Trước thềm năm học mới, nhiều đơn vị, cá nhân muốn tìm sách hỗ trợ việc dạy và học. “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” sẽ cung cấp kiến thức bổ trợ giúp học sinh học tốt.
Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – cho biết danh mục do Hội Xuất bản Việt Nam, Công ty Đường sách TP.HCM cùng các nhà xuất bản, công ty phát hành xây dựng. Hơn 600 cuốn sách trong danh mục theo sát từng chủ đề, chủ điểm của chương trình giáo dục hiện hành, thuận tiện cho giáo viên, học sinh sử dụng.
Đọc sách giúp phát triển năng lực tự học
– Dựa trên căn cứ nào để Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam, Công ty Đường sách TP.HCM xây dựng danh mục sách hỗ trợ dạy và học, thưa ông?
– Cơ sở để chúng tôi xây dựng danh mục này là những chủ trương đổi mới chương trình dạy và học của ngành giáo dục.
Điều lệ Trường tiểu học ban hành năm 2020, tại điều 18.3 quy định: “Nhà trường tổ chức lựa chọn, trang bị xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT; khuyến khích giáo viên sử dụng xuất bản phẩm tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo”.
Điều 14.2, mục d, Tổ chuyên môn: “Tổ chức cho giáo viên thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ GD&ĐT và UBND cấp tỉnh. Đề xuất các xuất bản phẩm tham khảo để lựa chọn sử dụng trong nhà trường theo quy định”.
Điều lệ Trường tiểu học cũng quy định về xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Điều 24.3: “Thường xuyên bổ sung sách, xuất bản phẩm tham khảo bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế tại nhà trường. Tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng tiếp cận sách và xuất bản phẩm tham khảo; có thể luân chuyển sách, xuất bản phẩm tham khảo giữa các lớp, điểm trường.
Rõ ràng, điều lệ trường học đều có các điều liên quan trang bị sách tham khảo, sử dụng sách tham khảo cho giáo viên, học sinh để phục vụ cho dạy và học trong nhà trường.
– Mục tiêu mà những người thực hiện danh mục sách hướng đến là gì?
– Danh mục này giúp học sinh thu thập và xử lý thông tin thông qua đọc sách phù hợp. Điều đó giúp phát triển năng lực tự học, đổi mới dạy và học, thực hiện tốt mục tiêu giáo dục phổ thông mới.
Thứ hai, các trường học có thể tham khảo danh mục khi trang bị sách cho thư viện trường. Sách trong danh mục sát với nội dung bài học, nên phù hợp nhu cầu nhà trường, từ đó tạo điều kiện để giáo viên, học sinh tiếp cận sách, thúc đẩy việc đọc cho học tập, hình thành thói quen đọc cho học sinh.
Thứ ba, khi lập danh mục sách này, thông qua Hội Xuất bản Việt Nam, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành lựa chọn những quyển sách chất lượng giới thiệu vào trong nhà trường. Điều đó vừa đáp ứng nhu cầu có thực của trường học hiện nay.
Đồng thời, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành căn cứ trên danh mục, có cơ sở định hướng đề tài tổ chức xuất bản sách mới phù hợp việc đọc trong nhà trường.
Một số sách hay được giới thiệu tới học sinh Long An vào năm 2018. Ảnh: Tùng Tin. |
Dựa trên chương trình giáo dục phổ thông mới
– Danh mục sách được hình thành như thế nào? Những ai tham gia để tạo nên chất lượng cho danh mục?
– Từ giữa năm 2020, chúng tôi bắt đầu triển khai công việc này. Cách làm của chúng tôi là dựa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, do Bộ GD&ĐT ban hành từ 2018.
Căn cứ trên chương trình này, một số nhà xuất bản làm sách giáo khoa, còn chúng tôi dựa vào để lập danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học. Chúng tôi căn cứ chương trình này lập danh mục chủ đề chi tiết các môn học.
Bước thứ hai, chúng tôi gửi danh mục chủ đề chi tiết đó xuống các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách như: Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, Công ty Nhã Nam, Công ty Trí Việt…
Ví dụ, môn Đạo đức có chủ đề “Yêu thương gia đình”, thì nên chọn sách gì cho phù hợp? Sau khi tham khảo, họ chọn sách phù hợp với chủ đề chi tiết các môn học.
Bước ba, sau khi tập hợp sách có chủ đề phù hợp nội dung học, cán bộ văn phòng Hội Xuất bản và một số cộng tác viên mang xuống nhờ hơn 50 thầy cô giáo tiểu học tại TP.HCM đọc, nghiên cứu bình chú theo bộ môn mà thầy cô đó đứng dạy.
Các thầy cô thẩm định chất lượng nội dung của những quyển sách đó có phù hợp với chuẩn mực nội dung, hàm lượng giáo dục không… Thầy cô cũng xác định những quyển sách này, quyển nào phù hợp với trình độ đọc, cấp độ lớp học…
Trước đây, một rừng sách miên man, phụ huynh không biết quyển nào phù hợp. Danh mục này sẽ giúp phụ huynh tham khảo để chọn sách cho con.
Ông Lê Hoàng
Bước bốn, từ kết quả thẩm định của hơn 50 thầy cô giáo, chúng tôi đã hình thành nên một danh mục hoàn thiện.
Chúng tôi dự định bước năm là thực hiện các buổi gặp gỡ với các cơ sở giáo dục để giới thiệu danh mục này. Sách thuộc danh mục cũng sẽ giới thiệu trên các sàn sách như Fahasa, Phương Nam, Book365… Tuy nhiên, do Covid-19, mọi thứ đang tạm ngưng.
Đây là công việc mà tôi rất tâm đắc, bởi góp phần thực hiện danh mục chi tiết, thiết thực cho học sinh.
– Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam và Công ty Đường sách TP.HCM sẽ phát hành sách vào trường học và trên các sàn thương mại điện tử?
– Chúng tôi không đứng ra cung cấp sách, mà chỉ tiến cử danh mục sách vào nhà trường. Các nhà xuất bản, công ty sách, sàn điện tử sẽ phát hành. Chúng tôi chỉ lập ra danh mục và kết nối các đơn vị làm việc cùng nhau.
Hội Xuất bản Việt Nam làm việc này phi lợi nhuận. Hội không làm việc kinh doanh thay cho các nhà xuất bản, phát hành.
Một trong các chức năng của Hội là tổ chức các hoạt động góp phần phát triển văn hóa đọc, góp phần thúc đẩy kinh doanh của các đơn vị thành viên xuất bản, phát hành.
– Ở trên, ông nói danh mục này sẽ hữu ích cho nhà trường xây dựng thư viện phù hợp. Danh mục này có thể gợi ý gì cho phụ huynh khi xây dựng tủ sách trong nhà, nhất là thời điểm học sinh học online nhiều như hiện nay?
– Từ danh mục sách này, phụ huynh quan tâm có thể dựa vào để tổ chức thư viện gia đình, phòng đọc sách gia đình, góc đọc sách cho con em mình. Danh mục là một mục tiêu bắn hai đích, vừa áp dụng trong nhà trường, vừa là danh mục tham khảo trong gia đình.
Tôi là người áp dụng đầu tiên danh mục này cho tủ sách gia đình của cháu tôi đang học tiểu học. Đây là danh mục tham khảo, nên không chỉ dành cho giáo viên, học sinh. Phụ huynh có thể lựa sách ở đó để giúp con em mình đọc sách sát chủ đề, chương trình học.
Trước đây, một rừng sách miên man, phụ huynh không biết quyển nào phù hợp để chọn cho con. Chúng tôi dự định đưa danh mục này lên mạng để các phụ huynh tham khảo khi chọn sách.