Tình yêu là sự sắp đặt tuyệt vời của số phận. Chúng ta có thể yêu nhầm người, hoặc chúng ta có thể may mắn tìm được đúng người đồng hành tri kỷ. Nhưng kỳ lạ là chúng ta sẽ không bao giờ biết đâu mới là đúng người.
Trong cuốn tiểu thuyết American Wife của tác giả Curtis Sittenfeld xuất bản năm 2008, tình yêu sâu sắc của người phụ nữ đã giúp chồng bà thoát khỏi con đường nghiện rượu và sau đó trở thành tổng thống Mỹ.
Người phụ nữ đó là nhân vật hư cấu được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật về bà Laura Bush, vợ của cựu tổng thống Mỹ George W. Bush.
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và bà Hillary ở Nhà Trắng ngày 11/8/1999. Ảnh: AP. |
Trong cuốn sách, đôi khi nhân vật này trăn trở về vai trò của mình trong lịch sử: “Cuộc bầu cử của ông ấy là lỗi của tôi. Ông ấy làm tổng thống là lỗi của tôi. Cuộc chiến tranh ông ấy phát động là lỗi của tôi. Tại sao tôi lại không mặc kệ ông ấy trở thành gã nghiện rượu cơ chứ? Vẫn có rất nhiều bà vợ phải chịu đựng ông chồng như vậy mỗi ngày đó thôi!”.
Sự giao thoa giữa cuộc sống và tính lịch sử khiến độc giả cảm nhận American Wife như một tác phẩm của Shakespeare. Trong khi đó tiểu thuyết mới của Sittenfeld có tên Rodham nghiêng về lĩnh vực chính trị hơn là tình cảm lãng mạn.
Lý do là nhân vật chính của Rodham, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Rodham Clinton, có tầm ảnh hưởng chính trị lớn hơn bà Laura Bush. Tuy nhiên, cuốn sách này vẫn lấy cuộc hôn nhân của bà Hillary Clinton làm trọng tâm, và đó là điều đáng nói, cây bút Anne Enright viết trên Guardian.
Cuộc đời khác cho Hillary
Trước đây, công chúng vẫn cho rằng Hillary được hưởng ánh hào quang từ người chồng tổng thống. Nhưng giờ đây, họ có góc nhìn khác: Ông Clinton đã giữ được người phụ nữ tốt ở lại cạnh mình.
Trong Rodham, tác giả khai thác câu chuyện Hillary nhận ra bản chất “trăng hoa” của chồng và giải thoát bản thân khỏi mối quan hệ. Đó là lòng tự trọng của người phụ nữ. Điều đáng tiếc duy nhất là trong cuốn sách, cuộc sống của Hillary sau đó trở nên buồn tẻ hơn, Enright nhận định.
Khoảng 1/3 cuốn sách là dữ kiện lịch sử người đọc đều biết. Cặp đôi Clinton gặp nhau ở Đại học Yale, chuyển tới San Francisco và sau đó đến Fayetteville, nơi ông Clinton dự định tranh cử làm đại diện cho bang Arkansas.
Tuy nhiên, trong Rodham, bà nhanh chóng phát hiện ra bản chất không đứng đắn của bạn trai và quyết định rời xa ông. “Thật không thể tin được rằng chúng tôi đã ôm nhau lần cuối cùng, rằng tôi đã leo lên xe và khởi động máy”, bà nói.
Hillary và Bill Clinton trong chương trình 60 phút phỏng vấn trên TV năm 1992. Ảnh: AP. |
Trong tiểu thuyết, nhân vật Hillary hư cấu là giáo sư luật ở Chicago năm 1991. Vào thời điểm ấy, bà độc thân và hạnh phúc với cuộc sống của mình.
Trong khi đó, ông Clinton đã trở thành thống đốc bang Arkansas như dự định. Ở bên ông là một cô vợ trẻ, ăn nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào, hay mặc những chiếc váy hoa nữ tính và bật khóc khi MC truyền hình hỏi cô về tính trăng hoa của chồng.
Chương trình đó là phiên bản mô phỏng của 60 phút phỏng vấn, nơi bà Clinton trong đời thực đã cứu vớt chiến dịch tranh cử của chồng bằng những câu trả lời thông minh.
Còn trong Rodham, khi dõi theo người yêu cũ từ xa, bà Clinton cho rằng cô vợ trẻ kia thật yếu đuối. “Bill cần một người xứng tầm, để rồi khi anh ấy ngoại tình thì cư xử như vậy sao?”.
Đan xen giữa thật và ảo
Điều thú vị của Rodham là câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ diễn biến khác so với thực tế. Tình huống đó sẽ đưa đến kết quả gì và sự lựa chọn mà người trong cuộc đưa ra là gì?
Một vài chi tiết trong sách khá quen thuộc với người đọc: Vụ tự tử của một đồng nghiệp, sự trỗi dậy của ông Barack Obama, và sự thật về tỷ phú Donald Trump. Tác giả Sittenfeld đã bóc tách sợi dây định mệnh và đan chúng lại với nhau để tạo thành những nút thắt khác so với thực tế.
Tuy nhiên, tác giả không thay đổi tính cách các nhân vật và cũng không thể thay đổi chính xã hội Mỹ.
Thành kiến với phụ nữ là yếu tố được giữ nguyên trong tác phẩm, dù những người đàn ông có cái nhìn như vậy trong sách khác với ngoài đời. Xuyên suốt tiểu thuyết Rodham là một giấc mơ, rằng nếu không có chồng mình, nữ anh hùng Hillary đã có thể sống là chính mình.
Bà Hillary Clinton khi còn là sinh viên ở Connecticut, tháng 6/1969. Ảnh: Getty. |
Vấn đề là Hillary “phiên bản xác thực hơn” đó không thú vị bằng một đệ nhất phu nhân mạnh mẽ, kiêu kỳ và kín đáo như chúng ta vẫn thấy trên TV. Trong Rodham, bà độc thân đến năm 40 tuổi. Tham vọng chính trị bị giấu kín, ngay cả chính bà cũng không nhận ra điều đó.
Nhân vật Hillary hư cấu tư duy như một giáo sư luật. Niềm đam mê của bà được thể hiện qua giấy tờ thủ tục. Điều này có vẻ hợp lý bởi ngay từ buổi hẹn hò đầu tiên khi còn là sinh viên Đại học Yale, cuộc trò chuyện giữa cặp đôi được cho không khác gì cuộc phỏng vấn xin việc.
Hillary trong đời thực là kiểu người luôn biết cách kiểm soát cuộc sống. Những hình ảnh thời sinh viên của bà cho thấy bà vui vẻ ngồi trên giường một mình, mặc bộ pyjamas, xung quanh là lịch, danh sách việc cần làm và hồ sơ pháp lý.
“Giấc mơ buồn nhưng tuyệt vời”
Và rồi ông Bill Clinton xuất hiện và xen vào cuộc sống của bà. Ông nổi tiếng là người đào hoa. Nhưng ở phần sau cuốn sách, khi bị phát hiện không chung thủy, chàng trai trẻ Clinton đánh thức bạn gái vào giữa đêm để khuyên bà nên rời xa mình. “Lỗi lầm mà anh gây ra là không thể sửa chữa được”, ông Clinton nói.
Điều này dường như hơi bất hợp lý, bởi đây là hành động khó tin của một chàng trai trẻ. Trong đời thực, người ta thường không nhận thức được những gì họ đang làm cho đến khi quá muộn.
Hillary và cựu tổng thống Bill Clinton tháng 6/1994. Ảnh: AP. |
Bất cứ ai cũng có thể có giả thuyết riêng về nội tình của cuộc hôn nhân nhà Clinton, ngay cả những người cho rằng đây chỉ là một thỏa thuận chính trị. Nhưng dù trong kịch bản nào, bà Hillary Rodham Clinton cũng là người bị mắc kẹt.
Câu chuyện về bà Hillary Rodham Clinton trong đời thực có thể là một bi kịch thời hiện đại, hoặc không. Công chúng có thể gán cho bà nhiều khuyết điểm, hoặc có thể đặt câu hỏi liệu bà có đáng trải qua một cuộc đời kỳ quặc và nhiều sai lầm như vậy không.
Tuy nhiên, tác giả Sittenfeld luôn biết nước Mỹ hiện giờ không cần một tác phẩm nói về thất bại, bởi người Mỹ đã có quá nhiều nỗi buồn và hoài nghi. “Nước Mỹ cần ảo mộng, và tiểu thuyết Rodham là giấc mơ buồn nhưng tuyệt vời chứa đựng rất nhiều khát khao cũng như tiếc nuối”, Enright viết.