Cuốn Phác họa Nghê – gã linh vật bên rìa trình bày cấu tạo, lai lịch, ý nghĩa, sự phong phú của con nghê – linh vật quan trọng của người Việt. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế có trò chuyện về công trình gợi tình yêu di sản, văn hóa Việt của mình.
Sách học thuật về văn hóa phải làm cho người trẻ say di sản Việt
– Quan điểm của anh khi bắt tay thực hiện sách về một linh vật xưa cũ là gì?
– Có lẽ nó xuất phát từ suy nghĩ của tôi về cách làm sách học thuật hiện nay. Các thế hệ trước viết về văn hóa Việt uyên bác, thông tuệ, có hàm lượng tri thức sâu sắc, nhưng nó quá học thuật. Thế hệ học thuật trẻ chúng tôi muốn lôi cuốn độc giả ngày nay về với di sản văn hóa dân tộc. Viết hay nhưng phải làm cho độc giả say.
Với thế hệ mình, yêu tổ quốc yêu đồng bào là đương nhiên. Nhưng thế hệ trẻ, công dân toàn cầu thì sao? Họ đi muôn nơi, có thể sống thích nghi và yêu thích nhiều nền văn hóa. Làm sao để người trẻ yêu văn hóa nguồn cội là thách thức cho người làm di sản; khi viết sách cần trau chuốt ngôn từ, hình ảnh để lôi cuốn.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế. Ảnh: NVCC |
– Tại sao anh lại chọn con nghê để tìm hiểu, nghiên cứu và làm sách?
– Từ công việc của mình, tôi thấy con nghê có căn tính văn hóa, một thân phận văn hóa gắn với người Việt.
Trong công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa mà Việt Nam tham gia từ tháng 10/2007 có nói về nguy cơ các nước dù giàu có về văn hóa nhưng thua thiệt kinh tế. Trong tác động toàn cầu hóa, các nước này gặp thách thức: bị kinh tế hàng hóa làm cho văn hóa mai một; những biểu đạt mang tính địa phương bị thách thức.
Con nghê rất gắn bó với người Việt, trong bối cảnh hiện nay nó bị nhạt nhòa, bị lãng quên.
– Anh đã nghiên cứu và phát hiện ra những điều gì về con nghê Việt?
– Khi viết cuốn sách này, là người nghiên cứu, xét cách thấu đáo vấn đề, tôi phải trả lời câu hỏi: “Toan nghê” xuất xứ từ đâu?
Mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, chính các học giả Trung Quốc phát hiện “toan nghê” xuất phát từ Ấn Độ. Sau đó tộc người Trung Á truyền sang Trung Quốc. Con nghê Việt liên quan đến tín ngưỡng Phật giáo.
Phật giáo có hình tượng “Phật sư”, nghĩa là con sư tử nhà Phật. Mang tính Phật, nó bớt đi những điều hung dữ, lược bỏ yếu tố mãnh thú, trở thành con chó của nước Phật. Con nghê người Việt mang âm hưởng Ấn Độ, Phật giáo. So sánh với con sư tử Thái, Lào thì gần, nhưng so với sư tử người Trung Quốc thì khác. Sư tử Trung Quốc theo hướng mãnh thú, dã thú; nghê thì có yếu tố linh thú, có sự linh thiêng.
Sách Phác họa nghê – gã linh vật bên rìa. |
– Con nghê có đặc điểm, ý nghĩa gì để người Việt xưa coi là linh thú?
– Càng nghiên cứu tôi càng tự tin người Việt lựa chọn con vật linh của mình theo hướng thân thiện, gần gũi. Qua bàn tay diễn đạt, tạo hình người Việt, con nghê rất biểu cảm. Nó đa dạng, có nhiều tư thế, được tạo tác trên nhiều chất liệu, đáp ứng nhiều vị trí công năng.
Ưu thế này khẳng định chỉ khi nghê gắn bó văn hóa người Việt rất sâu sắc, thì nó mới được sáng tạo đa dạng như vậy. Nó được làm bằng vàng, đồng, đá, gỗ, đất nung. Các chất liệu điêu khắc truyền thống đều có
Hiện nay, hệ thống các bảo vật quốc gia có hình nghê đã có: Ấn vàng chúa Nguyễn, Đèn nghê bằng gốm của bảo tàng Nam Định, bảo vật gốm Bát Tràng (long đình) có nhiều hình nghê.
Con nghê đang trở lại
– Biểu tượng nghê xuất hiện và phát triển ra sao trong đời sống người dân Việt?
– Thời Đông Sơn đã có nghê trên đèn. Trước đây người ta gọi nó là con “tịch tà”, trừ điều xấu. Nó là hiện thân của sư tử thiêng, ánh sáng, phát tỏa tiêu ma, tà khí. Con nghê đội đèn có trong đồ đồng Đông Sơn muộn.
Cấp độ xuất hiện con nghê ngày càng dày đặc. Ngai vàng thời Nguyễn đều có đôi nghê chầu dưới. Nghê là sư tử thiêng. Thời Nguyễn, hai hình thái phổ biến, thiết đình ở điện Thái Hòa vẫn còn hình con nghê. Điều này khẳng định vị thế tối cao của nghê trong xã hội bấy giờ.
Do nhiều biến cố lịch sử ta không còn cung điện, nhưng thời Nguyễn, con nghê có vị trí cao, là biểu tượng giàu giá trị: tận trung, tận tâm, trung thành tuyệt đối, sáng suốt. Nó được đặt vào vị trí có thể soi xét, phân biệt tà ngay, được chào đón, hoan hỉ.
Phiên bản nghê chùa Bà Tấm, phiên bản đặt tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: NVCC |
– Ngoài cung đình, con nghê đi vào đời sống người dân ra sao?
– Có rất nhiều vật linh gắn bó người Việt nhưng chỉ ở không gian thiêng (ví dụ con phượng). Nhưng con nghê thì khác, khi cần uy nó vẫn uy quyền, khi vào thế tục nó vẫn hòa đồng, hoan hỉ.
Đình làng là ví dụ. Hầu hết đình làng người Việt đều có nghê. Nhiều ngôi đình biểu đạt nghê xuất sắc trong tạo hình. Tại đình, tôi thống kê được vị trí từ thấp đến cao (từ cuối cửa đến nóc đình) đều có nghê.
Điều khiến tôi kinh ngạc, chính là con nghê đi vượt qua khuôn mực bình thường để trở thành con vật kỳ lạ. Ví dụ ở đình Giẽ Hạ (Phú Xuyên, Hà Nội) có đôi nghê con giằng con tôm. Nó rõ ràng là con thú, gốc gác sư tử, nhưng nó giằng nhau con tôm rất đáng yêu. Người ta dành cho nó hoàn cảnh ngộ nghĩnh, cho thấy hình tượng ảnh hưởng văn hóa lúa nước.
Con nghê thường đeo lục lạc. Theo Phật giáo, lục lạc tiêu trừ tà khí, cầu may.
– Con nghê đã có vị trí đĩnh đạc trong đời sống người Việt, vậy từ khi nào nó mất đi vị thế?
– Thời Nguyễn, khi phát hành những con tem, tiền Đông Dương vẫn thấp thoáng thấy nghê. Thời Pháp thuộc con nghê vẫn hiện diện trên những văn bản như tạp chí, vựng tập, triển lãm đấu xảo Pháp…
Có lẽ do những thay đổi, chiến tranh, những biến cố mà con nghê mất dần vị thế. Từ bao giờ nghê thất thế là câu hỏi lớn, nó xảy ra trong quá trình dài ta tiếp biến, thay đổi nếp sống.
– Quá trình nghiên cứu về con nghê anh có câu chuyện gì đáng nhớ?
– Điều lạ kỳ là, trước nay mình bị một ấn tượng là con nghê là ngô nghê. Nhưng khi tìm hiểu văn bản cổ xưa, ví dụ tấm bia thời Lý ở huyện Hoằng Hóa (cách nay 1000 năm), trên bia này cũng nói kiến trúc thời Lý có nghê đội tòa sen. Tìm bia cổ thời Trần đều khẳng định con nghê gắn bó trong nhiều không gian, đặc biệt Phật giáo.
Cho đến nay, vẫn không ít người vẫn còn có ý nghĩ rằng nghê là cách nói dân gian của người Việt không có tính chất học thuật. Vì vậy, góp phần sáng tỏ thêm vấn đề này, tác giả xin khẳng định rằng quan điểm cho rằng cách gọi sư tử là bác học, là chính thống, gọi nghê là dân gian, là dị thể là thiếu hiểu biết về lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử Việt Nam giai đoạn thiên niên kỷ thứ nhất.
Đầu |
– Đến nay con nghê có còn là linh vật bên rìa như tên cuốn sách của anh?
– Từ một rìa mép, nó đã mon men đi vào trong đời sống. Trước khi có sách của tôi, nhà sử học Dương Trung Quốc đã gửi cho một đại tá bức thư thể hiện sự lo lắng khi chúng ta bầy la liệt sư tử Tàu. Ông đặt vấn đề là ta phải đề cao bản sắc văn hóa Việt, để tự tôn dân tộc.
Chính bức thư này khởi động nên nhận thức về linh vật Việt. Đây là đốm lửa đầu nhóm lên ngọn lửa bài trừ linh vật ngoại lai. Sau đó Bộ Văn hóa hưởng ứng, thành phong trào nhận thức lại về linh vật Việt.
Điều này tác động tới nhận thức của giới trẻ về nghê. Sau khi sách tôi ra, một số bạn trẻ gửi thư tới tôi, các bạn làm tượng nghê thành đồ lưu niệm, xây dựng những công trình với nghê…
Tôi vẫn tiếp tục với con nghê. Hiện, tôi đang thực hiện dự án phục dựng điệu múa sư tử nghê thời Lý.
Cuốn sách Phác họa nghê – gã linh vật bên rìa của tác giả Trần Hậu Yên Thế (chủ biên), Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long. Tác phẩm đang tham gia Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai.