“Nếu làm một công việc gì đó nhàn hạ, tôi cũng không chịu nổi”, BTV Thời sự Minh Trang nói với Zing khi nhận được câu hỏi: “Làm truyền hình có vất vả quá không?”.
Minh Trang là BTV quen thuộc của nhà Đài. Trước khi xuất hiện trên sóng Thời sự 19h, cô từng là BTV dẫn nhiều chương trình giờ vàng như Dự báo Thời tiết, Chào buổi sáng, Cuộc sống Thường ngày…
Minh Trang tốt nghiệp ngành Biên kịch Điện ảnh tại Đại học Sân khấu Điện ảnh. Nhờ chữ duyên và đam mê truyền hình, cô theo đuổi con đường báo chí. Tính đến nay, BTV sinh năm 1987 đã có 12 năm trong nghề với bao kỷ niệm buồn, vui. Cô từng mệt mỏi, có ý định đổi sang một công việc “dễ thở” hơn nhưng sau tất cả, nhà Đài vẫn giúp cô nhận ra chưa thể rời xa nơi này.
Trong buổi trò chuyện với Zing, Minh Trang chia sẻ về những khó khăn trong nghề, quan điểm của cô dưới góc độ BTV truyền hình và khẳng định: “Phụ nữ làm truyền hình nói riêng, làm báo nói chung đều là những người tương đối cá tính. Tuy nhiên, nếu nói là phụ nữ truyền hình có cái tôi lớn, thì tôi không đồng tình”.
Minh Trang là BTV quen thuộc của bản tin Thời sự 19h. |
Từng có ý định nghỉ việc để sống cuộc đời nhẹ nhàng hơn
– Công việc hiện tại của chị thế nào?
– Hiện tại, tôi chỉ có một nghề duy nhất, đó là nghề Truyền hình. Cả “tay phải” và “tay trái” của tôi cho đến bây giờ vẫn hướng về công việc làm báo hình, cụ thể là dẫn chương trình, tham gia sản xuất nội dung các tin bài Thời sự.
Ngoài ra, tôi còn giảng dạy nghiệp vụ truyền hình theo lời mời thỉnh giảng tại một số đại học, nhưng đó không phải một công việc cố định, tôi chỉ hợp tác khi có thời gian phù hợp, vì yêu thích và cũng mong muốn hoàn thiện bản thân hơn ở những vai trò khác nhau, qua đó, tích luỹ thêm kiến thức và kinh nghiệm, chứ không phải để có thêm thu nhập.
– Truyền hình đến với chị như thế nào?
– Tôi học ngành Biên kịch của trường Sân khấu Điện ảnh. Sau đó, tôi xin vào Đài truyền hình thực tập. Tôi biết mình yêu thích việc dẫn chương trình từ những ngày còn nhỏ. Tôi bắt đầu dẫn vào năm 2007, đến giờ cũng 13 năm trong nghề.
– Công việc này mang lại cho chị những gì?
– Công việc ở Đài truyền hình cho tôi một cuộc sống vững vàng về kinh tế, một môi trường làm việc như gia đình. Trong công việc cũng như cuộc sống, chúng tôi thân thiết, gắn bó như người nhà.
Tôi được đi đến rất nhiều nơi mới, điều mà nếu làm việc khác, tôi khó có được. Ngoài ra, cũng nhờ công việc này, tôi được nhiều khán giả biết đến, họ yêu quý và nhận ra tôi ở ngoài đời.
– Mọi thứ có vẻ rất hoàn hảo với chị?
– Tôi cũng gặp vài vấn đề. Vì cường độ công việc cao, giờ giấc thất thường nên tôi bị bệnh dạ dày và đại tràng. Da tôi cũng xấu và yếu đi rất nhiều do thường xuyên phải trang điểm, tiếp xúc với mỹ phẩm.
– Phụ nữ làm truyền hình thường cá tính mạnh, cái tôi lớn, chị nghĩ sao về nhận xét này?
– Tôi đồng ý là phụ nữ làm truyền hình nói riêng, phụ nữ làm báo nói chung hầu hết là những người tương đối cá tính. Đây là một nghề áp lực cao, tiếp xúc xã hội rất nhiều, đòi hỏi người theo nghề này phải có sự kiên nhẫn, chịu được vất vả.
Trong quá trình làm nội dung, phải biết cách thể hiện góc nhìn, quan điểm và phản biện về các vấn đề mình theo đuổi. Tuy nhiên, nếu nói là phụ nữ truyền hình có cái tôi lớn, thì tôi không đồng tình, bởi ở vị trí là những người thông tin, phản ánh các sự việc, vấn đề đến hàng chục triệu người, chúng tôi cần có sự chắt lọc, tìm hiểu kỹ càng, và cần biết lắng nghe.
“Da tôi xấu và yếu đi rất nhiều do thường xuyên phải trang điểm, tiếp xúc với mỹ phẩm”, Minh Trang nói. |
– Công việc hiện tại có quá vất vả với chị?
– Tôi có cảm giác, nếu làm một công việc gì đó nhàn hạ, tôi cũng không chịu nổi. Từ nhỏ tới lớn tôi đã quen sống với những áp lực. Khi còn đi học, mẹ luôn đặt cho tôi những mục tiêu rất cao mà sau này không thấy yêu cầu các em tôi như vậy.
Khi lớn lên thì gia đình cũng có những việc lớn, tôi là con cả phải đứng ra lo liệu, công việc thì luôn luôn trong một guồng máy vận hành không ngừng nghỉ. Nên hiện tại có vất vả, nhưng tôi thích sự vất vả này.
– Chị từng chia sẻ có lúc muốn nghỉ việc ở Đài truyền hình?
– Đúng rồi. Đó là khi tôi gặp biến cố lớn trong cuộc sống. Lúc ấy, tôi nghĩ đến chuyển công việc khác, thậm chí đến một nơi khác sống cho bớt căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng nghĩ là vậy, để làm được thì không dễ. Đó cũng là lúc tôi nhận ra mình chưa thể từ bỏ công việc này.
– Với chị, yếu tố quan trọng nhất để theo đuổi công việc truyền hình là gì?
– BTV Thời sự cũng như lĩnh vực báo chí khác, nếu muốn theo đuổi nghiêm túc và lâu dài, trước tiên phải thực sự yêu thích và xác định bản thân mình chịu được áp lực. Bởi khi triển khai công việc, mọi thứ đều diễn ra rất tập trung với cường độ cao và không được phép sai sót trong bất kỳ một vị trí chuyên môn nào.
Tiếp đó là khả năng tiếp nhận, xử lý nội dung ngay lập tức. Khi không lên hình, các biên tập viên dẫn chương trình chúng tôi cũng là những phóng viên, nhà báo đi tác nghiệp bên ngoài. Đó cũng là chủ trương chung của VTV, yêu cầu mỗi người phải phát huy năng lực toàn diện, từ dẫn, biên tập nội dung, sản xuất tin bài, cho đến cả dựng hậu kỳ.
– Chị có gặp khó khăn gì vào đợt dịch bệnh này?
– Tôi nghĩ dịch bệnh ảnh hưởng tới tất cả, không riêng gì ai. Với tôi cũng vậy, nhưng công việc được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh. Tôi và các đồng nghiệp vẫn bận rộn nhưng cách điều phối công việc của cơ quan giúp tôi chủ động và hoàn thành kế hoạch được giao mà không quá sức. Cũng nhờ vậy, tôi có thêm nhiều thời gian chăm sóc gia đình.
– Cụ thể với công việc truyền hình, dịch bệnh ảnh hưởng thế nào?
– Trước đây, môi trường tác nghiệp của các ê-kíp sản xuất rất rộng và linh hoạt. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi ưu tiên việc kết nối online, phát huy sự đóng góp về hình ảnh, thông tin từ các tổ chức, cá nhân và cộng đồng. Thậm chí, trong tình huống phức tạp và nhiều rủi ro nhất, lãnh đạo Đài cũng tính đến phương án cho phép các BTV được chủ động dẫn online tại nhà.
Để an toàn, hạn chế số người tập trung quá đông và cần có đội ngũ dự phòng nếu không may có người dương tính. Ban Thời sự đã thực hiện hình thức trực và làm việc luân phiên đối với tất cả đội ngũ sản xuất, kỹ thuật, dẫn chương trình, tức là bộ máy được chia đôi, một nửa sẽ làm việc liên tục không nghỉ một tuần, sau đó bàn giao lại cho ê-kíp sau.
Nhưng “cái khó ló cái khôn”, nó lại giúp phát huy những kỹ năng chuyên môn mới và rất hiệu quả để chúng tôi có thể tiếp tục ứng dụng cả khi dịch bệnh qua đi.
Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới việc tác nghiệp của BTV truyền hình. |
Không thể lấy lý do bận rộn mà không có thời gian cho con
– Chị bận rộn như thế, vậy thời gian nào cho gia đình, đặc biệt là con gái chị?
– Nếp sinh hoạt của đa số người làm truyền hình vốn khá thất thường, bởi tính chất công việc có thể đi sớm, về muộn, cũng có khi lại đi muộn, về sớm. Nhưng không thể nói là bận quá mà không có thời gian cho con được, vậy là không công bằng.
Với tôi, được chăm sóc, dạy dỗ và ở bên con là điều quan trọng nhất. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui và cũng là cơ hội của tôi.
– Chị đã cân bằng cuộc sống như thế nào để vừa làm mẹ, vừa là BTV Thời sự lên sóng với tần suất khá dày?
– Chính con là người giúp tôi cân bằng mọi thứ. Mỗi ngày, tôi đều sắp xếp dành ra một, hai tiếng để trò chuyện, chơi cùng con. Nếu nhiều việc quá, tôi sẽ cố gắng dậy sớm hơn, hoặc làm tiếp sau khi con ngủ.
Tất nhiên, không thể tránh khỏi những lúc quá tải công việc, hoặc đi công tác. Lúc đó, con cũng hiểu chuyện và rất thông cảm để mẹ yên tâm hoàn thành công việc. Ngay sau đó, tôi sẽ bù lại cho con bằng việc đưa con đi chơi, hoặc mua tặng con món quà gì đó và nói rằng đây là quà mẹ mua được nhờ có tiền từ những ngày làm việc bận rộn vừa qua.
– Có vẻ như chị rất hài lòng với cuộc sống hiện tại?
– Đúng. Tôi có một cuộc sống ổn định, có nhà để ở, có xe để đi, một công việc tốt để gắn bó. Như vậy cũng đã là mong ước của rất nhiều người rồi.
Tuy nhiên, nếu hỏi đã “đủ” hay chưa, thì tôi chưa thấy đủ. Cuộc sống còn nhiều điều ở phía trước và những mong muốn của tôi vẫn còn rất nhiều. Với tôi, bằng lòng với những gì mình có là cách ta tận hưởng thực tại, nhìn vào những gì mình được sở hữu mà trân trọng và lấy đó làm niềm vui, làm động lực.
“Chăm sóc, dạy dỗ và ở bên con là điều quan trọng nhất với tôi”, cô nói. |
– Chị chưa thấy đủ, vậy chị cần thêm những gì cho cuộc sống?
– Tôi cần cố gắng giữ gìn sức khoẻ tốt để tiếp tục làm việc và chăm sóc gia đình. Tôi phải học tập thêm rất nhiều điều tôi chưa biết. Tôi muốn sinh thêm con. Đó là những thứ không thể mua bán hay định giá bằng vật chất, mà tôi lại muốn mỗi ngày một nhiều lên.
– Ngoài công việc, chị có sở thích gì khác?
– Ngày nhỏ mẹ tôi mở cửa hàng kinh doanh sách và có một quầy cho thuê truyện. Vì thế, tôi may mắn được đọc rất nhiều và cũng thành đam mê của tôi luôn.
Tôi đọc rất nhiều loại sách, đặc biệt yêu thích sách văn học. Hết lớp 7 tôi đã đọc đủ Tứ đại kỳ thư của Trung Quốc, sau đó là các tiểu thuyết văn học nổi tiếng thế giới như Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Hoa hồng đen.
Khi đi làm, nhu cầu học hỏi và cân bằng cuộc sống nhiều lên, tôi tìm đến những cuốn sách về kỹ năng sống. Khi không vui, tôi sẽ đọc những sách nhẹ nhàng, dí dỏm như là tập truyện của O.Henri, ngụ ngôn Banzac, hoặc sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Còn khi căng thẳng, tôi chọn các cuốn sách giúp xử lý các vấn đề khi gặp bế tắc như một số cuốn về thiền, làm chủ cảm xúc.
– Chị có gợi ý cuốn sách nào cho khán giả?
– Đó là cuốn Good luck – Bí mật của may mắn. Những câu chuyện trong cuốn sách này hướng đến bài học giá trị cho cuộc sống: Sự may mắn không đến ngẫu nhiên trong hành trình cuộc đời, chính chúng ta phải tìm và tạo ra những điều kiện để may mắn tìm đến với mình. Tôi mong mọi người hãy tích luỹ cho mình thật nhiều năng lượng, niềm vui để sẵn sàng bước tiếp hành trình của chính mình khi dịch bệnh qua đi.
“Tôi chưa có dự định nào trong thời gian tới ngoài việc vẫn tiếp tục cố gắng làm thật tốt công việc của mình”. |