15 cuốn sách thuộc các thể loại giả tưởng, lịch sử, tiểu sử, thơ và phi hư cấu đã được đề cử hoặc chiến thắng Giải thưởng Pulitzer năm 2020 hôm 4/5.
Giả tưởng
Chiến thắng: “The Nickel Boys” của Colson Whitehead
Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình, tác giả của cuốn “Underground Railroad” viết câu chuyện về một ngôi trường ở Florida, nơi hàng chục cậu bé da đen bị tra tấn và chôn trong một nghĩa địa bí mật.
“Nếu mục đích của Whitehead chỉ là phanh phui một thời kỳ đen tối của chủ nghĩa khủng bố phân biệt chủng tộc bị giấu nhẹm trong lịch sử nước Mỹ, thì chừng đó đã đủ. Nhưng Whitehead đã áp dụng kỹ năng của người kể chuyện bậc thầy không chỉ khơi dậy một quá khứ đau buồn mà còn đào sâu tìm hiểu quá trình người Mỹ phá hoại, bóp méo, che giấu hoặc dàn xếp những câu chuyện mà anh muốn kể”, bình luận từ New York Times viết.
Đề cử: “The Dutch House” của Ann Patchett
Cuốn tiểu thuyết này mở ra cuộc sống năng động của một đại gia đình sống trong ngôi nhà kính ngoại ô Philadelphia vào khoảng giữa thế kỷ.
“Tác phẩm không có những câu văn thâm thúy đáng trích dẫn, nhưng chúng kết hợp với nhau rất hiệu quả – từng câu từ bao trọn tâm trí người đọc như một mạng nhện”, bình luận từ New York Times viết.
“Nó có thể hơi kiểu cũ: phong cách của cô ấy, gắn với kiểu kể chuyện rất truyền thống, nhưng giống như ngôi nhà kiểu Hà Lan của gia đình trong tác phẩm, đó là một cấu trúc bền vững, mang lại góc nhìn khác cho những chi tiết trong câu chuyện, ám chỉ tinh thần dòng dõi”.
Một số tác phẩm được đề cử và đạt Giải thưởng Pulitzer 2020. Ảnh: New York Times |
Đề cử: “The Topeka School” của Ben Lerner
Cuốn tiểu thuyết thú vị của Lerner, cũng được Book Review đánh giá là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2019, xoay quanh nhân vật chính quen thuộc với độc giả của ông – Adam Gordon, nhưng là khi ông còn là một học sinh trung học.
Những băn khoăn về nghệ thuật và tính đích thực của Lerner vẫn tiếp tục xuất hiện trong tác phẩm này, nhưng “thói bội tín của Adam không còn được ‘dung thứ’ như một biểu hiện của chứng rối loạn tâm lý. Nó, thay vào đó, là triệu chứng của cuộc khủng hoảng niềm tin quốc gia, trong đó mọi hiểu biết và nhận thức về ý nghĩa của con người sụp đổ”.
Lịch sử
Chiến thắng: “Sweet Taste of Liberty: A True Story of Slavery and Restitution in America” của W. Caleb McDaniel
Cuốn sách viết về cuộc đấu tranh của một người phụ nữ thế kỷ 19 kiện người bắt giữ mình sau khi thoát khỏi vụ bắt cóc làm nô lệ.
Câu chuyện của cô, McDaniel viết trong mục Ý kiến cho tờ New York Times, “đã đưa ra bài học cho ngày hôm nay, cả về tác động và hạn chế của các hình thức bồi thường thiệt hại”.
Đề cử: “Race for Profit: How Banks and the Real Estate Industry Undermined Black Homeownership” của Keeanga-Yamahtta Taylor
Cuốn sách của Taylor, cũng được đề cử Giải thưởng Sách Quốc gia, “tập trung vào thời kỳ cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 khi Đạo luật Nhà ở Công bằng năm 1968 của Mỹ chấm dứt chính sách nhà ở bất công kéo dài của chính phủ”.
New York Times bình luận: “cô ấy ghi chép lại tỉ mỉ những gì xảy ra tiếp theo, khi chính phủ liên bang bắt tay với những ông trùm bất động sản, hào hứng khai thác thị trường mới nhưng không muốn chịu phần lớn rủi ro”.
Đề cử: “The End of the Myth: From the Frontier to the Border Wall in the Mind of America” của Greg Grandin
Trong tác phẩm này, Gradin giải mã biểu tượng bức tường biên giới trong lịch sử mở rộng lãnh thổ về phía Tây của Mỹ. Gradin có lối viết khách quan, bình tĩnh, “nhưng dần trở nên giận dữ hơn khi lịch sử chạm tới thời điểm hiện tại”, New York Times bình luận.
Tiểu sử
Chiến thắng: “Sontag: Her Life and Work” của Benjamin Moser
Tiểu sử Susan Sontag được nghiên cứu tỉ mỉ và thuật lại một cách khéo léo, sống động, phi thường, không hề tẩy trắng hay chỉ trích nhân vật chính.
Cuốn sách đã làm đúng nhiệm vụ của nó – cho người đọc thấy được con người phức tạp bên trong chính bản thân Sontag.
Đề cử: “Our Man: Richard Holbrooke and the End of the American Century” của George Packer
Theo đánh giá của New York Times, cuốn tiểu sử này “quyến rũ, rực rỡ, tinh ranh và dữ dội” cũng như chính chủ thể của nó, nhà ngoại giao người Mỹ Richard Holbrooke.
Tác phẩm “không phải là một cuốn sách mà bạn chỉ xem từng phần để tìm kiếm thông tin, mà nên được thưởng thức như một cuốn tiểu thuyết”.
Đề cử: “Parisian Lives: Samuel Beckett, Simone de Beauvoir, And Me,” của Deirdre Bair
Cuốn sách của Bair cho người đọc cảm giác như đang xem một bộ phim tài liệu, trong đó tác giả “cho chúng ta thấy những khoảnh khắc ngoài đời thực ngoài máy quay về hai nhân vật chính trong cuốn tiểu sử đầu tiên của cô ấy”.
Cả Beckett và de Beauvoir đều đồng ý tham gia dự án, với mức độ khác nhau, và cuốn sách đi sâu vào khai thác cả hai nhân vật.
Một số tác phẩm được đề cử và đạt Giải thưởng Pulitzer 2020. Ảnh: New York Times |
Thơ
Chiến thắng: “The Tradition” của Jericho Brown
Trong tác phẩm này, “những vần thơ của Brown là danh sách những thương đau trong quá khứ và hiện tại, của cá nhân và quốc gia, ở một đất nước mà màu đen, hay người da đen, đặc biệt là đàn ông, bị gắn liền với bệnh tật”, theo bình luận của New York Times.
“Khi xem xét tình hình hiện tại, Brown sử dụng lối chơi ngữ với màu đen, thay đổi liên tục giữa các nghĩa của từ để chỉ tới vấn đề phân biệt chủng tộc”.
Đề cử: “Dunce” của Mary Ruefle
Trong tập thơ này, Ruefle “đã đối mặt với một thực tế vừa phi thường vừa tầm thường rằng tất cả chúng ta đều sẽ chết”. “Dunce sử dụng thuần thục phép đảo ngữ, ám chỉ tới vấn đề vật chất, theo quan điểm ‘lạc hậu’ của chúng ta.
Đề cử: “Only as the Day Is Long: New and Selected Poems” của Dorianne Laux
Tập thơ này của Dorianne Laux, nhà thơ từng đoạt giải Pulitzer, bao gồm 20 tác phẩm mới là món quà tặng cho mẹ của Laux. Những vần thơ của cô là khám phá mới mẻ về vấn đề tình dục, sự sinh tồn và chữa lành.
Phi hư cấu
Chiến thắng: “The End of the Myth: From the Frontier to the Border Wall in the Mind of America” của Greg Grandin
Chiến thắng: “The Undying: Pain, Vulnerability, Mortality, Medicine, Art, Time, Dreams, Data, Exhaustion, Cancer, and Care” của Anne Boyer
“The End of the Myth” cũng được đề cử trong thể loại lịch sử. Trong “The Undying”, “dải băng màu hồng, biểu tượng phổ biến cho nhận thức về bệnh ung thư vú, từ lâu đã trở thành đối tượng của sự tranh cãi và chế giễu”, New York Times bình luận, nhưng Boyer “đã không cố ‘tháo gỡ’ vòng dây thanh nhã của biểu tượng đó, mà tiêu hủy nó!”.
Đề cử: “Elderhood: Redefining Aging, Transforming Medicine, Reimagining Life” của Louise Aronson
Trong cuốn sách này, Aronson, bác sĩ lão khoa, đúc rút kinh nghiệm từ 25 năm chăm sóc bệnh nhân của mình, cũng như từ lịch sử, khoa học và văn hóa đại chúng, để vẽ nên một bức tranh nhân văn về tuổi già.
Đề cử: “Solitary: Unbroken by Four Decades in Solitary Confinement. My Story of Transformation and Hope” by Albert Woodfox with Leslie George
Cuốn hồi ký “mạnh mẽ phi thường” này kể về tuổi trẻ tù tội của Woodfox, bao gồm bốn thập kỷ bị giam giữ riêng vì một tội ác mà anh không phạm phải. “Nếu kết thúc của cuốn sách này không khiến bạn rơi nước mắt, bạn mạnh mẽ hơn tôi rất nhiều”, nhà phê bình của tờ New York Times viết. “Ám ảnh nhất là lời cáo buộc của Woodfox về hệ thống tư pháp Mỹ cần một cuộc cải tổ”.