sự là cách xử lý sân khấu kinh điển có ý nghĩa cho người xem hôm nay.

Tất nhiên sự tiếp cận ráo riết thế hệ người xem mới sẽ gây ra tiếng thở dài cho phần công chúng còn luyến nhớ những mẫu mực. Nhật hóa và quốc tế hóa một vở kịch Việt như vậy, không chỉ vì đạo diễn Nhật Bản nhớ quê hương, mà biết đâu Tsuyoshi Sugiyama cũng mong một ngày nào đó bản dựng này sẽ đến với người xem ở quê hương anh và cả đâu đấy bên ngoài đất Việt.

Hồn Trương Ba da hàng thịt, kịch của Lưu Quang Vũ, đạo diễn: Tsuyoshi Sugiyama, sản xuất: Nguyễn Hoàng Điệp, diễn viên của nhiều nhà hát: Chiều Xuân, Kim Oanh, Xuân Tùng, Hương Thủy, Hoàng Tùng, Mạnh Hoàng, Thanh Lê, Hirota, Trường Khang… Ba buổi công diễn tác phẩm diễn ra từ 12 đến 14/1 tại rạp Công Nhân, Hà Nội.

Nguồn: https://znews.vn/hon-truong-ba-da-hang-thit-mot-cach-tiep-can-the-he-cong-chung-moi-post1454673.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng