Nhà văn Nguyễn Văn Thọ vốn là người lính, đất nước hòa bình, trở về học đại học, rồi làm một viên chức. Năm 1988, ông sang Đức lao động, ở lại cho tới năm 2014 thì về hẳn. Bằng những trải nghiệm của mình, ông đã viết về vấn đề người vượt biên trái phép trong tiểu thuyết Quyên (2009). Tác phẩm gây tiếng vang, từng được chuyển thể phim năm 2015.
Ông có những chia sẻ về cuộc sống của người lao động ở nước ngoài.
Sống ở nước ngoài, tôi ăn tạm, ở tạm, yêu cũng tạm
– Điều gì đưa ông sang Đức? Quãng thời gian ấy, ông đã làm những công việc gì?
– Tôi ở Đức 35 năm. Tôi đến với tư cách đội trưởng đội lao động trong vòng 2 năm, sau đó làm vệ sinh công nghiệp. Khi nhà máy bán cho Ấn Độ, chúng tôi được phép ở lại nhưng phải tự kiếm nhà mà ở. Tôi sống trong khu vườn một người bạn Đức, tự học hỏi những người bạn Thổ, Italy… buôn bán trên vỉa hè.
Công việc này rất khổ cực. Hàng ngày, chúng tôi buôn bán trên vỉa hè lạnh nhiều tiếng liền. Giáp Noel, có ngày chúng tôi ở chợ tới 15 tiếng trong thời tiết -20 độ C, đến đêm -25 độ C là thường. Chúng tôi không có kinh nghiệm chống lạnh, làm đủ thứ để khỏi chết cóng: đút báo trong ngực, đi giày vào bao nylon, lấy gạch nung trong lò của người Đức rồi lót ghế ngồi vỉa hè, sau này mua lò sưởi ga… Nếu ta đứng giữa trời lạnh quá 5 tiếng thì cái lạnh xuyên qua quần áo, lúc ấy quần áo không thể giữ nhiệt được nữa. Bây giờ cứ nhìn thấy cảnh băng tuyết là tôi rùng mình.
Đó là giai đoạn khủng khiếp nhất. Mộng ước làm giàu khiến người ta quên đi tất cả. Lúc ấy nước Đức chưa cho ở lại lâu dài, nên ai cũng phải cố làm.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. |
– 35 năm sống ở Đức, tại sao ông về Việt Nam?
– Điều này rất đơn giản, bởi đó là cuộc sống tha hương. Ai gắn bó tuổi thơ với vùng đất nào thì vùng ấy hoàn toàn thuộc về tâm hồn người ấy. Tuổi thơ tôi ở Hà Nội, tuổi thanh niên chúng tôi đã chiến đấu, sẵn sàng chết vì mảnh đất này, nên với lớp chúng tôi, việc xa quê là bi kịch. Xa quê có thể đầy đủ, dồi dào vật chất, thậm chí có thể coi là thiên đường, nhưng đó chỉ là vật chất thôi. Còn tha hương, trong tâm thế của những người lớp lứa chúng tôi là bi kịch. Như tôi là ăn tạm, ở tạm, yêu cũng là tạm bợ.
Tôi chưa bao giờ thấy những giàu đẹp ở Đức là của mình cả. Sự giàu đẹp đó là của dân tộc người ta, do người ta xây đắp nên, mình chỉ thừa hưởng thôi.
Bất luận ở đâu, quê hương luôn trong tâm khảm, là nỗi day dứt, nhất là ngày Tết, ngày giỗ bố mẹ mình, ngày đại lễ… Ở Đức có thể mua được hết, thậm chí vật chất cao cấp hơn ở ta, hoa đào cũng mua được. Tuy nhiên, tấm lòng quê, mùi vị quê… tất cả gọi chung là không khí quê hương, không thể mua được trên nước Đức. Đó là điều đau nhức của tôi trong quãng thời gian ở Đức.
Bìa sách Quyên. |
Đến nay, nhiều người ước ao được trở về như tôi, nhưng không có điều kiện. Về phải có nhà cửa, công ăn việc làm. Thậm chí có người bạn thân đã già rồi, viết thư nói “em vừa bốc 25 tấn gạo để có thêm tiền mua vé máy bay về Việt Nam”. Tâm sự ấy khiến tôi rớt nước mắt.
Sự tha hương không phải điều lớp trẻ thấy ngay được. Phải từng trải, thấm đẫm nỗi đời mới hiểu nỗi đau của người đầy đủ vật chất nhưng không có quê hương. Đó là tâm trạng Thế Lữ viết con hổ bị giam trong cũi, mỗi lần đọc tôi đau đớn vô cùng.
Vì miếng cơm manh áo, kiếm tiền cho con chữa bệnh, kiếm tiền để người nhà qua cơn bĩ cực của thời đoạn ấy nên tôi ra đi. Nhưng rồi tôi vẫn trở về.
– Việc ông ra đi ngày ấy có giống những người trẻ ngày nay không, khi họ vay mượn số tiền lớn, ra đi hòng mong đổi đời?
– Khác chứ. Chúng tôi được nằm viện, có bảo hiểm, được hưởng chế độ như công dân Đức. Không ai dại dột chi hàng chục nghìn USD nếu biết mình bị cho vào thùng lạnh, chỉ để đi làm công việc bất hợp pháp. Không cha mẹ nào biết điều chết tiệt đó mà xui con làm như vậy cả.
Khát vọng làm giàu là chính đáng, nhưng không thể phạm luật
– Ông từng viết tiểu thuyết “Quyên” nói về bi kịch của một cô gái Việt vượt biên vào Đức. Tuy nhiên, đó là tác phẩm hư cấu, liệu có bao nhiêu sự thật ở trong đó?
– Tiểu thuyết này là hư cấu (hư cấu trong việc tổ chức kết cấu tác phẩm, nhân vật, tình tiết). Sự thật tàn bạo mới nói 60%. Có những sự việc đau đớn hơn rất nhiều, nhưng nhà văn không nên nói ra. Như thế man rợ lắm. Bi kịch của Quyên chưa phải là toàn bộ sự thật đâu.
– Việc nhân vật Quyên vượt biên sang Đức và bị cưỡng hiếp là chi tiết ông hư cấu cho tiểu thuyết?
– Không phải tất cả đàn bà vượt biên đều bị hiếp, nhưng những người đàn bà đẹp liều mạng vượt biên đều phải đối mặt với nguy cơ này. Khi Quyên ra đời, một phụ nữ tìm đến gặp tôi khóc rất nhiều, và nói “Quyên bị hiếp một lần, chứ em vượt biên mà bị cưỡng bức tới 7 lần”. Cô ấy rất đẹp, bảo “đời em như đời Quyên, đau khổ hơn Quyên, nhưng anh đã nói lên số phận của em”.
Khi viết Quyên tôi đã hỏi rất nhiều người đàn bà vượt biên. Kể cả cô có chồng ở bên vẫn bị cưỡng hiếp. Nó là hiện tượng, tình tiết điển hình cho văn học để phản ánh sự đau khổ, cho bi kịch tột đỉnh khi vượt biên.
– Những người bạn cùng đi lao động ở châu Âu với ông trước đây, bây giờ vẫn ở lại, cuộc sống của họ ra sao?
– Thế hệ người Việt ở châu Âu đến nay đã là thế hệ thứ ba. Đời sống thợ khách thế hệ thứ nhất chúng tôi đại đa số rất nghèo so với người dân ở đó. Về đây thấy bà con xông xênh mũ áo đừng nghĩ người ta giàu. Hầu hết cách bán lẻ buôn thúng bán mẹt như chúng tôi ngày xưa là không còn nữa. Đa số bà con ăn trợ cấp thất nghiệp, một thu nhập thấp nhất trong xã hội Đức.
Hiện nay có hai nghề ở Đức còn có thể kiếm được khá hơn: Làm nail, làm quán ăn uống. Hai nghề này đều vất vả; nail là chịu đựng hóa chất, làm đồ ăn cực khổ lắm. Bạn bè tôi bên đó vẫn cứ đứng xào mì 7-8 tiếng, thậm chí 10-12 tiếng/ngày. Nghề này tuy cực khổ nhưng vẫn có thể đút túi vài trăm euro một ngày. Nhưng số này chiếm 3-5% trong con số gần 10.000 người ở Đức.
Hình ảnh trong phim Quyên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, chuyển thể từ tiểu thuyết |
– Vẫn có quan điểm rằng họ vì nghèo khó nên mới phải ra đi?
– Nhận thức ấy chưa đúng hẳn. Bởi nếu làm công ăn lương, người dân Đức, người Anh cũng không làm giàu đột xuất được.
Đi xuất khẩu lao động hợp pháp thì không bao giờ xây được những biệt thự nhiều tỷ trong thời gian ngắn. Chu kỳ lao động hợp pháp khó mà tích lũy tiền nhanh để giàu có, xây dựng biệt thự như thế. Chỉ có con đường làm ăn phi pháp, trốn thuế, làm lậu, làm những công việc mà thế giới tiến bộ công kích như trồng và làm ma túy mới giàu xổi như vậy.
Việc ra đi để đổi đời nhanh chóng là không thực tế, hoặc nó có thực tế trên cơ sở anh phải vi phạm luật pháp, chà đạp công ước quốc tế đối với việc bảo vệ con người.
Ta không thể biện minh cho sự phi pháp đó bằng cái nghèo được, phải ủng hộ sự văn minh tiến bộ. Muốn làm giàu không phải là xấu nhưng làm giàu hay làm gì cũng phải nhận thức cho đúng. Không thể đi gian, bán lậu, chà đạp lên luật pháp chỉ để kiếm tiền nhiều mang về được.
Còn quyền mưu cầu giàu có là tự do, ta không thể phê phán được họ. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, ở lại đất nước vẫn có cơ hội làm giàu chứ. Nhiều người từ hai bàn tay trắng, bằng sức khỏe, trí lực, sự thông minh mà họ có thể làm giàu.
Đất nước nào cũng thế, cũng có cơ hội để làm giàu, phát triển. Đổ tội cho đất nước, cho nghèo khó là không nên. Rõ ràng trong việc này, để dòng di dân bất chấp pháp luật một phần có lỗi của các cơ quan quản lý, lỗi ở chỗ để các tổ chức buôn người vẫn còn hoạt động, đội lốt dưới nhiều hình thức xuất khẩu lao động.
– Khi viết “Quyên”, ngoài nghiêng xuống thân phận người phụ nữ, ông có ý nào cảnh báo?
– Tất cả bi kịch trong Quyên đều có thông điệp ngầm, cảnh báo: “Các bạn ơi, đây không phải chỗ để làm giàu”. Di dân, đi chui lủi thì bi kịch lớn lắm: Hạnh phúc gia đình tan nát, đời sống bấp bênh. Đi chui lủi không mang lại hiệu quả, hạnh phúc cho con người.
– Sau 35 năm làm việc nơi xứ người, hẳn ông còn nhiều tư liệu. Ông có định viết tiếp chủ đề này?
– Tôi viết Quyên không phải chỉ phản ánh một vấn đề. Đau khổ của di dân chỉ là một trong những vấn đề mà Quyên thể hiện. Tác phẩm đã ra mắt trọn vẹn rồi, tôi không quay lại chủ đề này nữa.
Tôi còn món nợ nữa là những người lính đã nằm xuống bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình. Tôi đang viết về chủ đề này.