Ba năm trước, ông Tony Wheeler được hỏi điều gì có thể xảy ra với Lonely Planet, công ty xuất bản cẩm nang du lịch mà ông thành lập với vợ mình, bà Maureen Wheeler, vào năm 1973.
Ông Wheeler cho rằng với đam mê du lịch của người Trung Quốc, Lonely Planet có thể bị mua lại bởi người Trung Quốc.
Thời thế thay đổi. Ba năm sau, công ty xuất bản cẩm nang du lịch thành công nhất thế giới phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ nền tảng đánh giá du lịch Tripadvisor và chật vật bởi những tác động của đại dịch Covid-19.
BBC đã mua công ty của Wheeler với giá 130 triệu bảng Anh (260 triệu USD) vào năm 2007. Sau đó, Lonely Planet được bán cho công ty NC2 Media của tỷ phú thuốc lá Mỹ Brad Kelley với giá 51,5 triệu bảng Anh, một khoản lỗ lớn cho BBC.
Hai vợ chồng nhà sáng lập công ty Lonely Planet cùng quyển sách du lịch đầu tiên của họ Across Asia on the Cheap vào năm 1973. Ảnh: Getty. |
CEO vừa nhận việc vào tháng 2 năm nay của công ty, ông Luis Cabrera, đã tuyên bố “nâng thương hiệu Lonely Planet thành một nền tảng du lịch đa kênh”. Tuy nhiên, ngày 9/4, NC2 Media tuyên bố sẽ đóng cửa các văn phòng của Lonely Planet ở Melbourne, London và bỏ phát hành tạp chí, mặc dù công ty vẫn định hướng tiếp tục xuất bản sách hướng dẫn du lịch và sách cụm từ.
Với cặp đôi tạo ra Lonely Planet và chứng kiến quá trình phát triển của nó, tin tức về sự sụp đổ một phần của công ty này là cú sốc lớn.
“Tôi ước tôi biết điều gì đang xảy ra với Lonely Planet. Giờ tôi giống như người qua đường với công ty”, ông Tony Wheeler, 73 tuổi, nói với South China Morning Post. “Với tình hình hiện tại, bạn sẽ nói rằng việc bán hàng ở Mỹ không phải là một bước đi tốt, nhưng hiện tại, bước đi tốt có thể là gì?”
Công ty sách du lịch thành công nhất thế giới
Lịch sử hình thành của Lonely Planet được ghi lại một cách tự hào trong mỗi cuốn sách bán ra. Sau chuyến đi đường bộ từ châu Âu đến Australia (với chiếc ba lô chứa đầy giấc mơ), cặp vợ chồng đã đưa mọi thứ họ học được vào 94 trang sách bằng máy đánh chữ đi mượn.
Lúc bấy giờ, họ gặp ít sự cạnh tranh, vì vậy, cuốn sách đầu tiên của họ xuất bản năm 1973, “Across Asia on the Cheap” (Đi khắp châu Á giá rẻ), bán đắt như tôm tươi.
Công ty phát triển ổn định và tăng trưởng cao nhất vào năm 1981 với quyển cẩm nang về Ấn Độ được viết phần lớn bởi Geoff Crowther, người có thói quen đưa ý kiến cá nhân của mình vào để sách dễ đọc hơn.
Dù không lên kế hoạch kĩ càng, hai vợ chồng Wheeler chọn thời gian rất chuẩn xác. Những người thuộc thế hệ Baby Boomer sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số sau Thế chiến II là những du khách nhiệt huyết trong những thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Ngành hàng không phát triển mạnh và những cẩm nang du lịch có sẵn thường được xem là “đáng tiền nhưng chán”.
Hai ông bà Tony Wheeler và Maureen Wheeler vào năm 1998. Ảnh: Melbourne Herald. |
Ngay từ đầu, công ty bán được hơn 145 triệu cuốn sách hướng dẫn này đã đứng đầu cuộc đua. Hàng triệu du khách trên thế giới ra sức “ngấu nghiến” những lời khuyên thực tế và bổ ích của Lonely Planet.
Lonely Planet nhanh chóng có chỗ đứng trên toàn cầu và nắm lấy tiềm năng của công nghệ ở giai đoạn đầu phát triển.
Lonely Planet là một trong những bên đầu tiên giới thiệu blog du lịch. Công ty cũng tiên phong trong việc đưa sách hướng dẫn lên PalmPilots, thiết bị trợ giúp cá nhân (PDA) ăn khách đầu tiên trong lịch sử. Thorn Tree, diễn đàn trực tuyến ra mắt năm 1996, cũng sớm trở thành một trang bất cứ người đi du lịch nào phải xem qua.
May mắn đóng một phần quan trọng trong câu chuyện của Lonely Planet. Hai vợ chồng nhà Wheeler lần đầu tiên tình cờ gặp nhau trên ghế đá công viên ở London.
Họ đã thành lập công ty và đưa nó vào hoạt động vào đúng thời điểm du lịch phát triển theo cấp số nhân. Sau đó, họ tiếp tục kiếm được nhiều tiền và bán công ty vào đúng thời điểm mặc dù lúc đó họ là triệu phú.
“Tôi không hối tiếc về bất cứ điều gì chúng tôi đã làm”, ông Tony Wheeler chia sẻ. Ông cũng cho biết mình luôn nhớ tới câu nói: “Đưa ra dự đoán, đặc biết là dự đoán về tương lai, lúc nào cũng khó khăn”.
“Tôi trân trọng những người đã nói ‘Tôi sẽ không thực hiện chuyến đi đó nếu không nhờ cuốn sách của bạn’ hoặc một cái gì đó tương tự. Nhiều người đã làm việc với chúng tôi rất lâu sau đó nói rằng ‘Đó là công việc tốt nhất tôi từng có’”, ông Tony Wheeler cho biết.
Tony Wheeler được ca ngợi rất nhiều vì đã viết hướng dẫn du lịch đầu tiên trên thế giới về Đông Timor ngay sau khi quốc gia nhỏ bé này được quốc tế công nhận độc lập vào năm 2002. Năm ngoái, ông Tony Wheeler cũng xuất bản sách Islands of Australia (Các đảo của Australia) theo yêu cầu của Thư viện Quốc gia Australia.
Các sách hướng dẫn du lịch của Lonely Planet. Ảnh: Shutterstock. |
“Tôi thích viết và nghiên cứu để viết sách, nhưng tôi cũng nhiệt tình không kém trong việc sản xuất, tập hợp nhóm viết sách và tìm ra thứ họ sẽ trình bày. Vì vậy, không nhất thiết tôi phải là người thực hiện các chuyến đi”, ông Tony Wheeler nói.
Cách tiếp cận của nhà Wheeler đã giúp họ có nhiều người hâm mộ, đặc biệt là trong ngành.
“Thành công của họ thật phi thường. Họ được các tác giả rất tôn trọng vì họ tự đi tìm hiểu vấn đề”, ông Magnus Bartlett, nhà xuất bản của công ty cẩm nang du lịch Odyssey Guide và là một người bạn lâu năm của cặp đôi này, nói.
“Về tình hình Lonely Planet hiện tại, họ cần một kế hoạch mới. Công ty cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi của mình. Thương hiệu này quá mạnh để biến mất hoàn toàn”, ông Bartlett nói thêm.
Tiếp tục làm từ thiện và viết sách
“Tôi đã có những kế hoạch, suy nghĩ, ý tưởng chờ được thực hiện”, ông Tony Wheeler nói. “Khả năng tôi sẽ ra một cuốn sách tên là ‘Border Lands’ (Vùng đất biên giới), phần tiếp theo của những cuốn sách Bad Lands và Dark Lands. Tôi đã đi qua chín biên giới trên đất liền của Trung Quốc – Hong Kong, Macau, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Nepal, Pakistan, Kazakhstan và Mông Cổ. Những thứ này có thể viết thành một chương”.
Nhà Wheeler cũng cống hiến cho các dự án từ thiện như The Planet Wheeler Foundation. Tổ chức họ thành lập năm 2008 này tập trung vào y tế, giáo dục, nhân quyền và biến đổi khí hậu ở châu Phi và châu Á.
Việc bán Lonely Planet cho BBC đã giúp nhà Wheeler có điều kiện tài chính lớn hơn cũng như có thêm thời gian để có những trải nghiệm cá nhân đáng nhớ.
Hai ông bà Maureen Wheeler và Tony Wheeler ở Australia, nơi hai người đang sinh sống. Ảnh: Maureen Wheeler và Tony Wheeler. |
“Năm 2012, tôi đến thăm dự án bệnh viện dành cho trẻ em chúng tôi đã tài trợ. Bệnh viện nằm cách Siem Reap, Campuchia, 30 km,” ông Tony Wheeler nói. “Tôi đến đó ngay sau khi một em bé được sinh ra. Tôi được dẫn đến gặp hai mẹ con và tôi rất sợ họ sẽ yêu cầu tôi cắt dây rốn”.
“Một dự án khác mà tôi thực sự quan tâm là Freo2. Dự án này cung cấp oxy cho những vùng xa xôi, nơi không có điện hoặc điện không ổn định. Tôi định đến thăm bệnh viện ở Uganda, nơi dự án này hoạt động hiệu quả. Tất nhiên oxy, máy thở và những thứ tương tự là chủ đề quan trọng trong thời điểm virus corona lây làn như hiện tại”, ông Tony Wheeler nói thêm.