“Đu tren với người nổi tiếng” – Lê Công Sơn
Trước cuốn sách trên, nhà báo Lê Công Sơn đã được biết tới với những cuốn tạp văn, khảo cứu như Răng mà thương mà nhớ (2018), Loanh quanh Sài Gòn (2020)… Đón năm mới 2024, Lê Công Sơn đã quyết định “mở kho” tư liệu báo chí bao năm của mình để viết “Đu tren với người nổi tiếng”.
Lê Công Sơn cho biết: “Sở dĩ tôi chọn thời điểm Tết Giáp Thìn 2024 ra sách vì đây là một giai phẩm xuân đầy chất hương. Đó là hương sắc xuân rực rỡ, hương vị Tết nồng nàn và hương lộc mới bừng sáng. Qua Đu tren với người nổi tiếng, tôi muốn tiết lộ nhiều câu chuyện lý thú, hấp dẫn mà khi viết báo, tôi chưa thể viết ra được. 36 người nổi tiếng Việt Nam, ở đủ các lĩnh vực sẽ cùng bật mí đến người đọc những câu chuyện tình tự kể, quá trình vượt khó đi lên của người nổi tiếng để truyền cảm hứng sống đến mọi người”.
Điều thú vị hơn là sau khi ra mắt cuốn sách, Lê Công Sơn đã đưa tới tận tay từng nhân vật trong sách để chụp hình giới thiệu.
Trong 36 nhân vật đó có người còn, có người đã mất nhưng gia đình vẫn nhận được sự quan tâm của tác giả. Theo nhà thơ Văn Công Hùng, cuốn sách là cuộc trò chuyện của Lê Công Sơn với nhiều người, và từ những chân dung và đối thoại đó độc giả lại thấy hiện rõ chân dung của chính tác giả – một nhà báo với kiến văn trầm sâu và mắt nhìn nồng ấm với cuộc đời.
Tác giả chọn người để đối thoại, và cuộc trò chuyện nào cũng cho thấy góc nhìn bao dung của người viết và những câu chuyện đầy gợi mở, để nhân vật bộc bạch hết tâm can, tự kể câu chuyện đời mình chân phương và sâu sắc, đưa ra những triết lý sống động về đời và nghề.
“Gia Định là nhớ – Sài Gòn là thương 2”- Cù Mai Công
Đây là cuốn sách nối tiếp của nhà báo Cù Mai Công viết về thành phố thân yêu của anh. Trải qua hơn 300 năm, vùng đất Sài Gòn – Gia Định giờ đã thành một “siêu đô thị” với 9 triệu dân. Theo đó, cái tên Gia Định và Sài Gòn không còn được sử dụng một cách chính thức. Tuy vậy, nhiều người vẫn quen dùng tên gọi cũ, như một cách gọi thân thương dành cho vùng đất này và có lẽ cũng có suy nghĩ như thế, Cù Mai Công đã lựa chọn cái tên này để tiếp tục viết về những hoài ức, những kỷ niệm.
Bạn đọc tiếp tục theo chân anh ghé thăm từng căn nhà, quan sát từng nếp sống của những gia đình xưa và được cung cấp thông tin độc đáo mà giờ ít người còn biết đến.
Trong tập 2 cuốn sách tác giả dẫn người đọc đi về vùng một thời còn là ngoại ô như khu vực Lăng Cha Cả, khu bùng binh Chợ Lăng, Trương Minh Ký, Nguyễn Minh Chiếu, Huỳnh Quang Tiên Nguyễn Huỳnh Đức… với những nhân vật nổi tiếng, những sinh hoạt mang dấu một thời. Những nẻo đường ngang dọc của ngoại ô này đã chứng kiến bao nhiêu phận người, phận đời trôi theo thời gian.
Xuất thân là nhà báo và chỉ viết những cuốn sách khảo cứu cách đây hơn 3 năm nhưng Cù Mai Công đã tỏ ra có nghề khi các cuốn sách như Dân Ông Tạ đó, Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương của anh đã trở thành các cuốn sách bán chạy bởi tìm được sự đồng cảm nơi người đọc.
Thú vị nhất là tiệm phở đã được Cù Mai Công nhắc tên đã đưa những cuốn sách trên của Cù Mai Công bán kèm cho khách ăn phở. Và rất nhiều khách đã đến quán ăn phở nhưng chủ yếu là để mua sách.
Theo tác giả, hơn 30 năm làm báo đã giúp cho hành trang của anh ăm ắp tư liệu. Vì thế dù không nói trước nhưng sự quan tâm yêu mến của người đọc đã khiến cho tác giả đang tiếp tục cho những cuốn tiếp theo.
Tập thơ không tên của Lê Thiếu Nhơn – Trần Hoàng Nhân – Ngô Nguyệt Hữu
Chơi thân với nhau từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường bởi sở thích yêu thơ, làm thơ, sau đó rủ nhau đi… làm báo, cả Lê Thiếu Nhơn, Trần Hoàng Nhân, Ngô Nguyệt Hữu đã bước vào tuổi trung niên với bộn bề công việc nhưng thơ vẫn là hành trang không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người.
Mới đây, cả ba chàng “ngự lâm” trong làng báo quyết định gom tiền in tập thơ của ba người, tập thơ không có tên vì chả ai nghĩ ra tên.
Trong tập thơ, mỗi người mang một sắc thái, một “chất giọng” rất riêng. Với Lê Thiếu Nhơn thì coi trọng thủ pháp diễn đạt. Anh luôn chịu khó tìm tòi, tốn thời gian để thể nghiệm bằng ngôn ngữ, hình ảnh, ẩn dụ…
“Bài thơ ngắn gọn mà nói được xa rộng, dễ đọc mà không dễ đi hết chiều sâu tâm tưởng. Chỗ ấy là thành công, mà cũng có thể còn một cách bức nào đó giữa sản phẩm và người tiêu thụ. Làm người đọc thân mình, mê mình tùy vào việc giải tỏa cách bức này. Việc ấy, Lê Thiếu Nhơn đang ráo riết làm và làm có hiệu quả”, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét.
Với Trần Hoàng Nhân, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại có cảm nhận rất khác: “Cách đây ít lâu, khi Trần Hoàng Nhân đưa bài thơ Lạy của anh lên trang cá nhân, tôi đã lập tức thích bài thơ này. Bây giờ tôi chọn viết về nó cũng là do mối đồng cảm tự nhiên. Thiết tưởng, đó cũng là bài thơ đại diện cho cách nghĩ, cách cảm của Trần Hoàng Nhân. Nó giống như từ khóa định nghĩa thơ anh và con người anh – điều mà chúng ta sẽ còn bắt gặp qua những bài “luận về nhân sinh” theo cung cách rất Trần Hoàng Nhân: Trời cho, Chuông, Bài tụng, Bài khấn… Chiêm bái là hình ảnh chúng ta gặp nhiều trong thi ca Đông phương nên với tôi có nét gì đó thân thuộc”.
Riêng với Ngô Nguyệt Hữu, nhà thơ Lê Minh Quốc lại có đôi dòng chia sẻ thú vị. Lê Minh Quốc cho rằng trong thơ, Ngô Nguyệt Hữu không ca, không hát mà lại lựa chọn đưa người đọc đi vào một thế giới khác thông qua những con chữ hiện hữu. Ngô Nguyệt Hữu lặng lẽ chuồi theo hàng triệu âm thanh dẫu ồn ào, hoạt cảnh dẫu náo nhiệt để bước vào cõi của riêng mình, để dọn lòng cho thơ bước tới.
“Cả ba nhà thơ đều là bạn của tôi rất lâu và tôi cũng đã đọc thơ của họ. Nhưng khi cầm trên tay tập thơ, tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc như khi tác phẩm của mình tìm được tri âm. Nếu ai đó đang cầm trên tay tập thơ này và đang đọc tức người đó là bạn và hy vọng trở thành tri âm của chúng tôi” – nhà thơ Lê Minh Quốc viết.
Nguồn: https://znews.vn/nhung-cuon-sach-thu-vi-cua-nha-bao-danh-cho-nam-moi-post1453326.html
You must be logged in to post a comment Login