Hàng năm, hội sách lớn tổ chức vào tháng 4 mừng Ngày sách Việt Nam. Năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp nên không thể thực hiện hội sách truyền thống ở công viên Thống Nhất. Một hội sách online sẽ kết nối người làm sách với bạn đọc được tổ chức. TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch công ty Thái Hà Books, người được mệnh danh là “tiến sĩ văn hóa đọc” – có những đánh giá về hội sách.
Doanh thu online cao hơn những năm trước
– Ngày sách Việt Nam năm nay liệu có ảnh hưởng gì không khi dịch bệnh đang hoành hành và chưa có dấu hiệu giảm?
– Giờ này mọi năm thì khí thế lắm rồi. Giờ này của bao năm nay, các đơn vị xuất bản và phát hành, bạn đọc, các tác giả, diễn giả, dịch giả, biên tập viên… đã vui như Tết trong không khí tràn ngập sách và tri thức rồi.
Giờ này của mỗi năm, tôi nhận không dưới 10 “đơn hàng” là diễn giả về văn hóa đọc, về đọc sách siêu tốc, về các chủ đề của từng cuốn sách cụ thể. Từ 12 năm nay, Thái Hà Books lấy tháng 4 là tháng đọc sách. 12 năm nay chúng tôi tổ chức Tết Sách 23/4, vì là tết sách nên vui như Tết, nhất là “đêm giao thừa” 22/4.
Năm nay bị ảnh hưởng nhiều chứ. Vì không được tụ tập nên các hội sách bị hủy hết. Vì Covid-19 đang hoành hành nên hầu như truyền thông tập trung vào đấy mà sách và văn hóa đọc bị “ngoài rìa”. Doanh thu sách giảm đáng kể, bất cứ đơn vị xuất bản và phát hành nào cũng nhận ra và không ít đơn vị đang khá lo lắng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch công ty Thái Hà Books. Ảnh: Hoàng Đông |
– Mọi năm, Ngày sách diễn ra rầm rộ trên cả nước, năm nay, các hoạt động văn hóa đọc bị ảnh hưởng ra sao bởi dịch Covid-19?
– Chúng ta đã chuyển sang cách làm mới. Thực ra cũng là hay bởi tự nhiên chúng ta bắt buộc / bị đẩy vào nền kinh tế số. Chưa bao giờ online, trực tuyến được quan tâm và đẩy mạnh đến thế. Chúng tôi đã liên tục tổ chức các sự kiện online giao lưu trực tuyến. Riêng cá nhân tôi ngay cuối tháng 4 chưa bước vào Tháng Đọc Sách đã có 2 buổi giao lưu trực tuyến nói về văn hóa đọc và giới thiệu 2 cuốn sách rất cần cho bất cứ ai trong đỉnh của dịch Covid-19 này là Nhà tiên tri Vanga và vũ trụ huyền bí và Chủ nghĩa khắc kỷ.
Các tin về sách nhiều hơn mọi năm. Doanh thu online cao hơn nhiều so với các năm trước. Và quan trọng nhất, ngay khi biết tin có Hội sách Quốc gia Online, nhiều đơn vị xuất bản và phát hành đã nhảy ngay vào cuộc. Khí thế đang bắt đầu mạnh lên, xua bớt sự ảm đạm của ngành xuất bản do Covid-19.
– Ông đánh giá thế nào về việc Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản tổ chức Hội sách Online vào 19/4 tới?
– Tôi mừng muốn khóc. Bởi tôi vốn có 12 năm làm việc tại tập đoàn FPT – một doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin – nên máu nghề nghiệp vẫn hừng hực. Tôi đọc và nghiên cứu nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, về 5G, về AI, về Big Data, về IoT… nên luôn tin rằng bây giờ là lúc phải chuyển đổi sang kinh tế số. Mà ngành xuất bản cần nhảy vào sớm.
Tôi mừng nhất là Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rất quyết liệt, quan tâm và đặc biệt là Bộ trưởng sát sao, chi tiết. Những người quản lý như Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo (Chủ tịch Hội Xuất bản), Cục trưởng cục Xuất bản Nguyễn Nguyên, Phó cục trưởng cục Xuất bản Nguyễn Ngọc Bảo… đều rất quyết tâm. Các doanh nghiệp của hai ngành công nghệ thông tin và xuất bản đã cùng ban tổ chức ngày đêm làm việc. Có những anh chị làm việc đến 4h sáng mới nghỉ lưng.
Tôi biết, nhiều người đang hồi hộp chờ đợi giây phút quan trọng: Khai mạc hội sách vào ngày 19/4.
– Là Ủy viên Ban chấp hành Hội Xuất bản, ông có những đề xuất gì để Hội sách Quốc gia Online sắp tới được hiệu quả?
– Thứ nhất tôi thật sự quyết tâm và thể hiện quyết tâm với lãnh đạo bộ Thông tin và Truyền thông, Hội xuất bản. Thứ 2, tôi liên tục liên lạc, họp với Hội xuất bản các nước ASEAN để bàn về những hoạt động của cả khối. Hội sách online của Thái Lan vừa kết thúc và tôi là đầu mối liên lạc mang các kinh nghiệm và bài học của họ về cho Việt Nam ta. Chúng tôi đang bàn để tổ chức hội nghị online hiệp hội xuất bản khối ASEAN ngay trong tháng 4 này để chia sẻ kinh nghiệm của các nước tiến đến cả 10 nước có thể tổ chức Hội sách online.
Thứ 3, tôi có các góp ý cụ thể vào cả 3 khâu là cơ sở hạ tầng và kỹ thuật; cách thức tổ chức và triển khai hội sách online: Truyền thông trước, trong và sau hội sách cũng như tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Quan trọng nhất là nhóm thành viên tích cực của ban tổ chức làm việc nhiệt huyết, kết quả thay đổi từng giờ.
Hội sách online của Fahasa tổ chức hồi tháng 3. |
– Theo ông, để Hội sách được thành công, cần những yếu tố nào?
– Tôi nghĩ có 3 khâu quan trọng nhất bao gồm công nghệ và kỹ thuật để hệ thống chạy tốt. Sau khi nghiên cứu và bàn bạc, thậm chí tranh luận, ban tổ chức đã chọn công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Giải pháp Công nghệ V&V. Khâu thứ 2 là số lượng đơn vị tham gia và số lượng sách được giới thiệu.
Chúng tôi muốn có ít nhất 30 đơn vị xuất bản và phát hành sách tham gia với mỗi đơn vị đưa lên tối thiểu 1.000 đầu sách. Cuối cùng, khâu thứ 3 là truyền thông. Truyền thông mạnh và đều đặn để bạn đọc biết đến và tham gia nhiệt thành.
Lần đầu được tổ chức, mục tiêu của ban tổ chức là đưa hội sách đến ít nhất 10.000.000 lượt bạn đọc, đạt ít nhất 500.000 người truy cập, cung cấp được ít nhất 10.000 đầu sách cho người đọc.
Dịch Covid-19 đang rất phức tạp và tốn kém. Dù ngành xuất bản còn nhiều khó khăn ngay cả khi không có dịch, ban tổ chức mong muốn trích từ kết quả hoạt động của hoạt động của hội sách ủng hộ tối thiếu 50 triệu đồng cho chiến dịch phòng chống dịch Covid-19.
Kết nối bạn đọc với người làm sách trên môi trường số
– Độc giả ngày nay có nhiều lựa chọn khi mua hàng qua các kênh thương mại điện tử như Tiki, Fahasa, Shopee… Vậy hội sách online sắp tới có gì đặc biệt?
– Đầu tiên phải nói rằng đây là Hội sách quốc gia. Giống như bình thường vẫn có nhiều đơn vị tổ chức hội sách nhưng hội sách quốc gia luôn đông nhất. Thứ 2, ban tổ chức đang làm hết mình để kêu gọi và mời bạn đọc cả nước cùng chung tay vì cái chung, vì quốc gia. Cá nhân tôi luôn và mãi tin vào phương châm: “Việc gì dù nhỏ đến mấy mà thật đông người cùng làm sẽ thành việc lớn. Việc dù có lớn đến mấy nhưng thật đông người cùng làm thì tự thành chuyện nhỏ”.
Thứ 3, đây là cột mốc mang tính bước ngoặt để ngành xuất bản và phát hành cả nước nhảy vào kinh tế số nên tôi tin rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học, cá nhân ủng hộ. Hội sách được Bộ Thông tin và truyền thông đứng ra tổ chức nên chắc chắn không có sách lậu, sách kém chất lượng như tại một số sàn thương mại. Sẽ có khá nhiều sự kiện, giao lưu của các diễn giả, tác giả, chuyên gia… Đã là hội thì phải vui, mà vui thì hút bạn đọc.
Sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư do Thái Hà books xuất bản tiếng Việt. |
– Là người đi nhiều nước, tham gia các sự kiện về xuất bản, văn hóa đọc khắp thế giới, ông thấy có những mô hình hội sách nào trên thế giới mà chúng ta có thể học hỏi?
– Có nhiều hội sách truyền thống lớn. Các hội sách lớn nhất thế giới phải kể đến là: Hội sách Frankfurt, London, Bologna, Bắc Kinh, New York, Tokyo, Istanbul, Doha… Tuy nhiên hội sách online tầm cỡ quốc gia thì còn ít và chưa nước nào tạo ra tiếng vang lớn. Khối 10 nước ASEAN, chúng ta cũng là nước thứ 2 tổ chức sau Thái Lan. Tôi cũng đang hồi hộp với kết quả, các nước cũng đang đề nghị Việt Nam tổ chức và chia sẻ kinh nghiệm.
– Một trong những điểm hấp dẫn bạn đọc ở các hội sách là việc chiết khấu cao, đánh mạnh vào tâm lý thích mua sách giảm giá của người đọc. Tuy nhiên, một số công ty sách, NXB lại phản đối chiết khấu quá cao, phá giá sách. Hội sách online lần này quy định ra sao về việc chiết khấu?
– Phải cân bằng mức chiết khấu. Ban tổ chức đang dự kiến tặng bạn đọc 25% giá bìa. Ở các nước văn minh, như cả châu Âu đều không giảm giá sách. Chúng ta chưa đạt được như vậy nên cần làm từng bước. Ngay cả các nước ASEAN cũng có giảm giá sách. Ban tổ chức tiếp tục nghiên cứu và quy định 1 mức chiết khấu thống nhất. Tôi vẫn tin bạn đọc sẽ ủng hộ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Hội sách Quốc gia Online là cơ hội để ngành sách bước vào kinh tế số. Ảnh: Hoàng Đông |
– Ông nghĩ hội sách có thể tác động ra sao tới bạn đọc, tới văn hóa đọc giữa mùa dịch hiện nay?
– Đây là sân chơi thời 4.0. Đây là bước ngoặt vào kinh tế số. Đây là việc thay đổi thói quen của bạn đọc. Trong thời cách ly này nhiều người chọn đọc sách. Đấy là tin vui. Nhiều người đọc hết sách đang có rồi.
Hội sách Quốc gia Online là cơ hội vàng đưa bạn đọc và tác giả lại gần nhau, kéo các đơn vị làm sách và phát hành gần nhau hơn, tạo khí thế và cảm hứng đọc sách cho bạn đọc hơn. Tôi cũng đang dự kiến nhân dịp này sẽ mở lớp hướng dẫn đọc sách miễn phí online.
Để văn hóa đọc nâng lên một tầm mới không chỉ cần có nhiều sách mà sách phải hay phải hấp dẫn, không chỉ cần có cảm hứng, có truyền thông tốt mà cần tốc độ đọc sách. Chúng ta chưa có lớp dạy đọc sách mà mới chỉ có lớp day đánh vần sách mà thôi.
Mùa nghỉ dịch này, ta có thời gian quay vào bên trong, có thời gian đọc, tự học. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, thời đại ngày nay, chúng ta không chỉ là học trực tuyến, trực tiếp, online mà còn là thời đại của học tập suốt đời, của tự học. Vậy nên có 1 kỹ năng bắt buộc phải có với bất cứ ai là kỹ năng tự học, mà trong tư học thì tự đọc là đứng đầu.
Hội sách Quốc gia Online là cơ hội vàng và hiếm có. Đây là đúng lúc, đúng thời.