Những ngày tháng tư cũng chính là thời gian mà cuốn tiểu thuyết Dịch hạch mở ra: Ngày 16/4 của thập niên 1940, bác sĩ Rieux bước ra cầu thang thì đá phải con chuột chết. Ngày 17/4, lão gác cổng khu nhà bác sĩ phẫn nộ vì thấy mấy xác chuột chết lăn lóc ở hành lang, cho rằng có kẻ chơi xấu ông ta. Ngày 18, các xưởng và kho hàng tuồn ra hàng trăm xác chuột.
Một tuần sau, hàng nghìn con chuột chết khắp thành phố Oran, ban đêm dạo chơi, người ta xéo phải những “khối thịt deo dẻo của xác chết còn tươi”. Mùi hôi thối của chuột chết khởi sự cho một trận dịch hạch khốc liệt tràn tới.
Dịch hạch của Albert Camus. Ảnh: Fanpage Nhã Nam. |
Khi dịch bệnh, ta đọc để sẻ chia
Dịch hạch xuất bản năm 1947, nhưng từ năm 1938, Albert Camus đã manh nha ý tưởng để đến năm 1940 thực sự bắt tay vào viết. Camus đã cho ra đời tác phẩm tràn đầy sức mạnh, được trao giải Nobel năm 1957.
Nếu đọc Dịch hạch giữa lúc cuộc sống chảy trôi êm ả, người đọc sẽ được tiểu thuyết – mang dáng dấp ký sự – dẫn dắt vào không gian đen tối sực mùi tử khí, làm kinh ngạc, sợ hãi xen lẫn xót thương.
Nhưng đọc lúc này, khi đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen lên toàn thế giới, số người chết tăng mỗi ngày, bác sĩ, y tá kiệt sức, nỗi đau của những gia đình mất người thân, nhiều nơi đang cách ly xã hội, cuốn tiểu thuyết không còn gây kinh ngạc. Nó mang lại nỗi đồng cảm sâu xa về thân phận con người.
Khi cuộc sống bình thường, ta đọc nó để lấy kinh nghiệm. Lúc này, giữa đại dịch, ta đọc để sẻ chia.
Một cách tự nhiên, người đọc sẽ thực hiện những so sánh hai bối cảnh ở hai khoảng thời gian cách biệt. Bề dày trải nghiệm dịch bệnh của nhân loại đã giúp Camus xây dựng được bối cảnh chân thực ở thành phố Oran, bắc Algeria: Cái chết Đen – dịch hạch ở châu Âu 1347-1351, bệnh đậu mùa kéo dài suốt thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, cúm Tây Ban Nha 1918 -1919, và trận dịch tả châu Phi ở chính Oran năm 1849.
So sánh dịch hạch trong tiểu thuyết với Covid-19 bây giờ, người đọc sẽ thấy cả những tương đồng và đối nghịch: Vi khuẩn dịch hạch – mập lùn, sợ lạnh, tấn công mọi đối tượng, nguồn lây từ chuột; virus corona – hình cầu gai, sợ nóng, thích tấn công nhóm người già, nguồn lây được cho là từ dơi.
Ở Oran, bệnh nhân phải lội qua cái ao thả thuốc khử khuẩn; nay chúng ta có buồng khử khuẩn. Ở Oran, hàng rượu quảng cáo “rượu chát diệt vi trùng”, thì mùa xuân 2020, nhiều người vẫn tin rượu giết được corora (300 người ở Iran đã uống rượu methanol lậu để phòng bệnh và tử vong vì ngộ độc).
Ở Oran, người ta săn lùng những chiếc áo mưa nặng trịch láng bóng để tránh dịch bệnh, nay những chiếc áo mưa vẫn được xài dù đã nhẹ nhàng hơn, ngoài ra có những bộ đồ bảo hộ tinh vi…
Nhưng điều tương đồng lớn nhất là con người, dù ở thời nào, vẫn luôn phải vật lộn chống lại sự tấn công của những vi sinh vật ghê gớm bé tí.
Đọc Dịch hạch, ta thấy Covid-19 không phải điều bất ngờ với nhân lợi. |
Dịch bệnh – sự đã rồi mà ta phải chấp nhận?
Ở tầm mức tư tưởng, cuốn tiểu thuyết đặt ra những vấn đề đến giờ vẫn chưa hề cũ. Trước hết, đó là câu hỏi: Chúng ta làm gì khi cuộc sống là một sự đã rồi? Sinh ra là sự đã rồi – không ai được lựa chọn có mặt hay không trên cuộc đời.
Cái chết cũng là một sự đã rồi – bản án sắp đặt trước không gì có thể lay chuyển. Tất cả nỗi đau khổ lẫn hạnh phúc của quá trình sống cũng thế, ai ai đều phải nếm trải. Cho nên, dịch hạch cũng chỉ là một trong những nỗi đau khổ của kiếp người.
Camus đề cao tinh thần chấp nhận và dấn thân qua hình ảnh bác sĩ Rieux – con người hành động và chính trực. Bác sĩ Rieux biết rằng việc cứu người của mình có thể chỉ là những thắng lợi tạm thời trước cái chết, nhưng không vì thế ông từ bỏ.
Rieux đứng giữa dịch hạch bằng lòng nhiệt thành và sự an tĩnh tự tại. Ông biết phải làm điều mình cho là đúng từ trong thâm tâm, không nhân danh ai và cũng không phán xét ai.
Nhưng hình ảnh Rieux hay Tarrou hay Rambert không phải là những minh họa cho chủ nghĩa anh hùng. Họ chỉ những cá nhân đã xác quyết con đường trong một thế giới mà thượng đế đã chết.
Nhà văn Camus. |
Rambert, nhà báo, từ góc độ của người ngoài cuộc, đã đi đến một nhận thức sâu sắc hơn: Anh ta vẫn thuộc về con người, thuộc về nhân gian rộng lớn.
Rambert từ đầu trận dịch đã kiên trì tìm đủ mọi cách trốn chạy về Paris, Pháp. Nhưng khi gần đi được, anh quyết định ở lại.
“Tôi là người của nơi này, dù muốn dù không”. Anh cũng là người đã học được bài học về sự chấp nhận.
Tarrou từng là con người hành động vì lý tưởng, nhưng khi tham gia vào cuộc chiến đấu với dịch hạch bên cạnh bác sĩ, anh mang vai trò nhà tư tưởng nhiều hơn.
Tarrou nói hộ những điều bác sĩ nghĩ và đó là lý do khi ở cuối chặng đường, họ trở thành tri âm.
Nhân vật Tarrou đặt vấn đề: “Tôi cho rằng xã hội tôi sống dựa trên án tử hình”. Nghĩa là nó luôn có tham vọng tàn sát, và đấy chính là thứ dịch hạch lâu bền của nhân loại.
Xuất thân giàu có, từ bỏ người cha làm quan tòa, Tarrou đi làm chính trị vì “không muốn mắc bệnh dịch hạch”. Anh nhập bọn với nhiều người và tranh đấu khắp châu Âu, nhưng nhận ra cả những nhóm hội đó cũng sẵn sàng hy sinh con người.
Tarrou nhận ra bản chất của đời sống là dù ở phe nào, con người cũng bị đặt vào trong tình huống phải sát nhân. Anh chủ trương chọn một chỗ đứng ít phải sát nhân nhất, nếu khi phải sát nhân cũng không do ác ý, và cần làm mọi thứ để không phải là người mắc dịch hạch tư tưởng thì mới có được sự an tĩnh.
Hẳn Tarrou đã có được sự an tĩnh ấy khi tham gia cuộc chiến đấu trực tiếp với dịch hạch, bởi nó minh bạch và sòng phẳng, cho dù cuối cùng nỗ lực để không mắc dịch hạch tư tưởng đã đưa anh tới cái chết, bởi thứ dịch hạch trên thân thể mình.
“Tôi biết thật chắc chắn rằng mỗi người mang nó trong mình, cái bệnh dịch hạch ấy”.
“Làm người mắc bệnh dịch hạch thì mệt lắm. Nhưng không muốn mắc bệnh dịch hạch thì lại càng mệt hơn. Vì lẽ đó, mọi người đều có vẻ mệt mỏi vì ngày nay mọi người đều hơi hơi mắc bệnh dịch hạch cả”.
Một tấm poster của Paul Sutcliffe thiết kế với cảm hứng từ Dịch hạch. |
Dịch hạch cũng xới lên vấn đề niềm tin. Bác sĩ không tin chúa. Nhìn thấy hàng ngày những nỗi đau của bệnh nhân khiến ông không thể quan niệm được về một đấng chúa sáng tạo và thương yêu con người.
Bác sĩ nói với linh mục: “Chúng ta cùng chung làm một việc gì đó đoàn kết chúng ta, ngoài những lời xúc phạm thánh thần và những lời cầu nguyện. Chỉ có điều đó là quan trọng mà thôi”.
Bản thân linh mục Paneloux cũng bị lung lay dữ dội khi làm việc bên Rieux, trực tiếp tham gia công tác hỗ trợ, nhìn thấy cái chết đau đớn ở khắp nơi, kể cả của trẻ nhỏ. Linh mục đưa ra câu hỏi cho tất cả nhưng cũng là chất vấn mình: “Phải tin tất cả hay phủ nhật tất cả?”
Cuối cùng, ông vẫn chọn tin, theo cách “tin là tin”, nhưng vẫn “cố gắng làm điều phải”. Camus đã đặt giá trị vị nhân sinh vượt lên trên tất cả.
Cuốn tiểu thuyết khép lại với lời nhắc nhở của bác sĩ Rieux rằng dịch hạch không bao giờ mất hẳn đi, nó sẽ ngủ một giấc để chờ xuất hiện ở một nơi nào đó.
Thực ra, dịch hạch có thể là bất cứ thứ gì: Chiến tranh, những âm mưu, những hoạt động phá hủy con người… Nhưng đấy thực sự là lời nhắc nhở chứ không phải đe dọa, rằng con người phải sống chung với tất cả điều đó, phải giàu tinh thần chấp nhận nhưng không khoanh tay, làm những điều ta cho là đúng với sự bình thản trong tâm trí, như một lẽ giản dị của đời sống.
Dịch hạch theo đó khép lại ở âm hưởng lạc quan, không phải thứ lạc quan phơi phới anh hùng ca, mà là thứ lạc quan thấm thía dịu dàng.