Theo Szalai, vào thời điểm sức mạnh của Hitler trong chính quyền Đức ngày càng tăng cao, giới tinh hoa cánh hữu nước Đức tự tin rằng họ có thể sử dụng Hitler để tạo nên lợi thế cho họ. Như một trong số họ đã nói: “Trong hai tháng, chúng ta sẽ đẩy Hitler đến một góc mà ông ta sẽ phải kêu lên khiếp sợ”.
Nhưng dù Adolf Hitler trông không ra dáng một chính trị gia và cư xử thiếu tế nhị, ông ta vẫn là một người có thể lôi kéo được người dân, biết cách kích thích chủ nghĩa dân tộc và có những bài phát biểu vô cùng hào hùng. Và thực tế, những chính trị gia lão luyện này đã đánh giá quá cao năng lực “chiến đấu” của chính họ. Trong cuốn Hitler’s First Hundred Days, nhà sử học Peter Fritzsche đã cho thấy cách Hitler và Đảng Quốc xã, sau khi Hitler được bổ nhiệm vào ghế Thủ tướng Đức hôm 30/1/1933, không tốn nhiều thời gian để đánh bại những gì còn sót lại của nền Cộng hòa Weimar và lập nên chế độ độc tài đáng lo ngại nhất thế kỉ 20.
Cuốn sách vừa ra mắt ngày 17/3. Ảnh: New York Times. |
Những thay đổi Hitler thực hiện rất táo bạo và nhanh chóng. Vào ngày thứ 4 sau khi nhậm chức, Hitler và các đồng minh bảo thủ đã tiến hành kiểm duyệt các tờ báo có lập trường chống chính phủ. Vào ngày thứ 7, ông ta đã tạo được mối liên kết giữa các đặc vụ áo nâu của mình và bộ máy luật pháp và trật tự chính thức của nhà nước. Vụ hỏa hoạn tại tòa nhà Reichstag vào ngày thứ 29 đã cho Hitler cái cớ mà ông ta cần để Tổng thống Paul von Hindenburg ký sắc lệnh khẩn cấp đình chỉ quyền tự do dân sự. Và cuộc bầu cử Reichstag một tuần sau đó đã củng cố quyền lực của Đức Quốc xã. Vào ngày thứ 61, Đức Quốc xã đã tổ chức một cuộc tẩy chay toàn quốc đối với các doanh nghiệp Do Thái, và 6 ngày sau đó đã thanh trừng các hoạt động dân sự của người Do Thái.
Là một nhà sử học hiểu rõ cách những người Đức bình thường phải thích nghi với chế độ Đức Quốc xã, Fritzsche không phá vỡ những hiểu biết thông thường của mọi người về thời kì này. Thay vào đó, cuốn sách của ông có thêm những góc nhìn mới về khung thời gian 100 ngày cùng với loạt chuyển biến chính trị nhanh chóng, đáng kinh ngạc và không thể tưởng tượng nổi tại Đức.
Fritzsche trích dẫn nhiều bài báo, các bản nhật ký và thư từ của thời kì đó để mang lại một không gian và cảm xúc chân thật về cuộc sống hàng ngày ở Đức vào mùa xuân năm 1933, khi sự bế tắc chính trị của nền dân chủ Weimar phải nhường chỗ cho sự tàn bạo trên diện rộng.
Xoay chuyển từ hai hướng
Sự chuyển đổi trong xã hội đến từ cả hai hướng. Từ phía trên, Đức Quốc xã đã triển khai các hoạt động cưỡng chế, khủng bố đối thủ và loại bỏ phe phái bất đồng. Bạo lực đóng vai trò mấu chốt, mặc dù nó được Đức Quốc xã nêu ra như một phản ứng phòng thủ chống lại những kẻ xúi giục hay những kẻ khiêu khích nguy hiểm. Lúc này Đức Quốc xã tự khắc họa bản thân không phải là những kẻ áp bức mà là tôi tớ của công lý. Trại tập trung Dachau đã được mở vào tháng 3 năm đó và các tù nhân chính trị là đối tượng phải chịu cách hành xử được Fritzsche gọi là “chủ nghĩa tàn bạo được cấp phép”.
Trại tập trung Dachau. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Còn từ phía dưới, Đức Quốc xã tìm cách có được sự ủng hộ bằng cách nuôi dưỡng sự cả tin của các cử tri. Các biện pháp tuyên truyền của Đức Quốc xã khơi dậy cảm xúc tiêu cực của công chúng trong bối cảnh cuộc Đại Suy thoái diễn ra và kéo theo nhiều hệ lụy. Hitler cũng đề cao ý tưởng về cộng đồng cục bộ và gợi nhớ về thời kì đầu của Thế chiến 1 – khoảng thời gian nhiều người Đức nhắc tới như một thời kỳ của đoàn kết dân tộc và sức mạnh tập thể. Những lời kêu gọi bạo lực và kêu gọi thay đổi được song hành thúc đẩy: Bằng cách thanh lọc những yếu tố không mong muốn trong nước Đức (Cộng sản, Xã hội chủ nghĩa, phái trung dung hay người Do Thái), Đức Quốc xã tuyên bố rằng chính họ mới có thể mang lại vinh quang cho Đế chế thứ ba.
Không thể bác bỏ rằng Hitler có khả năng lôi kéo đám đông ủng hộ ông ta. Ảnh: Getty Images. |
Không thể thiếu trong việc lan rộng ảnh hưởng của Đức Quốc xã là đài phát thanh. Trước năm 1933, các chính trị gia của Đức Quốc xã đã có quyền tiếp cận sóng phát thanh, và sau khi Hitler trở thành Thủ tướng, họ quyết tâm tận dụng tối đa kênh thông tin trực tiếp này với người dân. Fritzsche mô tả cách các chương trình phát sóng được hiệu chỉnh để đạt hiệu quả cảm xúc tối đa. Goebbels (một trong số những trợ lý gần gũi và thuộc hạ tận tâm nhất của Hitler) đã gây áp lực cho các nhà sản xuất để sản xuất hàng loạt “radio nhân dân” (Volksempfänger). Hàng loạt chiếc radio VE 301 đã được ra đời để phục vụ chiến lược tuyên truyền này.
Góc nhìn từ những con người bình thường
Một lý do phổ biến cho việc ôm ấp chủ nghĩa phát xít là khó khăn kinh tế. Tình trạng siêu lạm phát gây chấn động nước Đức sau Thế chiến thứ 1 đã quay lại cùng cuộc Đại khủng hoảng. Nhưng Fritzsche chỉ ra rằng những người thất nghiệp có xu hướng không bỏ phiếu cho Đức Quốc xã mà chính những người làm ăn được, những người có tài sản lại ủng hộ cho Hitler.
Fritzsche đưa độc giả đến với Elisabeth Gebensleben, có chồng là phó thị trưởng theo lập trường bảo thủ của một thị trấn ở Lower Saxony. Những bức thư của Elisabeth gửi cho con gái của bà Immo, sống ở Hà Lan, cho thấy một người tự nhận mình là một phụ nữ trung lưu tốt bụng, tuân thủ luật pháp nhưng ủng hộ chế độ Đức Quốc xã. Elisabeth bị ám ảnh về các cuộc biểu tình và bà gọi những chiếc áo nâu của lực lượng bán quân sự do Hitler dẫn đầu là một “cảnh tượng tuyệt vời”.
Tác giả Fritzsche. Ảnh: New York Times. |
Câu chuyện của Fritzsche cũng đưa chúng ta đến ngày 9/5/1933, khi không còn nhận ra tình trạng chính trị của nước Đức so với thể chế cộng hòa vẫn hiện diện chỉ mới vài tháng trước. Vào ngày thứ 101, có những vụ đốt sách do các sinh viên theo Đức Quốc xã tổ chức. Vào ngày thứ 166, luật triệt sản đã được công bố.
Và Elisabeth tiếp tục ủng hộ Đức Quốc xã ngay cả khi con gái của bà ở Hà Lan che giấu một đứa trẻ Do Thái.
Dù Elisabeth nói với Immo rằng bà có cảm tình với hoàn cảnh của một số cá nhân nhưng bà vẫn khăng khăng rằng Đức Quốc xã và bản thân bà chỉ làm những gì họ phải làm. Cuốn sách của Fritzsche đã mô tả một cách tỉ mỉ cảm xúc của nhiều người dân Đức từ sự cả tin trước những lời lừa dối chuyển thành việc đi theo Đức Quốc xã một cách không tự chủ được bản thân.