Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, một số quận, huyện của TP.HCM đã tổ chức hoạt động tôn vinh gia đình kết hợp hoạt động phát triển văn hóa đọc với chủ đề “Ngày hội Văn hóa đọc và các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam”. Các hoạt động này gửi đi thông điệp “Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc” mà ở đó có văn hóa đọc.
Là người làm công tác khuyến đọc nhiều năm nay, đồng thời cũng là diễn giả tham gia nói về việc xây dựng tủ sách cho con trẻ trong gia đình trong hai ngày 25-26/6 vừa qua, ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM – đánh giá cao sự kết hợp giữa Ngày Gia đình Việt Nam và Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tiền đề xây dựng gia đình hạnh phúc
– Lần đầu tiên là diễn giả tại một chương trình như thế này, ông có cảm nhận gì về ý tưởng cũng như cách thức tổ chức hai ngày lễ 28/6 và 21/4?
– Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất (21/4) đã diễn ra thành công tốt đẹp ở TP.HCM. Hiệu ứng đó đã lan tỏa khiến quận Gò Vấp và quận Phú Nhuận nảy ra ý tưởng kết hợp giữa Ngày Gia đình Việt Nam và Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thành một ngày hội có chung hoạt động hướng tới văn hóa gia đình.
Đây là một mô hình hay, phù hợp, đem lại hiệu quả trong việc xây dựng gia đình văn hóa và cũng là cơ hội tiếp cận thị trường và lan tỏa văn hóa đọc của giới xuất bản.
Tại đây, tôi đã có bài thuyết trình về chủ đề “Cùng con đọc sách và xây dựng tủ sách cho con trong gia đình”. Bên cạnh đó, TS Quách Thu Nguyệt – nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ – cũng giao lưu với dân cư quận Gò Vấp về chủ đề “Đọc gì? Đọc như thế nào? Đọc hiệu quả?”.
Ngoài các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam như hàng năm, dân cư quận Gò Vấp và Phú Nhuận còn tổ chức triển lãm, trưng bày sách, ảnh liên quan đến văn hóa đọc; mở ra sân chơi bổ ích cho các em nhỏ với các trò chơi vẽ tranh, xếp chữ, tô màu, ca múa nhạc… Đây thực sự là một ngày hội cho các gia đình Việt, có ý nghĩa giáo dục và nhân văn, thu hút các em tại địa bàn dân cư đến với sách.
– Ngày hội tại địa bàn dân cư này đã nhận được sự hưởng ứng của người dân ra sao, thưa ông?
– Đường sách TP.HCM cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động, sự kiện giao lưu tác giả, tác phẩm và trưng bày sách. Nhưng chưa bao giờ số lượng tham gia lên tới cả nghìn người trong khuôn khổ một sự kiện.
Khi tham dự Ngày Gia đình Việt Nam kết hợp Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam ở địa bàn hai quận của TP.HCM, tôi nhận thấy đây thực sự là ngày hội của quần chúng. Nó được tổ chức tại không gian đông người. Lãnh đạo quận đã huy động, kêu gọi đông đảo cư dân trên địa bàn của mình. Họ cùng hưởng ứng, tham gia một cách tích cực.
Trước đây, các sự kiện lớn về sách chỉ được tổ chức ở trung tâm các thành phố lớn, người dân địa phương không có điều kiện tham gia. Nhưng đến nay, dân cư tại địa phương được tiếp cận sách, được lắng nghe các diễn giả nói về vai trò của sách, phương pháp đọc và xây dựng tủ sách trong gia đình. Tôi tin việc lan tỏa thói quen đọc sẽ trở nên dễ dàng và lan rộng hơn.
– Theo ông, sự kết hợp này mang lại ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng gia đình văn hóa?
– Sự kết hợp giữa hai ngày hội này có ý nghĩa khởi xướng, đặt nền móng góp phần cho việc phát triển văn hóa đọc trong gia đình, tạo dựng thói quen đọc cho các em nhỏ.
Tại quận Phú Nhuận, sự kiện này được tổ chức hôm 25/6, lấy tên là “Ngày hội gia đình và tuổi thơ”. Còn tại quận Gò Vấp, hoạt động có sự tham gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn lao động, Quận đoàn, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Giáo dục và đào tạo, Trung tâm văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao…
Tại sự kiện, lãnh đạo quận đã tôn vinh, khen thưởng các gia đình tiêu biểu và tổ chức các hoạt động liên quan tới việc tìm hiểu tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo dựng nền tảng tri thức cho con em. Điều này góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong gia đình. Nó vừa là hoạt động thiết thực với ngày 28/6, vừa khiến ngày 21/4 trở nên ý nghĩa hơn.
Sự kiện được tổ chức trong dịp này cũng rất phù hợp vì trẻ đang nghỉ hè. Các em có thể thoải mái vui chơi, giải trí và tìm hiểu tri thức thông qua các hoạt động tương tác với sách.
Các gia đình trên hai địa bàn này đã bắt đầu coi việc xây dựng thói quen đọc sách là một trong những tiêu chí để xây dựng gia đình văn hóa. Hay nói cách khác, sách đã đi vào cuộc sống, đi vào từng gia đình. Qua đó, chúng ta thấy rõ được vai trò của sách trong đời sống của người dân Việt.
Một số hình ảnh về sự kiện Ngày Gia đình Việt Nam kết hợp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại quận Gò Vấp và quận Phú Nhuận (TP.HCM). Ảnh: L.H. |
Nhân rộng mô hình khuyến đọc
– Việc phát triển văn hóa đọc từ đây sẽ có nhiều khởi sắc, thưa ông?
– Đối tượng tham gia vào hoạt động này đến từ nhiều cá nhân, đơn vị. Bên cạnh sự chủ trì tổ chức của UBND quận, còn có sự tham gia của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách và các trường học, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn cũng chung tay trưng bày, triển lãm sách, tổ chức các trò chơi, hoạt động tương tác cho thiếu nhi. Điều đó có nghĩa là toàn xã hội đều tham gia vào hoạt động khuyến đọc.
Có thể xem đây là một mô hình khuyến đọc hiệu quả do chính địa phương đứng ra tổ chức, đầu tư kinh phí, trang thiết bị và kêu gọi công chúng cùng tham gia. Cũng từ đây, hoạt động phát triển văn hóa đọc sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
– Muốn phát triển văn hóa đọc, phải tạo dựng thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Theo ông, chúng ta nên có hình thức kết hợp các hoạt động về sách với những ngày lễ dành cho các em nhỏ như Quốc tế Thiếu nhi hay Rằm Trung thu như thế nào để lan tỏa văn hóa đọc?
– Đây là lần đầu tiên một số địa phương tự đứng ra tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc kết hợp với một ngày lễ trong năm. Các hoạt động mới dừng lại ở trưng bày, triển lãm và trò chơi tương tác với sách chứ chưa thực hiện được các hoạt động sâu sát hơn liên quan đến đọc sách, nhưng cũng tạo nên hiệu ứng ban đầu cho các mô hình khuyến đọc.
Sách trưng bày là do các đơn vị (Fahasa, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, Phương Nam Book, Nhã Nam, Sbooks…) mang tới dưới sự chủ động kết nối của các địa phương. Còn lại là sách của các trường học, thư viện và đơn vị khác.
Tôi được biết vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 cũng đã có nơi tổ chức các hoạt động liên quan đến sách nhưng quy mô chưa được lớn. Tôi cho rằng các hoạt động, sự kiện về sách nếu được lồng ghép, kết hợp với các dịp lễ quan trọng thì càng đạt hiệu quả cao.
Hội xuất bản Việt Nam – Văn phòng phía Nam sẽ chủ động kết nối các địa phương cùng sự tham gia tích cực của các đơn vị xuất bản, phát hành sách để góp phần nhân rộng mô hình hoạt động văn hóa đọc kết hợp với Ngày Gia đình Việt Nam cũng như các dịp lễ như thế này trong thời gian tới.