Suốt đời học Bác (Nhà xuất bản Kim Đồng) là cuốn sách của nhà báo Kiều Mai Sơn mới ra mắt, kể những câu chuyện dung dị, sâu sắc về Bác qua 16 nhân vật. Qua kỷ niệm của các nhân vật, mỗi lời nói, cử chỉ, tư tưởng, phong thái của Bác đã trở thành động lực khích lệ mọi người nỗ lực phấn đấu.
Được sự cho phép của NXB Kim Đồng, Zing trích đăng một phần nội dung sách.
Nhật ký của bác sĩ Trần Hữu Tước
“Đầu tháng 9 năm 1946, con tàu Dumont d’Urville vẫn chưa sửa sang nên những vị khách đặc biệt lên tàu để về Việt Nam, gồm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thư ký Đỗ Đình Thiện, đại tá cận vệ Vũ Đình Huỳnh, kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước và kỹ sư Võ Đình Quỳnh, lại phải chờ và đợi. Một buổi trưa, khoảng một giờ rưỡi, bỗng Hồ Chủ tịch vào buồng nói với bác sĩ Trần Hữu Tước:
– Chú đi chơi vườn hoa với Bác!
Vội bỏ sách đang đọc, quần áo chỉnh tề, bác sĩ Trần Hữu Tước đi theo, hai người lững thững ra công viên nổi tiếng ở Kandy. Giữa cảnh hoa thơm cỏ lạ, buổi chiều hôm đó thật khó quên.
Câu chuyện thật liên miên, đầy hứng thú, hai người trí thức cùng nói chuyện về văn học. Điều kỳ lạ giữa “Người công dân số một” của đất nước và vị bác sĩ trẻ tuổi là cả hai đều rất thích tác phẩm của văn hào cận đại, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp: Anatole France, vậy nên bác sĩ Trần Hữu Tước đã có thể kể lại những chuyện ngoài lề về cuộc đời súc tích của con người đa dạng này. Nguyễn – Người Yêu Nước – càng vui, mỉm cười và hỏi:
– Chú có nhớ thơ văn Việt Nam không?
Thế là một dịp hồ hởi, hăng say, bác sĩ Trần Hữu Tước đọc những vần thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Đương trong lúc cuồn cuộn nhớ lại, bác sĩ Trần Hữu Tước đột ngột và tự nhiên níu lấy cánh tay áo của Hồ Chủ tịch nói:
– Thưa Bác, có câu nào mạnh và lạ, dùng ngược, rất đẹp như “Hướng dương lòng thiếp như hoa?” (thơ trong Chinh phụ ngâm).
Hồ Chủ tịch ung dung, khẽ gật đầu:
– Chú ra nước ngoài học tập từng ấy năm, không quên quốc văn, thế là tốt, không mất rễ.
Và Hồ Chủ tịch đọc cho bác sĩ Trần Hữu Tước nghe mấy bài thơ chữ Hán mà Người viết trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù Trung Quốc…
Tàu Dumont d’Urville rẽ sóng vượt Đại Tây Dương, nhằm hướng Thái Bình Dương thẳng tiến. Một đàn cá heo bơi lượn trước và sau tàu. Giữa trời nước mênh mang, Bác bình thản đứng tựa mạn tàu, trong giông bão, nhìn sóng lửng và sóng bạc đầu đang làm cho chiến hạm lúc chồm lên, khi lắc chao nghiêng ngả…”.
Sách Suốt đời học Bác. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Theo Bác về nước
Những dòng trên đây trích từ hồi ký của Giáo sư Trần Hữu Tước viết về những kỷ niệm đầu tiên không bao giờ quên của ông với Bác Hồ trên những chặng đường đưa ông về với Tổ quốc.
Những dòng hồi ký viết về một con người vĩ đại, có ý nghĩa đặc biệt đối với tình cảm và cuộc đời của giáo sư Trần Hữu Tước, một con người mà giáo sư vô cùng yêu quý, khâm phục và một lòng một dạ tin tưởng đi theo Người, cho đến trọn cuộc đời mình, vì nhân cách cao cả cùng sự uyên thâm của Người: Một nhà văn hóa lớn, một người yêu nước thương nòi sâu sắc.
Đối với giáo sư Trần Hữu Tước, Hồ Chủ tịch là hiện thân đầy đủ của sự kiên trì lý tưởng Giải phóng và Cách mạng cho dân tộc Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ của chúng ta ra đi tìm đường cứu nước, tôi lần giở lại những trang hồi ký của giáo sư Trần Hữu Tước – dù được viết ra cách đây gần nửa thế kỉ – song những trang hồi ký đã khắc họa được một cách rõ nét bước ngoặt cuộc đời của chính ông, một thầy thuốc, một trí thức Việt Nam trẻ tuổi được đào tạo bài bản về y khoa ở Pháp, có lòng yêu nước và khao khát cống hiến, đã lên đường theo Bác Hồ về với quê hương xứ sở, về với biết bao khó khăn thử thách của hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; bỏ lại đằng sau một tương lai vật chất và nghề nghiệp hứa hẹn trên đất Pháp.
Cũng những dòng tâm sự sau đây của chính giáo sư Trần Hữu Tước trong cuốn hồi ký này, ông viết: “Nỗi sung sướng không bút nào tả nổi khi một buổi sáng thu bừng con mắt dậy, thấy mình tự do!”
Đó là năm 1945, bác sĩ Trần Hữu Tước, trợ lý giáo sư khoa Tai Mũi Họng tại Bệnh viện Nhi khoa Necker, được tin Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên bố trước toàn thế giới: Nước Việt Nam độc lập.
Bản chất thiết tha muốn có công bằng, tiến bộ cho đất nước, nay phải làm gì cho xứng đáng với nền Độc lập, Tự do của Tổ quốc mới giành lại được sau hơn tám mươi năm nô lệ đây?
Sau những phút giây trằn trọc suy nghĩ, thấy mình không thể tọa hưởng cuộc đời mới vô ngàn quý báu, biết bao nhiêu hy sinh xương máu mới hình thành nên được, thế là ông quyết tâm về nước. Một quyết định nhẹ nhàng dẫu ông hiểu rằng trước mắt sẽ đầy rẫy những gian nan, thử thách ý chí người trí thức.
Người thầy quý mến của ông, lúc ấy đã hơn sáu mươi tuổi, biết không thể nào ngăn được bước chân học trò, khi chia tay đã cảm động nói:
– Anh bây giờ có Tổ quốc độc lập rồi, về phục vụ là phải, tuy tôi như mất một cánh tay!
Người thầy ấy còn dặn dò thêm:
– Không bao giờ được bỏ nghề chuyên môn đã dày công trau dồi!
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964. Ảnh: TTXVN. |
Sự ân cần của Bác
Cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bác sĩ Trần Hữu Tước phụ trách cứu thương cho Trung đoàn Thủ đô suốt sáu mươi ngày đêm chiến đấu trong nội thành Hà Nội.
Tháng 2/1947, ông cùng các chiến sĩ rút khỏi Hà Nội ra vùng kháng chiến. Rời Thủ đô thân yêu, ông mang theo 30 kg dụng cụ chuyên khoa đi kháng chiến. Tiếp đó là hai năm ở Liên khu 3, ông theo Trường Y sĩ di chuyển đến ba mươi địa điểm thuộc nhiều vùng nông thôn rộng lớn để tuyên truyền phòng bệnh, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân.
Từ cuối năm 1948, do chưa quen với khí hậu và làm việc nhiều, ông lâm bệnh, sức khỏe giảm sút. Biết tin, Bác Hồ đã biên thư ra lệnh, yêu cầu ông nghỉ ngơi để an dưỡng nhưng ông vẫn cố gắng làm việc. Ông cũng kiên quyết từ chối những lời mời trở lại làm việc trong vùng tạm chiếm với nhiều ưu đãi.
Năm 1951, bác sĩ Trần Hữu Tước được đi chữa bệnh tại Trung Quốc.
Chiều hôm đó, trong khu rừng Việt Bắc, ánh mặt trời còn trên đầu ngọn cây, bác sĩ Trần Hữu Tước sắp lên xe. Bỗng có tiếng ngựa phi, nhịp nhàng nước đại… Bác Hồ đến tiễn!
Thấy ông gầy gò, dô cả xương mà chỗ ngồi, chỗ tựa, ghế xe zíp rất cứng, Bác gọi lấy hai chiếc gối cỏ để chèn cho khỏi xóc đường trường, rồi thấy đầu ông có thể va vào khung sắt của mui xe, Bác lấy ngay chiếc mũ của Bác chụp lên đầu cho ông và lần nữa Bác dặn ông cẩn thận!
Xe chuyển bánh, Bác đứng một lúc, vẫy tay, rồi Bác nhẩy lên ngựa và lúc bác sĩ Trần Hữu Tước ngoái đầu lại, chỉ còn thoáng nhìn thấy bóng ngựa hồng hồng ánh chiếu tỏa xuống…
Trong những năm kháng chiến chống Pháp ấy và những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này, giáo sư Trần Hữu Tước đã vượt lên bao khó khăn, thiếu thốn, vất vả, chấp nhận có thể hi sinh để vươn lên trở thành một tấm gương sáng về y đức và trí tuệ của người thầy.
Nhớ ông, bao học trò thành danh đều dành cho ông sự ngưỡng mộ và lòng thành kính, bao bệnh nhân được ông chữa bệnh coi ông như một ông tiên ngoài đời về sự tận tâm, sẻ chia nghèo khổ với họ, kể cả bớt phần lương ít ỏi của mình cho người bệnh nghèo. Tấm lòng son đối với Bác Hồ, đối với Đảng của ông không gợn chút bụi mờ.
Còn nhớ, ngày 10 tháng 1 năm 1967, Bệnh viện Bạch Mai tưng bừng đón danh hiệu Anh hùng Lao động mà Nhà nước trao tặng cho giáo sư Trần Hữu Tước, Giám đốc Bệnh viện.
Hôm ấy, sau khi nhận bó hoa tươi thắm của đồng nghiệp trao tặng, giáo sư Trần Hữu Tước đã trao tặng ngay lại cho đồng chí Vũ Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện với lời tâm sự đầy xúc động: “Năm nay, tôi đã năm mươi ba tuổi, nhưng thực ra tôi mới chỉ sống có hai mươi năm, còn ba mươi ba năm trước là những năm sống không ra sống. Nếu không có sự giúp đỡ và giáo dục của Đảng và Bác Hồ thì tôi mãi mãi sẽ thành con người lưu vong, cả cuộc đời sẽ không tìm thấy ý nghĩa…”.
Trong những ngày cuối cùng nơi giường bệnh, biết mình không qua khỏi vì căn bệnh hiểm nghèo, giáo sư Trần Hữu Tước đã lấy trong túi tấm thẻ đảng viên đưa cho con gái đầu lòng và dặn: “Sau khi bố qua đời, con mang thẻ đảng này nộp cho đồng chí Bí thư, đừng đưa sớm hơn!” với ý muốn là để tránh gây xúc động trong Đảng bộ, cơ quan.
Bác sĩ Trần Tố Dung, con gái của giáo sư Trần Hữu Tước chia sẻ với chúng tôi rằng mới đây, bà theo dõi cuộc trò chuyện của đại tá Trần Trọng Trung trên Đài Truyền hình. Bà đã bật khóc vì xúc động.
Người cựu chiến binh gần chín mươi tuổi ấy, từng trải qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, khi tâm sự với thế hệ trẻ đã nói như thế này: “Thế hệ chúng tôi tự hào đã rửa được cái nhục mất nước và nô lệ để có được đất nước độc lập và hoàn toàn thống nhất hôm nay”. Đó cũng chính là câu mà cha bà, giáo sư Trần Hữu Tước vẫn thường hay nói.
Bác sĩ Trần Tố Dung bồi hồi tâm sự tiếp:
– Những lời nói đó của thế hệ cha ông đi trước, bất kể người đó là ai, làm gì, xuất thân như thế nào, miễn là người Việt Nam, với lòng yêu nước nồng nàn, và những sự hi sinh vô bờ bến vì một mục tiêu kiên định là Độc lập, Tự do cho đất nước, là những lời thiêng liêng nhắn gửi thế hệ của tôi và những thế hệ tiếp nối mai sau.
Những hy sinh sẽ không uổng phí khi mỗi chúng ta hiểu được rằng để có một nền Độc lập và Tự do vĩnh viễn chúng ta còn cần phải thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu nữa! Đó cũng chính là ước mơ được chia sẻ, hi sinh, cống hiến, học hỏi, xây dựng, vì sự tiến bộ của đất nước, ngày mai, mà cha tôi mong muốn để lại.
Chính ông từng gửi gắm những điều này, trong một bức thư gửi cho tôi, khi tôi tròn hai mươi tuổi: “Hạnh phúc thật ra, con nhớ lấy, phải tự mình làm nên, nhường chia vì người khác ta sẽ càng đầy đủ!”.
Cuộc đời của cha tôi đã là một tấm gương về sự hy sinh và chia sẻ, không một chút nuối tiếc và ân hận vì hạnh phúc được sẻ chia số phận mình với số phận của đất nước, dân tộc. Đối với ông, niềm hạnh phúc được san sẻ lớn lao hơn bất cứ điều gì khác.