“Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy” là câu chuyện về cậu bé Alvin hiếu động luôn nghĩ ra những trò nghịch ngợm. Nhiều bạn nhỏ sẽ thích thú khi đọc những trang viết về trẻ em thời nay từ góc nhìn của một tác giả đồng trang lứa bằng giọng văn hài hước.
Trí tưởng tượng của cậu bé chưa từng đến Mỹ
Mọi chuyện bắt đầu khi cậu được bố mẹ chuyển nhà đến khu phố mới, và từ đó gặp hai cậu bạn mới và đi học ở ngôi trường mới. Trong cuốn sách hơn 200 trang với nhiều hình minh họa sinh động, độc giả bị lôi cuốn và bật cười theo hành trình hàng ngày của cậu khi ở nhà và ở trường.
Alvin đã hóa giải mọi hoạt động học tập ở trường, với bạn bè cũng như kỳ vọng của người lớn bằng những trò tinh nghịch, hồn nhiên mà trí tuệ, đôi khi còn hơi quá đà nhưng đâu đó vẫn toát lên tính giáo dục sâu sắc.
Cuốn “Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy” của Khang Thịnh. Ảnh: Thái Hà Books |
Tác giả cuốn sách là cậu bé ở Việt Nam chưa từng đặt chân đến Mỹ nhưng lại hóa thân vào một cậu nhóc sinh ra và lớn lên ở Mỹ với bối cảnh gia đình, bạn bè, trường học ở Mỹ đầy chân thực, sống động và hài hước.
Đọc xong cuốn sách bạn có thể giữ trong lòng những thắc mắc như học sinh, cha mẹ và thầy cô ở Mỹ thì có gì khác biệt với ở Việt Nam? Nhưng cuối cùng có thể cười xoà và nghĩ rằng trẻ con ở đâu cũng vậy, luôn cần được yêu thương và tin tưởng để có thể trưởng thành.
Một cuốn truyện lôi cuốn, hóm hỉnh, vui nhộn nhưng cũng chứa đựng thông điệp ý nghĩa dành cho trẻ em, người lớn, các thầy cô và các bậc phụ huynh.
Theo dịch giả Nguyễn Bích Lan, trong khi nhiều bé tiểu học phải đánh vật với những bài văn tả cảnh, kể chuyện, thậm chí loay hoay làm các bài tập sửa lỗi chính tả thì Khang Thịnh mải mê viết cả cuốn truyện dài 200 trang với những câu văn tròn trịa.
Alvin siêu quậy trong truyện của Thịnh ham chơi game, và là nhân vật đại diện cho không ít cậu bé bằng tuổi Thịnh ngoài đời thực.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan cho rằng, những người lớn nghiêm khắc, thay vì đặt câu hỏi một đứa trẻ siêu quậy như Alvin rồi sẽ đi đến đâu, hãy cứ đọc những trang sách này để biết trẻ em nghĩ gì.
“Xin đừng vội gọi tác giả của của cuốn sách này là thần đồng, thay vì thế, hãy cứ thưởng thức tác phẩm sáng tạo của em để bật lên những tiếng cười thích thú và góp sự khích lệ cho ước mơ sáng tạo của những em nhỏ khác. Trẻ em viết sách, tại sao không?”, dịch giả Bích Lan nói.
Câu từ trong cuốn sách hơn 200 trang của Thịnh rất tròn trịa. |
Bất cứ ai cũng có thể gặp mình trong đó
Chị Phan Hồ Điệp đã thốt lên khi đọc xong cuốn sách: “Trời ơi, sao mà cậu bé con trong truyện ấy có sức lôi cuốn người đọc đi theo hành trình của cậu ấy đến thế. Mặc dù, mỗi ngày theo như miêu tả của cậu thì ‘chán ngắt'”.
Ngôi trường mới (với cái tên giống như thuốc tiêu chảy – theo liên tưởng của tác giả) rõ ràng chẳng mang lại điều gì thú vị. Thế là bắt đầu từ đây, những “phiền toái” liên tục xảy ra với cậu bé.
Những phiền toái này chắc tuổi học trò nào cũng đã từng có: Ngủ gật khi nghe thầy hiệu trưởng phát biểu, bị phạt, bị điểm B, bị ngã, kết bạn bất thành, gặp bạn là “đầu gấu”… Toàn những thứ rất “kinh điển” cho nên người đọc dù là người lớn hay trẻ con cũng bắt gặp mình trong đó.
Thôi, tạm biệt những văn mẫu với tình yêu tha thiết khi còn ngồi trên “mái nhà trường” mà có thể gặp bất cứ đâu, đến cuốn sách này, nhà trường mới thực là trường của tuổi học trò: Quậy tưng bừng.
Cái không khí tưng bừng cộng với cái sự miêu tả tưng tửng của tác giả khiến dòng văn không bị đứt đoạn theo từng ngày mà trái lại dẫn dắt người đọc trôi tuột đi theo mạch cảm xúc khi thì hồi hộp thót tim, khi thì ngao ngán, khi lại bật cười. Đáng yêu đến nhức cả răng.
Bốn chương sách: Khu phố mới và trường mới; Suốt học kỳ; Cậu bé đặc biệt; Sự giác ngộ là chuỗi tiếp nối những hoạt động, những suy nghĩ, những trăn trở, những thất vọng và hy vọng, những niềm vui và nỗi buồn.
Từ đó, ta đọc được sự trưởng thành của một cậu bé, dù cậu bé ấy chắc chẳng nhận ra mình đang lớn lên, ngay từ trong suy nghĩ.
Đồng thời, độc giả nhận ra điểm nhìn giữa người lớn và trẻ em đôi khi chẳng giống nhau. Alvin cũng không thấy nói là yêu mẹ, yêu gia đình nhưng đọc vẫn phảng phất sự yên ấm, ngọt ngào mà cậu cảm nhận từ gia đình. Alvin cũng không hề nói cần phải học kỹ năng kết bạn, kỹ năng sống cùng, sống chung nhưng đọc xong, ta bỗng bần thần nghĩ rằng, đối với tuổi học trò, hình như điều đó quan trọng hơn cả tri thức, rất nhiều.
Cuốn sách đối với các bạn nhỏ chắc sẽ thú vị như kiểu Nhật ký chú bé nhút nhát đã từng làm say đắm bao nhiêu thế hệ học trò.
Đối với người lớn, đọc xong sách các bạn sẽ nhìn đứa con của mình và tự hỏi: Có chăng vùng tối thơ ngây nhưng bất trắc và đầy xét đoán trong trí não của con mà mình chưa chạm đến?
Đối với những người làm giáo dục thì sẽ là câu hỏi: Làm thế nào để trẻ có thể nói, có thể viết một cách hồn nhiên và chúng ta sẽ yên tâm cổ vũ cho sự hồn nhiên đó mà không cần một khuôn mẫu nào cả?
Đơn giản và mong manh, chân thực và hài hước, ngây thơ và giàu suy tưởng… tất cả có trong một cuốn sách.
* Tác giả: Nguyễn Khang Thịnh
– Năm sinh: 2007, ở Hà Nội.
– Học sinh lớp 7 trường Nguyễn Siêu.
* Thành tích:
– Giải Nhì môn Toán tiếng Anh cấp quận Maths Violympic năm học 2016-2017;
– Giải “Potential Translator” (Dịch giả tiềm năng) cuộc thi “Đi tìm Đại sứ văn học Ireland” năm 2017;
– Đạt điểm tuyệt đối (230/230) vòng chung kết thành phố TOEFL PRIMARY năm học 2017-2018;
– Cộng tác viên báo Học trò cười, chuyên đề Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng.