Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo là sách viết về cuộc đời hoạt động và cống hiến của vị lão thành cách mạng Trần Quốc Hương. Ông là người chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.
Được sự đồng ý của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, NXB Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị tái bản sách nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 – 19/8/2020), Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn tự coi là “đoàn thể cách mạng Quốc gia”, không chịu sự chi phối, điều hành của nhà nước và luật pháp. Là một thứ công cụ chuyên chế bất hợp pháp nhưng quyền hành của nó bao trùm lên chính thể, bao trùm lên luật pháp nhờ uy thế của gia đình họ Ngô, để bảo vệ chính quyền Diệm – Nhu.
Toàn bộ nhân viên của Đoàn công tác đều đồng thời là gia nhân của Cẩn, hành động theo chỉ thị – phần lớn là khẩu lệnh – của Cẩn.
Sào huyệt gốc của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung là cơ quan đặc biệt đóng tại Tòa Khâm. Tòa Khâm sứ Huế cũ lúc này biến thành một nhà tù lớn làm nhiệm vụ cải tạo, chuyển hướng cán bộ Cộng sản bị bắt.
Ngoài ra còn có các cơ sở lao động khổ sai như vườn cam, nhà mát ở Cửa Thuận và đặc biệt là Trại giam ở Chín Hầm (gần lăng Gia Long), nơi cầm cố để thủ tiêu những người Cộng sản kiên cường không chịu khuất phục.
“Con đường tranh đấu chông gai, hãy xử sự cho đúng”
Đưa ông Mười Hương ra Huế, bọn chúng nhốt ông ở trại Tòa Khâm nhưng chúng để ông ở chung phòng với một người tên Th., trước là cán bộ kinh tài của ta ở Khu Năm, nay chuyển hướng, hợp tác với địch. Nhiệm vụ của người này là phân tích, lung lạc ông Mười. Luận điệu như sau:
“Các anh theo kháng chiến giành độc lập, có công lớn với đất nước. Đường lối cách mạng miền Nam bây giờ bế tắc, Đảng không cho đấu tranh vũ trang. Cứ đấu tranh hòa bình với hai bàn tay trắng, địch đàn áp, ruồng bố, rồi ai cũng bị bắt thôi. Không có đường thoát.
Sách Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo. |
Tụi em với Đạt, Phó bí thư Thừa Thiên, bị bắt, ông Cẩn cũng thừa nhận mình là người kháng chiến có công. Bây giờ đối đầu với họ không được. Phải làm lại cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở miền Nam. Ta cứ về với chính quyền hợp thức để khỏi bị tiêu diệt, rồi lượng đổi chất sẽ đổi”…
Ông Mười Hương: “Các anh khi ở ngoài đời đi hoạt động không đóng góp được ý kiến, nay vào tù, hai chân vô còng mới xem xét đường lối là nghĩa lý gì? Lúc anh đi kháng chiến, theo Đảng là tự giác ngộ, tự anh làm chứ có ai gí súng vào lưng bắt anh làm không? Đảng không ép gì ta. Đừng trách Đảng. Con đường tranh đấu chông gai, hãy tự mình xử sự cho đúng”.
Đây mới chỉ là bước thăm dò, “lấy chim cu bẫy chim cu”, bọn địch dùng tụi đầu hàng lải nhải làm căng thẳng.
“Tôi ở một phòng tối. Nhờ vào hai lần bữa ăn để biết đã qua ngày. Nó đưa tôi cùng ngủ với anh Th. Nhiệm vụ của anh này canh xem diễn biến tư tưởng tôi ra sao, có ăn, ngủ được không. Có lần tôi lén xem được sổ gác nhận xét: Ăn ngủ bình thường. Tập bình thường – tắm – ngủ. Gần một tháng như thế, chưa thấy nó đánh. Có báo đọc. Những cán bộ chuyển hướng kia cứ đến nói thế. Tôi cứ ôn tồn như thế.
Anh Th., sau này cũng bị đưa về Bình Định và đã nhận thấy sai lầm khi chuyển hướng nhưng đã muộn, sau anh bị địch tra tấn suốt một năm cho đến chết.
Trong thời gian ở trại Tòa Khâm, ông Mười Hương chỉ nghĩ: “Khổ nhất là phải tìm chuyện gì để suy nghĩ để sống còn, có ý nghĩa, ích lợi. Nó sẽ làm cho tư duy mình lớn lên. Tôi tìm mọi cách để có tin tức, kể cả từ những mẩu giấy báo trong nhà cầu, khi đi đổ bô lén lấy về coi”.
Sáu năm ở trong nhà tù mật vụ miền Trung, cái khó của ông Mười Hương không phải là những đòn tra khảo mà là đối phó với “chính sách” của địch. Hiểu được nó thì mới hiểu vì sao sau này khi đã trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, ông Mười Hương vẫn còn khổ vì đơn tố cáo: Tại sao giặc biết ông là cán bộ tình báo cao cấp mà không giết, tại sao ông lại được thả?
Ngày ông Mười Hương bị đưa ra nhà tù Tòa Khâm Huế bằng máy bay Dakota nhà binh, ông chưa biết được những gì đang chờ đón mình. Mà biết làm sao được!
Mãi tới năm 1989, hơn 30 năm sau, nhóm cựu tù nhân chính trị họp mặt để phân tích về giai đoạn ấy họ vẫn cho là chưa ai phục chế “một mảng trống lịch sử bị bỏ rơi, quên lặng.
Họ cho rằng chế độ mật vụ Ngô Đình Cẩn – Dương Văn Hiếu là một ngành an ninh đích thực nhưng là một siêu tổ chức với nhiều đặc thù không có bộ máy nào của Ngụy so sánh được.
Ông Trần Quốc Hương (Mười Hương). Ảnh: Viet Nam Plus. |
Tỉnh táo trước thủ đoạn của địch
Trong nhà tù không song sắt này, công an mật vụ của tụi nó cùng với người tù sinh hoạt chung. “Chuyện khó tin mà có thật và chỉ có được trong thời điểm lịch sử nhất định”.
Những người tù ấy có một đặc điểm là họ trưởng thành trong chín năm kháng chiến chống Pháp, là những người đã kết liễu chế độ thực dân cũ, bước vào giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến đấu chống chế độ thực dân kiểu mới là đế quốc Mỹ.
Trong cuốn ký sự không xuất bản của người tù Dư Văn Chất […] có tên Bội phản hay chân chính? […] đã có vài nét phác thảo về chế độ tù mật vụ miền Trung ấy, đã dựng lại bối cảnh mà chính ông Mười Hương đã trải qua cùng với các bạn tù. Họ đều bị bắt cóc, không có xử án, không có thời hạn.
Hãy nghe Thái, tên phụ tá của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung, nói với người tù Dư Văn Chất: “… Chúng tôi không như bên công an đâu… Chúng tôi không cần bằng chứng để buộc tội, để làm cung, để tư tòa, kêu án. Một là chấp nhận chính sách, về hợp tác với chúng tôi. Hai là không có ngày về với gia đình. Anh muốn chọn đường nào?”
“Chính sách” mà hắn nói đây là gì? Nếu hiểu được điều này, có thể thấy được sự cam go hơn cả đòn tra và hiểu được những người như anh Th. Người bị bọn chúng đưa đến mong lung lạc ông Mười song anh không chịu chuyển hướng.
Vừa bước vào phòng giam ông Mười Hương, anh ta tự giới thiệu trước làm tòa sứ Buôn Mê Thuột. Anh nói: “Tôi có quen các anh, trong đó được anh Nguyễn Chí Diểu giáo dục nhiều. Chúng giao tôi đến đây định làm con chim mồi nhử anh nhưng anh yên tâm, tôi không làm vậy đâu”.
Khi thảo luận với nhau, ông Mười Hương khẳng định không thể lợi dụng “chính sách” của Diệm – Nhu được.
Trích lời tác giả Dư Văn Chất nói về mật vụ miền Trung:
“Thay vì chúng nói thẳng: Khai, phản, làm cho người tù còn chút lương tâm dễ bị sốc, còn biết tự trọng dễ mắc cỡ, chúng dùng toàn mỹ từ: Chuyển hướng, thay cho đầu hàng; trình bày thay cho khai báo; hợp tác thay cho phản bội… những từ dịu hiền, đẹp đẽ đó vuốt ve lòng người đang bị rúng ép khiếp sợ”.
Chính sách của chúng lúc đó là lợi dụng phong trào cách mạng đang khó khăn, chúng kết hợp thủ đoạn cứng rắn với lừa gạt, dụ dỗ, tấn công tư tưởng người bị bắt làm họ luôn phải căng thẳng, đưa dần họ vào con đường phản bội từng bước và không thể quay lại với cách mạng. Chúng gọi là chính sách “qua cầu rút ván”. Tổ chức thực hiện chính sách này là Đoàn công tác đặc biệt miền Trung.
Trong cuốn sách của tác giả Dư Văn Chất: “Đoàn công tác đặc biệt miền Trung […] vào Sài Gòn hoạt động với nhiệm vụ chuyên sâu: ‘Mời’ cấp ủy liên khu Năm và tình báo chiến lược về với Quốc gia.”
Chính vì có mưu đồ sử dụng những người kháng chiến nên chúng dùng thủ đoạn đặc biệt: Đầu hàng, chuyển hướng thì tin dùng; còn nếu kiên trung lý tưởng Cộng sản thì chúng tha hồ thủ tiêu, không cần án xử.
Chính ông Mười Hương sau này mới biết mình có tên trong 200 người bị đi thủ tiêu nhưng địch không kịp thi hành.
(Còn tiếp)