Sáng ngày 16/10/1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy (JFK) tiến hành xem xét bằng chứng về việc triển khai các tên lửa hạt nhân của Liên Xô ở Cuba. Đó là thời khắc bắt đầu cuộc khủng hoảng 13 ngày, theo nhà sử học Arthur Schlesinger là khoảnh khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là một dấu ấn trong lịch sử, nhưng đây cũng là một diễn biến lạnh lùng, vì cuộc thách đấu giữa các siêu cường thời điểm đó có thể dễ dàng đưa thế giới đi theo một con đường khác, đen tối hơn, kinh hoàng hơn và không ai trong chúng ta còn có thể tồn tại.
Người dân theo dõi bài phát biểu của JFK vào thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Ảnh: LIFE Picture Collection/ Getty Images. |
Nhưng chúng ta đang ở đây, phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác và đang khao khát bất cứ điều gì trong quá khứ có thể dạy mình sống sót qua những giây phút căng thẳng tột độ.
Vào thời điểm lịch sử của mình, JFK vẫn giữ được một cái đầu lạnh, lý trí, cẩn trọng và sẵn sàng thỏa hiệp. Ông triệu tập nhóm các quan chức hàng đầu trong chính quyền để tìm ra giải pháp và mở các kênh riêng với Moscow. Cách JFK giải quyết vấn đề có nhận được tham vấn từ Basil Liddell Hart – một chiến lược gia quân sự hàng đầu của Anh. Lúc đó, Hart đã khuyến nghị các nhà lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng này “giữ vững tinh thần, nếu có thể. Trong mọi trường hợp, giữ cái đầu lạnh. Cần tránh sự tự cao tự đại như quỷ dữ và không thể tự làm mờ mắt mình”.
Trong cuốn Thirteen Days: A Memoir of the Cuban Missile Crisis của Robert F. Kennedy, tác giả đã cho độc giả thấy điểm mấu chốt là một tổng thống nên xem xét vấn đề dựa theo các sự kiện thực tế, không phải theo định kiến và cũng bởi những điều tốt đẹp hơn khó được nhìn thấy từ góc nhìn của sự tự phụ.
Cuốn sách ra mắt năm 1999. Ảnh: Amazon. |
Cuốn sách của Robert Kennedy về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba rất súc tích, kịch tính và đã tiết lộ nhiều tình tiết bí mật. Cuốn sách cho chúng ta những kiến thức thực tế, khía cạnh tỉnh táo, gần như khách quan về cách một tổng thống và các cố vấn của ông nên hành động trong một cuộc khủng hoảng. Robert viết: “Tổng thống Kennedy muốn mọi người đưa ra câu hỏi, đưa ra chỉ trích và ông có thể dựa vào phán đoán của họ, dựa vào những góc nhìn thông minh của họ bất chấp họ ở cấp bậc nào hay lập trường là gì”. Và khi đến lúc phải công khai, một tổng thống cần tin tưởng người dân. Không cần tạo ra một cuộc trò chuyện vui vẻ, không phải đưa ra một thông điệp hỗn độn và không tự bào chữa cho mình. JFK đã phát biểu: “Hỡi các đồng bào của tôi, không còn nghi ngờ rằng chúng ta đang đứng trước một nỗ lực khó khăn và nguy hiểm. Không ai có thể thấy trước chính xác hướng đi sẽ diễn ra hay cái giá và thương vong sẽ phát sinh. Nhiều tháng ngày hy sinh và việc thực thi kỉ luật còn nằm ở phía trước – những tháng ngày mà sự kiên nhẫn và ý chí của chúng ta sẽ được kiểm nghiệm, những tháng ngày mà nhiều mối đe dọa và sự phản đối kịch liệt sẽ khiến chúng ta nhận thức được những nguy hiểm của mình”.
Những bài học từ người đi trước
Tuổi trẻ của JFK đã được trải nghiệm tầm quan trọng của việc san sẻ với công chúng, càng trực tiếp càng tốt, tại nước Mỹ trong thời kì Đại suy thoái và Thế chiến 2. Arthur Schlesinger, người từng là cố vấn đặc biệt cho Nhà Trắng dưới thời Kennedy đã viết một cuốn sách về thời kì đó, có tên The Coming of the New Deal – khắc họa nước Mỹ dưới thời Roosevelt.
Cuốn sách được xuất bản từ năm 2003. Ảnh: Amazon. |
Trong sự ảm đạm của cuộc Đại suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp là 25% khi ông Roosevelt nhậm chức, vị Tổng thống thứ 32 thấy rằng phải tìm cách trấn an người dân. Trong lễ nhậm chức đầu tiên, ông Roosevelt nói: “Điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là bản thân nỗi sợ”. Nhưng đồng thời, ông cũng trực tiếp nói rằng ông có thể yêu cầu nắm giữ quyền lực điều hành như trong thời chiến, như thể nước Mỹ “bị một kẻ thù nước ngoài xâm chiếm”.
Nhiều người đã hoan nghênh thông điệp này và không ai có thể nói ông ấy không thẳng thắn.
Sáng hôm sau, ông ấy đi làm. Với tốc độ vào việc chóng mặt và có lí do chính đáng. “Cỗ máy che chở và nuôi dưỡng những người thất nghiệp đang bị phá vỡ ở khắp mọi nơi dưới gánh nặng ngày càng tăng”, Schlesinger viết về tình hình lúc đó. “Một vài giờ trước đó, vào sáng sớm trước khi diễn ra buổi lễ nhậm chức, mọi ngân hàng ở Mỹ đã đóng cửa. Bây giờ không chỉ là vấn đề xóa đói. Đó là vấn đề liệu một nền dân chủ có thể vượt qua sự sụp đổ của nền kinh tế hay không”.
Roosevelt ra lệnh cho đội ngũ của mình đưa ra câu trả lời một cách nhanh chóng. Ông Raymond Moley, một cố vấn của Tổng thống Roosevelt nhớ lại: “Chúng tôi chỉ là một nhóm người cố gắng cứu hệ thống ngân hàng”. Được “vũ trang” bằng các chính sách của giới chuyên gia, ông Roosevelt đã đối thoại với người dân trên đài phát thanh. Schlesinger viết rằng ông Roosevelt đã tìm ra cách để tất cả hiểu được các chính sách của ông, như người thợ xây cho một tòa nhà, các cô gái làm việc sau quầy lễ tân, thợ sửa chữa ô tô, nông dân hay kể cả các chủ ngân hàng.
Không chỉ cần thẳng thắn với người dân, sự rõ ràng, hài hước và thoải mái về tinh thần là điều cần thiết trong các cuộc khủng hoảng. Trong cuốn sách Five Days in London: May 1940, tác giả John Lukacs đã khắc họa chi tiết thời kỳ quan trọng mà tân Thủ tướng Anh Winston Churchill củng cố quyền lực vững chắc và lập trường của mình, ngừng khả năng đàm phán với Adolf Hitler. Lukacs đã viết: “Churchill đã cứu nước Anh, châu Âu và nền văn minh phương Tây”.
Những kịch tính chính trường tại nước Anh năm 1940 đã được tiết lộ. Ảnh: Amazon. |
Churchill, người lên đỉnh cao quyền lực vào ngày 10/5/1940, được nhiều người coi là có tính cách thất thường và thích đồ uống mạnh. Nhưng ông hiểu rõ Hitler theo cách mà nhiều người khác nắm quyền ở Anh không làm được. Và ông cũng biết rằng, sự sống còn của tất cả mọi điều ông yêu quý đòi hỏi một sự rèn luyện kỹ năng chính trị và một thước đo tuyệt vời của sự hào phóng cá nhân.
Rơi vào cuộc tranh luận gay gắt trong Nội các thời chiến với Ngoại trưởng Anh Lord Halifax, người ủng hộ đối thoại với phe Trục (phát xít), Churchill đã nhận được sự ủng hộ rất nhiều của cựu Thủ tướng Anh Neville Chamberlain. Khi quyết định được đưa ra vào ngày 28/5, chính sự sẵn sàng ủng hộ của Chamberlain đối với cách tiếp cận chính trị của Churchill thay vì sự thỏa hiệp của Halifax đã tạo ra sự khác biệt. Churchill cho rằng: “Con đường an toàn duy nhất phía trước là cho Hitler thấy ông ta không thể đánh bại chúng ta”. Và cách an toàn duy nhất để làm điều đó, theo Churchill, là chiến đấu. Với con đường này, một thời đại mới đã được mở ra.
Là thế hệ đi sau Churchill và Roosevelt, JFK đã thể hiện một góc nhìn rất thực tế trong và sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Ông hiểu được một tổng thống có rất nhiều quyền lực nhưng phải sử dụng điều đó trong những giới hạn. Một cách để điều hành tốt là vận dụng bài học của những người đi trước và hy vọng rằng những nỗ lực ở thời điểm hiện tại có thể tiếp tục thắp sáng con đường tương lai.