Toby Walsh là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo. Sở dĩ tác giả chọn thời điểm cho dự báo năm 2062 trong tác phẩm, căn cứ vào dự đoán trung bình của các chuyên gia với xác suất dành cho sự ra đời của Trí thông minh nhân tạo là 50% vào năm 2062. Cùng những luận chứng khoa học, tác giả đưa ra những dự báo cho tương lai của nhân loại có cả tốt đẹp, hy vọng, có cả dự cảm trăn trở rất đáng để chúng ta suy nghĩ hơn là tò mò.
Tác phẩm Năm 2062-Thời đại của trí thông minh nhân tạo được chuyển ngữ bởi dịch giả Đỗ Tôn Minh Khoa. Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp TP.HCM, Zing trích đăng một phần nội dung cuốn sách giới thiệu đến quý độc giả.
Người Tinh khôn sẽ bị thay thế bởi người Số
Nhân loại thật đáng nể. Đúng vậy, trong vô số các sinh vật trên Trái Đất, có lẽ chúng ta là giống loài ghê gớm nhất từng cư ngụ trên hành tinh này. Ta dự trữ nước sông ngòi, làm đảo nhân tạo, thuần hóa thiên nhiên. Từ kim tự tháp nguy nga ở Giza hay Vạn lý Trường thành hoành tráng ở Trung Quốc cho đến Vương cung Thánh đường Sagrada Familia tráng lệ, tất cả đều là công trình kỳ vĩ của loài người. Những sa mạc nóng nhất và những đỉnh núi cao nhất đều đã bị ta chinh phục. Ta chẳng những phóng xe vào không gian mà ta còn bay khỏi Trái Đất để in dấu chân mình lên Mặt Trăng.
Ta giải mã những bí ẩn vũ trụ bằng lý thuyết khoa học – từ 1/1000 giây sau khi vũ trụ được hình thành vào 13 triệu năm trước cho đến sự biến mất của nó hàng tỷ năm về sau trong tương lai.
Ta từng chế ngự lửa, triệt tận gốc bệnh đậu mùa và đã cùng nhau truất phế biết bao tên bạo chúa độc tài. Ta cũng tạo ra những tuyệt tác nghệ thuật rung động lòng người: như bản nhạc Cuộc thương khó theo Thánh Matthew hào hùng của nhà soạn nhạc Bach, bức tượng chàng David khỏa thân tuyệt đẹp của Michelangelo hay đền thờ Taj Mahal diễm lệ.
Nhưng dù cho loài người có lập bao nhiêu chiến công hay làm nên bao nhiêu kỳ tích, chúng ta cũng sẽ bị thay thế. Dấu vết của người Tinh khôn sẽ bị xóa sổ trên Trái Đất, y hệt như sự biến mất trong quá khứ của giống người Neanderthalensis vậy. Bởi lẽ sự tiến hóa là không bao giờ ngừng nghỉ.
Sẽ là một dự báo chính xác cho sự ra đời của người Số thay người Tinh khôn trong tương lai? |
Vào 50.000 năm trước, giống người Neanderthalensis đã không bì kịp với sự phát triển của giống người Tinh khôn – Homo Sapiens. Chúng ta hoàn toàn không biết được chính xác người Neanderthal đã tuyệt chủng khi nào và như thế nào. Có thể do họ đã không chống chọi lại nổi sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt – điều cũng đang làm ta phải lao đao trong hiện tại; hoặc cũng có thể người Tinh khôn đã đánh bại họ và không chừa cho họ bất kỳ môi sinh nào để tồn tại.
Dù với bất cứ lý do nào đi chăng nữa, thì người Neanderthalensis đã biến mất không còn dấu vết và ta đã chiếm trọn hành tinh này. Giống như tất cả những loài tiền nhiệm của mình, ta rồi sẽ bị thay thế bởi những sinh vật mới vượt trội hơn. Và bởi vì chúng ta thông minh – cũng phải thôi, ta là người Tinh khôn mà – chúng ta cũng dự đoán trước được ai sẽ là người kế vị.
Người kế nhiệm của chúng ta chính là người Số – Homo Digitalis – sự tiến hóa của loài người Homo dưới dạng kỹ thuật số. Các hoạt động và không gian sinh hoạt của ta sẽ dần dần được số hóa, thậm chí có khi chỉ có thể trải nghiệm được dưới dạng số hóa mà thôi. Suy nghĩ của con người sẽ được thay thế bằng tư duy của máy móc. Cuộc sống của con người trong đời thực sẽ được mã hóa thành thế giới nhân tạo và thực tế ảo. Đó chính là tương lai của chúng ta với sự hiện diện của Trí thông minh nhân tạo (AI-Artificial Intelligence).
Ưu điểm của máy móc
Nếu bạn nắm được những ưu điểm vượt trội của máy tính so với con người cũng như lợi thế của kỹ thuật số – digital so với kỹ thuật lưu trữ tương tự – analog, bạn sẽ hiểu được vì sao loài người Tinh khôn sẽ sớm bị soán ngôi trong tương lai không xa. Ngoài học tập cộng tác, những ưu điểm khác cũng quan trọng không kém.
Thứ nhất là về dung lượng bộ nhớ. Trong khi máy tính có thể nâng cấp bộ nhớ một cách dễ dàng, đơn giản và không có giới hạn; thì dung lượng bộ nhớ của con người dường như lại bị hạn chế bởi cấu trúc sinh học. Kho lưu trữ ký ức của con người chính là hộp sọ – thứ mà chúng ta phải tuân theo cấu trúc sinh học tự nhiên – không thể nào tăng kích cỡ được.
Tốc độ chính là lợi thế thứ hai của máy tính so với con người. Não người hoạt động với tốc độ dưới 100 Hz và mất 1/100 giây để khởi động các tế bào thần kinh. Sau đó, các chất dẫn truyền thần kinh sẽ chậm chạp len lỏi trong hệ thống não bộ nhờ vào các xung điện để đi đến các tế bào và chờ đợi cho các phản ứng hóa học diễn ra. Trong khi đó, các định luật vật lý là vật cản duy nhất cho hoạt động của máy tính. Năm 1981, tốc độ máy tính là 5 Mhz – tương đương 5 lệnh được thực thi mỗi 1 phần triệu giây. Ngày nay tốc độ này đã đạt 5 Ghz, nghĩa là cứ mỗi 1 phần tỷ giây thì máy lại thực thi được 5 lệnh. Dĩ nhiên tốc độ không hoàn toàn quyết định cho hiệu suất và tốc độ của máy tính trong giai đoạn gần đây không hề tăng lên nhiều lắm. Thay vào đó, máy tính tăng tốc bằng cách hoạt động đa nhiệm như não người. Nhưng dù sao thì đây cũng là một ưu thế vượt trội của silicon so với cơ thể sinh học.
Điều thứ ba giúp máy móc chiến thắng chính là nguồn năng lượng dồi dào. Bộ não sử dụng 20 watt trên tổng 100 watt điện tiêu thụ trên một cơ thể người lớn. Lợi thế tiến hóa của việc phát triển trí thông minh là chúng ta có thể dùng nhiều năng lượng hơn cho não bộ, nhưng thực ra chúng ta sẽ không có đủ năng lượng dự trữ để tư duy trong thời gian dài. Trong khi đó, một chiếc máy tính xách tay có thể tiêu thụ lên đến 60 watt điện và nếu bạn không muốn gián đoạn công việc, bạn có thể cho chạy chương trình trên đám mây điện toán. 7 tỷ người trên hành tinh này cần khoảng 14 Gigawatt điện, trong khi nền công nghiệp máy tính tiêu thụ gấp mười lần con số đó. Trên thực tế, điện toán sử dụng 10% năng lượng tiêu thụ trên toàn thế giới, tương đương 200 Gigawatts, và con số này vẫn không ngừng tăng lên theo thời gian.
Máy móc được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn con người. |
Máy móc vô tri có thể hoạt động liên tục 24 giờ mà không biết mệt còn con người chúng ta không thể sống mà không ngủ nghỉ. Giấc ngủ không chỉ giúp con người nghỉ ngơi, phục hồi sinh lực, mà còn giúp chúng ta cập nhật bộ nhớ hay ở mức độ cao hơn nữa là giải quyết vấn đề trong tiềm thức. Như tôi đã từng nói về AlphaGo, rằng ứng dụng chơi cờ vây này đã thắng được con người là vì nó đã luyện tập không ngừng nghỉ để có được kinh nghiệm và kỹ năng chơi cờ vô địch. Đây chính là điểm mạnh vượt trội thứ tư của máy móc. Nhưng nếu giấc ngủ cũng mang lại lợi ích tương tự cho máy móc như đối với con người thì sao? Liệu chúng ta có nên lập trình giấc ngủ cho máy móc hay không?
Bất lợi thứ năm của con người so với máy móc chính là tính hay quên. Mọi thứ được cài đặt đều được lưu trữ vĩnh viễn trong bộ nhớ máy, còn chúng ta thường chẳng thể làm chủ được trí nhớ của mình. Hãy tự hỏi bạn đã tiêu tốn bao nhiêu thời gian để tìm đồ vật thất lạc, hay bạn nhớ được bao nhiêu ngày sinh nhật? Lãng quên những điều không quan trọng đôi khi cũng có lợi nhưng ta chẳng thể chối cãi rằng đó cũng là một điểm trừ nữa của cơ thể sinh học so với máy móc.
Sự vô cảm của máy móc cũng là một ưu thế nữa khi chúng không bị cảm xúc che mờ lý trí như con người. Tuy nhiên, cảm xúc vẫn thường có những tác động tích cực lên quá trình ra quyết định của con người, vì vậy, cảm xúc cũng có giá trị tiến hóa không thể chối cãi. Vậy chúng ta có nên trao xúc cảm cho máy móc hay không?
Ưu điểm thứ bảy là khả năng chia sẻ kiến thức và kỹ năng của máy tính là vô hạn. Bất kỳ máy tính nào cũng đọc được mã sao chép từ các máy tính khác. Chỉ cần một máy tính học được kỹ năng mới – dù là phiên dịch tiếng Hoa sang tiếng Anh hay là chẩn đoán khối u ác tính trong y học, thì tất cả các máy tính khác đều sẽ học được kỹ năng đó. Không gì có thể đánh bại được máy tính trong việc học tập cộng tác.
Chúng ta cũng chẳng giỏi ra quyết định. Con người đã tiến hóa rất tốt để sinh tồn nhưng còn lâu chúng ta mới chạm được đến mức tối ưu. Chúng ta dở tệ trong việc tính toán xác suất; bởi lẽ nếu chúng ta giỏi việc đó thì sẽ chẳng ai lại đi mua vé số cả. Nhưng máy tính thì khác, chúng có thể được cài đặt để tối ưu hóa trong mọi lĩnh vực. Các nhà kinh tế học hành vi đã chỉ ra rằng chúng ta thường có xu hướng đưa ra những quyết định chưa tối ưu do sợ thua lỗ. Hay nói cách khác, chúng ta lại thường lẩn quẩn ở những lựa chọn cận tối ưu để giảm thiểu thua lỗ hơn là nắm bắt những lựa chọn tối ưu để tối đa hóa lợi nhuận. Các hành vi tâm lý bất cập tương tự cũng thường được thấy trong đời sống hàng ngày: sợ ngồi máy bay trong khi đường bộ nguy hiểm hơn, muốn giảm cân nhưng chẳng thể ngừng ăn bánh ngọt.
Dĩ nhiên, loài người vẫn có những đặc điểm quan trọng vượt xa máy móc. Não bộ chúng ta vẫn là tổ chức phức tạp nhất trong vũ trụ mà ngay cả siêu máy tính cũng không thể bì kịp. Chúng ta học hỏi rất nhanh, có óc sáng tạo đáng kinh ngạc, có trí thông minh cảm xúc và cả thấu cảm cộng đồng. Dù vậy, về lâu dài, tôi vẫn cho rằng sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ bị máy móc qua mặt. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy máy móc cũng rất sáng tạo, cũng nhận biết cảm xúc và cũng có sự thấu cảm tương tự như con người, dù chỉ ở mức độ cơ bản. Vì vậy, càng đi sâu vào cuộc chiến này, con người càng có ít cơ hội chiến thắng máy móc – những thứ do chính chúng ta phát minh ra.
Người kế nhiệm
Người Số có gì đặc biệt để thay thế chúng ta? Người Số được tạo ra bằng kỹ thuật số và sống trong môi trường kỹ thuật số. Thoạt đầu, đây là phiên bản kỹ thuật số của chính loài người chúng ta. Vì máy móc ngày càng thông minh hơn nên chẳng mấy chốc họ cũng sẽ có được những suy nghĩ như của con người. Những thực thể số hóa này sẽ vượt qua được những khuyết điểm tâm lý cũng như những hạn chế về mặt sinh học của con người. Họ sẽ sáng suốt hơn, thông minh hơn, không bị che mờ lý trí bởi những cảm xúc thất thường mỗi khi ra quyết định. Người Số chẳng những không cần ngủ nghỉ mà họ còn không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thậm chí, ngay cả cái chết cũng chẳng thể ngăn cản được sự phát triển của người Số.
Một khi bộ não được tăng thêm sức mạnh bằng quyền năng kỹ thuật số, người Số sẽ thông minh hơn người Tinh khôn rất nhiều. Lúc đó, chúng ta sẽ khó mà phân biệt được đâu là suy nghĩ của con người thực và đâu là tư duy của trí tuệ nhân tạo từ đám mây điện toán. Với cơ thể sinh học còn nhiều hạn chế, trong tương lai không xa, loài người Tinh khôn sẽ hoàn toàn bị qua mặt bởi người Số – một giống loài siêu việt tồn tại ở cả hai dạng sinh học và kỹ thuật số.
Tương lai nhân loại tốt đẹp hay xấu xí, tất cả tùy thuộc vào suy nghĩ, hành động của chúng ta trong hiện tại. |
Thế giới vật lý chậm chạp, hỗn loạn và nguy hiểm sẽ dần bị thay thế bởi thế giới kỹ thuật số. Sau một thế kỷ đối mặt với biến đổi khí hậu, khủng bố và khủng hoảng kinh tế thì còn gì tuyệt vời hơn khi được sống trong một không gian trật tự, yên bình và an toàn. Không còn thiên tai địch họa, không còn bệnh dịch, không còn đau khổ khốn cùng, mọi thứ sẽ được sắp xếp theo một trật tự ổn định và công bằng. Ở đó người Số sẽ là người thống trị; còn chúng ta, hiểu theo một cách nào đó, chính là đấng Sáng tạo của vũ trụ kỹ thuật số.
Đó là một trong những kết quả lạc quan nếu chúng ta có thể bảo đảm rằng thế giới kỹ thuật số tương lai sẽ là một vũ trụ lý tưởng, đẹp đẽ, tràn ngập tình yêu thương, hòa bình và công lý. Nhưng thế giới đó cũng có khả năng chỉ là một bản sao xấu xí của Trái Đất hiện tại và tất cả đều tùy thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta. Theo tôi, chúng ta hiện đứng trước ngã rẽ quan trọng trong lịch sử nhân loại, bởi lẽ những gì chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai của toàn bộ giống loài mình trong ít nhất vài trăm năm tới. Chúng ta đang ở lưng chừng một con dốc trơn trượt mà xung quanh là những bàn tay chỉ chực chờ đẩy ta rơi xuống một thế giới mê mờ tăm tối. Dù vậy, ở ngay chính giây phút này đây, ta vẫn còn rất nhiều lựa chọn giúp ta đi về một tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn. Có những lựa chọn dễ dàng nhưng cũng có những lựa chọn khó khăn đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn, có năng lực lãnh đạo, không vị kỷ, thậm chí phải biết hy sinh cho đại cục. Rồi đây con cháu của chúng ta sẽ trở thành người Số, và sau tất cả những sai lầm, chúng ta nợ đời sau một hành tinh xanh tuyệt đẹp, một môi sinh lý tưởng. Vì lẽ đó, từ đây cho đến vài thập kỷ nữa, chúng ta cần phải đưa ra những quyết định và hành động đúng đắn.