Bùi Quang Lâm – người lính bộ binh của Đại đội 12, Trung đoàn 55, Sư đoàn 303, Mặt trận 779 năm xưa – đã có cuộc trò chuyện với PV báo Sài Gòn Giải Phóng.
Tôi không phải người hùng
– Hành trình của ông trên đất K được bắt đầu như thế nào?
– Năm đó, tôi vừa tròn 17 tuổi. Từ quận 4 (TP.HCM), tôi theo mẹ cùng anh chị về quê ngoại ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) làm kinh tế mới.
Bốn mẹ con tôi phải làm việc gấp đôi để không chỉ trang trải cuộc sống mà còn gửi lương thực về thành phố cho bố và các em. Một năm sau đó, năm 1978, tôi có lệnh nhập ngũ. Từ thành phố, bố mang quyết định xuống Tây Ninh cho tôi.
Tôi trở về thành phố rồi lên đường, giống như bao thanh niên khác. Tôi chỉ là cậu học trò mới rời ghế nhà trường, hoàn toàn chưa có ý thức về chính trị, nhưng mạnh mẽ lên đường.
Bởi vì gia đình tôi vốn có truyền thống cách mạng, đó là con đường mà bố mẹ tôi đã chọn. Lúc đó, lẽ ra tôi đã nhập ngũ thì người em kế là Bùi Thanh Tùng sẽ được miễn, nhưng bố tôi không đồng ý. Với ông, cứ có lệnh là phải lên đường. Rồi Tùng hy sinh, em trở thành liệt sĩ.
Tác giả Bùi Quang Lâm. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng. |
– Những ngày đầu trên đất K của ông có giống với những gì đã hình dung?
– Ngày đầu lên đường, trên xe toàn thanh niên 17, 18 tuổi ngồi đàn hát, nói cười vui vẻ. Nhưng khi đến biên giới Kà Tum, trông thấy những chiếc xe chở thương binh và tử sĩ, tất cả cùng lặng người…
Nhưng đó chưa phải là đáng sợ nhất, sau này chứng kiến những người đồng đội vừa ăn cơm với mình đó, qua hôm sau đã mất, chúng tôi hoàn toàn không biết cái chết sẽ đến với mình lúc nào, ở đâu, bằng cái gì.
– Hơn bốn thập niên đã trôi qua, giờ đây hình ảnh đất K còn đọng lại trong ông những gì?
– Tôi nhớ tới anh em đồng đội. Hồi đó, trước mỗi cuộc chiến, tôi đều suy nghĩ mình không phải là người hùng, đơn giản là súng đạn tránh mình, mình không thể nào tránh được súng đạn.
Từ suy nghĩ ấy, mỗi lần bước vào cuộc chiến, tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng, chẳng còn băn khoăn hay sợ hãi gì nữa. Trong đại đội, nhiều đồng đội thường nói tôi mạng lớn.
Sau mỗi trận chiến, người còn người mất. Tôi không dám nói đồng đội chết thay cho mình, vì nói vậy tội nghiệp cho đồng đội. Nhưng hiểu theo một góc độ nào đó có tính tâm linh thì cũng gần như vậy.
Không muốn bạn đọc bị ám ảnh
– Một số tác phẩm viết về K trước đây thường khắc họa những đau thương, cái chết đầy ám ảnh. Tuy nhiên, ở “Đất K”, sự khốc liệt có nhưng dường như không nhiều lắm?
– Đúng như vậy. Tôi muốn làm tác phẩm của mình mềm đi, nên trong Đất K, người đọc sẽ bắt gặp những hình ảnh người lính ngồi nói chuyện, đọc thơ, đàn hát.
Chiến tranh dù muốn hay không cũng đã qua lâu rồi, nếu viết những chuyện chết chóc, máu me quá, tôi sợ người đọc sẽ bị ám ảnh.
– Ông viết: “Chiến tranh có thể chấm dứt trong ngày mai. Nhưng hậu quả của nó không sao lường được. Di căn của chất khói của bom đạn có thể được tẩy rửa. Nhưng di chứng dị sàng sẽ nhiều đời tồn tại”. Di chứng dị sàng ở đây là gì?
– Là bị ám ảnh, cái này thuộc về hệ ý thức. Di chứng hậu chiến sẽ theo người ta hoài, nhiều khi vào cả bữa cơm, thậm chí vào giấc ngủ. Một lần, tôi đến Nhà hát Hòa Bình có công việc, vừa bước vào bãi cỏ mấy bước, tôi giật mình đứng lại.
Cái dị sàng khiến tôi giật mình, cứ tưởng đang đi vào bãi mìn. Hay nhiều lúc đang ngồi uống cà phê ngoài đường, tự dưng thấy một anh bộ đội đi ngang qua, chuyện xưa lập tức quay lại. Hầu như ai cũng muốn quên, nhưng nó là di chứng, nên muốn quên cũng không quên được.
– Không nhiều tác phẩm khắc họa chân dung của những người lính thời hậu chiến. Trong “Đất K”, ông dành phần cuối cuốn sách để viết về thời kỳ “trả áo nhà binh”, nhưng dường như vẫn chưa đủ. Ông có định viết một cuốn sách về đề tài này?
– Tôi đang có ý định viết một cuốn nữa, nhưng không phải như Đất K. Tôi sẽ gặp lại những đồng đội xưa, nghe họ kể lại những năm tháng ở chiến trường K cũng như thời gian sau khi trở về nhà. Cũng có thể tôi sẽ mời họ viết rồi tập hợp lại.
Tôi sẽ chọn khoảng 20 nhân vật, những người đã mất thì tôi sẽ xin phép gia đình sử dụng nhật ký của họ. Tạm thời, tôi mới đặt tên là Từ đất K đến hòa bình.
– Trong sự quan tâm của mình, ông thấy dòng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng có sự vận động như thế nào trong những năm đất nước hòa bình?
– Trong cảm nhận riêng, tôi thấy dòng văn học chiến tranh cách mạng của nước ta trải qua nhiều thời kỳ, luôn phải đứng trước những thách thức, thậm chí đối diện với những luồng ý kiến khác nhau.
Đọc Những người hào kiệt của nhà văn Minh Khoa, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng…, tôi thấy nó toát lên ý thức hệ rất tích cực.
Mặc dù chiến tranh luôn khắc nghiệt và tàn bạo, các nhà văn của chúng ta, trong sự ác liệt đó, đã diễn đạt rất tài tình, nhân văn, chứ không khắc nghiệt.
Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó. Dòng văn học cách mạng được các chú, các bác đã viết rất mềm mại, nhân văn như thế, thì hà cớ gì lớp trẻ lại không nối tiếp.
Họ viết theo một kiểu khác, có sáng tạo nhưng vẫn có sự tiếp nối từ các thế hệ trước trong cái nhìn nhân văn về đề tài chiến tranh.
Trong thời kỳ công nghệ, với cuộc sống nhanh và có phần thực dụng như hiện nay, vẫn có những bạn trẻ cầm bút, viết sách như vậy thật đáng trân trọng.
Nhiều khi họ chỉ viết một truyện ngắn hay một bài tản mạn về đề tài chiến tranh cách mạng cũng đáng quý rồi. Tôi đọc chưa đầy đủ các tác phẩm của các bạn trẻ hiện nay, nhưng rất mừng khi thấy được sự nối tiếp đó của họ.