Connect with us

Sách hay

Phong vị xuân xưa

Được phát hành

,

Sách tập hợp hơn 40 bài viết về phong tục ngày Tết, tác phẩm thơ, văn chủ đề mùa xuân của nhiều tác giả đăng trên một số sách, báo, tạp chí những năm 1920-1945.

Theo phong tục xưa, cứ đến Tết Nguyên đán, các nhà thường hay dán câu đối.

“Nhập thế cuộc bất khả vô văn tự,

Chẳng hay họ cũng phải dự một bài.

Huống chi người có sẵn văn tài,

Ngày Tết lại chẳng một hai câu đối”.

Ấy là người có văn tài mà giở chữ ra thì còn dễ chịu, chứ nhiều ông “không có gì” cũng “gọi là một chút”, rồi cũng một hai câu đối thì câu đối của ông ấy chửi đời lắm. Cũng vì thấy nhiều câu thực “chẳng ra gì” mà cũng viết, cũng dán nên đã có người làm câu dán mỉa đời rằng:

“Tết có gì, cũng viết loài viết xoài, cũng chữ hoài, dửng với họ ra điều học biệc! Xuân thì chơi, nào câu đối cây điếc, nào pháo phiếc, chán cho đời những sự tết tung”.

Rõ ra cái ý mỉa đời mà lại khéo dùng được nhiều những tiếng dịp đôi. Nhưng mỉa thì mỉa, ai chơi vẫn cứ chơi, cái thói dán câu đối Tết vẫn chưa bỏ được hẳn, nên cứ cuối năm các ông đồ, bác khóa là đã vác chiếu, vác mực, vác nghiên, vác bút ra ngồi ở hè phố “viết loài viết xoài” cũng kiếm được món tiêu.

Theo bà Thanh Quan, dân ta phần đông có duyên nợ với văn chương cả:

“Duyên với văn chương nên dán chữ / Nợ gì trời đất phải trồng nêu”.

Cái thói dán chữ bảo để còn được, chứ cái thói trồng nêu thì còn giữ làm gì. Trồng nêu, treo mũ, hoặc giắt cành đa, bảo là theo phù thủy pháp môn để cho quỷ nó biết rằng đất mình ở đây cũng là đất của Phật mà nó sợ không dám quấy nhiễu; nhưng, quỷ nào? Rõ mê tín hão huyền thật. Câu trên này chính là ý bài bác cái thói hủ ấy.

Lại còn cái thói cứ đến Tết là đốt không biết bao nhiêu là pháo mà phần nhiều là mua của Tàu cả, thực là “gánh vàng đi đổ sông Ngô”. Bây giờ có pháo của Tây làm, đốt khét lẹt, rõ là mua lấy cái dại.

Một thói hủ nữa là cứ đến tối 30 thì đem vôi bột rắc, vẽ hình cung tên ra ngoài cửa, bảo là theo phép của đức Văn Thù Bồ Tát để nạt quỷ dạ xoa… thêm bẩn cả mắt. Nhịn chẳng được, Tú Xương làm một câu, kêu:

“Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo / Nhân tình trắng thế lại bôi vôi”.

Thực ngụ ý bài trừ thói hủ, huyền hoặc vô lý ấy đi mà lại có ý than thở cho thiên hạ nhân tình lắm.

Hay là bảo đốt pháo, trồng nêu cho bọn mù nó biết là đến Tết, biết là đã xuân. Nhớ câu của Nguyễn Công Trứ làm cho một anh thầy bói rằng:

“Tối ba mươi, dờ cẳng đụng cây nêu, ờ Tết / Sáng mùng một, lắng tai nghe tiếng pháo, hừ xuân!”.

Tài là ra được giọng thầy bói ngây ngô chẳng biết rõ lúc nào là xuân, lúc nào là Tết, đến khi nghe thấy pháo, đụng phải nêu mới hay, thực là ngớ ngẩn.

Tài tình nữa là Yên Đổ, gần Tết có anh hàng thịt nọ đem biếu cụ bát tiết canh và đôi bồ dục để xin câu đối, cụ liền tức cảnh đọc ngay:

“Tứ thời bát tiết canh chung thủy / Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang”.

Nghĩa là bốn mùa tám tiết thay đổi thủy chung; gặp mùa xuân đến thì cây bồ liễu đều ý muốn điểm trang xuân sắc cả. Rõ thật là tả cảnh đầu xuân năm mới mà khéo dùng được những tiếng “bát tiết canh, đôi bồ dục” để ám chỉ nhà hàng thịt lợn…

Lại câu: “Uẩy ấy ai vặn máy tuần hoàn, đưa thoi ngọc để xoay trời đất lại /
Ừ mới biết rằng tay tạo hóa, tuông then xuân cho rạng nước non ra”.

Và câu dán cửa:

“Không dưng xuân đến chi nhà tớ / Có lẽ trời nào đóng cửa ai”.

Ý từ đều lưu loát cả, mà giọng văn đọc lên nghe thực mới. Câu dưới ý nói đầu năm xuân mới tới, trời mở cửa cho mọi sự gặp may cả, mà không phải dùng đến điển cố.

cau doi anh 1

Thầy đồ viết câu đối. Ảnh chụp hơn 100 năm trước, thuộc bộ sưu tập Albert Kahn.

Lại câu sau này:

“Uẩy! Tết đến đó rồi, chả lẽ giơ cùi cùng tuế nguyệt, Kìa! Xuân sang đó nhỉ, phen này mở múi với giang san”.

Nguyên là của một học trò, Tết đến chỉ có một quả bồng nên mới có những tiếng “giơ cùi, mở múi” mà lại tả nghĩa nghèo kiết, chả lẽ giơ cùi ngồi xuống, tất cũng có ngày mở múi mà ra mặt mới đời. Đối đã hay lại có khẩu khí.

Cứ nói đến “khẩu khí” thì lại nhớ đến Lê Thánh Tông. Gần Tết vua ăn mặc thường để đi xem xét nhân tình, qua một nhà kia vẫn thấy quạnh hiu không trang hoàng câu đối câu điếc gì cả.

Vua liền rẽ vào hỏi thì chủ nhà nói là vì làm nghề hèn hạ nên không dám dán chữ và bầy biện gì. Vua trông quanh nhà thì thấy ở một góc kia có chiếc cập tre và chiếc áo tơi, chừng đã hiểu nên bảo ngay nghề gì chả là nghề, lấy phân chả là nghề sao, sao lại tự hạ thế, để ta làm cho đôi câu đối. Chờ người đó lấy giấy bút lại, vua liền viết:

“Ý nhất nhung y, đởm thế gian chi nan sự / Đề tam xích kiếm, thu thiên hạ chi nhân tâm”.

Nghĩa nói: Khoác chiếc áo tơi, đảm đang việc khó ở thế gian; Cầm ba thước kiếm thu hết lòng người trong thiên hạ. Rõ là ra khí tượng ông vua mà tả được việc gắp phân là việc rất khó, mấy ai dám làm, thế mà khoác chiếc áo tơi, cầm cái cập bằng tre (trông như thanh kiếm) đảm đang được việc.

Nguyễn Hữu Chỉnh, ta thường quen gọi là Cống Chỉnh, nhân ngày Tết cũng làm hai câu dán cửa: “Mở khép càn khôn, có ra tay mới biết / Ra vào tướng tướng, thử liếc mắt mà coi”.

Cũng có cái ngữ khí người anh hùng lắm. Về sau, ông đem Tây Sơn ra Bắc Hà diệt Trịnh phù Lê, làm xoay chuyển cả đất trời (mở khép càn khôn), các quan khanh tướng đều phải khiếp sợ (ra vào tướng tướng).

Còn cái “cánh càn khôn” và cái “then tạo hóa” của Xuân Hương thì lại khác: “Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới /
Sáng mồng một, ngỏ then tạo hóa, để cho thiếu nữ rước xuân vào”.

[…]

Câu đối mà dùng được những tiếng tục ngữ để ghép lại thành thì thực là tài như câu dưới này, không nhớ được là của ai, làm để dán nơi điếm sở trong làng:

“Cấm đình, cấm đáo, cấm pháo thăng thiên, cấm tiền xóc ống, cấm búng sa quay, cấm xoay thò lò, cấm tuốt / Có bầu, có bạn, có ván cơm xôi, có nồi cơm nếp, có đệp bánh chưng, có lưng hũ rượu, có gì”.

Còn cảnh chùa làng. Ta xem câu đối dán Tết của một nhà sư dưới đây cũng đủ rõ: “Lá phướn phất ngang trời, bốn bể đều trông nêu Phật / Tiếng chuông kêu dậy đất, năm châu cũng tưởng pháo sư”.

Cảnh trường học. Truyền rằng Cao Bá Quát khi làm Giáo thụ, nhân ngày Tết làm dán nhà trường: “Mô phạm năm ba thằng mặt trắng / Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lưng vàng”.

Mặt trắng là người học trò (bạch diện thư sinh), lưng vàng là lương quan Giáo, ngày xưa chỉ ăn độ một hộc rưỡi gạo vàng mà thôi. Nhân tài như thế mà đãi một cách như thế; đỉnh chung, mô phạm nỗi gì, đến ai mà không oán vọng…

Nguồn: https://zingnews.vn/cau-doi-ngay-tet-post1181794.html

Sách hay

Internet và mạng xã hội có đang khiến cộng đồng trở nên độc ác hơn?

Được phát hành

,

Bởi

Trong thời đại của những chuyển biến xã hội liên tục, các vấn đề được bàn đến trong “Bức xúc không làm ta vô can” và “Thiện, ác và smartphone” khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Dang Hoang Giang anh 1

Tác giả Đặng Hoàng Giang. Ảnh: THB.

Bộ sách Thiện, ác và bức xúc thời đại, gồm hai cuốn sách Bức xúc không làm ta vô canThiện, ác và smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang xuất bản cách đây 10 năm, vừa được tái bản, có bổ sung những nội dung mới.

Chúng ta đang tạo ra các hệ lụy xã hội như thế nào

Bộ sách không chỉ là những quan sát sắc bén và những phân tích sâu sắc về quan điểm đạo đức, những bất công, bất bình đẳng và cấu trúc quyền lực trong xã hội hiện đại, mà chúng còn là lời kêu gọi mỗi cá nhân tự vấn về vai trò và trách nhiệm của bản thân.

Tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ, khi đọc lại các bài viết trong Bức xúc không làm ta vô can sau gần 10 năm xuất bản, ông không biết nên vui hay buồn vì chúng vẫn còn thời sự. Ví như, khi viết Rồi tất cả sẽ thành Đồ Sơn, tác giả không thể hình dung Phú Quốc, Tam Đảo và Đà Lạt sẽ bị “băm nát” một cách nhanh chóng như vậy, với Bà Nà và Cát Bà đang theo chân.

Hay gần nhất là về cụm từ “phông bạt” nổi rầm rộ trên khắp các diễn đàn xã hội, ai ngờ rằng người ta sẽ photoshop biên lai chuyển khoản ngân hàng cho từ thiện, thêm vào một vài con số để nhận được nhiều sự tung hô, sau bài viết Từ thiện câu like

Với 27 bài bình luận là những hiện tượng xã hội và trào lưu văn hóa phổ thông quanh ta: đi du lịch, làm từ thiện, phẫu thuật thẩm mỹ hay truyền hình thực tế được chuyển tải qua ngòi bút sắc sảo, hài hước và tư duy phản biện, đa chiều, Bức xúc không làm ta vô can giúp chúng ta đi xuyên qua bề mặt của các hiện tượng, đặt câu hỏi về những điều tưởng như hiển nhiên, hiểu hơn về cơ chế vận hành của chúng, và về những hệ lụy mà chúng tạo ra cho cộng đồng.

Đặc biệt, trong phiên bản mới của cuốn sách, tác giả Đặng Hoàng Giang đã bổ sung thêm một chương về chủ nghĩa thiên vị ngoại hình (lookism), chia sẻ quan sát của ông về sự ưu ái, thiên vị những người có ngoại hình đã và đang len lỏi trong các ngóc ngách của xã hội như thế nào.

Theo tác giả sách “Chủ nghĩa thiên vị ngoại hình tạo ra những bất bình đẳng và bất công. Khi còn nhỏ, học sinh có ngoại hình tốt được giáo viên ưu ái hơn. Lớn lên, người có ngoại hình ưa nhìn dễ xin việc hơn, nhận được mức lương cao hơn, dễ được đề bạt hơn”.

Với phần bổ sung này, tác giả chỉ ra việc chúng ta đang tạo ra các hệ lụy xã hội như thế nào khi chạy theo bản năng, đánh giá cao năng lực và phẩm chất của người có ngoại hình tốt, và ở chiều ngược lại, đánh giá thấp, thậm chí kỳ thị người lùn, người quá béo, quá gầy, người khuyết tật, và tước đi cơ hội phát triển, cũng như đóng góp cho cộng đồng của họ.

Dang Hoang Giang anh 2

Bộ sách Thiện, ác và bức xúc thời đại vừa được Thái Hà Books tái bản, có bổ sung những nội dung mới. Ảnh: THB.

Công cụ giúp ta dần hóa giải sự độc hại

Nhà báo, tác giả Trương Anh Ngọc từng nhận định về Thiện, ác và smartphone như sau: “Tôi luôn thích cách đặt vấn đề của Đặng Hoàng Giang. Những góc nhìn rất đa dạng và khách quan của anh vào vấn đề của cuộc sống và xã hội Việt Nam chắc chắn khiến những người có lương tri và trái tim không khỏi suy nghĩ”.

Cuốn sách đã phác họa sắc nét chân dung của văn hóa làm nhục thời mạng xã hội, khiến chúng ta rung mình vì sự xấu xí và sức phá hủy của nó. Nhưng đồng thời, những phân tích thấu đáo cũng buộc chúng ta phải đối diện với bản thân, và giật mình nhận ra đôi khi chính mình cũng đang góp phần nào ra bức chân dung đó, để hủy hoại người khác và hủy hoại bản thân.

Không dừng lại ở đó, tác giả còn chỉ ra con đường thoát bằng sức mạnh của sự điềm tĩnh và sự vững vàng của lòng trắc ẩn. Các bài viết này giúp bạn đọc ý thức rằng đằng sau những avatar ảo là con người thật, để phê bình mà không mạt sát, lên án nhưng không lăng nhục; để trong khi thượng tôn pháp luật vẫn trân trọng nhân phẩm con người; thấu cảm, khoan dung, tha thứ và hướng tới một xã hội của công lý phục hồi và hàn gắn, thay vì của trừng phạt tàn khốc.

Không chỉ nêu lên hiện tượng, Thiện, ác và smartphone còn đưa ra nhiều tầng phân tích để giải thích những cơn bão lăng nhục này hình thành và phát triển như thế nào, những cơ chế tâm lý, những ẩn ức nào nằm sau chúng, và chúng phá hủy nạn nhân ra sao. Hiểu được nguồn cơn và hệ lụy sẽ giúp chúng ta cảnh giác, để ta tránh trở thành một phần của đám đông cuồng nộ và ta giúp người khác cũng làm vậy.

Với lần tái bản này, tác giả Đặng Hoàng Giang còn giới thiệu thêm với độc giả một công cụ mà anh mới khám phá ra trong mấy năm gần đây là giao tiếp phi bạo lực, hay giao tiếp trắc ẩn (nonviolent communication).

“Thú vị là để dùng công cụ này ta bắt đầu bằng cách hiểu chính mình: ta phải nhận biết và biểu đạt được cảm xúc và nhu cầu của mình. Điều này có thể lạ lẫm với nhiều người Việt, bởi chúng ta đã quen với những căn dặn là ta phải nhịn, phải nhẫn, phải bỏ qua nhu cầu của mình, phải không được để cảm xúc của mình làm phiền người khác”.

“Nhưng tôi tin tưởng rằng công cụ này có thể giúp ta dần hóa giải sự độc hại và đứt gãy trong các quan hệ gia đình hay ở nơi làm việc. Tin tốt là gần đây đã có những cá nhân và tổ chức (được giới thiệu trong sách) âm thầm lan tỏa triết lý giao tiếp này trong cộng đồng và giúp chúng ta bắt tay vào thực hành nó”, tác giả sách chia sẻ.

Nguồn: https://znews.vn/internet-va-mang-xa-hoi-co-dang-khien-cong-dong-tro-nen-doc-ac-hon-post1512810.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Nghĩ lớn để thành công

Được phát hành

,

Bởi

Sách tiết lộ bí quyết, tư tưởng dám nghĩ lớn để thành công của Donald Trump, đồng thời truyền tải một phong cách sống, làm việc quyết liệt, kiên định, luôn hướng về phía trước của ông.

Trong sách “Nghĩ lớn để thành công”, Donald Trump tiết lộ ông không chỉ thừa hưởng trí tuệ mà còn học hỏi được rất nhiều điều từ người cha gốc Đức của mình.

Tôi đã hiểu được tầm quan trọng của sự đam mê nhờ cha mình. Cha tôi đã dạy tôi mọi thứ liên quan đến xây dựng, nhưng bạn có biết điều tôi thực sự học được từ ông là gì không?

Đó là niềm đam mê trong công việc. Cha tôi yêu công việc và ông không ngại làm việc cả thứ bảy và chủ nhật. Có lần, cha tôi tiến hành xây dựng một khu chung cư trong khi bên kia đường cũng có một khu nhà tương tự đang được xây dựng.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là thời gian hoàn thành và chi phí xây dựng công trình của cha tôi ít hơn mà khu nhà lại đẹp hơn khu nhà đối diện rất nhiều. Tôi đã học được từ ông rằng làm việc với niềm đam mê thật sự sẽ khiến ta vô cùng hạnh phúc và không bao giờ cảm thấy mệt mỏi.

Nhờ có cha mà tôi đã tìm thấy niềm đam mê trong công việc của mình. Tôi say sưa làm việc đến nỗi mỗi đêm chỉ ngủ từ 3 đến 4 giờ đồng hồ và luôn mong trời mau sáng để được bắt tay vào công việc.

Một trong những niềm đam mê mãnh liệt nhất của tôi là thực hiện những vụ thương lượng quan trọng. Tôi thích tham gia và giành chiến thắng trong các cuộc thương lượng. Tôi muốn áp đảo đối thủ và giành những quyền lợi béo bở về mình. Tại sao ư? Vì chẳng có cảm giác nào tuyệt vời hơn thế, thậm chí với tôi, cảm giác đó còn hơn cả ham muốn tình dục dù rằng tôi cũng là người thích tình dục.

Khi đạt được mục đích thương lượng của mình, khi cuộc đàm phán diễn ra theo chiều hướng mình mong muốn, bạn sẽ có cảm giác rất tuyệt. Có thể bạn đã nghe nhiều người nói rằng một cuộc đàm phán thành công là khi cả hai bên đều đạt được mục đích của mình. Điều đó thật phi lý. Đàm phán thành công có nghĩa bạn là người chiến thắng, chứ không phải đối phương. Trong các vụ thương lượng, tôi muốn đạt được một chiến thắng tuyệt đối. Đó chính là lý do tại sao tôi có thể thành công trong nhiều cuộc thương lượng quan trọng đến vậy.

Một niềm đam mê lớn lao khác của tôi chính là tạo nên những công trình xây dựng tuyệt đẹp, và đó cũng là đam mê dẫn dắt tôi đến thành công như ngày hôm nay. Phát triển xây dựng và bất động sản được coi là lĩnh vực có những yêu cầu rất khắt khe. Lĩnh vực này đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối và không được phép lơ là bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây tổn hại cho rất nhiều người.

Bất kỳ sơ suất nào cũng không được chấp nhận. Nhưng tôi yêu thích những thử thách mà một công việc đòi hỏi sự kỹ lưỡng và chính xác mang lại. Tôi nghĩ tôi đã làm tốt được công việc đó bởi tôi thực sự yêu thích nó. Và tôi đã áp dụng “chân lý” này trong mọi việc mình làm.

Donald Trump anh 1

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Tôi nhớ ở Tổ chức Trump có một nhân viên luôn thắc mắc không hiểu tại sao chúng tôi phải mất nhiều thời gian đến thế cho việc kiểm tra các công trình đã được hoàn thiện. Dù tên tuổi đã được khẳng định và các công trình do chúng tôi xây dựng đều được nhiều người biết đến và đánh giá cao, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện việc kiểm tra hết sức kỹ lưỡng.

Người nhân viên kia đã không hiểu được rằng chúng tôi làm việc đó để luôn đảm bảo rằng các công trình của mình phải đạt tiêu chuẩn tốt nhất và luôn duy trì được những tiêu chuẩn đó. Có thể với người khác đây là điều không cần thiết nhưng với chúng tôi, đó lại là điều vô cùng quan trọng.

Tôi thích mua những mảnh đất chưa được ai đầu tư và tự mình biến chúng trở thành cái gì đó thật nguy nga và tráng lệ. Vẻ đẹp và sự tao nhã, bất kể ở một người phụ nữ hay một tác phẩm nghệ thuật, đều là niềm đam mê của tôi. Cái đẹp không phải ở vẻ bề ngoài hay thứ gì đó chỉ để ngắm nhìn. Cái đẹp chính là một sản phẩm mang phong cách và được toát lên từ tận sâu bên trong. Với tôi, niềm đam mê cái đẹp luôn song hành với những thành công đã đạt được. Tôi muốn cả hai.

Khi đến văn phòng của mình trong tòa nhà Trump ở thành phố New York, tôi rất thích ngắm nhìn khu đại sảnh tráng lệ mà mình đã tạo nên. Tôi thích chứng kiến đám đông trầm trồ thán phục trước bức tượng cẩm thạch tuyệt vời cùng thác nước nhân tạo đẹp ngoạn mục cao gần 25 mét.

Tôi thích chứng kiến sự hưởng ứng mang cảm xúc, sự trầm trồ kinh ngạc và thái độ trân trọng của mọi người trước vẻ đẹp lạ thường của tòa nhà. Cảm giác của tôi và của họ cộng hưởng với nhau. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng tôi thấy gần gũi với họ hơn, bởi đó chính là cảm giác tôi đã từng có khi xây tòa nhà Trump này.

Nguồn: https://znews.vn/bi-mat-thanh-cong-cua-trump-tri-tue-vuot-troi-tu-gia-toc-duc-post1510769.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Kinh tế học tốt và kinh tế học tồi trong một thế giới bất ổn

Được phát hành

,

Bởi

Cuốn sách “Kinh tế học thời khó nhọc” của hai nhà kinh tế từng đoạt Nobel đưa ra các ý tưởng và giải pháp để xây dựng một xã hội nhân văn hơn.

Sau Hiểu nghèo thoát nghèo, bộ đôi nhà kinh tế học Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo từng chiến thắng Nobel năm 2019 tiếp tục cho ra mắt một cuốn sách bàn về kinh tế cho những người làm chính sách cũng như người bình thường mơ về một thế giới tốt đẹp và lành mạnh.

Cuốn sách Kinh tế học thời khó nhọc đưa ra giải pháp thuyết phục dựa trên chủ nghĩa can thiệp thông minh và một xã hội lấy lòng trắc ẩn và tôn trọng lẫn nhau làm cốt lõi khi thế giới đang được vận hành trên sự bất ổn.

Sach kinh te anh 1
Cuốn sách Kinh tế học thời khóc nhọc. Ảnh: NXB Trẻ.

Kinh tế học tồi bóp méo tranh luận công khai

Kinh tế học thời khó nhọc gồm 9 chương chính, đưa ra cách nền kinh tế đang vận hành như thế nào trước những vấn đề chung của nhân loại như tình trạng nhập cư và nạn phân biệt đối xử, quá trình toàn cầu hóa và sự sụp đổ của công nghệ, tốc độ tăng trưởng chậm và biến đổi thời tiết…

Một trong những tranh luận nổi bật nhất của nước Mỹ nói riêng cũng như các nước phát triển nói chung là vấn đề dòng người nhập cư. Phần lớn mọi người cho rằng dòng người nhập cư ồ ạt đổ vào đất nước của họ sẽ làm ảnh hưởng đến cư dân địa phương.

Cuốn sách đưa ra dẫn chứng về các cuộc di cư trong lịch sử chứng minh rằng dòng người đó không hề cướp mất việc làm của người bản xứ, thay vào đó giúp vạch trần những lỗ hổng trong dịch vụ công và nhà ở xã hội mà chính sách của quốc gia đó đang thực thi.

Qua đó, mọi người có thể thấy được việc nhập cư có vẻ có lợi cả với dân nhập cư lẫn dân địa phương. Nguyên nhân này bắt nguồn từ bản chất dị biệt của thị trường lao động và gần như không ăn khớp với câu chuyện cung cầu phổ thông.

Kinh tế học tồi tạo ra cơ sở cho việc tặng người giàu những món quà hào nhoáng, siết chặt các chương trình phúc lợi, đồng thời rao giảng ý tưởng nhà nước bất lực và tham nhũng, trong khi người nghèo thì lười biếng. Từ đó mở đường cho tình trạng bất bình đẳng và sự giận dữ khôn nguôi từ phần đông bộ phận người lao động nghèo.

Kinh tế học tốt trong thế giới bất ổn

Nhiệm vụ hàng đầu của Kinh tế học thời khó nhọc là làm thế nào để những hiểu biết sâu sắc này của hai nhà kinh tế học mang lại một thế giới nhân đạo hơn.

Một cuốn sách chỉ ra những trường hợp khi chính sách kinh tế thất bại, khi ý thức hệ che mắt khiến con người bỏ qua những điều hiển nhiên, nhưng cũng đồng thời cho thấy những hoàn cảnh và nguyên do mà kinh tế học tốt đã tỏ ra hữu dụng, nhất là trong thế giới ngày nay.

Khi con người tôn trọng lẫn nhau và giàu lòng trắc ẩn, mong muốn những điều tốt đẹp vì lợi ích chung là lúc kinh tế học tốt được thực thi.

Kinh tế học tốt đẩy mạnh việc phát thuốc kháng virus cho bệnh nhân HIV ở các nước đang phát triển để đảm bảo xét nghiệm được rộng rãi hơn và cứu sống hàng triệu sinh mạng. Cũng nhờ kinh tế học tốt mà sự ngu dốt và ý thức hệ đã bị đánh bại, giúp cho màn tẩm thuốc diệt côn trùng được phát miễn phí tại châu Phi, nhờ đó giảm một nửa số trẻ em bị tử vong do sốt rét.

Sach kinh te anh 2
Hai nhà kinh tế học Abhijit V. Banerjee (trái) và Esther Duflo. Ảnh: IMF.

Những nhà kinh tế vì người nghèo

Trước Kinh tế học thời khó nhọc, Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo từng nổi tiếng với cuốn sách Hiểu nghèo thoát nghèo. 2

Vậy nên, là những nhà kinh tế chuyên nghiên cứu các nước nghèo, hai tác giả hiểu rõ được thực trạng nền kinh tế đang diễn ra ra sao, đặc biệt là ở những quốc gia họ từng sống và làm việc. Họ cũng ý thức sâu sắc được rằng thực tế đáng chú ý nhất trong 40 năm qua là tốc độ thay đổi của nền kinh tế cả theo chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Kinh tế học thời khó nhọc bàn về cả các vấn đề cũng như cách thức để sửa chữa thế giới này, với hy vọng mang đến sự cân bằng và bình đẳng hơn giữa các quốc gia.

Kinh tế học tưởng tượng ra một thế giới năng động mà không có rào chắn ngăn cản. Kinh tế học là những ý tưởng, chúng có thể thúc đẩy để thay đổi. Khi các nhà kinh tế học sẵn lòng thử nghiệm các ý tưởng và giải pháp, cho dù có làm sai hay đúng, miễn là đưa đến cái đích tối thượng, chính là xây dựng một thế giới nhân văn hơn.

Nguồn: https://znews.vn/kinh-te-hoc-tot-va-kinh-te-hoc-toi-trong-mot-the-gioi-bat-on-post1509322.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng