Cách đây tròn 50 năm, sau bài
Thơ chúc Tết Mậu Tý (1948), Bác Hồ còn viết 5 bài thơ cảm hứng trữ tình. Đây là hiện tượng ít thấy trong sáng tác thơ ca của Bác gần 1/4 thế kỷ sau Cách mạng (1945-1969).
Nguyên tiêu (1948) là một trong số đó:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
RẰM THÁNG GIÊNG
Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn,
Nước sông xuân tiếp liền với màu trời xuân
Giữa nơi khói sóng thăm thẳm, bàn bạc việc quân
Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng.
(Thơ Hồ Chí Minh, in lần thứ 3, NXB Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 103)
Trong thơ Bác hầu như chỗ nào cũng vời vợi ánh trăng, điều đặc biệt là trăng ở cảnh ngộ nào cũng rất sáng: Trăng đêm rằm, Trăng Trung thu. Phải chăng trong tâm tưởng tình cảm Bác yêu thích những cảnh đẹp rực rỡ, sáng trong; không chấp nhận cái nhập nhằng, mờ tối của một mảnh trăng khuyết, một ánh trăng non. Ta không thấy một đêm trăng lu trong thơ Bác và một điều đặc biệt nữa: Trăng trong thơ Bác không gợi buồn mặc dù trong thơ cổ không hiếm những bài thơ về trăng có lúc rất sáng song vẫn gợi lên một cái gì đó man mác đơn côi.
Mở đầu bài thơ: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên” là một đêm trăng rằm mát mẻ, toả sáng rực rỡ cả trời xuân, là mùa trăng đẹp nhất trong mười hai mùa trăng. Thứ tự sắp xếp các từ, các hình tượng thơ, tăng giá trị thẩm mỹ, vừa giàu chất tả thực, vừa giàu chất tượng trưng, ẩn dụ.
Trăng trong Nguyên tiêu không phải trạng thái tĩnh. Theo thời gian, giữa cảnh sông nước mênh mông, không gian khoáng đãng, trăng từ từ nhô dần lên khỏi đường chân trời như “mâm vàng, đĩa ngọc” (từ của Xuân Diệu) đến thời khắc khi tạo thành tiếp điểm, của một hình tròn (trăng) đường thẳng (mặt sông) lúc đó mới “nguyệt chính viên” (trăng vừa tròn).
Trong thơ Bác, tác giả và ánh trăng chủ thể và khách thể đi về trong quan hệ gắn bó thân thiết, trăng không bị đóng khung trong cảnh ngộ chật hẹp, hạn chế mất đi những vẻ đẹp cộng hưởng khác.
Các thủ pháp nghệ thuật hội tụ ở câu thơ thứ hai:
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên
(Nước sông xuân tiếp lẫn với màu trời xuân)
Không gian nghệ thuật rực rỡ bao la, cảm hứng thơ hoành tráng, sảng khoái và vô cùng diễm lệ. Nếu như “nguyệt chính viên” tạo nên sự liên tưởng về thời gian, thời khắc “trăng vừa tròn” theo sự biến dịch của thời gian trăng cao dần, toả sáng lung linh tạo nên cảnh “Nước sông xuân lẫn màu trời xuân” lại gợi lên ý niệm không gian bao la, không giới hạn. Giữa mênh mông sông nước đất trời đầy trăng ấy, có con thuyền nho nhỏ. Hai câu thơ tạo thành một bức tranh xuân với những nét chấm phá nghệ thuật liên hoàn: sông – nước – trời. Cái lồng lộng của một hồn thơ giao thoa, cộng hưởng cái lồng lộng của đất trời mùa xuân đầy hương sắc. Sông- nước- trời xuân nối tiếp nhau, nâng đỡ nhau, gọi nhau, tầng tầng lớp lớp bay lên trong không gian như cánh cò như cánh cò của Vương Bột trong ráng thu hoàng hôn:
Lạc hà dữ cô lộ tề phi
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc
(Cánh cò bay với ráng pha
Sông thu trời nước bao la một màu)
Và cũng như cánh hạc trong giấc mơ của Nguyễn Trãi cách đây hơn sáu thế kỷ:
Tạc dạ nguyệt minh thiên tự thuỷ
Mộng kỳ hoàng hạc thượng tiên đàn
(Đêm qua trăng sáng trời như nước
Mộng cưỡi hạc vàng lên đàn tiên)
Chất sảng khoái, hoành tráng của một hồn thơ khoáng đạt trong hai câu đầu có khởi hứng từ một hiện thực lịch sử: Đó là chiến dịch thu – đông 1947 đại thắng. Từ đây cục diện kháng chiến thay đổi, chiến khu Việt Bắc được mở rộng, tạo nên niềm vui tràn trề lòng người, không gian tâm tưởng hoà lẫn không gian hiện thực, cả chiều cao lồng lộng và cả bề rộng mênh mông, nội hàm thẩm mỹ đa dạng, phong phú.
Đến câu thứ 3: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự” thì con thuyền bồng bềnh trên sông xuân ấy vào nơi “Khói sóng thăm thẳm” không phải để thưởng ngoạn, giải toả một tâm trạng lãng quên, trốn tránh cuộc đời. Thơ xưa nói nhiều đến “khói sóng”. Một “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” của Thôi Hiệu, hay một “Yên ba sầu sát nhân” trong thơ Bạch Cư Dị. “Khói sóng” thường tạo nên nỗi buồn man mác, cô liêu của các ẩn sĩ trước cuộc đời phù du, dâu bể.
Con thuyền trong đêm “nguyên tiêu” còn chở nặng những lo toan của Bác. Thiên nhiên dẫu có diễm lệ cũng chưa thể thả lòng để thưởng ngoạn, giữa hiện thực “Yên ba thâm xứ” tiếp đến ba từ “đàm quân sự” làm nổi bật tư tưởng chủ đề của bài thơ. Bởi biết bao đêm “Trù hoạch thâm canh” (bàn tính công việc mãi cho tới khuya), “Quân vụ nhưng mang” (vẫn còn bận việc quân) được một “nguyên tiêu” (rằm tháng giêng) thì lại “đàm quân sự” (bàn bạc việc quân). Từ trong sâu xa, tâm tưởng Bác luôn nghĩ tới quốc thái dân an, ngay cả khi chỉ có trăng xuân trên sông xuân vô cùng hoành tráng và con người Bác là một hồn thơ rộng mở. Chỉ khi công việc đã xong niềm vui trọn vẹn cùng thiên nhiên mới thư thái tâm hồn:
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
(Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng)
Nửa đêm trăng toả sáng và con thuyền chở đầy trăng sau khi đã “đàm quân sự” vơi đi những suy nghĩ lo toan, những tính toán “quân cơ quốc kế” nhưng không ghé bến hoang sơ như một ẩn sĩ. Trăng thanh dự báo một tương lai và vầng trăng với những vẻ đẹp thơ mộng cộng hưởng với một hồn thơ tự tại, lạc quan ở thành công của cuộc kháng chiến.
Sự kết hợp hài hoà giữa các thủ pháp nghệ thuật tả chân và tả thực tạo cho bài thơ vừa có phong vị cổ điển vừa giàu tính hiện đại. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật phong cách thơ chữ Hán của Hồ Chủ tịch.