I. Mở bài
– Trần Quang Khải (1241-1294) là vị tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chông quân Nguyên – Mông ở đời Trần. Lịch sử ca ngợi ông là vị tướng tài, văn học ghi nhớ ông với những vần thơ sâu xa lí thú (Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chí).
– Bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư (Phò giá về kinh) là một trong 11 bài thơ còn lại của ông và cũng là tác phẩm có vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam.
II. Thân bài
1. Hoàn cảnh sáng tác
– Cuối năm 1284, quân Nguyên – Mông do Thoát Hoan cầm đầu ồ ạt tấn công nước ta lần thứ II. Trước sức mạnh của quân giặc, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phải rời khỏi kinh đô đi lánh nạn. Nhưng chỉ mấy tháng sau, vào tháng 5 – 1285 (tháng 4 năm Ất Dậu), quân ta đã phản công bất ngờ, chiến thắng lớn ở trận Hàm Tử; tháng 7 – 1285 (tháng 6 năm Ất Dậu), ta lại thắng lớn ở Chương Dương. Kẻ thù thất bại hoàn toàn.
– Sau chiến thắng, Trần Quang Khải là người hộ giá hai vua Trần trở về kinh đô. Trong không khí ngày khải hoàn, Trần Quang Khải đã cảm hứng làm bài thơ này.
2. Phân tích
2.1 Tựa đề
– Tụng giá hoàn kinh sư nghĩa là Phò giá về kinh. Tựa đề nêu lên một sự kiện lịch sử, nhưng sâu xa còn là nguyên cớ gợi cảm hứng cho nhà thơ. Bởi lẽ, sự kiện đưa vua trở về kinh đô đánh dấu chiến thắng của quân ta, khẳng định đất nước ta sạch bóng quân thù, quê hương dã trở lại những ngày thanh bình. Mặt khác, tác giả còn là người góp một phần công sức vào niềm vui chiến thắng của toàn dân tộc. Vì thế, sự kiện lịch sử không là những con số vô cảm mà là một niềm thơ, niềm cảm xúc dạt dào.
2.2 Hai câu đầu
– Hai câu thơ đầu nhắc lại chiến thắng có tính quyết định, trận Chương Dương và Hàm Tử. Hai địa danh vừa có ý nghĩa cụ thể về lịch sử, vừa có ý nghĩa tượng trưng. Tượng trưng vì từ nay, hai địa danh này sẽ vang lên trong lòng người dân Việt Nam, trong lịch sử như một thời đại hào hùng. Hai thế kỉ sau, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã tự hào nhắc lại:
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi ÔMã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi.
– Cách sắp xếp thứ tự hai địa danh có phần đặc biệt. Trận đánh Chương Dương xảy ra sau nhưng lại được Trần Quang Khải kể trước. Điều này phù hợp với diễn biến tâm trạng của nhà thơ. Trận sau mới xảy ra, dường như còn nóng hổi, đang nức lòng mọi người, đặc biệt là tác giả, người có vai trò lớn trong chiến công này.
– Âm điệu hai câu thơ khác nhau. Câu một với động từ mạnh Đoạt sáo nghĩa là cướp giáo, nhịp thơ nhanh gấp, mạnh mẽ, dứt khoát diễn tả thế trận chuyển hoá bất ngờ, mau lẹ, từ chỗ lùi bước đến đánh đuổi quân giặc, từ trường kì kháng chiến đến kháng chiến chớp nhoáng tiêu diệt kẻ thù. Câu hai với âm điệu lại nhẹ nhàng diễn tả việc bắt giặc, mà là bắt sống một cách dễ dàng.
– Lời thơ ngắn gọn, chắc nịch, đanh thép, bày tỏ niềm tự hào về chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
2.3 Hai câu sau
– Nếu hai câu đầu kể về chiến công thì hai câu sau là lời kêu gọi nỗ lực xây dựng đất nước vững bền. Trần Quang Khải đã không dừng lại ở niềm vui chiến thắng, không nghĩ đến việc nghỉ ngơi, hưởng lạc. Ngay trong không khí chiến thắng, ông đã nghĩ đến kế sách lâu dài với một tinh thần trách nhiệm, nhìn xa trông rộng.
– Ông quan niệm đất nước thái bình không chỉlà chấm dứt chiến tranh, thái bình còn phải là xây dựng đất nước mãi mãi vững bền, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Mà muốn có thái bình, phải có sự phấn đấu nỗ lực của toàn dân. Lời thơ như một lời tự nhủ, đồng thời bộc lộ niềm tin, niềm hi vọng vào sự bền vững muôn đời của đất nước.
– Nếu hai câu thơ đầu ta bắt gặp vẻ đẹp oai hùng của một vị tướng thì hai câu thơ sau ta cảm nhận được nét đẹp trong trí tuệ và đạo đức của nhà thơ Trần Quang Khải.
III. Kết luận
– Bài thơ bày tỏ nỗi vui mừng, niềm hãnh diện tột độ của tác giả trước chiến thắng vẻ vang của dân tộc, đồng thời khẳng định quyết tâm xây dựng đất nước ngàn thu.
– Làm nên chất thơ chính là cảm xúc tự hào, vui mừng về chiến công hiển hách của dân tộc, là hào khí của thời đại nhà Trần và niềm tin vào một nền thái bình vững chắc. Những cảm xúc ấy được ẩn chứa trong cách nói chắc nịch, ngắn gọn của thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, không hoa mĩ, cầu kì. Đây cũng là vẻ đẹp độc đáo của bài thơ mà tác giả là một vị tướng.