Bác sĩ Charles-Édouard Hocquard tham gia chiến dịch của quân đội Pháp ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ 19. Ông có mặt ở Việt Nam trong khoảng 26 tháng (1884-1886). Ông viết lại những điều mắt thấy, tai nghe, chụp lại những bức ảnh và sưu tầm tranh khắc về cuộc sống ở Việt Nam.
Con người, thổ nhưỡng, đời sống, văn hóa, phong tục tập quán của người Hà Nội có sức hấp dẫn với vị bác sĩ ưa phiêu lưu này. Những điều mắt thấy, tai nghe ấy được ông lưu lại trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. Trong sách, ông dành phần đầu để miêu tả về đời sống, con người Hà Nội.
Sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ bản của Omega Plus và NXB Đà Nẵng. |
Mặt tiền để cho thuê
Tới Hà Nội, bác sĩ Hocquard nhận ra đặc trưng của “36 phố phường”: “Hà Nội được chia thành nhiều khu phố, mỗi khu lại có một nghề riêng”. Những thợ thêu tập trung một phố, có phố của những người làm mứt và bánh, phố thợ mộc, phố buôn vải…
Các phường nghề ở Hà Nội được thiết lập từ thời nhà Lê có sức hấp dẫn với bác sĩ Hocquard. Ông thường thích thú dạo thơi trong thành phố, mỗi ngày khám phá một con phố và “chỉ cần thăm thú từ nhà này sang nhà khác cũng đủ thu nạp một lượng kiến thức sâu sắc”.
Vị bác sĩ quân y Pháp cho biết phố Cờ Đen (rue des Pavillons, tức phố Mã Mây ngày nay) hồi đó là nơi tập trung nhiều cửa hàng buôn bán nhỏ. Con phố này được giữ gìn sạch sẽ và san sát những ngôi nhà gạch xinh xắn. Trên mặt đường lát đá lớn, gồ ghề; hai bên là hai con rãnh nhỏ và sâu để thoát nước mưa và nước cống.
Không rõ bác sĩ Hocquard lấy nguồn từ đâu, nhưng ông cho rằng phương châm của người An Nam hồi đó là: “Muốn sống hạnh phúc thì ở sâu trong nhà, quây quần cùng gia đình; tránh kẻ nhiều chuyện và tránh người dòm ngó như tránh dịch hạch”.
Do vậy, nhà cửa thường hẹp và sâu. Vị bác sĩ miêu tả: “Nhìn mặt tiền nhỏ trên phố ta sẽ không ngờ rằng phía sau là một tòa không gian lớn chia cắt bởi nhiều khoảng sân”.
Trong những ngôi nhà ấy, mái lợp ngói lưu ly (ngói tráng men) trên rầm xà. Nếu gia chủ thuộc hàng quan lại cấp cao thì trên điểm mút của những xà nhà sẽ chạm khắc tên gia chủ.
Còn nếu là nhà giàu, xà nhà sẽ khắc chữ Nôm viết bằng mực đen và đỏ những chữ như “Phúc lộc và an khang” hoặc “Trường sinh và trường thọ”, một lời chúc tốt đẹp, phú quý cho gia chủ.
Mái nhà được làm dốc, vươn khá xa ra ngoài phố. “Mái nhà tựa trên hai bờ tường bên hông, tường này dâng cao hơn mái mỗi bên ít nhất là 2 m và kết thức bằng những bậc thang”, tác giả viết.
Vị bác sĩ lý giải mục đích của việc bờ tường cao mái là để bảo vệ mái nhà trước bão tố, vì lúc giao mùa thường có nhiều bão.
Do không được xây nhà hai tầng (luật pháp cấm tư nhân và quan lại xây nhà tầng, chỉ trừ cung điện và chùa chiền), nên các ngôi nhà thường một tầng. Chỉ một vài căn nhà có mái khuất dưới một gác xép do một cầu thang dốc đứng dẫn lên. Vị bác sĩ mô tả trong căn gác này là nơi chủ nhà nghỉ ngơi hoặc để hút thuốc phiện.
Đi sâu tìm hiểu ngôi nhà ở Hà Nội, tác giả cho biết căn mặt tiền của ngôi nhà giàu thường được gia chủ cho thuê, để một tiểu thương mở cửa hàng. Phía sau cửa hàng là một cái sân trải dài, rồi tới một cái lán dựng làm kho dự trữ hàng hóa hoặc có thể là chỗ ở cho tiểu thương và gia đình của họ.
Phố Mã Mây đầu thế kỷ 19. Ảnh trong sách. |
Nhà thường có cổng sâu
Đi qua sân căn nhà cho thuê sẽ tới một cái sân khác rộng lớn và khang trang hơn. Sân này thường được bày những chậu sứ trồng cây cảnh hiếm có, hoặc là một khu vườn với hồ nhỏ thả cá… Cuối cùng mới đến căn nhà ở của gia đình.
“Căn nhà riêng của gia chủ giàu có tại Hà Nội bấy giờ sẽ nhìn ra khoảng sân rộng có cây cảnh. Khu nhà này gồm một phòng lớn, dạng phòng tiếp khách nơi chủ nhà đón tiếp người lạ, người cung ứng, tất cả cuộc viếng thăm không có tính chất riêng tư.
Căn phòng này trổ cửa rất lớn trông ra vườn, khung cửa thường được trang trí bằng tượng gỗ quý chạm trổ, hoặc trang trí bằng tranh vẽ hoa, lá, chim muông màu sắc sống động”, tác giả mô tả.
Một vị quan tổng đốc. Hình ảnh trong sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. |
Phòng tiếp khách lớn nhất và được bày biện, trang trí cầu kỳ nhất, được dùng để tiếp đãi bạn bè, tổ chức yến tiệc, xem kịch…
Tác giả miêu tả: “Trên tường treo những bức hoành phi lớn bằng gỗ trắc, khảm chữ viết bằng xà cừ có độ lớn từ mười đến mười hai centimét, đó là những câu cách ngôn lấy từ sách cổ, hoặc hình chim, hoa gây ấn tượng đẹp hơn cả”.
Nếu gia chủ là quan, nơi đây sẽ bày lọng, phù hiệu phẩm hàm của ông ta, và những cây kiếm lớn có vỏ khảm trai, chuôi bằng đồng khảm men huyền mà ông ta đeo trong mỗi dịp nghi lễ chính thức.
Căn phòng này cũng để bàn thờ tổ tiên. Trên ban thờ thường đốt hương trong lư đồng, khiến căn phòng tràn ngập mùi thơm.
Sau phòng khách là phòng ở, nhà phụ, bếp, và một sân sau với cổng thông ra một phố hẻo lánh hơn mặt tiền.
“Mọi ngôi nhà An Nam đều có một lối ra thứ hai ẩn giấu trong bức tường đối diện với cổng chính”, bác sĩ Hocquard nhận xét.
Không chỉ quan sát kiến trúc, kết cấu ngôi nhà, bác sĩ Hocquard cũng đi sâu tìm hiểu nội thất của các căn nhà. Với con mắt một người phương Tây đến khai hóa, “nội thất của một người giàu An Nam hoàn toàn sơ sài”.
Ông miêu tả: “Trong phòng tiếp khách những băng ghế gỗ với lưng ghế chạm trổ đẹp đẽ, những ghế bành cùng kiểu, một vài ghế đẩu nhỏ kiểu Tàu với mặt ngồi làm bằng đá hoa cương, một hoặc hai chiếc bàn, một vài chiếc giường treo màn chống muỗi”.
Căn nhà số 87 Mã Mây, Hà Nội được xây dựng khoảng năm 1890, còn bảo tồn được tới hôm nay. Ảnh: Hanoitrip. |
Còn chiếc giường ngủ của nhà giàu ở Hà Nội được Hocquard nhận xét là “không gì khó chịu hơn”: “Nó gồm một tấm giát dài hai mét và rộng hai mét đặt trên bốn chiếc chân chạm trổ cao chừng hai mươi cm so với mặt đất. Trên giát giường trải một tấm chiếu cói, thỉnh thoảng có lót đệm Cao Miên dày chừng hai lóng tay và cứng như một tấm gỗ”.
Trên giường thường đặt một chiếc gối dạng hình hộp đan bằng cói, bọc da, hoặc có nhiều gối nhỏ dài khoảng 40 cm, rộng 50 cm đặt chồng lên nhau.
Bốn góc giường có bốn cây gậy lớn để chăng màn. Màn làm bằng vải lụa trắng hoặc đỏ, thêu hoa văn trên một tấm nỉ đỏ.