Connect with us

Sách hay

Truyện hay dưới mái trường

Được phát hành

,

Những cuốn sách về học đường của tác giả Việt Nam mang đến những cảm xúc mới lạ, ấm áp, lay động, dù với lứa tuổi học sinh hay người đọc trưởng thành.

Sach ve hoc tro anh 1

Một điểm đặc biệt trong các cuốn sách viết về thầy cô và mái trường là phần lớn các tác giả hay chọn điểm nhìn lùi về quá khứ. Phải chăng chỉ khi đã xa tuổi thơ, có độ lắng của thời gian và nhiều chiêm nghiệm của tuổi đời, người ta mới nhận ra rằng những câu chuyện dưới mái trường dù vui dù buồn cũng đều mang lại nhiều ý nghĩa.

Bởi thế, nhiều cuốn sách nhắc nhớ về thầy cô, mái trường được viết dưới dạng hồi ký, hồi ức, truyện kể. Có thể những nhân vật, tình tiết trong truyện được hư cấu, tưởng tượng, nhưng cũng có thể là những câu chuyện thật như nhà văn Duy Khán từng “nói với các con tôi về cuốn sách này” trong tác phẩm Tuổi thơ im lặng: “Những chuyện này bố nhớ và mang theo trong trí, nó từng đốt cháy tấm lòng suốt chặng đường bốn mươi mốt tuổi và hai mươi bảy năm cầm súng, làm Người đến suốt mai sau…”.

Tuổi thơ im lặng như được nhà văn Duy Khán rút ruột gan mà viết. Ông viết về người thân trong gia đình, viết về làng, về con mèo, con vện trong nhà, hay cả về những nấm mộ bên đường đi… và trong đó, viết về “Thầy Dung đi xa rồi” đầy xót xa: “Tôi về thăm trường không thấy thầy đâu. Tôi tập viết bằng được lối viết chữ như chữ của thầy. Chữ tôi từ đấy trở đi hoàn toàn giống hệt chữ thầy Dung. Giọng thầy giảng như vẫn văng vẳng đâu đây mà thầy đã đi xa rồi. Nghe nói thầy đi lặng lẽ và đi xa lắm!”.

Cũng ở dạng truyện kể nhưng nhà văn Lê Văn Nghĩa lại chọn lối viết hư cấu kết hợp với nhiều sự kiện, nhân vật có thật nên các tác phẩm như Mùa hè năm Petrus, Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ, Mùa tiểu học cuối cùng đều rất lôi cuốn không chỉ nhờ cốt truyện mà còn nhờ những chi tiết từ đời thực được tái tạo trong văn hư cấu.

Kể về những người bạn của ngôi trường mang tên Petrus Ký, nhà văn Lê Văn Nghĩa từng tâm sự: “Tôi viết quyển truyện này để nhớ những người bạn, nhớ ngôi trường thân yêu, nhớ thầy, nhớ cô, nhớ những kỷ niệm đẹp kể cả những điều không vui. Cứ coi như quyển truyện này là một cách để tôi đi tìm sự an lạc nhằm chống chọi với bệnh tật bằng những kỷ niệm của riêng tôi”.

Viết về những tháng năm đi học thì Mái trường thân yêu của tác giả Lê Khắc Hoan là cuốn sách không thể không nhắc đến. Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1964, cuốn sách đặc biệt về tình thầy trò trong thời chiến tranh bom đạn khó khăn đã trở thành một hiện tượng trong lịch sử xuất bản Việt Nam lúc bấy giờ. Làm nên sức hút của Mái trường thân yêu là câu chuyện có thật được kể với giọng văn giản dị, tự nhiên khiến lớp lớp độc giả những năm ấy và nhiều năm sau này luôn cảm thấy đó là câu chuyện của chính mình, của lớp mình, của trường mình, sinh động, chân thực và đầy cảm động.

Cùng với Mái trường thân yêu của Lê Khắc Hoan, Mái trường xưa của nhà văn Viết Linh cũng là một trong những tác phẩm được nhiều thế hệ độc giả yêu thích. Những tuổi thơ trong Mái trường xưa phải sớm trưởng thành trong những ngày tháng tản cư tránh giặc giã, súng đạn, nhưng niềm lạc quan và tình yêu thương cuộc sống, con người vẫn luôn tha thiết nơi trái tim của các nhân vật thiếu niên.

Cũng hoài nhớ về những năm tháng ấu thơ đi học nơi sơ tán, Đi trốn của tác giả Bình Ca lại đầy lôi cuốn với những tình tiết vừa hài hước, vừa phiêu lưu, nhưng cũng thật cảm động của “một ngôi trường mà sau bảy mươi năm, chỉ còn lưu giữ trong ký ức của một số ít người. Đó là Trại Nhi đồng Khe Khao, nhà trẻ nội trú đầu tiên của ngành giáo dục mầm non nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đọc Đi trốn, độc giả không khỏi bật cười trước những “thủ thuật đối phó” với thầy cô của đám “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” đầy nghịch ngợm, ma lanh.

Không lùi về quá khứ để viết về tuổi thơ dưới mái trường, cuốn sách thiếu nhi đầu tiên viết về chuyện học online thời Covid-19 – Cơ Bản là Cơ Bản – thật hài hước và sống động về chuyện học trực tuyến của học trò thời nay. Song, Cơ Bản là Cơ Bản không chỉ đơn giản viết về những tình tiết vui nhộn mà còn là câu chuyện xúc động của tình bạn, tình người và mở ra thế giới văn hóa giữa dân gian và hiện đại, giữa miền ngược và miền xuôi cho độc giả khám phá.

Trong những cuốn sách đề tài về mái trường còn có bộ ba tập Nhật ký cô giáo của tác giả Hồ Yên Thục với Học kỳ xuân, Học kỳ hè, Học kỳ thu đã mở ra những góc nhìn thú vị về môi trường đại học mà ở đó có biết bao câu chuyện đầy cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố. Điểm đặc biệt là bộ sách được viết bởi giọng văn dí dỏm, lôi cuốn về thầy và trò trong thời công nghệ 4.0: “Tôi thực sự yêu mến sinh viên của mình. Hàng ngày được ngắm những tâm hồn trong sáng và những trái tim thơ ngây là hạnh phúc ngập tràn. Tôi thương các em vô cùng vì cuộc đời xô đẩy cho em va vấp quá sớm. Vì em đã cho tôi cảm nhận gần hết những đắng chát và chua cay trong bài luận em viết. Mong rằng ngày mai trời đẹp và những con người mong manh ấy không vỡ vụn ra khi thấy bảng điểm tôi chăm chút từng con số”.

Bộ sách Nhật ký cô giáo cũng như nhiều cuốn sách viết về mái trường khác đều cho thấy giáo dục học sinh, sinh viên không chỉ là dạy kiến thức và hoàn thành công việc được giao mà còn rèn nhân cách, hướng đến xây dựng con người biết chia sẻ, biết tri ân, sống có trách nhiệm và có ích trong đời.

Nguồn: https://znews.vn/truyen-hay-duoi-mai-truong-post1449293.html

Sách hay

Sách về tình thầy trò của hai vị tướng nhận hai đề cử Sách Quốc gia

Được phát hành

,

Bởi

“Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã viết về ông Ba Quốc như vậy trong sách “Người thầy”.

tinh bao anh 1

Ông Ba Quốc (ngồi) và thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Tư liệu.

Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một tác phẩm giá trị về cuộc đời người tình báo, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc).

Trong cuốn sách Người Thầy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã khắc họa sâu sắc mối quan hệ đặc biệt giữa ông và người thầy đáng kính – Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc). Cuốn sách không chỉ kể lại những câu chuyện xúc động mà còn chứa đựng những bài học sâu sắc về lòng trung thành, sự hy sinh và ý chí phụng sự đất nước.

Cuốn sách Người thầy cho ta thấy mối quan hệ của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Ba Quốc – Đặng Trần Đức không chỉ đơn giản dừng lại ở mức độ thầy trò.

Ông Ba Quốc đã rèn luyện cho người lính trẻ Nguyễn Chí Vịnh biết, hiểu mọi thứ về nghề tình báo. Khi tác giả Nguyễn Chí Vịnh mới ở Việt Nam sang Campuchia ông cho làm ở Phòng N, sau xuống đội X, là đội nhận những nhiệm vụ quan trọng nhất của phòng.

Sau nhiều thử thách thì làm trợ lý trực tiếp cho ông Ba, rồi những bữa cơm chiều rỉ rả chuyện đời thường ông Ba kể chuyện cho học trò nghe về mọi điều đã trải qua trong đời mình, chuyện đời thường nhưng sau mỗi câu chuyện là kinh nghiệm, cách làm việc, đối nhân xử thế… đều là những bài học quý với thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

tinh bao anh 2

Sách Người thầy.

Kể hành trình dọc biên giới phía Bắc những năm còn chiến tranh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho thấy hình ảnh một người thầy tình báo can trường, đầy trách nhiệm.

Trong một lần di chuyển qua biên giới, khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị đổi vị trí ngồi vì lo ngại pháo kích, ông Ba Quốc đã khẳng định dứt khoát: “Không, tôi ngồi ghế trước.” Hình ảnh ông ung dung trên ghế trước trong bối cảnh biên giới căng thẳng là minh chứng sống động cho tinh thần dũng cảm và trách nhiệm của một người lính tình báo.

Đối với tướng Nguyễn Chí Vịnh, những câu chuyện bên bếp lửa tại nhà người dân ở Lạng Sơn hay những ngày rong ruổi trên đường số 4 đã trở thành những ký ức không thể phai mờ. Trong khoảnh khắc giản dị đó, ông Ba Quốc đã có dịp chia sẻ nhiều bài học từ kinh nghiệm thực chiến, từ lý tưởng sống cho người học trò.

Thông qua những câu chuyện quá khứ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được biết sâu hơn về con người ông. Đó là tình cảm sâu kín của người tình báo vĩ đại với đồng chí, đồng đội, với những người trong gia đình…

Cho đến những năm tháng cuối đời, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn ở bên người thầy của mình. Vào lúc đó, ông Ba đã tâm sự: “Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một”. Với ông, tình yêu chỉ có một là tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước có độc lập và hòa bình, người dân được hưởng hạnh phúc.

Cuộc đời của ông Ba Quốc không chỉ là tấm gương sáng về trí tuệ và bản lĩnh mà còn là bài học nhân văn sâu sắc. Cuối cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết: “Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Tình thầy trò giữa ông Ba và Thượng tướng Vịnh mãi mãi là biểu tượng của tình yêu, lý tưởng và sự hy sinh vì tổ quốc.

Với những giá trị to lớn, cuốn sách Người thầy đã được đề cử ở hai hạng mục là Sách được bạn đọc yêu thích và Sách Văn học – Nghệ thuật tại giải Sách Quốc gia 2024.

Nguồn: https://znews.vn/sach-ve-tinh-thay-tro-cua-hai-vi-tuong-nhan-hai-de-cu-sach-quoc-gia-post1512302.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

5 phút chốt đơn

Được phát hành

,

Bởi

Trong 5 phút chốt đơn, Alex Goldfayn miêu tả 16 tác nghiệp mất từ ba đến ba mươi giây trong ngày để bạn có thể tăng thêm từ 50% đến 100% doanh số của mình.

Cần tối đa 20 giây để viết ra mỗi hành động. Không cần tới 20 phút, mà chỉ 20 giây.

Lập kế hoạch và theo dõi ra sao không quan trọng – quan trọng là phải lập kế hoạch và theo dõi nhanh. Như vậy bạn mới có thể theo dõi được thành công của mình. Bạn sẽ nhìn ra làm gì thì hiệu quả. Và quan trọng nhất, bạn sẽ biết phải theo tiếp những việc gì.

Trước hết, hãy cân nhắc lập bảng theo dõi báo giá.

Hầu hết doanh nghiệp không có danh sách đầy đủ và chính xác các báo giá đã được gửi đi. Theo dõi báo giá là một công cụ đơn giản, nhưng có thể có tính cách mạng cho doanh số của bạn. Riêng nó thôi có thể giúp bạn tăng gấp đôi doanh số, chỉ cần bạn biết phải theo tiếp những báo giá nào đã được gửi đi. Chương 12 nói rõ về công tác theo dõi báo giá.

Chot don anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Yan Krukau/Pexels.

Bảng Theo dõi Hành động là để viết ra hành động chủ động của bạn, tiến triển, và kết quả trong tuần:

Đây là chỗ ghi lại từng hành động cùng những ghi chú ngắn gọn bạn đã nói gì, khách hàng hiện tại hay khách hàng tiềm năng đã nói gì.

Cột cuối cùng để ghi chú giá trị quy thành tiền nỗ lực của bạn – bất kể cơ hội đấy vừa mở ra hay có bước tiến đầu tiên. Tôi muốn bạn gắn giá trị quy thành tiền với các hành động chủ động ba giây của mình.

Cần tối đa 20 giây để viết ra mỗi hành động. Không cần tới 20 phút, mà chỉ 20 giây. Đọc thêm về công tác theo dõi trong chương 13.

Hệ thống này là chìa khóa tăng trưởng doanh số

Những bảng biểu này sẽ chuẩn bị để bạn thành công mỗi tuần và hiển thị những thành công đó cho bạn thấy. Viết ra mọi thứ sẽ khiến bạn phải có trách nhiệm. Chúng sẽ nhắc nhở bạn phải chủ động giao tiếp mỗi ngày. Chúng sẽ loại bỏ mọi ngờ vực bản thân và khiến bạn can đảm, vì những trang giấy giúp bạn theo dõi ấy sẽ tràn ngập những thành công và chiến thắng. Và chiến thắng đến rất nhanh.

Theo thống kê, một phần năm những lời mời chào sản phẩm bổ sung sẽ được chấp nhận và người ta sẽ mua hàng. Theo tiếp bằng thư chào hàng hay báo giá, và theo thống kê, một phần năm những lần chào hàng như vậy sẽ kết thúc là chốt được đơn hàng.

Hãy gọi cho khách hàng bạn đã không liên lạc gì từ ba tháng trở lên, và trò chuyện thoải mái để xây dựng quan hệ với họ và thảo luận những cơ hội mới. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu. Bạn sẽ làm tốt. Rồi tài khoản ngân hàng của bạn sẽ tăng lên.

Nhưng có thật năm phút mỗi ngày là đủ không?

Có, năm phút mỗi ngày triển khai những giao tiếp chủ động này là đủ.

Sẽ có những ngày bạn dành ra thời gian ít hơn nhiều. Sẽ có những ngày bạn bỏ ra không tới một phút, và trong khoảng thời gian đó, bạn sẽ đặt năm câu hỏi về sản phẩm và dịch vụ bổ sung. Những ngày chỉ dành ra được một phút, bạn vẫn có thời gian để hỏi khách hàng về những sản phẩm họ mua nơi khác mà bạn có thể hỗ trợ họ.

Hầu hết những lần chủ động gọi điện của bạn sẽ xong xuôi trong vòng năm phút đổ lại, và vẫn có thể thực hiện được nhiều tác vụ ở cột bên phải danh sách.

Có thể dài hơn năm phút không? Có chứ, nhưng không cần phải vậy. Bạn có thể dễ dàng đạt được mọi thứ bạn cần trong những cuộc gọi dưới năm phút. Còn muốn nói hơn năm phút ư? Cứ thoải mái, nếu bạn muốn.

Đây là công việc mang lại niềm vui, tinh thần tích cực, vì bạn đang hỗ trợ khách hàng trong khi cũng giúp chính mình, công ty mình, và gia đình mình. Trong Hệ thống hành động 5 phút chốt đơn, bạn cung cấp thêm giá trị cho khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng, họ sẽ tưởng thưởng nỗ lực của bạn bằng cách mua hàng!

Bạn hỗ trợ họ nhiều hơn, và họ trả tiền cho bạn vì thế. 5 phút chốt đơn là vậy.

Câu chuyện 5 phút chốt đơn thành công

Từ đây một số chương sẽ kết thúc bằng câu chuyện thành công thực sự từ một người bán hàng hay người làm nghề chuyên môn tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Tôi có hai mục tiêu trong các câu chuyện này: trước hết, tôi hy vọng tạo động lực và kích thích bạn triển khai Hệ thống hành động 5 phút chốt đơn; và thứ hai, tôi muốn chứng minh cho bạn thấy cách làm này hiệu quả, và hiệu quả nhanh chóng.

Tất cả những người kể chuyện đều đã tham gia vào một dự án tăng trưởng doanh số cùng tôi, trong đó tôi giúp công ty của thân chủ tăng trưởng trung bình 10-20%. Tôi có biên tập đôi chỗ cần thiết trong những câu chuyện đấy: tôi không nêu tên người cụ thể vì nhiều lý do hiển nhiên, và tôi cũng đổi tên. Nhưng tất cả chi tiết là thật, cũng như những con người đã trải qua các công việc đấy là thật.

Nguồn: https://znews.vn/bi-quyet-20-giay-moi-ngay-de-tro-thanh-sale-gioi-post1512301.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Lịch sử vú – cái nhìn mà bạn chưa từng mường tượng tới

Được phát hành

,

Bởi

Viết về bộ phận được cho là mang nhiều ý nghĩa biểu tượng trên cơ thể phụ nữ, “Lịch sử vú” của Marilyn Yalom là công trình khoa học thuyết phục và đầy hấp dẫn về vú phụ nữ.

Lich su vu anh 1

Tranh sử dụng làm bìa sách: Diana và thần tình yêu của Pompeo Batoni vẽ khoảng năm 1761. Nguồn: wikipedia.

Với rất nhiều thông tin mới mẻ và bổ ích, cùng các phân tích liên ngành được soi sáng và nuôi dưỡng bởi ý thức đấu tranh cho quyền phụ nữ và nữ quyền, Lịch sử vú còn đưa ra những góc nhìn nữ quyền sâu sắc và rất táo bạo .

Lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại

Cuốn sách này sẽ khiến bạn “suy nghĩ về vú phụ nữ theo cách bạn chưa từng mường tượng trước đây”. Đó là câu mở đầu vừa gợi tò mò nhưng cũng vừa “khiêu khích” của tác giả Marilyn Yalom.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà vị giáo sư Pháp ngữ và văn học so sánh này lại mở đầu như vậy. Bởi khi bạn đọc cuốn sách này của bà, bạn sẽ thấy tri thức về vú của mình còn nghèo nàn và tương đối hạn hẹp.

“Nhìn từ bên ngoài, vú đại diện cho một thực tại khác, và thực tại này khác nhau tùy theo con mắt của mỗi người nhìn. Trẻ sơ sinh nhìn thấy thức ăn. Đàn ông thấy tình dục. Các bác sĩ thấy bệnh tật. Doanh nhân nhìn thấy những dấu hiệu của đôla. Những người có quyền uy trong tôn giáo biến vú thành biểu tượng tinh thần, trong khi các chính trị gia chiếm dụng nó vì mục đích dân tộc chủ nghĩa. Những nhà phân tâm học đặt vú vào trung tâm của vô thức, như thể nó là phiến đá nguyên khối không thay đổi…”. Marilyn Yalom viết.

Thông thường, chúng ta hay nhìn nhận về vú ở chức năng làm mẹ và chức năng tình dục. Nhưng Marilyn Yalom lại cho chúng ta thấy lịch sử hàng nghìn năm của loài người là lịch sử vú và lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại.

Cuốn sách đưa chúng ta vào chuyến du hành vượt thời gian (từ thời các nữ thần Đồ đá cũ đến phong trào giải phóng phụ nữ vào cuối thế kỷ 20), xuyên không gian (từ vùng Trung Đông đến châu Âu và Mỹ…), xuyên qua diễn ngôn của các lĩnh vực khác nhau (bao gồm cả tôn giáo, chính trị, thương mại, khoa học, nghệ thuật…) để chứng kiến thân phận “bảy nổi ba chìm” của vú.

Theo trình tự 9 chương sách: “Vú linh thiêng”, “Vú gợi dục”, “Vú quốc dân”, “Vú chính trị”, “Vú tâm lý”, “Vú thương mại”, “Vú y học”, “Vú tự do” và “Vú trong khủng hoảng”, tác giả cho người đọc nhìn thấy mối liên hệ mật thiết giữa bầu vú người phụ nữ với lịch sử phát triển của nhân loại.

“Khởi thủy là vú mẹ”, mượn lại một lối nói trong Kinh Thánh, Yalom cho rằng đó là nguyên nhân đầu tiên khiến cho bầu vú được tổ tiên loài người xem là một vật linh thiêng, lý do mà vì đó ở thời tiền sử, họ “đã ban tặng cho các tượng nữ thần của mình những bầu vú tuyệt vời”.

Đến lượt các vị nữ thần, họ lại truyền cảm hứng cho các nền văn minh đến sau, từ thế giới Hy La qua đêm dài trung cổ, nơi vú hiện lên như là nguồn cội của sức mạnh nuôi dưỡng và ban phát của “mẹ thiên nhiên” mang tính biểu tượng và người mẹ cụ thể chăm sóc cho đàn con thơ bé của mình.

Sang thời Phục Hưng, tính chất gợi dục đã len lỏi vào trong những bức tranh vốn xuất phát từ truyền thống vú linh thiêng thông qua việc nhấn mạnh vào hành động cho con bú của người mẹ.

Dù cùng thể hiện hành động cho con bú nhưng hội họa Phục Hưng đã khác biệt so với các tranh Thánh trước đấy ở một khía cạnh cơ bản: bầu vú hiện lên vừa như là “một tín hiệu khêu gợi trong nghệ thuật” vừa như để “ám chỉ đến khoái cảm thuần túy”.

Lich su vu anh 2

Sách Lịch sử vú. Ảnh: NXBPNVN.

Lịch sử vú qua góc nhìn kinh tế, chính trị, giới

Trước khi bầu vú bị tình dục hóa chuyển sang bị chính trị hóa trong thế kỷ Ánh Sáng, bầu vú đã có một “thời kỳ chuyển tiếp” rất thú vị, khi nó hiện diện với tư cách “vú quốc dân” trong xã hội công dân Hà Lan thế kỷ 17. Hội họa Hà Lan thời kỳ này đã nhanh chóng xóa bỏ đặc tính phô bày bầu vú nhằm thỏa mãn dục vọng để đặt nó vào trong bức tranh sinh hoạt, hoặc đem đến tinh thần thương yêu của người mẹ đối với con cái…

Đến sau Hà Lan một thế kỷ, tư tưởng Khai Sáng của J.J. Rousseau và “niềm đam mê cho con bú mà ông truyền cảm hứng đã đi xuyên qua địa vị giai cấp, chính trị và biên giới quốc gia” để hình thành một phong trào chính trị rộng khắp ở châu Âu.

Nói về thời kỳ này, Marilyn Yalom cho biết không có thời điểm nào trong lịch sử – ngoại trừ thời đại chúng ta – người ta lại tranh cãi nhiều về vú hơn là thế kỷ 18. Khi các nhà tư tưởng thời Khai minh bắt đầu hành trình thay đổi thế giới, bầu vú đã trở thành một đấu trường cho các lý thuyết gây tranh cãi về loài người và hệ thống chính trị.

Kể từ đó, người ta bắt đầu yêu cầu phụ nữ dâng hiến bầu vú của mình để phục vụ lợi ích quốc gia và quốc tế. Trong thời kỳ chiến tranh và cách mạng, họ được khuyến khích độn vú “cho những chàng lính” hoặc để hở ra như là biểu tượng của tự do.

Không chỉ bị lôi kéo vào đời sống chính trị vú cũng bị lôi kéo vào đời sống kinh tế bởi “khả năng thương mại gần như vô tận” của nó, nhờ vào “sự phát triển của các sản phẩm dành cho vú” và các cách thức mà người ta mua bán “tư thế vú để trần trong nghệ thuật, truyền thông và giải trí, bao gồm cả nội dung khiêu dâm”.

Không chỉ đề cập đến lịch sử vú là lịch sử văn minh nhân loại, trong cuốn sách Marilyn Yalom còn bàn đến nữ quyền và quyền phụ nữ đối với bầu vú của mình, đồng thời nói về bệnh ung thư vú – cú sốc của bệnh tật đe dọa tính mạng của người phụ nữ.

“Ai là người sở hữu đôi gò bồng đảo đó? … Lịch sử văn hóa về vú chắc chắn nằm trong văn cảnh “triều đại của dương tượng” đã thống trị nền văn mình phương Tây trong 2.500 năm qua. Tuy nhiên, vú đồng thời đã có triều đại của riêng mình, chắc chắn là một triều đại được kiến tạo từ những huyễn tưởng của nam giới, nhưng là triều đại ngày càng thể hiện nhu cầu và ham muốn của người phụ nữ, mà rốt cuộc thì vú là của họ”, Marilyn Yalom viết.

Cũng liên quan đến quyền phụ nữ đối với bầu vú, Marilyn Yalom đã nêu ra một điều đáng suy ngẫm, đó là khi mà chỉ lúc lâm trọng bệnh, bầu vú mới thực sự là của riêng người phụ nữ. “Chính thực tại bi thảm của bệnh ung thư vú đã mang lại cho phụ nữ sự sở hữu trọn vẹn bầu vú của mình. Họ đang học, với cú sốc của bệnh tật đe dọa tính mạng, rằng bầu vú của họ thực sự là của riêng họ”.

Tóm lại, Lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại. Dù trải qua nhiều khúc quanh trong lịch sử, về cơ bản, vú luôn gắn cả chủ thể nữ – người mang vú và chủ thể chiếm dụng vú vì các mục đích riêng. Và từ cái nhìn này của Marilyn Yalom, chúng ta chắc chắn không thể nhìn bầu vú của phụ nữ như trước được nữa.

Nguồn: https://znews.vn/lich-su-vu-cai-nhin-ma-ban-chua-tung-muong-tuong-toi-post1512098.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng