Sách Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông (TS Trần Công Trục chủ biên) góp phần tuyên truyền sâu rộng những thông tin chính xác đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời khẳng định những quan điểm đúng đắn, khách quan của Nhà nước Việt Nam đối với các vấn đề tranh chấp, trong quyết tâm bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông.
Được sự đồng ý của NXB Thông tin và Truyền thông, Zing trích đăng một phần nội dung cuốn sách này.
Các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia là bộ phận cấu thành, không thể thiếu được của bất kỳ quốc gia ven biển nào. Nó gắn liền những lợi ích về chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng của quốc gia ven biển.
Do đó, các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia là phạm vi không gian và nền tảng vật chất cho sự tồn tại và phát triển của quốc gia ven biển; đồng thời nó còn liên quan các vùng biển của các quốc gia khác, trước hết là các quốc gia láng giềng hoặc các quốc gia trong khu vực.
Lịch sử của Luật Biển
Các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia ven biển không chỉ đặc biệt quan trọng đối với mọi quốc gia ven biển mà còn có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ quốc tế nói chung.
Trong lịch sử từ trước đến nay, vấn đề xác định phạm vi các vùng biển luôn luôn là vấn đề quan trọng và là đề tài phong phú, phức tạp của nhiều diễn đàn quốc tế.
Bìa sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông của NXB Thông tin và Truyền thông. |
Trong nhiều trường hợp, các tranh chấp về ranh giới các vùng biển giữa các quốc gia hữu quan cũng đã diễn ra khá gay gắt và có khi là nguyên nhân hoặc nguồn gốc của nhiều cuộc chiến tranh ở các qui mô khác nhau giữa các quốc gia.
Sự hình thành và phát triển các vùng biển của quốc gia ven biển gắn liền và được xác định với sự hình thành và phát triển của luật pháp quốc gia và quốc tế về biển trong quá trình lịch sử khai thác và sử dụng biển của nhân loại.
Từ khi xuất hiện quốc gia, các nước ven biển luôn luôn có xu hướng mở rộng quyền lực của mình ra hướng biển. Đồng thời, một số cường quốc biển lại muốn duy trì quyền tự do hoạt động trên biển để khai thác tài nguyên và chinh phục thuộc địa.
Trong quá trình đấu tranh đó, xuất hiện các nguyên tắc, quy định điều chỉnh các mối quan hệ và lợi ích của các quốc gia khác nhau trên biển, tạo thành cơ sở cho luật pháp quốc tế về biển.
Ngay từ thời xa xưa, người Phênixi và người Hy Lạp ở Địa Trung Hải đã thừa nhận sự cần thiết phải bảo vệ một dải biển ven bờ.
Vào thế kỷ thứ XV, hai quốc gia biển hùng mạnh là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha kình địch nhau dữ dội trên biển và Giáo hoàng Alexander VI đã ra sắc chỉ Inter Coetera ngày 4/5/1493, chia đại dương làm hai khu vực ảnh hưởng cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; thực chất đó là đường phân chia khu vực truyền đạo, nhưng hai quốc gia này đã nhanh chóng chuyển thành khu vực ảnh hưởng của họ.
Ngày 7/6/1494, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã ký Hiệp ước Torđesillas phân chia vùng biển, đường chia dịch cách đường của Giáo hoàng Alecxanđơrơ VI 37 độ lệch về phía ngoài đảo Cap Vert.
Phải một thế kỷ sau (thế kỷ thứ XVI), quyền thống trị các con đường biển và đại dương của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mới gặp phải thử thách thật sự bởi sự nổi lên của Hà Lan, với tư cách là một cường quốc hàng hải, thương mại mới. Đây chính là thời điểm lịch sử bắt đầu sự phát triển một cách có hệ thống luật biển thế giới.
Hung Grôttiut – một luật gia nổi tiếng của Hà Lan, đã có tác phẩm “Mare Liberum” – “Tự do biển cả” (năm 1609) và Deive Bekku Ac Pacis – “Luật chiến tranh và hoà bình” (năm 1625).
Trong đó, ông bảo vệ quyền của mọi người được buôn bán, bác bỏ quyền của Bồ Đào Nha đối với Ấn Độ, cũng như với biển theo sắc lệnh của Giáo Hoàng và cho rằng biển và đại dương được tạo nên cho loài người sử dụng theo luật của tạo hoá, biển và đại dương phải được tự do để hàng hải, không ai có thể có một danh nghĩa nào đối với đại dương vì đại đương không thể nào bị chiếm hữu.
Như vậy là từ những ngày đầu tiên của Luật Biển và quan hệ quốc tế trên biển, người ta đã thấy cả hai khuynh hướng bảo vệ tự do đi lại và thương mại trên biển cả, đồng thời với khái niệm một quốc gia ven biển có thể mở rộng quyền tài phán quốc gia ra một dải biển hẹp giống như trên đất liền – chính xác là trên một giới hạn biển mà sức mạnh của quốc gia đó cho phép.
Phiên họp thứ 3 của Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc khai mạc ngày 18/3/1975. Ảnh: UN. |
Năm 1702, một luật gia Hà Lan khác, ông Van Bynkershoeckd, đã đưa ra ý kiến rằng “quyền lực quốc gia chấm dứt tại nơi sức mạnh vũ khí của quốc gia đã chấm dứt”.
Sau đó, năm 1782, ông F.Ga1iani người Italy đã liên kết tầm bắn của súng thần công thời đó là 3 hải lý với bề rộng của dải biển ven bờ mà quốc gia ven biển có thể mở rộng chủ quyền.
Vào thế kỷ XIX, nguyên tắc 3 hải lý đã được nước Anh – cường quốc hàng hải mạnh nhất đương thời chấp nhận và áp dụng.
Ngoài quy định về lãnh hải 3 hải lý, gần như tất cả quốc gia, vào lúc này hay lúc khác, lại bắt đầu thi hành quyền kiểm soát hoặc có ý định thi hành quyền kiểm soát rộng hơn ra vùng tiếp giáp nằm ngoài lãnh hải nhằm mục đích an ninh, bao gồm chống buôn lậu, bệnh dịch, đánh bắt trộm hải sản.
Cuối thế kỷ thứ XIX, Viện Luật quốc tế Paris cho rằng nguyên tắc lãnh hải 3 hải lý thông thường được chấp nhận trước đây là không đủ để bảo vệ nghề cá của quốc gia ven biển.
Việc qua lại các eo biển quốc tế cũng là vấn đề gay cấn. Trên thực tế, nhiều nước có các quy định khác nhau về bề rộng lãnh hải (4 và 6 hải lý) và phạm vi bảo vệ nghề cá.
Sau chiến tranh thế giới thứ I (năm 1930), Hội Quốc liên lần đầu tiên triệu tập Hội nghị pháp điển hoá luật quốc tế tại LaHay.
Trong hội nghị này, người ta thừa nhận chủ quyền của quốc gia ven biển đối với lãnh hải và quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải, nhưng không thống nhất được về chiều rộng lãnh hải.
Năm 1942, Anh phải ký kết với Vênêzuêla chia vịnh Pariát (lúc đó do Anh kiểm soát) tạo ra tiền lệ đầu tiên về việc phân chia đáy biển.
Sau chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ khẳng định các quyền bảo vệ nghề cá của mình đối với các vùng biển ngoài lãnh hải, đặc biệt “Tuyên bố Tơruman” (năm 1945) của Mỹ đã khẳng định chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của thềm lục địa của mình.
Tuyên bố không đề cập cụ thể đến giới hạn của thềm lục địa, nhưng lúc đó được hiểu là ra đến độ sâu 200 mét nước. Nhiều nước đã nhanh chóng theo chân Mỹ tuyên bố chủ quyền đối với tài nguyên thềm lục địa tạo ra một vấn đề mới của Luật Biển quốc tế.
Tuy nhiên, có một số nước như Peru, Chile và Ecuador, không có thềm lục địa và rất quan tâm nguồn tài nguyên biển chủ yếu của họ là cá, lại đòi hỏi chủ quyền đối với một vùng biển rộng tới 200 hải lý.
Để giải quyết những vấn đề trên, năm 1958, Liên Hợp Quốc đã triệu tập Hội nghị Luật Biển lần thứ I tại Giơnevơ với 86 nước tham dự.
Kết quả là hội nghị đã thông qua được 4 công ước quốc tế về luật biển: Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp, Công ước về đánh cá và bảo tồn tài nguyên sinh vật, Công ước về thềm lục địa, Công ước về biển cả.
Tại hội nghị, các cường quốc biển như Anh, Mỹ đều không muốn thay đổi chiều rộng lãnh hải 3 hải lý, nên mặc dù các công ước đã đưa ra được những quy định về thiết lập đường cơ sở thẳng, về lãnh hải, vùng tiếp giáp để kiểm soát hải quan thuế khoá, nhập cư, vệ sinh dịch tễ và quyền đi qua không gây hại…
Nhưng một số vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết. Đó là việc thống nhất về chiều rộng lãnh hải, quyền đi qua các eo biển quốc tế, các giới hạn vùng đánh cá và ranh giới ngoài của thềm lục địa. Liên Hợp Quốc đã phải triệu tập Hội nghị Luật Biển lần thứ II vào năm 1960 cũng tại Giơnevơ để giải quyết các tồn tại này.
Một số nước đề nghị quy định bề rộng lãnh hải là 12 hải lý, Mỹ và Canada đề nghị quy định lãnh hải 6 hải lý, vùng đánh cá 6 hải lý. Cuối cùng, hội nghị này không đạt được thỏa thuận quốc tế nào.
Công ước mới của Liên Hợp Quốc về Luật Biển
Do sự phát triển vượt bậc của khoa học – kỹ thuật, các hoạt động mọi mặt trên biển đã được triển khai một cách mạnh mẽ, rộng rãi, quy mô ngày càng lớn. Tình hình đó đòi hỏi phải có Hội nghị quốc tế mới về Luật Biển và Liên Hợp Quốc đã đứng ra tổ chức Hội nghị quốc tế quan trọng này.
Sau 5 năm trù bị (1967-1972) và qua 9 năm thương lượng (1973 – 1982) với 11 khoá họp, Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ III đã thông qua một Công ước mới của Liên hợp quốc về Luật Biển ngày 30/4/1982 với tỷ lệ 130 phiếu thuận, 4 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 2 nước không tham gia bỏ phiếu.
Sau đó, ngày 10/12/1982, 117 đoàn đại diện cho các nước trong đó có Việt Nam đã chính thức ký kết Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Đến tháng 11/1996, 108 nước phê chuẩn, Công ước đã có hiệu lực từ ngày 16/11/1994.
Đại diện các quốc gia tham gia ký Công ước Luật Biển năm 1982. Ảnh: UN. |
Công ước được xây dựng theo nguyên tắc “cả gói” bao hàm tất cả các khía cạnh liên quan Luật Biển và được các quốc gia chấp nhận theo nguyên tắc “nhất trí” (consensus – không có phản đối), không được bảo lưu đối với từng nội dung riêng biệt quy định trong Công ước.
Công ước mới về Luật Biển năm 1982 bao gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo, chứa đựng khoảng 1.000 quy phạm luật pháp quốc tế.
Đây là một văn kiện quốc tế tổng hợp toàn diện, bao quát được tất cả những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương thế giới, xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mọi loại quốc gia (có biển cũng như không có biển, phát triển hay đang phát triển…) về nhiều mặt như an ninh, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên, giao thông và liên lạc nghiên cứu khoa học và công nghệ… đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như đối với những vùng biển ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.
Công ước cũng đã định ra trình tự và thủ tục giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các quốc gia bằng biện pháp hoà bình và thông qua cơ quan tài phán của Liên hợp quốc.
Trong quá trình Hội nghị lần thứ III của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nắm bắt được xu thế tiến bộ chung, ngày 12/5//1977, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chuẩn y, Chính phủ ta đã ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là một trong những tuyên bố sớm nhất theo tinh thần Công ước ở trong khu vực Đông Nam Á. Tuyên bố của ta hoàn toàn phù hợp với các quy định của Công ước và có hiệu lực cho đến nay.
Từ sau Tuyên bố lịch sử đó của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam đã xác định về nguyên tắc phạm vi của các vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.
(Còn tiếp)